Cả Pep Guardiola và Thomas Tuchel đều ưu tiên tiền đạo có thể lùi sâu, hỗ trợ tập thể và duy trì quyền kiểm soát bóng.
Kai Havertz là một số 9 ảo điển hình. Dù có thể chất để chơi quay lưng lại khung thành, song anh vẫn có thói quen lùi xuống trung lộ. Ảnh: Getty Images
Ở mùa giải này, người dẫn đầu danh sách ghi bàn cho Manchester City là Ikay Gundogan với 13 lần lập công. Danh hiệu đó bên phía Chelsea cũng thuộc về một tiền vệ là Jorginho với 7 bàn thắng (3 người xếp sau là Tammy Abraham, Mason Mount và Timo Werner đều có 6 bàn). Những con số này cho thấy cả Chelsea lẫn Man City đều không sở hữu một chân sút cự phách, thế nhưng, họ lại là hai ứng cử viên trong trận đấu cuối cùng tranh chiếc cúp bạc danh giá.
Trong một thập kỷ vừa qua, các CLB lớn của bóng đá thế giới được phát triển theo hai hướng: tập trung vào các ngôi sao, những tên tuổi lớn có thể một mình định đoạt số phận trận đấu hoặc dựa vào lối chơi mang tính tập thể. Mỗi hướng đi đều có ưu, nhược điểm riêng. Có điều, khi những cá nhân xuất chúng như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo ngày càng hiếm hoi (thực tế là cả hai cầu thủ trên cũng đang chơi những mùa giải cuối cùng của mình) và những chân sút toàn diện đang dần biến mất (ngoại trừ Robert Lewandowski) thì các đội bóng hiện tại và sau này đều sẽ phải dựa nhiều vào chiến thuật để thành công.
Vài năm gần đây, những đội bóng tiến sâu ở Champions League đều đi theo một công thức chiến thắng chung, đó là tìm cách tạo áp lực lên đối phương bằng một hang phòng ngự dâng cao. Họ cho phép cho các hậu vệ tạm “quên” đi nhiệm vụ phòng thủ truyền thống để có thể đoạt lại bóng một cách nhanh nhất hay tối thiểu là khiến đối phương có ít thời gian xử lý bóng nhất có thể.
Pep Guardiola và Thomas Tuchel cũng đang hoàn thiện Man City và Chelsea theo phong cách này. Cả hai đội bóng đều có thể kiểm soát bóng khi cần thiết và đều tập trung những gì tinh hoa nhất trong lối chơi của mình ở hàng tiền vệ. Trong số những người cùng thế hệ với mình, Thomas Tuchel có lẽ là HLV người Đức có nhiều điểm tương đồng nhất với Pep Guardiola. Vì thế, sẽ không có gì bất ngờ nếu cả hai chiến lược gia này sẽ tiến vào trận chung kết cúp Châu Âu sắp tới với một số 9 ảo trong tay: phía Man City là Kevin De Bruyne còn với Chelsea là Kai Havertz.
Tất nhiên, vai trò và cách hoạt động của từng cầu thủ sẽ khác nhau và khác rất nhiều so với những số 9 ảo tiên phong trong quá khứ như Francesco Totti ở AS Roma, Lionel Messi ở Barcelona hay phần nào đó là Cristiano Ronaldo ở Manchester United (trước khi anh tiến hoá thành một trung phong hoàn hảo những năm sau này).
Có một điểm chung giữa Man City và Chelsea là họ không hề chủ động lựa chọn sơ đồ với những số 9 ảo. Nói cách khác, đây là những phương án tình thế mà họ buộc phải sử dụng. Chấn thương dài hạn của Sergio Aguero và phong độ trồi sụt của Gabriel Jesus khiến Pep không có bất kỳ một trung phong thực thụ nào trong tay. Tân binh mà ông bổ sung khi ấy cũng là Ferran Torres – một cầu thủ mới chân ướt chân ráo đến CLB và hơn nữa cũng có sở trường là chạy cánh phải.
Hệ thống có số 9 ảo không phải là điều mà Pep Guardiola hay Thomas Tuchel chủ động lựa chọn ở đội bóng của mình mà chủ yếu do hoàn cảnh. Tại Manchester City, chấn thương dài hạn của Sergio Aguero và phong độ thiếu ổn định của Gabriel Jesus khiến Guardiola phải dùng số 9 ảo. Ảnh: Getty Images
Ở phía bên kia, Tuchel khá khẩm hơn khi sở hữu những tiền đạo đúng nghĩa nhưng ông lại không thực sự đánh giá cao Tamy Abraham, còn Olivier Giroud lại không phải là mẫu cầu thủ mà ông ưa thích. Tuchel mong muốn một tiền đạo cơ động hơn, như Andre Schurrle và Shinji Okazaki ở Mainz 05 hay Pierre-Emerick Aubameyang ở Dortmund. Khi tới Paris, Tuchel cũng có Neymar và Kylian Mbappe. Họ đều không phải là những mẫu số 9 cổ điển nhưng lại có khả năng lùi sâu về giữa sân hoặc chơi rộng ở hai biên.
Lúc này ở Chelsea, Werner và Havertz đang là hai sự lựa chọn ưu tiên của Tuchel cho vị trí tiền đạo cắm. Werner có vẻ không phải là một số 9 ảo đúng nghĩa dù anh cũng có khả năng di chuyển linh hoạt. Nếu cựu chân sút của RB Leipzig tỏ ra sắc sảo và may mắn hơn một chút để ghi được nhiều bàn thắng hơn (thay vì con số 12 khiêm tốn như hiện tại) thì anh hoàn toàn có thể trở thành một Aubameyang thứ hai của Tuchel – một tiền đạo nhạy bén, ưa thích những tình huống chạy cắt vào bên trong từ cánh trái.
Kai Havertz thì lại hội tụ đầy đủ yếu tố của một số 9 ảo. Anh là một tiền vệ tấn công luôn được tạo điều kiện để tự do dâng cao, có khả năng chơi quay lưng về phía cầu môn đối phương, có thể tự mình dứt điểm pha bóng hoặc tung ra những đường kiến tạo. Thế nhưng, nếu nhìn vào sơ đồ 3-4-2-1 mà HLV người Đức thường áp dụng cho The Blues thì Werner lại là sự lựa chọn thích hợp hơn vì sự nhanh nhẹn của anh có thể tạo ra khoảng trống cho những mũi tấn công từ phía sau băng lên.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng việc sử dụng số 9 ảo trong vài tháng vừa qua của cả Tuchel lẫn Guardiola chỉ đơn giản là phương án dự phòng để thích nghi với hoàn cảnh hay đây là bước phát triển tiếp theo trên con đường hoàn thiện chiến thuật pressing hiện đại của họ. Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất nhưng cách đặt vấn đề như vậy cũng không hoàn toàn hợp lý. Pep Guardiola chờ đợi điều gì ở nhân tố đóng vai trò trung tâm trên hàng công? Đó chắc chắn phải là người có khả năng dẫn dắt nhịp độ tấn công của đội bóng, đặc biệt là về khía cạnh chiến thuật. Đây phải là cầu thủ có khả năng di chuyển phù hợp nhất với phong cách của HLV, vừa có thể là người đứng ở vị trí cao nhất đồng thời lại có khả năng lùi sâu để tạo khoảng trống cho các đồng đội.
Những chấn thương của Aguero và sự sa sút phong độ của Jesus khiến Man City phải dựa vào Kevin De Bruyne để có bàn thắng. Ảnh: Getty Images
Nói một cách ngắn gọn, Pep không thực sự cần một số 9 ảo với tốc độ khả năng dứt điểm thượng hạng mà cần một số 9 ảo để 10 người còn lại có thể chơi bóng xoay quanh cầu thủ này. Cũng giống như việc ông luôn ưu tiên khả năng chọn vị trí và chơi bóng bằng chân ở thủ môn và trung vệ thay vì các phẩm chất truyền thống như phản xạ, cản phá hay không chiến.
Trước khi gặp phải chấn thương, Sergio Aguero là sự lựa chọn hoàn hảo cho hệ thống chiến thuật của Pep Guardiola. Gabriel Jesus cũng không phải là sự lựa chọn tồi nếu cầu thủ người Brazil tìm thấy sự ổn định. Trước Real Madrid ở mùa giải năm ngoái, khả năng pressing của Jesus ở bên trái và Foden trong vai trò tiền đạo lùi chính là những yếu tố quyết định mang lại chiến thắng cho đoàn quân của Guardiola.
Tuy nhiên, dù là “số 9 thật” hay “số 9 ảo” thì nhiệm vụ cuối cùng của một cầu thủ chơi trên hàng công vẫn phải là chọc thủng lưới đối phương. Đây là điều mà Pep không thể đặt trọn niềm tin vào Gabriel Jesus ngay cả trong một ngày đẹp trời chứ chưa nói đến khoảng thời gian đánh mất phong độ gần đây. Ở mùa hè tới, Pep chắc chắn sẽ chi tiền tấn để tìm kiếm một tiền đạo vừa ý, và cái tên đó nhiều khả năng sẽ là Harry Kane – chủ nhân của cả danh hiệu Vua phá lưới lẫn Vua kiến tạo ở Premier League mùa giải vừa rồi.
Cả Guardiola và Tuchel đều đang mang đến một định nghĩa mới cho vị trí tiền đạo, mà cụ thể là tiền đạo ảo. Sự tiến hoá của bóng đá đã khiến các chân sút của thời đại này có thể không hiệu quả và đáng sợ như cách đây 20 năm nhưng họ lại là những cầu thủ vừa có thể ghi bàn, vừa có thể lùi sâu hoặc dạt biên. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có HLV nào từ chối một tiền đạo có thể ghi 25 bàn một mùa nhưng có lẽ họ sẽ ưu tiên hơn một cầu thủ có thể kết nối và hoàn thiện cấu trúc cho đội bóng.
Nói rộng ra, các cầu thủ bây giờ được lựa chọn dựa vào những yêu cầu cụ thể và đặc biệt của từng chiến lược gia còn những tiêu chuẩn mang tính truyền thống (như tiền đạo phải biết ghi bàn, trung vệ phải biết tắc bóng, không chiến, thủ môn phải phản xạ tốt,…) chỉ còn là yếu tố đi kèm mà thôi.
Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.
Cho đến hết thời gian của hiệp 1 trận đấu giữa Brighton và Man City, đội khách có vẻ như đã có một thể trận đủ tốt để hướng tới việc chấm dứt chuỗi bất bại của mình.
Thông thường, mọi người cho rằng việc cao lớn là một lợi thế. Nhưng vấn đề là đôi khi những quan niệm thông thường này lại không cho ra kết quả chính xác cho lắm.
Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.
Chuyên trang phân tích dữ liệu The Analyst đã có bài viết để phân tích các loại hình phạt góc phong phú để xem đội bóng và cầu thủ nào đang có màn trình diễn tốt và kém nhất tại Premier League mùa giải này.