Có được 1 điểm tại Stamford Bridge là một kết quả thành công với Manchester United của HLV Michael Carrick, trong bối cảnh Chelsea đang duy trì một phong độ quá ổn định trong quãng thời gian vừa qua. Những dấn ấn của vị HLV tạm quyền bên phía đội khách đã được thể hiện về mặt chiến thuật và tinh thần thi đấu, nhưng sự thật là United vẫn còn nhiều vấn đề trong lối chơi cần giải quyết.
Lựa chọn bất ngờ của Man United
Bất ngờ đầu tiên mà Michael Carrick tạo ra là quyết định không sử dụng Cristiano Ronaldo ngay từ đầu ở một trận đấu lớn. Không có gì phải bàn cãi về khả năng ghi bàn của ngôi sao người Bồ Đào Nha, tuy nhiên, những đóng góp của Ronaldo vào khả năng phòng ngự của Manchester United vẫn luôn là một dấu hỏi lớn từ đầu mùa giải.
Man United bớt một cầu thủ tấn công và đưa vào sân cả 3 tiền vệ trung tâm là Nemanja Matic, Scott McTominay và Fred. Ở phía trên, Bruno Fernandes chơi hỗ trợ cho cặp đôi Marcus Rashford cùng Jadon Sancho.
Nếu chỉ nhìn vào danh sách thi đấu của đội khách, có lẽ nhiều người sẽ kỳ vọng vào một thế trận chắc chắn, chơi an toàn, với 3 cầu thủ tiền vệ đều có xu hướng thu hồi bóng. Thế nhưng, những diễn biến trên sân lại không diễn ra như vậy, Michael Carrick muốn các cầu thủ của mình tạo áp lực ngay từ tuyến triển khai bóng đầu tiên của Chelsea, gây khó dễ cho đội bóng của Thomas Tuchel. Đặc biệt, Man United thực hiện ý đồ ấy bằng một cách sắp xếp đội hình thú vị, và gần như chưa từng được áp dụng tại đội bóng này trong ít nhất 3 năm qua.
|
Cấu trúc đội hình của Man United ở những phút đầu của trận đấu |
Bất ngờ lớn nhất đến từ vị trí của Fred khi United tổ chức các tình huống áp sát tầm cao. Cầu thủ người Brazil chơi cao hơn so với hai tiền vệ trung tâm còn lại. Man United gây áp lực bằng cấu trúc đội hình 4-2-2-2, Fernandes cùng Rashford tạo nên hàng ngang đầu tiên, trong khi Fred và Sancho không chơi rộng, mà thu hẹp vào khu vực trung lộ, ưu tiên kiểm soát các đường chuyền tới những tiền vệ của Chelsea, trước khi đẩy đối phương ra biên. 4 cầu thủ chơi cao nhất của đội khách có nhiệm vụ kiểm soát nhóm 5 cầu thủ Chelsea gồm 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm – những người rất quan trọng với Thomas Tuchel ở vai trò triển khai bóng.
|
Vị trí của các cầu thủ Man United khi gây áp lực tầm cao |
|
Nhóm 4 cầu thủ tuyến trên kiểm soát các tình huống triển khai từ sân nhà của Chelsea với cự ly tốt |
|
Tình huống Fred có cơ hội ở trạng thái gây áp lực tầm cao khi thủ thành Edouard Mendy chuyền sai |
Khi Fred và Sancho ưu tiên kiểm soát khu vực trung lộ, hai hậu vệ biên của Man United là Aaron Wan-Bissaka cùng Alex Telles cũng được yêu cầu mạnh dạn dâng cao một cách chủ động hơn ở các nỗ lực áp sát tầm cao. Manchester United tạo ra được một hệ thống chơi khi không có bóng có cự ly tốt hơn, có tính tổ chức và có cường độ tốt hơn.
|
Các hậu vệ biên của Man United sẵn sàng dâng cao tạo áp lực lên đối phương |
Trước những thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm Ralf Rangnick vào vị trí HLV trưởng của đội bóng, những quyết định chiến thuật của Michael Carrick tại Stamford Bridge cho thấy những nét tương đồng với triết lý bóng đá của chiến lược gia người Đức.
Đó vẫn chưa phải toàn bộ những thay đổi mà Michael Carrick tạo ra. Khi Man United bị Chelsea đẩy lùi về khu vực sân nhà, tiền vệ McTominay luôn rất chủ động lùi xuống hàng ngang hậu vệ, để tạo thành một lớp phòng ngự 5 người.
Phía trên, Fred và Matic kết hợp ở giữa sân, trong khi Sancho và Rashford hỗ trợ phòng ngự ở hai hành lang cánh. Một dấu ấn khá rõ của sự chi tiết trong khâu chuẩn bị trận đấu, trong bối cảnh Chelsea đang tấn công các đối thủ với cấu trúc 3-2-5 và sự nguy hiểm của 2 cầu thủ chạy cánh. Manchester United rõ ràng không muốn 4 hậu vệ của họ bị thua thiệt quân số so với nhóm 5 cầu thủ tấn công của Chelsea. Vì thế, quyết định giao cho McTominay một vai trò riêng biệt, có thể xem là quyết định cho thấy sự tỉ mỉ của Michael Carrick.
|
Khi phòng ngự ở sân nhà, McTominay trở thành trung vệ thứ 3 |
United thậm chí đã phòng ngự với 2 sơ đồ chiến thuật khác nhau, tuỳ vào từng khu vực sân đấu. Họ đã có một kế hoạch trận đấu cụ thể hơn, chơi bằng một tinh thần tốt hơn. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. Thời gian huấn luyện ít ỏi chỉ có thể giúp Carrick và các cộng sự của mình tạo nên những nét tích cực ở yếu tố cấu trúc đội hình nói chung, nhưng các chỉ tiết nhỏ ở khả năng ra quyết định của từng cá nhân vẫn khiến đội khách có một thế trận không mấy ấn tượng trước Chelsea.
Chelsea khai thác các vấn đề của Man United
Như đã nói, Man United đã tạo ra một thế trận phòng ngự có sự chủ động hơn ở gần như mọi khu vực trên sân, vận hành các phương án bố trí nhân sự khác nhau dựa theo điểm mạnh của đối phương. Kế hoạch chi tiết là một chuyện, nhưng thực tế trên sân, khi những tình huống ra quyết định cụ thể của các cầu thủ đội khách là chưa thực sự chính xác, thì Chelsea đủ sức để khai thác những điểm chưa hoàn thiện trong cách vận hành của đối thủ.
Thứ nhất, Man United gây áp lực tầm cao với sự chưa hoàn thiện trong định hướng gây áp lực của từng cá nhân, đặc biệt là Sancho và Rashford. Cách hai cầu thủ này gây áp lực tương đối chân phương, không quan sát, cân nhắc các lựa chọn chuyền bóng của đối thủ, hoặc không di chuyển một cách đồng bộ cùng các đồng đội.
|
Sancho lựa chọn hướng gây áp lực không tốt |
|
Cầu thủ Man United có cự ly đội hình tốt, nhưng hướng gây áp lực và sự di chuyển đồng bộ không được duy trì ổn định |
Các tình huống triển khai bóng của Chelsea gặp những khó khăn nhất định, nhưng Thiago Silva, Antinio Rudiger và Jorginho vẫn chơi tốt khi kiểm soát bóng để giúp Chelsea đưa bóng sang phần sân đối phương.
Thứ hai, các cầu thủ Man United dường như chưa thể bắt nhịp được với việc sử dụng hai hệ thống chiến thuật trong trạng thái phòng ngự, dẫn đến cách di chuyển đội hình và bọc lót chưa thực sự nhuần nhuyễn như ý đồ của Michael Carrick. Chelsea đã trực tiếp khai thác vào điểm sự thiếu hoàn thiện ấy của đối thủ, bằng các tình huống luân chuyển tốt ở phạm vi hai hành lang cánh.
|
Chelsea khai thác điểm yếu ở khu vực hành lang trong của Man United, khi McTominay lùi lại thành trung vệ thứ 3 |
Sự có mặt của Mason Mount và Christian Pulisic trong nửa sau của hiệp 2 giúp cánh phải của đội chủ nhà có nhiều phương án tấn công hơn, và giúp đội bóng của Thomas Tuchel tạo ra những cơ hội thậm chí còn rõ rệt hơn.
|
Việc chưa nhuần nhuyễn trong sự di chuyển đội hình khiến Man United để đối thủ đưa bóng vào các khu vực nguy hiểm khá dễ dàng |
|
Pulisic và Ziyech khai thác trực diện từ hành lang cánh vào trung lộ. Tình huống Werner có cơ hội dứt điểm |
Thứ ba, sự bối rối của các cầu thủ Man United khi triển khai bóng cũng giúp Chelsea dễ dàng kiểm soát thế trận một cách toàn diện. Đoàn quân của Thomas Tuchel không chỉ hưởng lợi bởi các quyết định với bóng thiếu ấn tượng của đối phương, mà còn chủ động gây áp lực đồng bộ ngay từ khu vực 1/3 cuối sân, để đoạt bóng và lập tức tấn công.
|
Chelsea gây áp lực tốt ngay khi để mất bóng |
Trước sự hoàn thiện trong lối chơi của đối thủ, thì những thay đổi tức thời của Michael Carrick chỉ có thể mang đến sự cải thiện về mặt tinh thần, về sự chắc chắn trong khu vực cấm địa. Trên thực tế, công việc trước mắt của Ralf Rangnick vẫn là tương đối phức tạp.
Lời chào cho Rangnick?
Thứ bóng đá ở cường độ cao trong trận đấu tại Stamford Bridge có thể xem là một sự thay đổi tức thời của Manchester United, nhưng nhìn xa hơn, khi Ralf Rangnick đã sẵn sàng cho vị trí tân HLV trưởng của đội bóng, thì những gì Michael Carrick đã thực hiện có thể xem là một hình ảnh giới thiệu cho một sự chuyển mình của đội bóng này.
Các cá nhân được đặt vào các vai trò phù hợp hơn, mà điển hình là Fred hay Sancho. Đội bóng được vận hành có tính tổ chức hơn, những phương án chiến thuật rõ ràng, chi tiết hơn cho thấy sự nghiên cứu đối thủ một cách cẩn trọng.
Manchester United vẫn còn đó những vấn đề lớn trong tư duy của các cầu thủ khi gây áp lực, lẫn những vị trí không đạt yêu cầu khi triển khai bóng. Đặc biệt ở những tình huống cần hướng lên phía trước, thì những cá nhân như Wan-Bissaka hay McTominay lại thường xuyên đưa ra những quyết định rất tồi.
|
Wan-Bissaka lựa chọn xoay quả bóng lại trong pha phối hợp với Sancho |
|
Hình ảnh tương tự của McTominay, một quyết định xoay bóng lại trong bối cảnh phía trước có nhiều khoảng trống |
Tuy nhiên, họ cho thấy được một tín hiệu tích cực và khởi sắc về mặt thế trận. Tinh thần mang tính bản sắc của Man United kết hợp cùng tính tổ chức của Ralf Rangnick là điều hoàn toàn có thể được kỳ vọng.
Tập thể có nhiều cá nhân xuất sắc, có nhiều những cái tôi lớn như Manchester United, sẽ là một thử thách lớn cho Rangnick ở khả năng quản lý và vận hành lối chơi. Sẽ rất thú vị nếu chứng kiến tân HLV trưởng của đội bóng này tiếp tục phát triển một phong cách bóng đá ở cường độ cao, đặt nặng yêu cầu cho từng cá nhân, và sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn trong việc lựa chọn nhân sự.