Mổ băng Trung Quốc 3-2 Việt Nam: Bài học để cải thiện

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Bảy 09/10/2021 13:32(GMT+7)

Những phút cuối cùng đầy kịch tính của đội tuyển Việt Nam cho thấy đội bóng của chúng ta vẫn còn nhiều thứ để cải thiện trong hành trình thu hẹp khoảng cách với những đối thủ tại châu lục.

ĐỘI HÌNH RA SÂN

 
HLV Park Hang-seo vẫn sử dụng những con người ưng ý nhất trong tay một cách không khó đoán. Duy Mạnh trở lại đội hình xuất phát, trong khi Hồng Duy và Văn Thanh đá chính ở hai hành lang cánh. Trên mặt trận tấn công, Văn Đức, Quang Hải và Tiến Linh vẫn là những người được lựa chọn. 
 
Bên phía Trung Quốc, sự điều chỉnh đáng chú ý đến từ việc tiền đạo Zhang Yuning được sử dụng ngay từ đầu bên cạnh Elkeson và Wu Lei. Ở các trận đấu trước đó, nếu như cặp đôi Elkeson – Wu Lei và những sự lựa chọn đóng đinh của HLV Li Tie, thì Yuning thường chỉ là phương án dự bị cho Elkeson. Trung Quốc đưa vào sân thêm một tiền đạo và bớt một tiền vệ trung tâm. Cách sử dụng 3 tiền đạo của đội bóng được xem là chủ nhà trong trận đấy này, cũng chính là ý đồ chiến thuật rõ ràng nhất của ông Li Tie. 
 
Định hướng chơi bóng của ĐT Trung Quốc không hề thay đổi ở tuyến dưới, khi ngay ở những phút đầu trận đấu, hậu vệ trái Wang Shenchao lùi lại như thường lệ để tạo nên hàng ngang 3 người, trong khi hậu vệ phải Wang Gang dâng cao tấn công. Đây cũng là cách chơi quen thuộc của ĐT Trung Quốc trong những trận đấu họ nắm thế chủ động. 
 
ĐT Trung Quốc triển khai bóng với những hành động di chuyển quen thuộc của hàng hậu vệ
 
Tuy nhiên, HLV Li Tie muốn sử dụng thêm một tiền đạo, với mục đích gia tăng sức mạnh ở các tình huống uy hiếp khung thành, đặc biệt trước một đối thủ sử dụng 5 cầu thủ phòng ngự, trong đó có 3 trung vệ, như ĐT Việt Nam
 

3 TIỀN ĐẠO ĐẤU 3 TRUNG VỆ

 
Không khó để nhận ra ý đồ ấy của ĐT Trung Quốc ngay từ tình huống triển khai bóng đầu tiên của họ. 3 tiền đạo gồm Elkeson, Yuning và Wu Lei chơi ngay trước mặt 3 trung vệ của ĐT Việt Nam, trong khi ở mỗi biên, họ đều có những cầu thủ chơi cao và rộng. Trước một hàng thủ 5 người, Trung Quốc muốn sử dụng 5 cầu thủ tấn công để kéo giãn cự ly đội hình của Việt Nam, qua các phương án đánh biên. 
 
3 tiền đạo Trung Quốc chơi ngay trước 3 trung vệ của Việt Nam
 
Hướng tấn công chính của đội chủ nhà đến ở biên trái, khi tiền vệ số 10 Zhang Xizhe là người đóng vai trò tổ chức lối chơi, trong khi số 17 Liu Binbin có sở trường bám biên, sử dụng tốc độ và tạt bóng. 
 
Liu Binbin đưa bóng xuống sát đường biên ngang, 3 tiền đạo sẵn sàng ở khu vực 16m50
 
Khung thành của Tấn Trường đã ngay lập tức phải đối diện với các pha xâm nhập của bộ 3 tiền đạo bên phía Trung Quốc. Cả Elkeson và Yuning đều là những người tầm vóc và sẵn sàng ở các pha không chiến, trong khi Wu Lei là mẫu cầu thủ tốc độ và tấn công khoảng trống xuất sắc. 
 
Gia tăng quân số trong khu vực 16m50 là một sự thay đổi hợp lý về mặt lý thuyết của HLV Li Tie, trong bối cảnh Trung Quốc tự tin với khả năng của những cầu thủ chạy cánh. 
 
Cấu trúc đội hình khi triển khai bóng của ĐT Trung Quốc
 
Định hướng tấn công quen thuộc của ĐT Trung Quốc, với những đường chuyền xuống biên của Xizhe và pha băng xuống của Binbin
 
Các học trò của HLV Li Tie tấn công tới 51,3% thời lượng ở hành lang biên trái. Một cách tương đối đơn giản, họ đưa bóng xuống biên, và cố gắng thực hiện những quả tạt vào vòng cấm địa để khai thác sự vượt trội về thể chất và tốc độ của 3 tiền đạo. 
 
Sự khác biệt giữa số lượng những tình huống tạt bóng giữa đôi biên là minh hoạ rõ nét cho lối chơi này của Trung Quốc.
 
Vị trí và số lượng các quả tạt của Trung Quốc
 
Tuy nhiên, khi ĐT Việt Nam lùi sâu về phần sân nhà, Liu Binbin thường không mấy thoải mái để thực hiện các tình huống tạt bóng, trước khả năng phòng ngự tốt của Văn Thanh, cùng sự hỗ trợ của Phan Văn Đức ở cánh này. Đáng chú ý là việc HLV Park Hang-seo xếp Văn Đức chơi cùng biên với Văn Thanh, điều cho thấy sự nghiên cứu đối thủ của ban huấn luyện ĐT Việt Nam, khi biên trái cũng là hướng tấn công chính của Trung Quốc ở các trận đấu trước đó. Thông thường, Văn Đức sẽ chơi lệch trái, trong khi Quang Hải đá lệch phải. 
 
Một vấn đề khác trong cách chơi của ĐT Trung Quốc là sự kết nối giữa 3 tiền đạo ở phạm vi hẹp, đặc biệt là Elkeson và Yuning ở biên trái. Hai tiền đạo tầm vóc này để có thể lùi lại nhận bóng, nhưng gần như không thể hướng bóng lên hoặc trở thành cầu nối tấn công cho ĐT Trung Quốc. Trước hệ thống phòng ngự lùi sâu của Việt Nam, Trung Quốc tỏ ra đơn điệu và không mấy hiệu quả khi tấn công. Tình huống mắc lỗi việt vị của tiền đạo Zhang Yuning khi đã đưa bóng vào lưới của ĐT Việt Nam có thể xem là một ví dụ.
 
Zhang Xizhe cung cấp bóng cho 3 tiền đạo của Trung Quốc
 
3 tiền đạo đối mặt trực tiếp với 3 trung vệ, nhưng Elkeson không đưa ra quyết định chuyền bóng sớm nhất để Wu Lei có lợi thế
 
Khi Wu Lei kiểm soát bóng, hai người đồng đội còn lại đã ở những tư thế khó có thể nhận đường chuyền
 
Sự bế tắc và đơn điệu của ĐT Trung Quốc được thể hiện khi họ không tung ra bất cứ pha dứt điểm nào từ tình huống bóng sống trong 30 phút cuối hiệp 1. Ý tưởng của HLV Li Tie có thể nói đã vấp phải một hệ thống phòng ngự được tổ chức tốt trong phạm vi 30-35m ngay trước khung thành thủ môn Tấn Trường. Nhưng thật đáng tiếc, khi hàng thủ ấy buộc phải phòng ngự ở những phạm vi cao hơn, họ đã bị đánh bại. 
 
Tình huống 3 đánh 3 nhưng ở khoảng cách 40-50m so với khung thành của Tấn Trường
 
Ở một bối cảnh phòng ngự hoàn toàn khác, 3 trung vệ của Việt Nam đã hoàn toàn cho thấy sự thua thiệt về thể chất và tốc độ trước 3 tiền đạo đối thủ. 
 
Elkeson và Yuning đánh đầu nối, tạo thời cơ cho Wu Lei khai thác điểm mạnh tốc độ
 
Điều đáng nói đến từ việc chính ĐT Việt Nam đã góp phần giúp đối thủ có được bối cảnh tấn công thích hợp ấy cho ĐT Trung Quốc. Trước tình huống bóng dài tới vị trí Elkeson, Việt Nam mới là những người kiểm soát bóng.
 
Tình huống ném biên dẫn tới pha tấn công nhanh của Trung Quốc
 
ĐT Việt Nam quyết định áp sát ngay sau khi để mất bóng, với Hoàng Đức là người chơi cao nhất
 
Hoàng Đức quyết định áp sát đối thủ, điều khiến Tuấn Anh buộc phải duy trì cự ly đội hình và dâng cao lên phần sân của Trung Quốc, điều khiến cho khoảng trống sau lưng tiền vệ này không được quán xuyến tốt nhất.
 
Tuấn Anh buộc phải dâng cao, điều khiến trung vệ Tiến Dũng quyết định lao lên tranh chấp bóng bổng với Elkeson
 
Chưa lựa chọn thời điểm gây áp lực hợp lý và liên tục, ĐT Việt Nam cũng cho thấy những điểm cần phải cải thiện, trong một thế trận chúng ta có những thời điểm hoàn toàn chủ động trong việc kiểm soát bóng.
 

ĐT VIỆT NAM TẤN CÔNG CHƯA ĐỦ ÁP LỰC

 
Có thể nhận thấy rõ ĐT Trung Quốc không dâng cao gây áp lực ở hầu hết các pha triển khai bóng của ĐT Việt Nam, vì thế mà lần đầu tiên tại vòng loại thứ 3 này, đội bóng của HLV Park Hang-seo có được sự thoải mái từ vị trí của các trung vệ khi có bóng. Định hướng tấn công của các cầu thủ áo trắng là không mới, và cũng còn nhiều điều có thể cải thiện hơn nữa. 
 
Với sự có mặt của Hoàng Đức, Quang Hải và Văn Đức, ĐT Việt Nam chủ yếu phát triển bóng qua chân những tiền vệ nói trên. Cả ba đều là các cầu thủ có kỹ năng chuyền, kiểm soát bóng và hoạt động ở các khoảng trống tốt. 
 
Hoàng Đức cung cấp bóng từ tuyến tiền vệ, trong khi Quang Hải và Văn Đức tự do trong việc di chuyển nhận bóng
 
Văn Đức liên kết với Quang Hải, trong khi Tiến Linh đóng vai trò tấn công vòng cấm
 
Đó có thể xem là một phương án triển khai bóng bài bản và hiệu quả của ĐT Việt Nam. Cơ hội ngay ở những pha triển khai bóng đầu tiên sau đường chuyền của Quang Hải cho Tiến Linh là ví dụ điển hình nhất . Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ ĐT Việt Nam dường như quá phụ thuộc vào khả năng phối hợp hiểu ý giữa 3 cầu thủ này. Thời điểm Tiến Linh băng lên dứt điểm, có thể nhận thấy tiền đạo mũi nhọn của ĐT Việt Nam là người duy nhất có mặt trong vòng cấm địa đối thủ. 
 
Tiến Linh băng lên dứt điểm sau đường chuyền của Quang Hải
 
Những cơ hội dứt điểm của đội khách gần như đến với định hướng chơi xoay quanh 3 cầu thủ tấn công này.
 
Văn Đức khôn ngoan nhận đường chuyền từ tuyến dưới và xoay bóng lên phía trước đồng thời vượt qua đối thủ
 
Liên kết với Quang Hải…
 
Lựa chọn của Quang Hải trong tình huống xử lý tiếp theo không phải là chuyền cho Tiến Linh, mà là một pha dứt điểm từ ngoài vòng cấm địa Trung Quốc. Bên phía cánh trái, Hồng Duy đang cho thấy tin hiệu băng lên. 
 
Quang Hải quyết định dứt điểm
 
ĐT Việt Nam trong những thời điểm đưa bóng một cách gọn gàng cho các cầu thủ tấn công dường như lại gặp vấn đề trong khả năng ra quyết định. Không thể phủ nhận cả Quang Hải hay Văn Đức và cả Tiến Linh đều là những cầu thủ có chất lượng dứt điểm tốt, tuy nhiên, những lựa chọn chuyền bóng ra hai hành lang cánh để tiến gần hơn tới khung thành đối thủ hiếm khi được thực hiện. Hai cầu thủ chạy cánh Hồng Duy và Văn Thanh, hoặc không được nhận bóng, hoặc bản thân họ cũng không có được những vị trí đủ tốt để trở thành một lựa chọn chuyền bóng. 
 
Tình huống triển khai trực diện của ĐT Việt Nam. Hồng Duy và Văn Thanh hoặc không nhận được bóng, hoặc không sẵn sàng nhận bóng ở vị trí tấn công
 
Pha bóng kết thúc với chỉ 2 cầu thủ tấn công của ĐT Việt Nam và cú đá từ ngoài vòng cấm của Tiến Linh
 
Sự thay đổi chỉ đến khi Hồ Tấn Tài – một cầu thủ có điểm mạnh ở khả năng tăng tốc và di chuyển ra sau lưng hàng thủ đối phương được sử dụng. Bàn thắng của Tấn Tài không chỉ là điển hình cho lối chơi của hậu vệ này, mà còn là thứ ĐT Việt Nam đã không có được trong phần lớn thời gian của trận đấu. 
 
Với triết lý của mình, HLV Park Hang-seo dường như thiếu đi sự hiện diện của các cầu thủ chơi cao và rộng ở hai hành lang cánh – hay nói cách khác là những cầu thủ treo biên. Tổ hợp xử lý của Tấn Tài dường như mang đậm phong cách thi đấu của hậu vệ này nhiều hơn là sự chủ động dâng cao từ các cầu thủ chơi biên của ĐT Việt Nam. Bởi chỉ ít phút sau khi Tấn Tài ghi bàn, ĐT Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm bàn gỡ hoà đã sử dụng thêm một cầu thủ chơi tốt ở trung lộ là Công Phượng và chuyển sang hệ thống 4 hậu vệ.
 
Tấn Tài xâm nhập khoảng trống phía sau hàng phòng ngự ĐT Trung Quốc
 
ĐT Việt Nam chơi với 4 hậu vệ từ khi Công Phượng vào sân
 
Công Phượng hoạt động ở trung lộ, cùng Tiến Linh và Quang Hải
 
Số 10 của ĐT Việt Nam nhận bóng, liên kết với Quang Hải
Pha phối hợp mang đậm định hướng tấn công của ĐT Việt Nam
 
2 bàn thắng gỡ hoà là một nỗ lực tuyệt vời đến từ các cầu thủ tấn công của chúng ta. Song, vẫn còn đó những tín hiệu cho thấy ĐT Việt Nam rõ ràng có thể chơi đa dạng và chủ động hơn khi kiểm soát bóng. Hoàn toàn có thể nhận thấy số lượng nhân sự trong khu vực cấm địa của đội bóng áo trắng là không ấn tượng ở mỗi cơ hội tấn công. 
 
Các pha bóng chủ yếu khai thác tối đa khả năng cá nhân và phối hợp nhóm của 2-3 cầu thủ, chứ chưa cho thấy sự tham gia của cả khối đội hình. Kiểm soát bóng, đẩy cao cự ly đội hình, tấn công đa dạng hơn với sự hỗ trợ từ 2 biên và có số lượng nhân sự lớn hơn trong khu vực 16m50 của đối phương là điều ĐT Việt Nam hoàn toàn có khả năng cải thiện. 
 
Trong một trận đấu không hề thua kém đối phương về thời lượng kiểm soát bóng cùng số lượng các pha dứt điểm, nhưng ĐT Việt Nam lại thực hiện tới 7/13 pha dứt điểm từ ngoài vòng cấm địa, trong khi con số bên phía Trung Quốc chỉ là 1/12 – pha dứt điểm của Elkeson trong một quả phạt trực tiếp. 

Vị trí các pha dứt điểm của hai đội

Nói không quá, đó chính là một phần nguyên nhân Trung Quốc đã kết liễu ĐT Việt Nam và có được thắng lợi. Tấn công với số lượng lớn nhân sự trong khu vực cấm địa, cộng với hai khoảnh khắc đẳng cấp của Wu Lei.
 
Trung Quốc luôn có ít nhất 2 cầu thủ sẵn sàng xâm nhập, trong đó Wu Lei luôn ở hướng xa bóng
Pha chiếm lĩnh khoảng trống đẳng cấp của số 7 bên phía Trung Quốc
 
Tình huống quyết định của trận đấu, khi Trung Quốc có 3 cầu thủ gần khu vực 16m50. Wu Lei toả sáng với tổ hợp di chuyển gần như tương tự
 
Rõ ràng có thể trách trung vệ Thanh Bình ở cả 2 pha bóng này với sự phản xạ thiếu kịp thời. Nhưng rõ ràng đó là hai khoảnh khắc mà Wu Lei đã chơi quá hay trong việc di chuyển và dứt điểm. Ở một góc nhìn khác, hoàn toàn có thể thấy Trung Quốc đã thành công với định hướng chơi bóng của mình. Họ đã chủ đích tấn công vòng cấm địa với một số lượng nhân sự đủ nhiều ngay từ đầu trận đấu, điều hoàn toàn có thể khiến hàng thủ đối phương bị phân tán và thiếu chủ động. 
 
Một trận thua đáng tiếc cho ĐT Việt Nam, nhưng cũng là một bài học kinh nghiệm đáng giá với thầy trò HLV Park Hang-seo. ĐT Việt Nam bộc lộ ra những thiếu sót hoàn toàn có khả năng cải thiện. Hãy cùng hy vọng các cầu thủ của chúng ta cùng ban huấn luyện sẽ có được những phản ứng và thay đổi nhanh chóng, giống như cái cách ĐT Việt Nam đã khoả lấp những điểm yếu trong khả năng phòng ngự qua hai trận đấu với UAE và Australia. 
 
Raumdeuter13

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.