AFF Cup 2020 là giải đấu không thực sự thành công với ĐT Việt Nam và HLV Park Hang-seo mà ở đó, nhiều vấn đề tồn tại trong lối chơi đã bị bộc lộ trước các đối thủ cùng khu vực. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến điểm sáng từ những cá nhân vẫn duy trì được phong độ ấn tượng của mình.
Điểm sáng cá nhân
Nếu như lối chơi của tập thể không cho thấy một hình ảnh ổn định xuyên suốt giải đấu, thì phong độ ấn tượng của hai tiền vệ trung tâm Quang Hải và Hoàng Đức có thể xem là một dấu ấn rõ nét của ĐT Việt Nam ở giải đấu lần này. Không chỉ là hai cầu thủ có đóng góp vào các bàn thắng nhiều nhất, hai cái tên này còn thể hiện tầm ảnh hưởng lớn lên lối chơi của cả đội bóng.
Là hai cầu thủ Việt Nam có số phút thi đấu nhiều nhất tại AFF Cup 2020, Hoàng Đức và Quang Hải có thể xem là những nhân tố không thể thay thế tại ĐTQG vào thời điểm hiện tại.
Đảm nhiệm trọng trách kiến thiết trong lối chơi của đội tuyển, Quang Hải đã chứng minh đẳng cấp của mình ở gần như mọi trận đấu có mặt trên sân. Không một cầu thủ Việt Nam nào tạo cơ hội nhiều hơn Quang Hải tại kỳ AFF lần này. Và có lẽ cũng không một cầu thủ Việt Nam nào để lại nhiều tiếc nuối như Quang Hải với những khoảnh khắc xuất thần của tiền vệ này trong hai trận bán kết với Thái Lan.
|
Quang Hải thể hiện dấu ấn với những tình huống kiến thiết ấn tượng |
Không chỉ xử lý bóng với sự đột biến và tốc độ rất cao, Quang Hải vẫn cho thấy được sự nguy hiểm ở các tình huống dứt điểm. Ở một giải đấu được chơi tự do hơn và gần với phạm vi trung lộ, tiền vệ sinh năm 1997 dường như phát huy tối đa những phẩm chất của anh.
|
Quang Hải và cầu thủ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội dứt diểm nhất tại AFF Cup 2020 |
Nếu như Quang Hải xuất sắc trong vai trò của một tiền vệ kiến thiết, thì AFF Cup 2020 là nơi Hoàng Đức xây chắc vai trò trụ cột ở khu vực trung tuyến tại ĐT Việt Nam. Khi HLV Park Hang-seo linh hoạt sử dụng sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2, Hoàng Đức luôn là sự lựa chọn số một của chiến lược gia người Hàn Quốc ở giữa sân. Khi ĐT Việt Nam cần sự cân bằng, Hoàng Đức được bắt cặp cùng Tuấn Anh, nhưng một khi ĐT Việt Nam muốn đẩy cao cường độ tấn công, tiền vệ sinh năm 1998 thậm chí được sử dụng ở vai trò tiền vệ phòng ngự, để Quang Hải và Văn Đức có được không gian hoạt động tốt hơn.
|
Hoàng Đức đánh dấu vị trí chính thức của mình tại ĐT Việt Nam và trở thành người cầm trịch tuyến giữa |
Một giải đấu dù không thành công trên khía cạnh tập thể, nhưng là một màn quảng bá không thể tốt hơn cho chất lượng đến từ cặp đôi tiền vệ trẻ của ĐT Việt Nam. Cả Quang Hải và Hoàng Đức đều đã phát triển vượt bậc, trở thành những cầu thủ dạn dày với chất lượng chuyên môn ở đẳng cấp hàng đầu của khu vực. Và thậm chí, họ còn có thể tiến xa hơn.
|
Thống kê số phút thi đấu của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2020 |
Bên cạnh Quang Hải và Hoàng Đức, kỳ AFF Cup lần này cũng chứng kiến sự tiến bộ của hai nhân tố mới mẻ tại ĐT Việt Nam là trung vệ Thành Chung và hậu vệ cánh phải Tấn Tài.
Cầu thủ của CLB Hà Nội chính là người đã khiến sự kiên định trong việc sử dụng bộ 3 Duy Mạnh – Ngọc Hải – Tiến Dũng phải thay đổi. Thành Chung là trung vệ thi đấu nhiều thứ 2 của ĐT Việt Nam ở giải đấu này, đá chính 5/6 trận đấu. Sự quyết liệt, sức mạnh và lợi thế về thể hình giúp Thành Chung có một giải đấu ấn tượng. Sẽ không bất ngờ nếu cầu thủ sinh năm 1997 tiếp tục được HLV Park Hang-seo tin tưởng trong những trận đấu tiếp theo.
Hồ Tấn Tài cũng là một cái tên đáng nói trong những gương mặt đã thể hiện tốt tại giải đấu lần này. Tư duy tấn công rõ rệt, tốc độ đoạn ngắn và khả năng đưa bóng vào vòng cấm hiệu quả là giá trị mà cầu thủ của Topenland Bình Định tạo nên. So với Văn Thanh và Hồng Duy, Tấn Tài là người có số quả tạt chính xác nhiều hơn, và cũng là người tạo ra số pha dứt điểm vượt trội hơn.
|
Tấn Tài luôn chơi ấn tượng với khả năng hỗ trợ tấn công biên khi được trao cơ hội |
Nếu Hoàng Đức cùng Quang Hải tiếp tục khẳng định dấu ấn đậm nét của mình, thì Thành Chung và Tấn Tài nổi lên là hai gương mặt mới mang nhiều niềm tin của ĐT Việt Nam.
Thiếu kiên định trong lối chơi
Không còn là hình ảnh sơ đồ 3-4-3 cùng định hướng phòng ngự - phản công xuyên suốt trong hành trình lên ngôi tại AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam đã thực sự phải đối mặt với nhiều thử thách hơn trong việc lựa chọn các phương án chiến thuật ở giải đấu lần này. Vị thế của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo rõ ràng đã thay đổi rất nhiều, điều đó khiến ý đồ tiếp cận trận đấu của các đối thủ cũng có sự thay đổi.
Minh chứng rõ nhất đến trong cuộc đối đầu với Indonesia, đội bóng sẵn sàng phòng ngự một cách chủ động trước ĐT Việt Nam, không để lộ ra các khoảng trống sau lưng và chơi quyết liệt ở khu vực 1/3 cuối sân.
|
ĐT Việt Nam gặp bế tắc khi Indonesia chơi lùi sâu, phòng ngự chủ động |
Thử thách ấy khiến chiến lược gia người Hàn Quốc cùng các cộng sự ít nhiều đã cho thấy những sự lúng túng nhất định trong cách tiếp cận các trận đấu của mình. Trên thực tế, khó có thể nhìn nhận một phong cách chơi bóng xuyên suốt của cựu vương AFF Cup.
Có những thời điểm, các học trò của HLV Park Hang-seo gây áp lực quyết liệt trên phần sân đối phương, đoạt bóng ấn tượng và thậm chí tạo ra các cơ hội tấn công. Nhưng có những thời điểm, ĐT Việt Nam lại tỏ ra hài lòng trở lại lối chơi quen thuộc phòng ngự phản công, từ bỏ việc gây áp lực ở phạm vi 1/3 cuối sân. Khi có bóng, những phương án tấn công cũng chưa thực sự được thể hiện quá rõ nét.
Nếu như dấu ân cuối cùng trong trận bán kết lượt về trước Thái Lan là định hướng sử dụng các tình huống bóng dài, chủ động chiếm lĩnh khu vực bóng 2 và tấn công trực diện, thì nhiều thời điểm ở vòng bảng, ĐT Việt Nam dù có được thế trận kiểm soát bóng, nhưng không có được các phương án kiên định và cụ thể.
|
ĐT Việt Nam gây áp lực tầm cao ấn tượng trước Malaysia và tạo ra các cơ hội ghi bàn |
|
Bàn thua trực diện trước Thái Lan khi ĐT Việt Nam phòng ngự ở khu vực 1/3 giữa sân |
Nhìn lại 9 bàn thắng mà chúng ta đã ghi được tại giải đấu lần này, gây áp lực, chuyển trạng thái từ không bóng sang có bóng vẫn là phương án tấn công mang đến hiệu quả cao nhất. ĐT Việt Nam đã ghi tới 5 bàn thắng từ các tình huống đoạt bóng từ đối thủ, tấn công nhanh. 2 lần ghi bàn từ các tình huống tấn công biên và 2 tình huống còn lại đến từ các pha bóng khai thác trực diện khoảng trống sau lưng đối phương ở khu vực trung lộ.
|
9 bàn thắng của ĐT Việt Nam tại AFF Cup |
Chúng ta chỉ thực sự chơi hay khi đối phương bộc lộ ra các khoảng trống sau lưng. Trong khi đó, khả năng ra quyết định ở các tình huống triển khai tấn công của các cầu thủ ở bối cảnh đối phương chủ động phòng ngự tầm thấp vẫn còn rất nhiều tồn tại cố hữu.
Những vấn đề cũ
Dù chỉ xếp sau ĐT Thái Lan ở số lượng các pha dứt điểm đã thực hiện sau lượt trận bán kết, nhưng thống kê cho thấy ĐT Việt Nam không thực hiện các pha dứt điểm ở các phạm vi có khả năng thành bàn rõ rệt. Các học trò của HLV Park Hang-seo dứt điểm ngoài vòng cấm địa đối phương tới hơn 50%. Đó là hệ quả của những tình huống ra quyết định có phần vội vàng, hoặc quá tự tin với khả năng thực hiện các cú đá của từng cầu thủ.
|
ĐT Việt Nam dứt điểm từ ngoài vòng cấm ở các tình huống có thể đưa ra quyết định xử nguy hiểm hơn |
Điểm tồn tại mang tính hệ thống này là một trong những lý do tại sao ĐT Việt Nam không thể ghi bàn vào lưới Indonesia hay Thái Lan ở trận bán kết lượt đi. Mọi thứ chỉ thực sự được cải thiện ở hiệp thi đấu thứ nhất trận bán kết lượt về, trong một thế trận áp đảo đáng khen ngợi mà Quang Hải và các đồng đội đã tạo ra. Xét toàn giải đấu, ĐT Việt Nam chỉ dứt điểm trong vòng cấm địa nhiều hơn 50% ở 2/6 trận đấu – một tỉ lệ thực sự đáng báo động.
Giải thích cho thực trạng này, có thể nhận thấy một nguyên nhân lớn đến từ khả năng hỗ trợ tấn công của các cầu thủ chạy cánh. Xét trong cả giải đấu, Văn Thanh, Hồng Duy và Tấn Tài chỉ thực hiện thành công tổng cộng 5 tình huống tạt bóng của mình, mà 4 trong số đó thuộc về cầu thủ đang chơi cho Topenland Bình Định.
|
So sánh khả năng tạo cơ hội của các hậu vệ biên ĐT Việt Nam với ĐT Thái Lan và ĐT Indonesia |
Hai nhân tố thường xuyên được lựa chọn đá chính là Hồng Duy và Văn Thanh đã có một giải đấu thiếu ấn tượng. Cả hai đều có tố chất nhất định ở khả năng đóng góp tấn công, nhưng ý thức chọn các vị trí cao và rộng để trở thành điểm đến cho các pha chuyền bóng từ hàng hậu vệ lại không được duy trì. Vì thế, ĐT Việt Nam thường hướng bóng chủ yếu vào khu vực trung lộ, và vội vàng hoặc thiếu lựa chọn trong các quyết định xử lý ở chính diện khu vực cấm địa.
Thất bại tại AFF Cup 2020 có thể xem là một hồi chuông báo động dành cho HLV Park Hang-seo cùng các học trò, trong bối cảnh kết quả thi đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng không thực sự ấn tượng. ĐT Việt Nam đang rơi vào trạng thái đánh mất đi nhận diện của mình, sau những thành công vượt bậc với phong cách chơi phòng ngự - phản công.
Ông Park liệu có thay đổi, hay chính vị trí của vị chiến lược gia này sẽ bị thay đổi?