Nghệ thuật "quét" của những cầu thủ hàng đầu thế giới (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 22/05/2020 10:26(GMT+7)

Chúng ta đều biết những cầu thủ như De Jong – hay những người như Xavi Hernandez, Zinedine Zidane và Frank Lampard – luôn thi đấu cứ như thể có “một cặp mắt ở sau gáy”, nhưng thực sự thì điều đó nghĩa là gì? Và họ đã chơi như thế bằng cách nào?

Khả năng “quét” cục diện sân bóng trong trận đấu chính là một thứ “tuyệt chiêu” mà những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới đều rất thành thạo – Nhưng chính xác thì “quét” là gì?
Vào tháng 2 năm ngoái, trước thời điểm chính thức trở thành một cầu thủ của Barcelona 5 tháng, Antoine Griezmann đã được đặt câu hỏi là hãy nêu tên đối thủ khó nhằn nhất mà anh từng phải đối đầu trong sự nghiệp. “Đó chính là Frenkie De Jong,” ngôi sao người Pháp nói. “Tôi đã cố gắng pressing cậu ấy, nhưng chưa bao giờ thành công cả.”  
Câu trả lời đó đủ để khiến không ít người phải ngạc nhiên, dù cho không một ai trên thế giới rộng lớn này là nghi ngờ về năng lực của De Jong cả. Trong vòng vài tuần, cầu thủ người Hà Lan đã lần lượt khuất phục những tuyến giữa lừng danh của Real Madrid, Juventus và Tottenham Hotspur trong chiến dịch Champions League của Ajax. Không lâu trước khi gia nhập Barcelona, anh cũng đã khiến người Anh phải ngã mũ thán phục -  với một phong cách thi đấu đầy dũng mãnh, nhưng cũng đậm tính nghệ thuật – trong trận bán kết Nations League. 
Trong mỗi màn trình diễn đó, và đặc biệt là cuộc đối đầu với đội tuyển Anh, đều hiện hữu một điểm chung ở cái hình ảnh của một De Jong hoàn toàn làm chủ cuộc chơi: Đối phương không tài nào áp sát được anh cả. Mỗi lần anh bị pressing, hay thậm chí là mỗi lần đối phương đã tiếp cận được anh, De Jong đều thoát đi một cách dễ dàng. Ngay cả Luka Modrid, người đã giành được danh hiệu Quả Bóng Vàng 3 tháng trước đó, cũng phải nằm sõng soài trên sân trong sự bất lực sau khi cố cướp bóng khỏi chân De Jong tại Bernabeu. 
Theo cách diễn đạt của bóng đá Anh, người ta sẽ nói rằng De Jong “đã thi đấu với những chiếc gương có cánh”. Đó từ lâu đã là một cách để mô tả một cầu thủ sở hữu khả năng nhận thức siêu hạng trên sân bóng, nhưng cái phẩm chất đó chưa bao giờ được định lượng hoặc xem xét một cách chuyên sâu. Chúng ta đều biết những cầu thủ như De Jong – hay những người như Xavi Hernandez, Zinedine Zidane và Frank Lampard – luôn thi đấu cứ như thể có “một cặp mắt ở sau gáy”, nhưng thực sự thì điều đó nghĩa là gì? Và họ đã chơi như thế bằng cách nào? 
Câu trả lời, chỉ có một từ duy nhất, chính là “quét”. Khái niệm này không hề mới, nhưng việc phân tích và huấn luyện nó đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở thế giới bóng đá đỉnh cao. Các câu lạc bộ hàng đầu tại châu Âu hiện đang phân tích rất chuyên sâu về hành động “quét”, ý nghĩa của nó đối với các cầu thủ và làm thế nào để họ có thể thực hiện nó tốt hơn. Các hiệp hội bóng đá quốc gia cũng đang nghiên cứu, cố gắng tìm ra một lợi thế khác trong cuộc đua bất tận về công tác đào tạo nên những cầu thủ bóng đá hàng đầu. 
Chuyên gia hàng đầu thế giới về khía cạnh này chính là Geir Jordet, một vị giáo sư tại trường Khoa Học Thể Thao Na Uy. Jordet đã dành hơn hai thập kỷ để nghiên cứu về “quét” – xem xét đâu là những cầu thủ “quét” giỏi nhất và làm thế nào để cải thiện khả năng này – và hiện đang làm việc với các đội bóng, cũng như những cá nhân hàng đầu trên khắp lục địa.
“Chắc chắn là những nghiên cứu mà tôi, các đồng nghiệp, và những người khác thực hiện đã kích thích sự hứng thú với khía cạnh này,” Ông chia sẻ với Telegraph Sport. “Tôi đã nhận thấy rằng, trên khắp châu Âu, mọi người đang ngày càng quan tâm đến nó hơn.”
Một phần lớn trong sức hấp dẫn của khía cạnh này là “quét” là một trong số ít những cách mà thế giới bóng đá có thể nhìn vào để đo lường, và giải thích, về level kỹ năng cá nhân của một cầu thủ. Với những công nghệ hiện đại, tất cả các câu lạc bộ hàng đầu đều biết rõ mọi thứ mà loài người đã khám phá ra về khả năng thể chất của một cầu thủ: Họ có thể chạy nhanh đến thế nào, họ có thể bật nhảy cao đến đâu, họ nên chạy nước rút ra sao. Còn công tác phân tích về các khía cạnh của cuộc chơi như khả năng nhận thức và ra quyết định là chuyện phức tạp hơn rất nhiều. 
“‘Quét’ là một ‘thành phần’ hữu hình có thể được xem là một yếu tố trong khả năng ra quyết định, và điều đó đã biến nó trở thành một điểm bắt đầu thú vị để có thể đo lường, và tiến hành làm việc về khía cạnh ‘ra quyết định,” Jordet nhận xét.

“Chúng ta có thể chỉ ra ai là cầu thủ thường xuyên ‘quét’, ai là người ít khi thực hiện việc đó. Rất dễ dàng để cung cấp dữ liệu khách quan về khía cạnh này.” 
Nói một cách đơn giản nhất, thì “quét” về cơ bản là hành động rời đôi mắt ra khỏi quả bóng để nhìn nhận những gì đang diễn ra xung quanh bản thân và ngoảnh đầu quan sát cả phía sau vai của bạn. Những cầu thủ làm điều đó thường xuyên nhất là những người có được “bức ảnh” rõ ràng nhất về cục diện xung quanh họ, và do đó, sẽ chính là những người nắm được nhiều thông tin nhất trong bộ não của mình khi nhận bóng. Video dưới đây về Lampard, một trong các “bậc thầy” về “quét” theo nghiên cứu của Jordet, chính là một minh họa hoàn hảo cho thứ nghệ thuật này.
Arsene Wenger, người hiện đang nắm giữ chiếc ghế tổng giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu của FIFA, cũng rất quan tâm đến chủ đề này. “Tôi đã mất đi nhiều cầu thủ giỏi vì họ lúc nào đầu óc cũng chỉ tập trung vào quả bóng mà chẳng chịu quan sát những gì đang diễn ra xung quanh mình,” Ông chia sẻ vào năm ngoái. “Những cầu thủ vĩ đại chẳng có chuyện luôn dán mắt vào quả bóng đâu. Cái đầu của họ giống như một chiếc radar vậy.”
Hành động “quét” thường được đo lường trong khoảng thời gian 10 giây trước khi cầu thủ nhận bóng. Những tiền vệ xuất sắc nhất, như Jordet đã nhận thấy, sẽ “quét” 5 hoặc 6 lần trong 10 giây đó. Tại Premier League và Champions League, các tiền đạo thường “quét” 3 lần trong khung thời gian này.
Xét đến những cầu thủ của quá khứ, Xavi và Andrea Pirlo là hai trong số những chuyên gia hàng đầu về “quét”. Lampard và Steven Gerrard cũng được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, theo ý kiến của Jordet, cái tên xuất sắc nhất trong khía cạnh này chính là Zidane, người đã xuất hiện trên trang bìa của cuốn luận án mà ông soạn thảo về chủ đề này. 

“Cậu ấy cực kì giỏi về mảng này,” Jordet nhận xét. “Những điều mà hồi đó cậu ấy thường xuyên làm như ăn cơm bữa thì ở thời nay ngay cả các cầu thủ hàng đầu cũng đang phải rất chật vật để có thể bắt chước lại được. Khi đồng đội của Zidane chuyền bóng đến cậu ấy, những gì mà cậu ấy sẽ làm trong khoảng thời gian từ lúc quả bóng rời chân người đồng đội cho đến khi mình nhận được nó, chính là ‘quét’. Và cậu ấy là người ‘quét’ nhiều nhất trong số những cầu thủ mà tôi đã quan sát.”
“Cậu ấy thường thực hiện từ 3 đến 4 lần ‘quét’ trong khung thời gian ngắn ngủi ấy. Dù cho là 1 giây hay 1 giây rưỡi, cậu ấy đều có thể thực hiện đến 4 lần ‘quét’ trong khoảng thời gian đó. Cậu ấy thậm chí cũng có thể làm điều đó khi sắp nhận một đường chuyền dài, và đương nhiên đây là một chuyện vô cùng khó thực hiện.” 
“Khi Zidane nhận bóng, cậu ấy đã nắm bắt được toàn bộ những thông tin quan trọng như các cầu thủ đối phương đang ở đâu, họ đang đứng trên chân nào, trọng tâm cơ thể của họ và nơi mà họ đang hướng mắt đến. Sau đó, dù cho cậu ấy có muốn xử lý bóng như thế nào thì cũng đều sẽ hết sức dễ dàng.” 
(còn nữa)
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “The art of 'scanning': how Erling Haaland and Frenkie de Jong honed a supernatural awareness on pitch” của tác giả Sam Dean, đăng tải trên Telegraph

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Khi các cuộc thảo luận sau một trận đấu tập trung vào một cầu thủ vốn đã “chiếm sóng” hàng loạt dòng tít trong những ngày trước đó, sẽ rất đáng để đặt câu hỏi rằng liệu việc dư luận chăm chăm “mổ xẻ” màn trình diễn của anh ta có hợp lý hay không, hay chỉ đơn thuần do anh ta là một chủ đề “thuận mồm” hơn để bàn tán.

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.