Có lẽ bạn đã biết, “Bóng đá tổng lực” là một tư tưởng chiến thuật mà ở đó bắt buộc những cầu thủ trên sân phải đảm nhận được những vai trò của cầu thủ khác trong đội hình. Nó đã gây nên tiếng vang lớn cùng Rinus Michels, Johann Cruyff và đội tuyển Hà Lan ở kỳ World Cup 1974. |
Kevin De Bruyne: Tiền vệ Tổng lực của Pep Guardiola |
Trong “Bóng đá tổng lực”, một cầu thủ phải luôn hoán đổi vị trí với đồng đội, đồng thời duy trì được kết cấu tổ chức đội hình. Trong một hệ thống năng động, những cầu thủ trên sân không hề chơi vị một vị trí cố định; tất cả đều phải biết tấn công, kiểm soát tuyến giữa và phòng ngự. Người duy nhất luôn giữ vị trí của mình trên sân có lẽ chỉ có thủ môn mà thôi.
Sự thành công của “Bóng đá tổng lực” phụ thuộc rất lớn vào tính thích nghi của cầu thủ trong đội, nói cách khác là khả năng hoán đổi vị trí trong từng tình huống cụ thể trên sân. Lý thuyết này phụ thuộc lớn vào những cầu thủ có thể thi đấu đa vị trí; đồng thời, nền tảng kỹ thuật và thể chất cũng là nhu cầu cực thiết yếu.
Không có gì ngạc nhiên khi Pep Guardiola, một trong những người chịu ảnh hưởng của Cruyff, đang ra sức áp dụng những lý thuyết trên vào đội bóng mà ông đang dẫn dắt, Manchester City: nếu năm ngoái, chúng ta được thấy cuộc thí nghiệm “inverted full backs” – tạm dịch là hậu vệ biên bám vào trong – thì mùa giải năm nay, ông đang tiếp tục ở những tiền vệ kiến thiết của City, David Silva và Kevin De Bruyne; sau đây, chúng ta sẽ bàn về cầu thủ đang đóng vai trò của một “số 8” ở đội bóng, đồng thời cũng được mọi người đánh giá sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất của giải đấu vào mùa giải năm nay.
Dưới sự dẫn dắt của Pep, tiền vệ người Bỉ đang trở nên toàn diện hơn là một tiền vệ công đơn thuần: dưới đây sẽ làm rõ về năm vai trò của chàng “Tiền vệ Tổng lực” này.
KEVIN DE BRUYNE: MỘT HẬU VỆ
Mặc dù Pep Guardiola muốn đội bóng của ông phòng ngự bằng cách giữ bóng, thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc họ ngó lơ việc bố trí phòng ngự: khi không cầm bóng, những đội bóng của Pep sẽ tập trung để chặn những đường chuyền; đánh chặn (chặn bóng) quan trọng hơn là tắc bóng, và đó gần như là phương án phòng ngự đáng tin hơn: chặn đường chuyền không chỉ giảm thiểu rủi ro về việc phạm lỗi ở những khu vực nguy hiểm, bên cạnh đó, còn cho phép đội bóng chuyển đổi giữa phòng ngự và tấn công hiệu quả. City luôn chủ động khi đánh chặn: họ lên kế hoạch phòng ngự từ khi bóng còn trong chân; mặt khác, những cú tắc bóng được xem là quá trái ngược với ý niệm của Guardiola về việc kiểm soát trận đấu một cách toàn cục: ông cho rằng đội bóng của ông phải chiếm được ưu thế trong mọi giai đoạn, và kể cả khâu chuyển đổi giữa các giai đoạn.
Với De Bruyne, Guardiola có trong tay một cầu thủ phòng ngự quá phù hợp. Anh đọc trận đấu tốt và chủ động cướp bóng bằng cách phán đoán những đường chuyền gần nhất cũng như ngăn chặn các cú sút.
KEVIN DE BRUYNE: NGƯỜI GÂY ÁP LỰC (PRESSING)
Ngoài việc đánh chặn, City còn phải pressing và chống pressing với cường độ mạnh trên sân nhằm không cho đối phương dễ dàng triển khai bóng ở phần sân nhà. Điều này yêu cầu rất nhiều thể lực, nhất là phải thi đấu hơn chín mươi phút. Tiền vệ 26 tuổi là một cầu thủ chạy rất khoẻ kể cả khi có hoặc không có bóng: tốc độ và sự năng nổ là chìa khoá thoả mãn yêu cầu pressing rất cao của Guardiola; chúng ta thường xuyên thấy anh rất tích cực pressing, thậm chí là cả thủ môn nếu cần.
KEVIN DE BRUYNE: MỘT TIỀN VỆ TỔ CHỨC
Nhờ những hậu vệ cánh chơi năng động ở City (như trong trận thắng Chelsea với tỷ số 1-0), De Bruyne có rất nhiều không gian hoạt động trong khi Silva thường đóng vai trò tổ chức ở vùng bên trong: anh di chuyển vào giữa rồi mở rộng không gian để phối hợp cùng Kyle Walker, điều này cho phép hậu vệ người Anh di chuyển thoải mái hơn. Ngoài ra, De Bruyne có thể bao quát được phạm vi rất rộng, nhờ vào khả năng hồi phục thể lực của mình, anh có thể lấp đầy những khoảng không trống. Trên thực tế, mặc dù Guardiola là một người khá kỹ tính về chiến thuật, tất cả những không gian tự do được trao cho những tiền vệ sáng tạo của ông: họ phải lấp đầy các khoảng không gian trống để có thể tổ chức tấn công bên một phần ba sân ở phía đối phương.
Tiền vệ người Bỉ có kỹ năng về cảm quan không gian và liên kết với đồng đội, nhằm tạo ra những đường phối hợp tam giác hoặc kim cương ở trên sân.
Đồng thời anh cũng có nhãn quan nhạy bén, có thể rót những đường bóng dài, chéo sân cho Sane, Sterling, Mendy hoặc Walker một cách chính xác: những đường đưa bóng của anh cho phép các hậu vệ cánh hoặc tiền vệ cánh của City thể hiện khả năng 1 đấu 1, cũng như giúp đội bóng chuyển đổi từ phòng ngự sang tấn công với tốc độ ánh sáng.
KEVIN DE BRUYNE: MỘT TIỀN VỆ SÁNG TẠO
Về mặt lý thuyết, David Silva và Kevin De Bruyne đều là những tiền vệ tấn công. Nhưng thực tế thì vẫn có những điểm khác biệt. David Silva thường cung cấp những đường chuyền ngắn và giữ bóng trong phạm vi hẹp trong khi đó De Bruyne lại giỏi hơn ở những đường chuyền dài. Tiền vệ người Tây Ban Nha thi đấu từ tốn và có tiết tấu hơn, thường mở đầu bằng những pha một chạm tinh tế. De Bruyne thì năng nổ hơn ở mặt trận tấn công, điều này rất tốt khi bạn muốn kiểm soát không gian và đẩy nhanh tốc độ trận đấu. Tuy nhiên cũng phải dè chừng trong những không gian hẹp, vì cường độ hoạt động của anh ta có thể ảnh hưởng đến sự chính xác mà bạn cần.
Điểm khác biệt nhất ở đây là: David Silva có “La Pausa” – tạm gọi là khả năng điều chỉnh tiết tấu, còn De Bruyne thì không. Mặc dù tiền vệ người Bỉ tạo ra nhiều cơ hội hơn ở mùa giải này, nhưng anh kiến tạo ít hơn và tạo ít cơ hội hơn khi chơi những pha bóng “mở.” Đa số cơ hội mà De Bruyne tạo được đến từ những tình huống cố định hoặc những quả tạt, nhưng chính nhờ thế mà phong cách anh là một sự bổ sung hoàn hảo cho Silva và giúp Pep Guardiola giải quyết bài toán tấn công trên không.
KEVIN DE BRUYNE: TAY SĂN BÀN
Tuần vừa qua, De Bruyne đã có tên trong danh sách 50 cái tên được đề cử Quả bóng vàng. Rõ ràng anh sẽ không đạt được danh hiệu này, nhưng dù sao, anh vẫn xứng đáng có tên trong danh sách. Mặc dù tỷ lệ làm bàn của De Bruyne là không cao vì phải thi đấu xa khung thành, thế nhưng anh lại là cái tên dành cho những trận cầu lớn: chúng ta đã thấy trong trận đấu với Chelsea gần đây, hoặc Shakthar ở Champions League, hoặc kể cả với Manchester United hoặc Barcelona ở mùa giải năm ngoái.
Mặc dù không còn ghi bàn nhiều như trước, nhưng anh ngày càng biết toả sáng những khi cần thiết. Bình tĩnh trước cơ hội và vung chân hoàn hảo, bóng bay rất căng và độ chính xác cũng thật đáng nể.
KẾT LUẬN
Với độ tuổi 26, De Bruyne đang nhanh chóng trở thành tiền vệ toàn diện nhất châu Âu, có lẽ, một phần cũng nhờ những cải tiến chiến thuật của Pep Guardiola.
Sau khi rời Chelsea vào năm 2014, De Bruyne đã có khoảng thời gian chơi bóng tuyệt vời ở Đức và Anh. Kỹ năng phát triển một cách rõ ràng, và anh đang tiến đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Manchester City đang rất cần những danh hiệu trong mùa giải năm nay. Nhiệm kỳ của Pep sẽ bị đem ra phán xét khi số tiền bỏ ra trong hai năm qua là rất lớn.
Nhưng cùng với những ý tưởng của Pep và khả năng của De Bruyne, Manchester City có thể tự tin với mục tiêu của mình.
Nguồn:
Charles Onwuakpa. Analysing Kevin De Bruyne: Pep Guardiola’s Total Midfielder. Out side of the boots.
PHƯƠNG GP (TTVN)