Người Ý, Thế chiến thứ hai và Catenaccio

Tác giả Teddy - Thứ Hai 16/05/2016 10:52(GMT+7)

Zalo
Trên một góc nhìn nào đó, Italia là một mảnh đất của những con người thú vị. Nói đến Ý là nói đến một dân tộc của những con người yêu quê hương họ và yêu đến mức cực đoan. Một trong những ví dụ điển hình nhất cho luận điểm này là cách người Ý tôn thờ ẩm thực địa phương: người Rome có thể cảm thấy bị xúc phạm khi có ai đó đến với thành phố này mà lại ăn pasta sốt bolognese thay vì pasta carbonara, người Naples nhất định phải ăn pizza đế dày, còn một anh bồi bàn thông thường có thể khóc tướng lên như trẻ con nếu bạn đòi ăn pho mát kèm với hải sản. Bất chấp sự phổ biến của đồ ăn và cafe takeaway trên toàn thế giới, người Ý vẫn sẽ nghĩ bạn bị điên khi bạn đến với bất kể thành phố nào của đất nước này và mua đồ ăn đem theo dọc đường. Đơn giản đó là văn hoá của họ.

Nguoi Y, The chien thu 2 va Catenaccio
Người Ý, Thế chiến thứ 2 và Catenaccio
 
Một đất nước với những con người với lòng yêu thành phố, yêu đất nước nơi mình sinh ra đến nhường ấy thì hẳn nhiên là sẽ chẳng thể quên thất bại ở Thế chiến thứ Hai. Cú ngã ấy ảnh hưởng tới đời sống, tính cách và cả cách làm bóng đá của người Ý. Một bộ phận người Ý trở nên thận trọng hơn, thực tế hơn và đề cao tính hiệu quả hơn; và Catenaccio đã ra đời như thế.
 
BÓNG ĐÁ ITALIA VÀ THẢM HOẠ HOÀ 4-4
 
Trong cuộc họp báo đầu tiên dưới cương vị HLV trưởng của Napoli, HLV Rafael Benitez bộc bạch: “Tôi mới ngồi đây có 20 phút mà đã bị hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến chiến thuật hơn cả năm trời làm việc ở Anh”.
 
Bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng vẫn luôn luôn như thế. Nếu như phòng họp báo ở Anh luôn đầy ắp những cuộc thảo luận về tâm lý và cách đối thoại giữa HLV và cầu thủ, thì báo giới (và cả cổ động viên) Ý thích đào sâu vào lý thuyết và chiến thuật. Họ sẵn sàng lắng nghe những giải thích của HLV về những chi tiết chiến thuật cực kì phức tạp, và Benitez là người hiểu rõ nhất áp lực đến từ việc này. Khi Napoli kém Juventus 8 điểm, các nhà báo đã hỏi dồn dập chiến lược gia người Tây Ban Nha về lí do tại sao ông lại liên tục dùng 4-2-3-1 như vậy. Thậm chí, họ còn thẳng thừng nói rằng: Benitez, ông hãy chuyển sang 4-3-2-1, với một tuyến giữa dày hơn và hai cầu thủ chạy cánh theo kiểu wing-back; cách đá ấy sẽ khiến Napoli dồn ép đối thủ tốt hơn mà không bị hổng phòng ngự mỗi khi dính đòn phản công.

Maldini va Fabio Cannavaro
Maldini và Fabio Cannavaro
 
Môn thể thao vua ở Italia không đơn thuần là một thú giải trí, mà chứa đầy lý trí và tính thực dụng ở trong đó. Trong khi ở Anh, người ta coi những cuộc lội ngược dòng ở hiệp 2 chủ yếu đến từ cách HLV khích lệ cầu thủ ở giờ nghỉ giữa hai hiệp; thì những sự thay đổi về mặt chiến thuật của người thuyền trưởng trong khoảng thời gian 10 phút ngắn ngủi đó mới được coi là tác nhân tạo nên những kì tích tương tự ở Ý. Chẳng thế mà người Italia coi một trận hoà 4-4 (cái được nhìn nhận như một tuyệt phẩm giải trí ở xứ sương mù) là một thảm hoạ chiến thuật. Nhà báo xuất chúng Gianni Brera thậm chí đã từng nói một trận đấu hoàn hảo phải kết thúc với tỉ số hoà 0-0.
 
HELENIO HERRERA, GIANNI BRERA VÀ MỘT CATENACCIO KHÔNG XẤU XÍ
 
Để nói đầy đủ về Gianni Brera có lẽ phải để một lần khác, ta chỉ cần biết rằng ông đã từng là biên tập viên trẻ nhất của La Gazzetta Dello Sport, ở tuổi 30. Tầm ảnh hưởng của Brera ở Italia lớn tới mức ông chẳng ngại ngần gì mà không nói quan điểm của mình về việc các trận đấu ở Serie A nên được tiến hành theo cách nào, và người Ý nên đá bóng trên trường quốc tế theo kiểu gì. 
 
(Có vẻ như) bị ảnh hưởng từ thất bại của Italia trong Thế chiến thứ Hai, mà Brera nhìn nhận người Ý yếu hơn những dân tộc châu Âu khác về mặt thể chất. Ông cho rằng chiến thuật và khả năng áp đặt trận đấu chính là chìa khoá để khoả lấp sự yếu thế ấy, và chính nhà báo sinh năm 1919 này mới là người đầu tiên mang quan điểm “thủ chắc, phản công nhanh” đến với người Ý qua một chương trình tivi. Quan điểm này được phóng viên của Corriere della Sera, Mario Sconcerti tán đồng. Thậm chí, quan điểm của Mario về bóng đá Ý nói riêng và đất nước Ý nói chung còn có phần tiêu cực: “Với đất nước này, ta không thể nào nghĩ lớn được”.

Helenio Herrera
Helenio Herrera đã cùng Inter Milan gặt hái nhiều thành công với Catenaccio
 
Và rồi Catenaccio ra đời để hiện thực hoá những suy nghĩ ấy. Helenio Herrera cải tiến chiến thuật phòng ngự phản công của Karl Rappan, một chiến lược gia người Áo, đến mức tối đa và đưa Inter Milan tới 3 Scudetto và 2 cúp châu Âu. Người ta có thể gọi cách Herrera vận hành đội bóng là tiêu cực, nhưng cũng có thể coi chiến thuật ấy là một hệ thống được xây dựng cẩn mật và đề cao tính hiệu quả. Ông kéo một tiền vệ xuống chơi ở sau hàng thủ, ngay trước mặt thủ môn. Armando Picchi, người được chọn để chơi theo cách ấy có nhiệm vụ càn quét mọi khoảng trống và lấy bóng trong bối cảnh các hậu vệ ở trước mặt ông chỉ chuyên tâm vào kèm người. Giacinto Facchetti chơi hậu vệ tấn công ở biên trái, trong khi Jair Da Costa ,với nền tảng thể lực sung mãn, đá như một con thoi ở hành lang đối diện. Thay vì chơi bóng một cách chủ động, Inter thời ấy chơi bị động và dựa vào tình tiết của trận đấu để phản ứng theo cách hợp lý. Họ để đối phương kiểm soát bóng, gây áp lực và ghi bàn bằng tốc độ cùng với lối công phá theo trục dọc đơn thuần. Herrera đã quá nổi tiếng với quan điểm tấn công tức là đưa bóng đến vòng 16m50 của đối phương chỉ trong tối đa 3 đường chuyền. Người chơi trung vệ quét - sweeper trong đội hình thuần Catenaccio không tự mình đưa bóng lên khu vực trung tuyến như Franz Beckenbauer mà đơn thuần đóng vai trò như lớp phòng ngự thứ 2 ngay trước cầu môn đội nhà; và người ta cũng không lạ gì hình ảnh Nerazzuri sẵn sàng đổ bê tông bằng cả 11 người mỗi khi mất bóng. 
 
Người Italia có thích chiến thuật này hay không thì cứ nghe lời Pier Paolo Pasolini, một nhà làm phim, thì rõ: “Catenaccio không được phát minh ra bởi Gianni Brera, cũng như các khu ổ chuột xung quanh thành Rome không được tô vẽ bởi các đạo diễn. Cả hai đều thể hiện đặc tính của người Ý. Catenaccio là người Ý, và không được ai phát minh cả”. 
 
ZONA MISTA VÀ 3-5-2 HIỆN ĐẠI
 
Hệ thống phòng ngự kiên cố của Catenaccio không thể đứng vững mãi, khi mà người Hà Lan bắt đầu chơi thứ bóng đá tổng lực quyến rũ và cả khi người ta không còn lạ với hình ảnh những cá nhân xuất sắc đến từ Mỹ Latin có thể vượt qua một bức tường phòng ngự 3-4 người. Zona Mista ra đời như một biến thể được cải tiến của Catenaccio; nó là sự giao thoa giữa tính khoa học của phòng thủ khu vực cùng với sự linh hoạt của hậu vệ quét. Sweeper hoàn toàn được di chuyển tự do để tăng tính cơ động, trong khi các hậu vệ xung quanh vẫn đảm bảo sự chắc chắn với việc chỉ phòng ngự trong phạm vi đã định sẵn; chưa kể tới sự có mặt của một tiền vệ phòng ngự có thể đóng vai trò như một trung vệ thứ 3 khi cần. Zona Mista vẫn lấy rất nhiều ý tưởng từ Catenaccio, và đã nâng bước Italia lên ngôi tại World Cup 1982 với hậu vệ quét Gaetano Scirea cùng cặp đôi Bruno Conti - Antonio Cobrini án ngữ hai cánh phải - trái. Tuy vậy, một khi bóng đá thay đổi theo đơn vị từng mùa, Zona Mista cũng không tồn tại được lâu khi nó dẫn tới một hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn bộ nền bóng đá Ý: họ thiếu hụt trầm trọng những cầu thủ chạy cánh đơn thuần trong bối cảnh Zona Mista định hướng các cầu thủ đá ở biên có xu hướng dạt vào trung lộ thường xuyên để lui về phòng ngự khi cần thiết. 

Scirea cung voi DT Italia len ngoi tai World Cup 1982
Scirea cùng với ĐT Italia lên ngôi tại World Cup 1982
 
Bóng đá hiện đại đã rất tiến bộ về mặt chiến thuật, dẫn tới việc mặc dù những Antonio Conte hay Walter Mazzarri vẫn dùng sơ đồ 3-5-2 với chủ trương phòng ngự và cách dùng hậu vệ cánh để tấn công quen thuộc, thì Juve và Inter của họ vận hành theo những cách rất khác nhau. 3-5-2 của Conte dựa vào sức ép trên toàn mặt sân và sự kiểm soát bóng (thậm chí Leonardo Bonucci còn dâng lên hàng tiền vệ mỗi khi Juve có bóng và biến đội hình thành 2-6-2), trong khi 3-5-2 của Mazzarri chủ trương phòng ngự lùi sâu trước khi tung ra những đòn phản công nhanh. Trên thực tế, dù 3-5-2 hiện đại được ứng dụng theo cách nào, thì nó vẫn đáp ứng được đòi hỏi về sự an toàn trong cách chơi của người Ý, thứ mà Catenaccio cũng nhắm tới. Những HLV người Ý xuất chúng nhất trong vài thập niên trở lại đây - Fabio Capello, Carlo Ancelotti, Marcello Lippi - đều đã từng sử dụng 3-5-2 ở một thời điểm nhất định trong sự nghiệp của họ. Thậm chí, thứ bóng đá hiệu quả này đã từng chứng tỏ được giá trị của nó và du nhập sang Anh (được sử dụng bởi Manchester United dưới triều của Louis van Gaal dù không mấy thành công) cũng như Tây Ban Nha (trong một số thời điểm không có Messi, Barcelona cũng đã dùng sơ đồ này).
 
KẾT LẠI
 
Nói thế không có nghĩa rằng 3-5-2 là phiên bản “thời thượng” của Catenaccio, bởi người Ý lúc này vẫn duy trì thói quen tìm hiểu sâu về chiến thuật, chẳng qua vì họ làm điều này đã quá lâu đến mức thành nó trở thành một truyền thống. Một số bản sắc bóng đá đã bị mai một, như Brazil không chỉ còn toàn “nghệ sĩ” như ngày trước, Đức cũng bớt chất thép mà thay vào đó là sự hào hoa phong nhã nhưng hiệu quả đáng gờm. Bóng đá ở Italia cũng thay đổi, nhưng là thay đổi theo một chiều hướng tích cực: Serie A vẫn phản ánh chính xác đặc tính của người Ý, tuy nhiên lúc này những suy nghĩ về việc người Ý yếu về thể hình hay bất kì tư duy tiêu cực nào khác đều đã biến mất. 
 
Vừa hoà vào dòng chảy của quá trình toàn cầu hoá, vừa giữ được nét đặc trưng đã làm nên thương hiệu, bóng đá Italia chưa bao giờ hết đáng xem. Cũng như Catenaccio, ai đó có thể nói lối chơi này là xấu xí, nhưng với những người khác, nó đáng xem vì tính quyết đoán, có một chút tàn nhẫn và rất thực dụng, những phẩm chất mà không phải người đàn ông nào cũng có được. 
 
Một bài viết của Teddy (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

X
top-arrow