Những xu hướng của bóng đá châu Âu: Giảm sút xa, chi mạnh cho sao trẻ

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 09/08/2021 11:55(GMT+7)

Zalo

Không còn ai dứt điểm từ bên ngoài vòng cấm nữa, và không còn ai sẵn sàng “trả phí quá cao” cho những ngôi sao lớn tuổi nữa. Chuyện gì đang diễn ra trong thế giới bóng đá?

Những xu hướng của bóng đá châu Âu: Giảm sút xa, chi mạnh cho sao trẻ
Ảnh: Manchester United

Gần đây, Mark Taylor, một chuyên gia phân tích đã làm việc với một số CLB Premier League, đã xác nhận sự tiếp diễn của một xu hướng: Những cú sút “tồi” đang biến mất. 
 
Kể từ mùa giải 2013/2014, khoảng cách dứt điểm trung bình ở Premier League đã giảm gần như mỗi mùa: 
 
- 2013/2014: 17,9m
- 2014/2015: 17,4m
- 2015/2016: 17,2m
- 2016/2017: 17m
- 2017/2018: 16,8m
- 2018/2019: 16,5m
- 2019/2020: 16m
- 2020/2021: 16,3m
 
Liệu sự xuất hiện của dữ liệu bàn thắng kỳ vọng (xG) có phải là nguyên nhân chủ chốt của tình trạng này? Rất khó để đưa ra một câu trả lời khẳng định chắc chắn.
 
Hiện tại, mọi HLV hàng đầu đều biết về chỉ số này, và hầu hết các cầu thủ cũng vậy. Arsene Wenger đã đề cập đến nó trong một cuộc họp báo cách đây nhiều năm và Thomas Tuchel cũng đã làm như vậy vài tháng trước. Phần lớn các HLV không xây dựng các chiến thuật của họ dựa trên những gì dữ liệu xG hiển thị cho họ thấy và ý nghĩa của xG đối với cách hoạt động của môn thể thao vua – tuy nhiên, Tuchel có lẽ là một trường hợp ngoại lệ – nhưng thật khó để các nhà cầm quân phủ nhận một sự thật rằng vị trí dứt điểm càng gần khung thành thì khả năng bóng vào lưới càng cao. Chính vì vậy, những cú “nã đại bác tầm xa” đã không còn được ưa chuộng nữa – và thậm chí còn được giới phân tích gọi là “những cú sút tồi”.
 
Nhân tiện, chúng ta sẽ thực hiện một phân tích vui, dưới đây là một biểu đồ bao gồm những cầu thủ đã chơi ít nhất 900 phút ở Premier League 2020/2021 – về khoảng cách dứt điểm trung bình của họ (trục tung) đối chiếu với số cú dứt điểm mà họ thực hiện mỗi 90 phút ở các tình huống bóng sống (trục hoành). Có hai cầu thủ được làm nổi bật lên, cả hai đều sở hữu 2 đặc điểm là dứt điểm rất nhiều và sút xa rất nhiều – tức là thực hiện rất nhiều những cú sút “tồi”. 
 
Những xu hướng của bóng đá châu Âu: Giảm sút xa, chi mạnh cho sao trẻ
Ảnh: Stats Perform
 
Hiện tại, Arsenal đã được đồn đại là đang quan tâm đến Ruben Neves vào mùa hè này – để kết hợp với Thomas Partey, có nghĩa là một tuyến tiền vệ thích thực hiện những cú “nã đại bác tầm xa” sẽ được tạo nên – đây có thể là một câu chuyện đi ngược lại với quan điểm được nêu ra ở trên, nhưng trên thực tế, mọi quy luật đều có những trường hợp ngoại lệ. 
 
Có thể khẳng định rằng, hiện nay, hầu hết mọi đội bóng ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu đều có ít nhất 1 chuyên gia phân tích, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Bên cạnh đó, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào FBref và tham khảo tất cả những thông tin tuyệt vời mà họ cung cấp miễn phí cho mọi người. Chính vì vậy, ít nhất thì nhận thức về những việc không nên làm đã được định hình rõ ràng trong tư duy của những người “làm bóng đá” và quan tâm đến bóng đá: Không ký hợp đồng với những cầu thủ lớn tuổi, không vung tiền một cách thiếu suy nghĩ vào một “ngôi sao một mùa”. 
 
Giống như việc các đội bóng không thể thực sự bỏ qua logic đằng sau việc thực hiện những cú sút gần với khung thành hơn, có lẽ những ý tưởng cơ bản trên cũng đã ảnh hưởng đến đường lối tuyển dụng của các CLB hàng đầu. 
 
Hãy xem qua 25 thương vụ chuyển nhượng đắt giá nhất mùa hè năm 2021 cho đến hiện tại được liệt kê trên Transfermarkt. 10 trong số 25 thương vụ đó là những “món hời”, dựa trên mức định giá của trang web này dành cho họ, bao gồm vụ chuyển nhượng 85 triệu Euro đã đưa ngôi sao 21 tuổi Jadon Sancho gia nhập Manchester United từ Borussia Dortmund, trong khi mức định giá của Transfermarkt là 100 triệu Euro. Đây là một cách nhìn nhận không hoàn hảo, nhưng cũng chẳng phải hoàn toàn vô dụng. 
 
Thương vụ “trả phí quá cao” lớn nhất là khoảng 118 triệu Euro mà Man City đã chi ra cho Jack Grealish, trong khi Transfermarkt định giá anh là 65 triệu Euro. Bên cạnh đó, Marc Guehi chuyển đến Crystal Palace từ Chelsea cũng là một thương vụ “trả phí quá cao” đáng chú ý, bởi vì mức phí chuyển nhượng của anh lên đến 23,34 triệu Euro trong khi mức định giá của Transfermarkt là 10 triệu Euro. 
 
Đó là một số tiền rất lớn dành cho một cầu thủ chưa từng chơi một trận đấu nào ở một giải hạng nhất chuyên nghiệp, nhưng Guehi là người Anh, điều đó đã bổ sung thêm một khoản phí thậm chí còn lớn hơn vào giá trị nội tại thực sự của cầu thủ này bởi bối cảnh Brexit, và anh chỉ mới 21 tuổi. 

Những xu hướng của bóng đá châu Âu: Giảm sút xa, chi mạnh cho sao trẻ
Ảnh: Getty Images
 
Trong số 12 cầu thủ được “trả phí quá cao”, chỉ có 2 người trên 24 tuổi: Tiền đạo 27 tuổi Jhon Cordoba (chuyển từ Hertha Berlin đến Krasnodar ở Russian Premier League) và tiền đạo 29 tuổi Danny Ings (chuyển từ Southampton đến Aston Villa). Trên thực tế, độ tuổi trung bình của 25 cầu thủ đắt giá nhất mùa hè này chỉ là 23,12. Thời kỳ đỉnh cao phong độ của một cầu thủ hàng đầu thường nằm trong khoảng từ 24 đến 29 tuổi. Vào thời điểm này, khi các đội bóng quyết định vung tiền mạnh tay cho các cầu thủ, có vẻ như phần lớn trong số họ đang muốn đảm bảo rằng mình sẽ có thể tận dụng toàn bộ những năm tháng đỉnh cao của một cầu thủ. Họ đang trả tiền cho tương lai, thay vì quá khứ. 
 
Thực hiện một so sánh, hãy quay trở lại mùa giải 2013/2014, hay còn gọi là mùa giải cuối cùng trước khi tất cả mọi người bắt đầu dứt điểm càng lúc càng gần khung thành hơn. Trong số 25 cầu thủ đắt giá nhất vào mùa giải đó, chỉ có 5 người thuộc dạng “món hời”, và độ tuổi trung bình là 24,32. 
 
Vào thời điểm này, không một đội bóng nào có thể “sống tốt, sống khỏe” với một “chế độ kiêng cử” yêu cầu chỉ được thực hiện những cú dứt điểm thật gần khung thành, và hầu hết các đội bóng đều không thể chỉ lấp đầy toàn bộ đoàn quân của mình với những cầu thủ 21 tuổi. Và khi thị trường thay đổi mạnh mẽ theo một hướng, nó sẽ bắt đầu tạo ra những thứ giá trị mà trước đó không tồn tại. 
 
Khi các đội bóng mạnh nhất thế giới trở nên ngày càng thiên về tấn công, chúng ta đã được chứng kiến những đội bóng như Atletico Madrid, Leicester City, và Lille giành chức vô địch ở giải VĐQG của họ bằng những hệ thống chiến thuật đặt phòng ngự làm ưu tiên hàng đầu. Trường hợp tương tự, khi NBA chuyển hướng sang ngày càng ưa chuộng những “chuyên gia ném 3 điểm” và các “bậc thầy lên rổ”, thì những “nghệ sĩ ném tầm trung” vẫn có thể thăng hoa. 
 
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu tại KU Leuven – một trường đại học ở Bỉ – đã công bố một bài luận ở Hội nghị Phân tích Thể thao MIT Sloan của năm nay có tiêu đề “Có những cơ hội ghi bàn đang bị bỏ phí trên sân đấu: Đánh giá khả năng ra quyết định trong bóng đá”. 
 
Nội dung của nó dựa trên tiền đề rằng, trong khi một cú dứt điểm có khả năng thành bàn thấp đương nhiên là “tệ hơn” một cú dứt điểm có khả năng thành bàn cao hơn, nhưng đôi khi khả năng có được một cú dứt điểm có khả năng thành bàn cao từ một vị trí nhất định trên sân đấu là rất thấp, vậy nên việc cố thực hiện một cú sút xa thực sự là một quyết định đúng đắn. Và họ đã kết luận:
 
“Đầu tiên, chúng tôi đã xem xét chuyện liệu sút luôn hay tiếp tục di chuyển quả bóng khi đang ở một vị trí bên ngoài vòng cấm sẽ có khả năng mang đến một bàn thắng cao hơn trong 1 đến 2 hành động tiếp theo. Chúng tôi đã nhận thấy rằng đối với mỗi đội bóng, có một số khu vực cụ thể mà việc dứt điểm ngay có khuynh hướng trở thành một quyết định hay hơn so với việc cố di chuyển quả bóng với hy vọng có thể tạo nên một cú sút có khả năng thành bàn cao hơn.  

Những xu hướng của bóng đá châu Âu: Giảm sút xa, chi mạnh cho sao trẻ
Ảnh: Getty Images
 
Thứ hai, chúng tôi đã nghiên cứu về chuyện điều gì sẽ xảy ra nếu một đội bóng tăng hoặc giảm tần suất sút xa của họ trong suốt một mùa giải. Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng, có những cơ hội ghi bàn đang bị bỏ phí trên sân đấu với ‘chính sách’ dứt điểm hiện tại của các đội bóng. Nếu họ mạnh dạn tăng tần suất sút xa ở một số khu vực cụ thể, họ có khả năng cao sẽ ghi thêm được vài bàn thắng trong một mùa giải.”
 
Dựa trên các khía cạnh có thể định lượng, những cú sút xa là một yếu tố rất cần thiết để tạo ra không gian cho những cú sút cự ly gần. Nếu muốn thành công trong cuộc chơi chiến lược, thì sự linh hoạt và khả năng kết hợp nhiều yếu tố là cực kỳ quan trọng. Nếu một đội bóng hoặc một cầu thủ không bao giờ sút xa và các cầu thủ phòng ngự của đối phương không cần phải lo lắng về điều đó, họ có thể chỉ cần tập trung vào việc ngăn chặn những cú sút bên trong vòng cấm và khiến cho “giá trị” của những cú dứt điểm đó trở nên kém hơn so với trước đây.
 
Bởi vì số tiền một CLB có thể chi ra trên thị trường chuyển nhượng, về mặt lý thuyết, sẽ bị giới hạn bởi doanh thu mà họ kiếm được trong mỗi mùa giải, nên giá trị của các cầu thủ đều có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu trung bình các CLB đang chi quá nhiều tiền cho những cầu thủ lớn tuổi, vậy thì những cầu thủ trẻ tuổi sẽ có phí chuyển nhượng thấp hơn “giá trị nội tại thực sự”, và ngược lại. 
 
Trong số 25 cầu thủ được Transfermarkt định giá cao nhất đã thay đổi CLB trong mùa hè này, 6 trong số họ là những người từ 27 tuổi trở lên. Tất cả 6 cầu thủ này đều đã chuyển đi với mức phí chuyển nhượng thấp hơn mức định giá của Transfermarkt dành cho họ, và 4 trong số họ – David Alaba, Hakan Calhanoglu, Memphis Depay, và Giorginio Wijnaldum – đã gia nhập CLB mới theo dạng chuyển nhượng tự do. 
 
Không ai trong số họ được định giá dưới 27 triệu euro trên Transfermarkt . Điều đó có nghĩa là CLB chủ quản trước đó của họ đã bị mất đi một khoảng doanh thu lớn. Tất nhiên, đây không phải là một bằng chứng khẳng định rằng những cầu thủ lớn tuổi đang bị xem nhẹ so với giá trị nội tại thực sự. Ở nhiều mức độ, tất cả bọn họ đều đã quyết định từ chối gia hạn hợp đồng của mình với CLB chủ quản trước đó, chờ cho nó gần kết thúc hoặc chính thức kết thúc, đây là một động thái mà có vẻ như ngày càng nhiều cầu thủ đang cân nhắc. Thêm vào đó, các đội bóng thường phải trả những mức lương rất cao cho những cầu thủ mà họ có được theo dạng chuyển nhượng tự do. 
 
Với những động thái đã diễn ra cho đến thời điểm hiện tại  của mùa hè 2021, chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng các đội bóng đã không phải “trả phí quá cao” để có được sự phục vụ của những cầu thủ lớn tuổi đã thành danh. 
 
Có vẻ như cả hai xu hướng được đề cập trong bài viết sẽ không sớm thay đổi. Các CLB trên khắp châu Âu đã càng lúc càng trở nên khôn ngoan hơn, dựa trên các quyết định mà họ đưa ra với nền tảng là “thông tin bán khách quan” thay vì quan niệm “thế giới đã luôn làm như vậy mà!”. Hoàn toàn có thể khẳng định chắc nịch rằng khoảng cách dứt điểm trung bình sẽ tiếp tục giảm xuống ở mùa giải 2021/2022, và sẽ ngày càng có nhiều hơn những khoảng tiền khủng được chi vào các cầu thủ đang ở đầu độ tuổi đôi mươi trong nửa thập kỷ tới.    
 
Nhìn chung, đó là hướng đi đúng đắn dành cho hầu hết các CLB, nhưng chưa chắc sẽ là những khuynh hướng tồn tại vĩnh viễn. Có thể 10 năm nữa, cách thức để tìm kiếm những giá trị đặc biệt và xây dựng nên một đội bóng có khả năng chinh phục các danh hiệu sẽ khác đi một chút: Mua về một loạt những lão tướng ở độ tuổi 30 và chỉ đạo các cầu thủ dứt điểm từ ngoài vòng cấm nhiều hơn. 
 
Theo Ryan O’Hanlon, No Grass in the Clouds.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

X
top-arrow