Manchester United đã làm tốt việc phòng ngự bóng chết khi họ có đầy đủ những sự lựa chọn hàng đầu cho bộ tứ hậu vệ của mình trên sân. Còn khi thiếu đi sự phục vụ của những cái tên đó… chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “thảm họa”.
Ảnh: Getty Images
Lưu ý: Bài viết này được thực hiện trước trận đấu của Manchester United với Fullham (18/5). Tất cả các số liệu sử dụng trong bài viết đều tính đến ngày 17/5/2021.
Gần đây, Manchester United đã được ghi nhận thống kê để thủng lưới 3 bàn từ các tình huống cố định chỉ trong khoảng thời gian 50 tiếng. Đây thực sự là một thành tích tệ, và điều khiến nó trở nên còn tệ hơn nữa là… chuyện này chẳng hề đáng ngạc nhiên. Những bàn thua đó là các pha thủng lưới thứ 12, 13 và 14 từ bóng chết của Man United ở Premier League mùa giải này, chiếm 1/3 tổng số bàn thua của họ.
Tại sao chuyện này lại xảy ra nhiều đến thế? Đó là lỗi của những ai? Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
Vào một số thời điểm của mùa giải năm nay, việc đổ lỗi cho thủ môn đã trở thành …mốt. Man United đã để thủng lưới 5 bàn từ các pha phạt góc khi David De Gea trấn giữ khung thành ở mùa giải này, và 4 bàn khi Dean Henderson bắt chính (với thời gian thi đấu kém thủ môn người Tây Ban Nha hơn 1000 phút), vậy nên vị trí thủ môn không phải là vấn đề.
Phải chăng lỗi thuộc về các trung vệ? Các cổ động viên Man United vốn đã có thành kiến tiêu cực với Victor Lindelöf trong nhiều năm qua, bên cạnh đó, việc công kích Harry Maguire và mức phí chuyển nhượng 80 triệu bảng của anh đã luôn là “mốt” khi khâu phòng ngự của Quỷ Đỏ gặp vấn đề. Nhưng Man United vẫn để thủng lưới từ các tình huống cố định khi Eric Baily (hoặc Axel Tuanzebe) thay thế Lindelöf, và chuyện họ phải nhận đến 3 bàn thua bởi bóng chết trong 2 trận đấu mà Maguire không thể ra sân đã cho thấy sự hiện diện của anh ở hàng thủ có lợi nhiều hơn hại.
Câu trả lời chỉ đơn giản là vấn đề nằm ở công tác huấn luyện. Các tình huống cố định và phòng ngự bóng chết là hai khía cạnh luôn có khả năng cao bị xem nhẹ trên sân tập. Nếu có một lỗ hổng nào đó trong hệ thống của bạn, các huấn luyện viên hoàn toàn có khả năng nhận thấy nó và thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Nhưng ở mùa giải này, chuyện đó đã không diễn ra.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại sao vấn đề này không biến mất, và xem xét liệu có đang tồn tại tín hiệu lạc quan nào cho thấy nó sẽ được khắc phục hay không.
Hệ thống phòng ngự các tình huống đá phạt – cụ thể là các pha phạt góc – của Man United là sự kết hợp giữa phòng ngự kèm người và phòng ngự khu vực. Trong một tình huống phạt góc, Man United thường sẽ triển khai hệ thống phòng ngự với 4 đến 5 cầu thủ dàn hàng ngang tại khu vực 5m50 để thực hiện phòng ngự khu vực, và một nhóm cầu thủ khác ở gần chấm penalty sẵn sàng thực hiện phòng ngự kèm người với các chân chạy của đối phương.
Cách thiết lập này không quá khác biệt với hệ thống của Liverpool.
Như chuyên gia phân tích chiến thuật Pauly Kwestel đã chỉ ra sau trận đấu của Man United với Everton, vị trí của các cầu thủ sẽ tùy thuộc vào khả năng đánh đầu của họ. Họ bắt đầu với cầu thủ giỏi không chiến nhất của mình – với Man United là Harry Maguire – và từ đó tiếp tục thiết lập hệ thống phòng ngự. Maguire luôn chiếm lĩnh vị trí của cầu thủ thứ hai tính từ cột xa. Phía sau anh thường là một trong các tiền vệ trung tâm, Paul Pogba hoặc Nemanja Matíc. Phía trước Maguire là nơi mà mọi thứ sẽ trở nên rất thú vị. Đây sẽ thường là nơi dành cho cầu thủ giỏi không chiến thứ hai của Man United, nhưng liệu đó là Lindelöf, Bailly, Scott McTominay hay ai khác sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những cái tên đang có mặt trên sân.
Hệ thống của Man United được xây dựng xoay quanh hai điều: Cản phá “bóng một”, và Harry Maguire. Nhiệm vụ của Maguire là quan sát quả bóng và di chuyển theo hướng bay của nó. Nếu có một đồng đội cản đường anh, trung vệ này sẽ sẵn sàng đẩy người đồng đội đó ra để có thể tiếp cận quả bóng.
Trong khi nhiệm vụ của Maguire và phần còn lại của nhóm cầu thủ thực hiện phòng ngự khu vực là cố cản phá bóng, thì nhiệm vụ của nhóm cầu thủ thực hiện phòng ngự kèm người là không để cho các chân chạy của đối phương đến được khu vực 5m50 của vòng cấm. Nếu họ thất bại trong nhiệm vụ này, các chân chạy đó sẽ có khuynh hướng di chuyển cắt mặt Maguire (hoặc bất kỳ ai) và cực kỳ khó để giành chiến thắng trong một pha không chiến khi mà bạn đã phải bật nhảy ngay tại vị trí đứng của mình, còn đối phương thì có được một pha chạy đà trước khi nhảy.
Nếu Man United không thể cản phá thành công “bóng một”, chuyện xảy ra tiếp theo sẽ là thảm họa. Khi ấy, họ sẽ phải đương đầu với những cơ hội có tỷ lệ thành bàn cực kỳ cao, thường kết thúc bằng việc bóng nằm trong lưới.
Đó có thể là một pha lao người đánh đầu đơn giản.
Hay một cái lắc đầu nhẹ ở cột gần.
Thảm họa cũng xảy ra khi mà pha chạm bóng đầu tiên của đối phương không phải một cú dứt điểm mà là một đường chuyền tạo nên một pha bóng hai. Khi ấy, Man United thường mất đi sự tỉnh táo, không thể phản ứng với pha bóng hai một cách hợp lý và để cho một cầu thủ đối phương được tự do.
Vấn đề cuối cùng nảy sinh khi mà sau tình huống cản phá bóng một, bóng vẫn còn luẩn quẩn trong khu vực vòng cấm. Thông thường, ngay khi chuyện đó xảy ra, các cầu thủ phòng ngự phải lập tức lao lên để khiến cho bất kỳ cầu thủ đối phương nào muốn áp sát khung thành rơi vào thế việt vị.
Nhưng thật không may, trong những tình huống đó các tiền đạo thực hiện phòng ngự kèm người của Man United có khuynh hướng bắt đầu dâng lên, để quay trở về vị trí của họ, trong khi các trung vệ đối phương vẫn còn ở trong vòng cấm. Việc này đã không ít lần gây ra tình trạng mất đồng bộ, không hiểu ý nhau giữa nhóm phòng ngự khu vực và nhóm phòng ngự kèm người, dẫn đến việc có cầu thủ đối phương được tự do.
Man United thường để trung phong của họ bảo vệ khu vực trước cột gần trong khi một cầu thủ tấn công khác (chẳng hạn như Bruno Fernandes) ở phía trước anh ta. Luke Shaw luôn là một cầu thủ phòng ngự kèm người, nhưng Alex Telles chủ yếu là một cầu thủ phòng ngự cột gần. Do đó, khi Telles có mặt trên sân, anh sẽ là người đảm nhận vị trí phía trước trung phong, thay vì một cầu thủ tấn công như chúng ta đã đề cập.
Việc phân công cũng phụ thuộc vào chuyện những ai đang chơi ở khu trung tuyến. Matić, McTominay, và Pogba đều là các cầu thủ có khả năng không chiến, nhưng Fred thì hoàn toàn không. Việc Fred có ra sân hay không sẽ thay đổi mọi thứ.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy tất cả những chuyện này có khả năng trở nên nguy hiểm đến thế nào.
Hệ thống này yêu cầu các cầu thủ phải đảm đương rất nhiều trách nhiệm cá nhân trong những vai trò mà họ được giao phó. Nếu các cầu thủ phải thay đổi vai trò dựa trên những người khác trên sân, điều đó có thể gây ra một số sai lầm. Chuyện này đặc biệt đúng nếu cầu thủ đóng vai trò yếu nhân (Maguire) đột nhiên không thể thi đấu.
Tuy nhiên, các cổ động viên của đội chủ sân Old Trafford hoàn toàn có thể lạc quan rằng yếu điểm này của Man United rồi sẽ được giải quyết – khả năng cao nhất là vào đầu mùa giải tới.
Đây cũng chính là hệ thống mà Quỷ Đỏ đã sử dụng vào mùa giải 2019/2020. Tuy khó tin, nhưng sự thật là ở mùa giải 2019/2020 họ cũng đã gặp các vấn đề tương tự trong việc phòng ngự bóng chết. Cho dù đó là các tình huống cầu thủ đối phương lao đến trước mặt Maguire…
… hay những tình huống mà cầu thủ đối phương “ẩn mình” giữa các cầu thủ phòng ngự kèm người và các cầu thủ phòng ngự khu vực của Man United sau khi “bóng một” bị cản phá.
Sau 24 trận đầu của mùa giải trước, Man United đã để thủng lưới tận 10 bàn từ các tình huống cố định (còn ở mùa giải này là 9 bàn sau 24 trận). Nhưng sau đó, vấn đề này đột nhiên biến mất và họ chỉ để thủng lưới vỏn vẹn 1 bàn từ 1 tình huống bóng chết trong 14 trận cuối của mùa giải.
Có hai yếu tố quan trọng trong việc khiến cho điểm yếu chống bóng chết của Man United ở mùa giải trước biến mất. Yếu tố đầu tiên chỉ đơn giản là sự ổn định trong đội hình thi đấu. Trong nửa đầu + 4 trận thuộc nửa sau của mùa giải, Man United đã sử dụng đến 5 cặp đôi tiền vệ trụ ở tuyến giữa (Pogba-McTominay, McTominay-Matić, McTominay-Fred, Pereira-Fred, Matić-Fred), cũng như vô số sự kết hợp khác nhau ở bộ tứ hậu vệ của họ. Luke Shaw, Axel Tuanzebe, Ashley Young, Brandon Williams, và Diogo Dalot đều đã có những trận được đá chính ở vị trí hậu vệ cánh, trong khi Maguire, Lindelöf, Tuanzebe, Marcos Rojo, và Phil Jones đều đã được đá chính ở vị trí trung vệ.
Sau 24 trận đầu (ngoại trừ một vài trận), khuynh hướng sử dụng nhân sự của Ole Gunnar Solskjaer đã được rút gọn xuống còn hai tổ hợp tiền vệ trụ chủ yếu – Matić-Fred và Matic-Pogba – và một bộ tứ hậu vệ được dùng cố định là Wan-Bissaka, Lindelöf, Maguire, và Shaw.
“Nhân tố X” ở đây chính là Matić. Sự tái xuất của anh trong đội hình thi đấu vào tháng 1 diễn ra trùng với khoảng thời gian mà Man United phòng ngự chắc chắn hơn nhiều, và tiền vệ người Serbia là một nhân tố có giá trị rất lớn của Quỷ Đỏ khi đề cập đến việc chống bóng chết.
Quan trọng hơn yếu tố sự ổn định của đội hình thi đấu chính là kỳ nghỉ đông đầu tiên trong lịch sử Premier League. Vào đầu tháng 2, Man United đã bay đến Marbella và dành một tuần tập luyện. Một tuần đó đã mang đến cho họ cơ hội để tìm cách cải thiện khâu phòng ngự bóng chết và giúp các cầu thủ thấu hiểu nhau. Đừng quên, Eric Bailly đã gặp chấn thương từ giữa giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải, trong khi Harry Maguire phải đến ngay trước khi mùa giải bắt đầu mới chính thức gia nhập Man United. Một tuần đó có vai trò rất quan trọng và thành tích phòng ngự của Man United sau kỳ nghỉ đông (cũng như trại huấn luyện được đề cập) đã nói lên rất nhiều điều.
Đội chủ sân Old Trafford đã giải quyết được vấn đề này vào mùa giải trước, nhưng tại sao nó lại tái xuất hiện vào mùa giải này? Tại sao Man United lại thụt lùi?
Thật thú vị, tất cả những lý do đã giúp Man United tiến bộ trong khía cạnh này ở mùa giải trước cũng chính là những lý do đã khiến họ thụt lùi ở mùa giải này. Đầu tiên, đó là sự ổn định của đội hình thi đấu.
Trên thực tế, khi Quỷ Đỏ có đầy đủ 4 sự lựa chọn hàng đầu của họ cho bộ tứ hậu vệ trên sân, họ thực sự phòng ngự không hề tệ chút nào!
manchester united và điểm yếu phòng ngự bóng chết
Đây là bảng so sánh thành tích phòng ngự của bộ tứ hậu vệ hàng đầu của Man United (AWB-Lindelof-Maguire-Shaw), bộ tứ vệ AWB-Bailly-Maguire-Shaw và những tổ hợp hậu vệ khác mà Quỷ Đỏ đã sử dụng ở hàng thủ. Trong đó: Minutes (số phút thi đấu), NP Goals Against (số bàn thua không tính penalty), NP Expected Goals Against (Số bàn thua kỳ vọng – không tính penalty), NP Goals Against Per 90 (Số bàn thua không tính penalty trung bình mỗi 90 phút), NP xGA Per 90 (Số bàn thua kỳ vọng – không tính penalty – trung bình mỗi 90 phút).
Bảng trên có tính cả đấu trường Champions League, nhưng nếu chúng ta loại trừ những phút thi đấu đó, thì 4 hậu vệ hàng đầu của Man United đã có 1769 phút sát cánh bên nhau ở Premier League mùa giải 2020/2021. Họ được ghi nhận thống kê trung bình 0,56 bàn thua không tính penalty mỗi 90 phút, một con số… khá tốt (tương đương 12,28 bàn thua không tính penalty mỗi mùa) và đây là một sự cải thiện rõ rệt so với con số 0,77 được ghi nhận ở bộ tứ này vào mùa giải 2019/2020.
Trong số 11 bàn thua không tính penalty mà họ để cho đối phương ghi được ở mùa giải này, có 1 bàn là phản lưới nhà và 7 bàn đến từ các tình huống bóng sống. Điều đó nghĩa là chỉ có 3 bàn đến từ các tình huống cố định. Đây không hề là một thành tích tồi. Mở rộng thống kê đó ra 38 trận của mùa giải, và chúng ta sẽ có con số 5,5 bàn thua từ bóng chết nếu Man United có thể sử dụng bộ tứ hậu vệ này trong toàn bộ mùa giải. Chỉ có 2 câu lạc bộ để thủng lưới ít hơn con số đó ở mùa giải này.
1769 phút được đề cập chiếm 54,6% trong tổng số phút tại Premier League mà Man United đã chơi ở mùa giải này. Nói cách khác, bộ tứ đó đã chơi cùng nhau hơn nửa mùa giải và chỉ để thủng lưới 3 bàn từ bóng chết, đồng nghĩa với việc chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy nửa mùa giải mà 4 người họ không sát cánh bên nhau, Man United đã nhận đến 11 bàn thua từ các tình huống cố định! Nghĩa là tận 78,57% trong tổng số bàn thua từ bóng chết xuất hiện chỉ trong 45,40% số phút thi đấu!
Chính vì vậy, bộ tứ vệ hàng đầu chắc chắn không phải là một vấn đề. Nhưng khi phải thực hiện những sự thay đổi, mọi thứ đã trở thành thảm họa.
Chỉ một sự thay đổi trong đội hình cũng có thể gây nên một hiệu ứng domino tiêu cực cho việc thiết lập hệ thống phòng ngự bóng chết của Man United. Đồng thời, cũng có sự góp phần của trách nhiệm cá nhân và việc các cầu thủ sở hữu những khả năng khác nhau trong khía cạnh này. Hãy nhìn vào bàn thua thứ hai trong trận đấu với Liverpool.
Nó đến từ một tình huống đá phạt tại một bên cánh. Man United đã triển khai một hệ thống phòng ngự dâng cao, trông giống như một sự pha trộn của phòng ngự kèm người và phòng ngự khu vực. Marcus Rashford, Edinson Cavani, Lindelöf, và Wan-Bissaka đều đang theo kèm một cầu thủ đối phương, còn Shaw, McTominay, Bailly và Pogba thực hiện phòng ngự khu vực.
Cách thiết lập hệ thống phòng ngự này không quá khác so với tình huống cố định diễn ra vào cuối trận đấu với Everton. Vị trí thực hiện đá phạt của Everton khó hơn, nhưng hệ thống phòng ngự của Man United đã được dàn xếp giống hệt. Họ vẫn co cụm vào trung lộ, và McTominay – cầu thủ cuối cùng trong hệ thống – đã để lại rất nhiều khoảng trống dành cho cầu thủ đứng xa nhất của đối phương.
Một khi pha đá phạt được thực hiện, chẳng có ai bận tâm đến một cầu thủ cụ thể của đối phương cả. Đây là phòng ngự khu vực đích thực, tất cả mọi người đều chỉ tập trung vào quả bóng. Dĩ nhiên, chi tiết đáng chú ý nhất trong tình huống này là Maguire đã lùi sâu hơn tất cả những người khác. Maguire đã định hướng cơ thể và di chuyển vào phía trong từ rất sớm, bởi vì đó là nơi mà anh tin rằng quả bóng sẽ đến và anh muốn bù đắp cho điểm yếu tốc độ bằng cách phán đoán trước những gì sẽ diễn ra. Nhưng những nỗ lực của anh đã trở thành công cốc trong tình huống này, bởi vì bóng đã đi đến cột gần.
Liverpool đã phải tổ chức phòng ngự trước một pha đá phạt từ một vị trí gần như giống hệt cũng trong trận đấu gần nhất với Man United. Họ đã triển khai một hệ thống phòng ngự lùi sâu hơn một chút, nhưng cầu thủ đứng cuối cùng trong hệ thống của họ cũng để mặc kệ một khoảng trống lớn dành cho 2 cầu thủ Man United hiện diện ở khu vực cột xa.
Hãy quan sát Nat Phillips khi pha đá phạt được thực hiện. Anh không hề để mắt đến một cầu thủ Man United nào, thậm chí còn không biết McTominay đang đứng đằng sau mình. Anh chỉ tập trung vào quả bóng.
Giờ thì hãy nhìn vào cách Man United phòng ngự trước tình huống bóng chết này.
Tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt vào quả bóng, ngoại trừ Eric Bailly. Bailly đã bám theo một cầu thủ vốn đã được Wan-Bissaka theo kèm, sau đó anh ta mới quan sát đường bay của bóng và nhận thấy rằng mình phải mau chóng lao đến cản phá nó. Đúng là Pogba cần phải làm tốt hơn, nhưng Bailly lẽ ra phải quan sát và chạy đến điểm rơi của bóng ngay từ đầu.
Nếu trung vệ này quan sát đường bay của bóng ngay từ đầu, liệu anh có thể cản phá nó không? Hầu như chắc chắn là vậy. Maguire là một cầu thủ luôn quan sát đường bay của bóng. Nếu trung vệ 28 tuổi hiện diện trong tình huống này và lao theo bóng ngay từ đầu, liệu anh có thể ngăn cản Firmino ghi bàn? Khả năng đó không hề thấp.
Tất cả những vấn đề này đã phát sinh từ việc thiếu thời gian dành cho công tác huấn luyện trên sân tập. Bản thân hệ thống mà Man United sử dụng có rất nhiều vấn đề, nhưng việc thay đổi nó không hề đơn giản. Nếu bạn muốn đại tu một cái gì đó như thế này, bạn cần có rất nhiều thời gian để đầu tư cho công tác huấn luyện trên sân tập.
Đó là điều mà Man United đã không được hưởng ở mùa giải này. Các hệ thống như thế này thường được thử nghiệm và hoàn thiện trong giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải, và Man United đã không có được điều đó cho mùa giải 2020/2021. Từ tháng 9 đến tháng 4, đội chủ sân Old Trafford đã phải chơi 2 trận mỗi tuần, do đó phải cắt giảm hầu hết các buổi tập của họ để dành thời gian cho việc phục hồi. Vào tuần lễ giữa trận đấu với Roma và trận đấu với Liverpool, Man United thậm chí còn không bước ra sân tập nên rõ ràng là họ không thể xử lý vấn đề này trong khoảng thời gian đó.
Chuyện này đã đưa Bailly vào một tình thế thực sự khó khăn khi Maguire không thể ra sân. Bailly đã hiện diện trong 5 bàn thua mà Man United phải nhận từ các tình huống cố định. Không phải cả 5 bàn thua đều là lỗi của anh, nhưng đây là một con số chiếm gần 30% trong tổng số lần thủng lưới bởi bóng chết dù cho anh chỉ góp mặt trong 25,49% thời lượng thi đấu của Man United ở mùa giải này. Trên thực tế, 3 bàn thua xảy ra gần đây nhất có liên quan đến Bailly và cho thấy hậu quả của tình trạng thiếu thời gian dành cho công tác huấn luyện trên sân tập.
Ở mùa giải này, Bailly chủ yếu cạnh tranh với Lindelöf về cơ hội thi đấu. Hoàn toàn hợp lý khi giả định rằng vào lúc tập luyện các tình huống bóng chết, anh sẽ chủ yếu đóng vai trò chuyên gia không chiến số 2 của đội bên cạnh người số 1 là Maguire, vì đây là tình huống có khả năng diễn ra cao nhất trong một trận đấu. Rõ ràng là bạn cũng phải tính đến khả năng Maguire gặp chấn thương, nhưng bạn không có nhiều thời gian để đầu tư cho công tác huấn luyện trên sân tập, mà chuyện cần làm thì quá nhiều. Do đó, bạn phải ưu tiên sự tập trung của mình cho các hệ thống phòng ngự mà bạn cảm thấy sẽ có khả năng xuất hiện cao nhất.
Vắng Harry Maguire sẽ tạo ra tổn thất lớn cho Manchester United. Ảnh: Getty Images
Tương tự như Bailly, Alex Telles đã góp mặt trong 6 bàn thua từ bóng chết mà Man United phải nhận. Con số đó chiếm đến 42,86% trong tổng số bàn thua bởi bóng chết dù cho anh chỉ chơi 18,52% trong tổng thời lượng thi đấu của Quỷ Đỏ ở mùa giải này. Telles đã gia nhập đội bóng sau khi mùa giải bắt đầu và ngay lập tức phải vắng mặt một thời gian dài vì COVID-19. Hầu hết các vấn đề phòng ngự bóng chết của anh đều đến vào đầu mùa giải (trước Southampton, West Ham và Sheffield United). Khi có thể dành nhiều thời gian hơn với Man United, anh đã cải thiện (mặc dù vẫn thường xuyên để cho một cầu thủ đối phương được tự do ở cột xa).
Đáng chú ý, Matić đã sa sút một cách trầm trọng. Vào mùa giải trước, anh đã xuất hiện và giải quyết rất nhiều vấn đề. Còn ở mùa giải này thì hoàn toàn trái ngược. Anh đã góp mặt trong 7 bàn thua từ bóng chết của Man United! Con số đó chiếm đến 50% trong tổng số bàn thua bóng chết mặc dù anh chỉ chơi 31% trong tổng thời lượng thi đấu của Quỷ Đỏ. Không phải tất cả chúng đều là lỗi của anh, nhưng với việc phong độ của tiền vệ người Serbia ở mùa giải này đã sụt giảm rõ rệt trong hầu hết các khía cạnh, liệu bạn có cảm thấy ngạc nhiên không?
Thật đáng kinh ngạc, những sai lầm được đề cập không hề xảy ra khi bộ tứ hậu vệ hàng đầu của Man United xuất hiện trên sân. Nếu họ tìm kiếm một trung vệ vào mùa hè này, nhiều khả năng đó sẽ là một sự bổ sung cho Phil Jones sắp ra đi để thúc đẩy Eric Bailly, hơn là một thương vụ bom tấn mang về một ngôi sao lớn.
Như bài viết đã đề cập, sự ổn định của đội hình thi đấu là một yếu tố then chốt. Thời gian để đầu tư vào công tác huấn luyện trên sân tập cũng vậy. Man United đã giải quyết được nhiều vấn đề nhờ trại huấn luyện một tuần của họ vào mùa đông năm ngoái. Đó là điều họ đã không có được vào mùa giải này. Quỷ Đỏ sẽ có được một giai đoạn chuẩn bị tiền mùa giải trước khi bước vào chiến dịch 2021/2022, và sẽ có thời gian để đầu tư cho công tác huấn luyện trên sân tập. Họ sẽ đại tu toàn bộ hệ thống này hoặc tiếp tục áp dụng nó với những nhân tố mới mẻ hơn, cũng như thử nghiệm một số tổ hợp phòng ngự khác nhau để mọi người có thể thấu hiểu nhau.
Nếu sau đó tình hình vẫn không được cải thiện thì Man United sẽ có một vấn đề lớn. Nếu các huấn luyện viên của bạn không thể tạo nên những kết quả tích cực dù cho họ đã được trao cho nhiều thời gian để sử dụng, điều đó sẽ làm phát sinh rất nhiều câu hỏi. Bộ tứ hậu vệ hàng đầu đang làm tốt những nhiệm vụ của mình. Điều Man United cần là các phương án dự phòng cũng làm được như vậy. Nếu họ không thể làm điều đó, vậy thì đội chủ sân Old Trafford sẽ cần những phương án dự phòng mới.
Và bên cạnh đó, cũng có một phương án khác mà họ có thể sử dụng: Hãy mang về một huấn luyện viên bóng chết thực sự tài giỏi.
Mỗi thời đại bóng đá có bối cảnh, phong cách chơi và yêu cầu khác nhau, nên việc so sánh chúng có thể dẫn đến sự thiếu công bằng hoặc sai lệch trong cách nhìn nhận.
Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.
Cho đến hết thời gian của hiệp 1 trận đấu giữa Brighton và Man City, đội khách có vẻ như đã có một thể trận đủ tốt để hướng tới việc chấm dứt chuỗi bất bại của mình.
Thông thường, mọi người cho rằng việc cao lớn là một lợi thế. Nhưng vấn đề là đôi khi những quan niệm thông thường này lại không cho ra kết quả chính xác cho lắm.
Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.