Mổ băng Oman 3-1 Việt Nam: HLV Park Hang-seo thay đổi, nhưng Việt Nam còn vấn đề

Tác giả Raumdeuter13 - Thứ Tư 13/10/2021 18:42(GMT+7)

Zalo

Dù phải nhận 3 bàn thua đều từ những tình huống cố định, nhưng không thể phủ nhận đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu không hay trên sân của Oman trong thất bại 1-3 trước đội chủ nhà.

 

Oman Việt Nam
 

HLV PARK HANG-SEO THAY ĐỔI SƠ ĐỒ CHIẾN THUẬT

 
Việc Oman thể hiện một lối chơi khó chịu và tốc độ với sơ đồ 4-4-2 kim cương có thể là một phần lý do dẫn đến quyết định thay đổi sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo. Phạm Đức Huy được sử dụng từ đầu trong vai trò tiền vệ phòng ngự, chơi sau lưng hai tiền vệ Hoàng Đức và Quang Hải. Công Phượng có lần đầu trở lại đội hình chính thức của ĐT Việt Nam trong năm 2021 và đá cặp cùng Tiến Linh trên hàng công. Sự thay đổi sang hệ thống 5-3-2 của HLV Park còn có những sự điều chỉnh nhân sự khác ở hàng phòng ngự, khi thủ môn Văn Toản và hậu vệ phải Tấn Tài được trao cơ hội thi đấu từ đầu. 
 
Nhận biết được sức mạnh từ khu vực trung lộ của đối phương, quyết định sử dụng một hệ thống có 3 tiền vệ trung tâm của ban huấn luyện ĐT Việt Nam là dễ hiểu. 
 
Trong khi đó, Oman không thể có được sự phục vụ của tiền vệ con thoi Al-Aghbari vì chấn thương. Vì thế, dù vẫn giữ nguyên sơ đồ 4-4-2 kim cương, nhưng HLV Branko Ivankovic lại đưa ra những sự thay đổi đáng chú ý ở vị trí của 4 cầu thủ ở tuyến giữa. Chỉ có tiền vệ trụ số 23 Al Saadi được giữ đúng vai trò thi đấu, trong khi số 20 Al-Yahyaei – người thường xuyên chơi ở vị trí tiền vệ tấn công – được kéo về chơi lệch biên phải. Cầu thủ kì cựu số 10 Al Khaldi là người đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng, trong khi cầu thủ số 15 Al Yahmadi có lần đầu đá chính tại vòng loại thứ 3 này. 
 
Oman Việt Nam
Cách bố trí nhân sự và sơ đồ chiến thuật của hai đội
 
Chính những sự thay đổi đáng chú ý ở tuyến giữa đã tạo nên những điều chỉnh đáng chú ý về mặt chiến thuật của HLV Brankovic trong định hướng tấn công của Oman, đặc biệt là khi ĐT Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh ở khu vực trung lộ với sơ đồ 5-3-2.
 

OMAN KHÔNG QUÁ HAY

 
Ở những trận đấu trước đó với những đối thủ lớn như Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia, 4 tiền vệ trung tâm của Oman cho thấy khả năng di chuyển đa dạng, linh hoạt và sẵn sàng triển khai bóng với những định hướng khác nhau. Ý đồ ấy được tạo nên bởi khả năng chơi rộng và tốc độ của số 20 Al-Yahyaei. Tuy nhiên, khi Al-Yahyaei phải nhường vai trò cho cầu thủ 33 tuổi Al Khaldi, cách tấn công của Oman lại trở nên đơn giản hơn khá nhiều. 
 
Đội chủ nhà trận này chủ yếu thực hiện những miếng tấn công ở hai cánh, với vị trí mở rộng và cao của hai tiền vệ con thoi. Chỉ 13,4% các tình huống triển khai tấn công của ĐT Oman được triển khai ở trung lộ. Có thể nói, trước cách nhập cuộc của đối thủ, cùng những sự thay đổi buộc phải thực hiện trong đội hình, Oman đã chọn một định hướng tấn công khác với chính họ ở những trận đấu trước đó. 
 
Oman Việt Nam
Cách triển khai đội hình của Oman
Cần phải nhắc lại, sơ đồ 5-3-2 khi phòng ngự của ĐT Việt Nam được sử dụng với ý đồ rõ rệt để hạn chế khả năng kiểm soát trung lộ của Oman. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Brankovic lại gần như bỏ qua phạm vi này và hướng bóng nhiều tới hai biên, điều khiến 3 tiền vệ trung tâm chơi giăng ngang của ĐT Việt Nam gặp khó khi phải hỗ trợ ở hành lang cánh. 
 
Oman Việt Nam
Định hướng phòng ngự của ĐT Việt Nam với sơ đồ 5-3-2. Hoàng Đức và Quang Hải phải hỗ trợ nhiều cho 2 hành lang cánh
 
Phương án tấn công chính của đội chủ nhà là các đường bóng theo chiều sâu, khai thác khoảng trống sau lưng hàng thủ 5 người của ĐT Việt Nam, bằng các nỗ lực di chuyển của hai tiền vệ con thoi số 20 Al-Yahyaei và số 15 Al Yahmadi. 
 
Oman Việt Nam
Oman tấn công nhiều theo chiều sâu. Tình huống số 15 Al Yahmadi di chuyển không bóng
 
Oman Việt Nam
Định hướng tấn công trực diện và đơn giản của Oman. Các tiền đạo của đội bóng này cũng tích cực di chuyển chiều sâu
 
Oman Việt Nam
Tình huống tấn công điển hình của Oman – số 20 Al-Yahyaei di chuyển chiều sâu và thực hiện quả tạt
 
Oman Việt Nam
Các trung vệ của ĐT Việt Nam cho thấy khả năng bọc lót tốt
 
Sự thiếu đa dạng trong cách chơi của Oman, cùng khả năng hỗ trợ phòng ngự tốt sau lưng hai hậu vệ biên của Duy Mạnh và Tiến Dũng đã tạo nên một thế trận tấn công không quá hiệu quả từ đội chủ nhà trong hiệp 1. Phải nói thêm rằng thủ thành trẻ tuổi Văn Toản trong lần đầu tiên được bắt chính tại ĐTQG đã thể hiện tương đối tốt. Thủ môn sinh năm 1999 thể hiện sự tập trung khi thực hiện những tình huống kiểm soát sau lưng hàng phòng ngự để ngăn chặn các pha bóng chuyền dài của Oman. 
 
Oman Việt Nam
Vị trí các tình huống phá bóng giải nguy của trung vệ Tiến Dũng – người thực hiện nhiều tình huống giải nguy nhất bên phía đội khách
 
Oman Việt Nam
Vị trí các đường chuyền của Oman trong hiệp 1, đội chủ nhà gần như chỉ tập trung tấn công biên
 
Hai tình huống đáng chú ý duy nhất của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Ivankovic đều đến từ các tình huống cố định trong sự thiếu tập trung của ĐT Việt Nam. Đó cũng là kịch bản tương tự cho các tình huống dẫn đến hai bàn thắng của đội chủ nhà trong hiệp hai. 
 
Oman Việt Nam
Bàn thua thứ nhất của ĐT Việt Nam đến sau khi các hậu vệ không thể kiểm soát tình huống bóng hai
 
Oman Việt Nam
Tình huống triển khai bóng đơn giản mang về quả phạt góc dẫn tới bàn thua thứ 2
 
Oman Việt Nam
Tình huống dẫn đến bàn thua thứ 3, Hồng Duy đã kiểm soát được tình hình nhưng lại có pha phá bóng không tốt
 
Có thể khẳng định, Oman chơi không quá hay và cũng không thể hiện đúng đẳng cấp của mình. Nhưng trong một thế trận như thế, tâm lý thi đấu và khả năng ra quyết định lại khiến ĐT Việt Nam chơi thiếu hiệu quả. 
 

ĐT VIỆT NAM VỘI VÀNG

 
Có thể khẳng định tinh thần thi đấu của các cầu thủ Việt Nam là đáng khen ngợi trong suốt hành trình đã qua tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á (AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar). Tuy nhiên, trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn, dễ dàng nhận thấy các học trò của HLV Park Hang-seo chưa có được sự điềm tĩnh và tỉnh táo cần thiết cả trong giai đoạn phòng ngự lẫn tấn công. Sự nhiệt huyết có phần quá đà trực tiếp dẫn tới những tình huống phạm lỗi không đáng có ở khâu phòng ngự, và sự nóng vội cũng phần nào khiến chúng ta đưa ra những quyết định không hẳn là tốt nhất khi kiểm soát bóng. 
 
Hệ thống 5-3-2 khi phòng ngự và 3-5-2 khi tấn công giúp ĐT Việt Nam gia tăng quân số ở khu vực trung lộ khi kiểm soát bóng. Cùng với sự trở lại của Công Phượng, đội bóng của HLV Park Hang-seo đã cho thấy khả năng tiếp cận khu vực cấm địa của đối thủ một cách kiên định và với quân số tốt hơn những trận đấu trước đó. 
 
Oman Việt Nam
Khả năng tạo ra sự kết nối của Công Phượng trong các pha tấn công của ĐT Việt Nam
 
Vị trí của Công Phượng trong vai trò tiền đạo lùi như một chất kết dính cho những cá nhân tấn công khác của ĐT Việt Nam như Hoàng Đức, Quang Hải hay Tiến Linh. So với những cá nhân khác trên hàng công, cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai sở hữu khả năng tự tin kiểm soát và dẫn bóng, điều giúp tốc độ tấn công của chúng ta được cân bằng, và cũng đồng thời giúp những đồng đội của Công Phượng có thời gian và không gian tìm kiếm những khoảng trống để hỗ trợ tốt hơn. 
 
Oman Việt Nam
Các đường chuyền thành công của Công Phượng cho thấy khả năng liên kết tấn công của cầu thủ này
 
Oman Việt Nam
Khả năng chọn vị trí và sẵn sàng nhận bóng
 
Oman Việt Nam
Ra quyết định chuyền bóng nhanh, dứt khoát
 
Oman Việt Nam
Tình huống di chuyển vào vòng cấm của Công Phượng tạo thời cơ cho Quang Hải
 
Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định một hạn chế của ĐT Việt Nam, không chỉ bộc lộ ở trận đấu này mà cả trong những trận đấu trước đó, là việc sử dụng các cầu thủ chạy cánh khi tấn công. Rõ ràng là đội bóng của HLV Park Hang-seo đã có những thời điểm hoàn toàn chủ động trong việc áp đặt thế trận và chủ động kiểm soát bóng, nhưng ý đồ tập trung phần lớn những nỗ lực kiểm soát bóng ở khu vực trung lộ khiến cho khả năng tấn công của chúng ta thiếu đi tính đa dạng. 
 
Cả Hồng Duy và Tấn Tài đều là những cầu thủ có khả năng hỗ trợ tấn công và chơi đột biến ở khu vực 1/3 cuối sân, nhưng trên thực tế, họ luôn không chơi cao và rộng khi Việt Nam có bóng, và họ cũng không nhận được những tình huống mở cánh cần thiết để phát huy khả năng của mình. 
 
Oman Việt Nam
ĐT Việt Nam không có ý đồ chuyển hướng tấn công ra cánh rõ ràng
 
Oman Việt Nam
Tập trung tấn công trung lộ
 
Oman Việt Nam
Các hậu vệ biên cũng không có vị trí cao và rộng để sẵn sàng nhận bóng
 
Xem cách Hồng Duy và Tấn Tài di chuyển khi ĐT Việt Nam kiểm soát bóng có thể nhận thấy rõ ý đồ của ban huấn luyện ĐT Việt Nam. Hai cầu thủ này được yêu cầu không dâng quá cao, và luôn cần có được sự chủ động về mặt vị trí một khi Việt Nam để mất bóng và phải phòng ngự. Sự cẩn trọng là thứ được lựa chọn, chứ không phải sự mạnh dạn. Nên nhớ, ĐT Việt Nam luôn có ít nhất 4 cầu thủ gồm 3 trung vệ và 1 tiền vệ phòng ngự để kiểm soát các tình huống phản công của đối phương.  
 
Oman Việt Nam
Vị trí các đường chuyền thành công của Tấn Tài và Hồng Duy cho thấy cả hai hiếm khi xâm nhập khu vực 1/3 cuối sân đối phương
 
Bàn thắng của Tấn Tài vào lưới Trung Quốc khi hậu vệ này ở vị trí cao, rộng ở hành lang cánh phải và sẵn sàng tấn công khu vực vòng cấm địa đối thủ là một hình ảnh điển hình. Nhưng nó gợi nhiều tới phong cách thi đấu của bản thân cầu thủ này, hơn là những dấu ấn từ định hướng chơi của ĐT Việt Nam.
 
Việc quá tập trung cho những tình huống tấn công ở trung lộ còn được kết hợp với sự vội vàng ở những quyết định xử lý cuối cùng để tạo nên một màn trình diễn thiếu hiệu quả của đội tuyển Việt Nam. Ngoại trừ bàn thắng của Tiến Linh đến sau đường chuyền hỏng trên phần sân nhà của Oman, ĐT Việt Nam không có quá nhiều cơ hội tốt để dứt điểm. Thêm một trận đấu mà ĐT Việt Nam sút xa nhiều và sút xa có phần vội vàng, khi cơ hội đưa bóng vào khu vực 16m50 đã mở ra. 
 
Oman Việt Nam
Không ít tình huống ĐT Việt Nam đưa ra những quyết định dứt điểm từ ngoài vòng 16m50 của đối thủ
 
Rõ ràng không thể đặt kì vọng lớn vào kết quả của ĐT Việt Nam ở lượt trận thứ 3 lần này, nơi những đối thủ đều cho thấy sự quyết tâm trong tâm lý thi đấu và sự vượt trội ở đẳng cấp chơi bóng. Tuy nhiên, điều có thể hy vọng là việc ĐT Việt Nam cho thấy sự tiến bộ qua từng trận đấu so với chính chúng ta, điều đang chưa diễn ra một cách rõ rệt và cũng sẽ là điều HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự cần hướng tới ở những trận đấu tiếp theo của ĐT Việt Nam ở hành trình này.  

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

X
top-arrow