Johan Cruyff và báu vật bóng đá tổng lực

Tác giả Queen - Thứ Hai 15/11/2021 15:53(GMT+7)

Năm 1988, Johan Cruyff trở về sân Nou Camp với cương vị HLV trưởng, và “một nơi hạnh phúc” là cụm từ không thể đủ để miêu tả không khí ở Barcelona thời ấy. 25 năm sau, di sản của ông vẫn lan toả và được trân trọng ở nơi này; như những gì Pep Guardiola đã nói: “Nếu Barcelona là một thánh đường, thì Johan Cruyff chính là người đã dựng nên thánh đường ấy. Những huấn luyện viên của Barcelona kể từ sau thời của ông ấy trở đi đều chỉ cải thiện thêm hoặc làm lại những gì mà ông ấy đã làm.”

Johan Cruyff và báu vật bóng đá tổng lực
7 giờ tối ngày 28 tháng Tư năm 1988, khách sạn Hesperia trên đường Carrer dels Vergos chứng kiến những cuộc nói chuyện không ngớt. 21 cầu thủ của Barca cùng với HLV trưởng Luis Aragones ngồi trong một phòng họp sang trọng. Đội trưởng Jose Ramon Alexanko bắt đầu cuộc họp bằng tuyên bố: “Chủ tịch Josep Lluis Nunez đã lừa dối chúng ta dưới tư cách con người, và sỉ nhục chúng ta dưới tư cách cầu thủ. Nói ngắn gọn, các cầu thủ đề nghị Chủ tịch từ chức ngay lập tức”. Tuyên bố này, đương nhiên, là rất gây sốc bởi chưa hề có một tiền lệ nào tương tự trước đây. Tiền vệ Victor Munoz bổ sung: “Nunez không thể hiểu được màu sắc của đội bóng này. Ông chỉ yêu độc nhất bản thân ông, và ông không tôn trọng các cổ động viên của đội bóng”.
Barcelona chính thức rơi vào một cuộc chiến tranh nội bộ, với lí do tiền bạc. Kho bạc Tây Ban Nha đã điều tra toàn bộ hợp đồng của Los Blaugrana, và tin tưởng chắc chắn rằng sự mập mờ trong quá trình chia tiền lương và tiền bản quyền hình ảnh có liên quan tới việc trốn thuế. Trong bối cảnh các cầu thủ bị Ban Lãnh đạo yêu cầu trả số tiền chênh lệch, thậm chí họ đã đòi lấy đầu Chủ tịch Nunez.
Cái đêm được gọi là cuộc nổi dậy Hesperia ấy là thời điểm trũng nhất của Barcelona kể từ mùa giải tệ nhất trong lịch sử đội bóng, mùa 1941/42. Lúc đó, Barcelona đang từ những người lọt vào Chung kết European Cup năm 1986, trở thành những kẻ thất bại chỉ sau 2 năm. HLV Aragones rơi vào trầm cảm và sẽ rời đội bóng vào cuối mùa. Nunez sống dưới áp lực của những cáo buộc, và trong tia hi vọng cuối cùng để cứu vãn tình hình, ông đã chơi tất tay lá bài duy nhất mà ông có.
6 ngày sau, 04 tháng Năm năm 1988, Johan Cruyff chính thức trở thành HLV trưởng của Barcelona. Những gì xảy ra sau đó đã đi vào huyền thoại. Trong 14 năm trước khi bổ nhiệm Johan Cruyff, Barcelona chỉ có độc một chức vô địch quốc gia; 8 năm sau, khi HLV người Hà Lan bị sa thải trong một bối cảnh khó hiểu và đầy mâu thuẫn, Los Cules đã có thêm 11 danh hiệu trong phòng truyền thống. Người đàn ông được coi là xuất sắc nhất trong thế hệ của mình đã cứu đội bóng dưới tư cách cầu thủ vào những năm cuối thập niên 1970, và vớt Barca từ vũng bùn lên chỉ một thập niên sau đó. Đóng góp của Johan Cruyff với đội bóng này lớn đến mức rất nhiều Cules đến giờ vẫn tin rằng Dream Team do ông xây dựng vẫn là đội hình tốt nhất của Barcelona từ trước đến giờ. Niềm đam mê với bóng đá đẹp, khát khao chiến thắng và tính khí đôi lúc khó chịu của Johan Cruyff đã làm nên bản sắc của một Barcelona tuyệt vời trong những năm về sau đó. Bạn đã từng nghe tới La Masia chưa? Ấy chính là một trong những di sản của Johan Cruyff…

Cruyff đã làm thay đổi triết lý bóng đá của Barca
“23 TUỔI, VÀ ÔNG ẤY ĐÃ MỞ CÁNH CỬA ĐỜI TÔI VỀ PHÍA MẶT TRỜI"
Ngay sau khi đêm Hesperia định mệnh trôi qua, Cruyff bắt tay ngay vào công việc tái thiết đội bóng. 15 cầu thủ đã bị bán đi, bao gồm cả những ngôi sao trong đội Một và những kẻ cầm đầu vụ nổi loạn – Victor Munoz, Ramon Caldere và Bernd Schuster (người về sau đến Real Madrid). Trám vào chỗ của họ là 12 cái tên mới, bao gồm có cầu thủ chạy cánh Txiki Begiristain, tiền vệ tấn công Jose Mari Bakero, tiền đạo Julio Salinas và tiền vệ phòng ngự Eusebio. Những người này đã trở thành bộ khung ăn ý thực sự trong Dream Team của Cruyff về sau này. Eusebio bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đó: “Thật tự hào khi một cầu thủ ở đẳng cấp thế giới như ông ấy lại để mắt tới tôi. Những năm chơi bóng của ông ấy đã thay đổi hoàn toàn Barcelona và cả nền bóng đá Tây Ban Nha. Thời điểm đó tôi mới 23 tuổi, và cánh cửa sự nghiệp của tôi được ông ấy mở toang về phía mặt trời. Ông ấy mang lên đội Một những cầu thủ trẻ, đầy khát khao cống hiến và không bị kéo xuống bởi hoàn cảnh của đội bóng thời ấy.”
Bất chấp sự không hài lòng của Nunez, Cruyff giữ lại kẻ cầm đầu vụ nổi loạn Alexanko dù cho cầu thủ 32 tuổi này đã phải nhận không ít sự chỉ trích từ các CĐV Barcelona. Giải thích cho hành động này, Cruyff nói đầy quyết liệt: “Alexanko chẳng làm gì sai cả, cậu ấy chỉ làm đúng nhiệm vụ của một đội trưởng, một người phải đứng lên nói ra sự thật và không làm các đồng đội của mình phải thất vọng. Tôi không khai trừ người đã nói ra điều cần phải nói. Cậu ấy là một người lĩnh xướng, là chất keo kết dính các cầu thủ”. Hàm ý của Cruyff ở đây quá rõ ràng: Chủ tịch, ở đây tôi mới là lãnh đạo. Cái cách cầm tay chỉ việc mà Nunez đã áp dụng với cả đội bóng và những bất động sản, khách sạn có trong tay ông cũng sẽ phải biến mất. Cruyff nói thẳng với Nunez: “Nếu ông muốn nói chuyện với tôi, tôi sẽ đến văn phòng của ông. Ông không được đến phòng thay đồ của tôi.”
“THẮNG 5-4 SƯỚNG HƠN THẮNG 1-0 NHIỀU"
Tiếp theo, Cruyff gây dựng lại triết lý của đội bóng. Tập hợp đội hình mới toanh của mình vào một ngày tháng Bảy năm 1988, El Flaco làm rõ quan điểm về một bộ khung mà ông muốn điều hành.
“Ông ấy có một tấm bảng đen, và vẽ lên đó 3 hậu vệ, 4 tiền vệ, 2 người chạy cánh theo kiểu wing-man và một tiền đạo.” – Eusebio nhớ lại – “Chúng tôi nhìn nhau và nghĩ “cái quái gì thế này”, bởi thời điểm đó, 4-4-2 và 3-5-2 đang phát triển cực thịnh. Chúng tôi không thể tin nổi Cruyff lại xây dựng một hệ thống có nhiều cầu thủ tấn công và ít người phòng ngự đến thế. Một tay ông ấy đã mang đến Tây Ban Nha một lối chơi bóng hoàn toàn mới. Đó là một cuộc cách mạng thực sự”. Sơ đồ 3-4-3, được nâng cấp từ 4-3-3 mà Cruyff học được từ Rinus Michels ở Ajax và ĐTQG Hà Lan trong những năm 1970, đã được ra đời như thế. Về sau, Cruyff có giải thích: “Nếu bạn có 4 hậu vệ chỉ để kèm 2 tiền đạo đối phương thì sẽ rất lãng phí; trong khi bạn chỉ có 6 người chọi 8 ở khu vực giữa sân. Làm sao có thể thắng trong một trận đấu như thế? Chúng tôi phải đưa một cầu thủ phòng ngự dâng cao vào đội hình hàng tiền vệ.”

Pep Guardiola là một học trò xuất sắc của Thánh Johan
“Tôi bị chỉ trích nhiều vì để đội bóng thi đấu với chỉ 3 hậu vệ, nhưng ấy là điều ngu xuẩn nhất mà tôi từng được nghe. Những gì chúng tôi cần là làm dày dạn khu trung tuyến, nơi mà chúng tôi cần nhiều cầu thủ nhất. Tôi thích thắng 5-4 hơn là thắng 1-0 nhiều.” Trên thực tế, suy nghĩ chú trọng phòng ngự chưa bao giờ có trong tâm trí của Cruyff. Có một lần thủ thành Andoni Zubizarreta hỏi HLV của mình về việc nên phòng ngự trong tình huống cố định như thế nào, Cruyff trả lời tỉnh bơ: “Tôi biết thế nào được? Cậu quyết định đi. Cậu rõ ràng là thích chống một quả phạt góc hơn tôi mà.”
Điểm nhấn của sơ đồ chiến thuật này là sự kiểm soát trái bóng mà đến giờ này vẫn là thương hiệu của Barca. Giải thích cho điều này, Cruyff nói: “Khái niệm rất cơ bản: Khi bạn khống chế trái bóng hoàn toàn, bạn di chuyển liên tục, đối phương sẽ không thể ghi bàn. Bạn sẽ biến áp lực từ phía đối phương thành lợi thế của mình nếu bạn di chuyển tốt. Trái bóng sẽ đi đúng như những gì bạn muốn.”
"KHÔNG CÓ CRUYFF THÌ SẼ KHÔNG CÓ NHỮNG XAVI VÀ INIESTA"
Chiến thuật của Cruyff có một vấn đề. Đội hình trong tay ông khá mỏng, trong khi các cầu thủ phải di chuyển liên tục theo những tính toán tức thời. Một đội quân mới mang tư tưởng khát khao kiểm soát bóng cần phải được ra đời, lò La Masia cần được cải tổ.
Thật khó tin khi một đội bóng đã sản sinh ra những Xavi, Iniesta và Messi lại đã từng lựa chọn cầu thủ trẻ theo tố chất hình thể chứ không phải năng lực trước thời của Cruyff. Năm 1986, Barcelona chỉ lựa chọn giữ lại những cầu thủ cao trên 1m80. Một cậu bé tưởng chừng đã bị loại nhưng có khát khao lớn chơi cho Barca thời bấy giờ đã phải hét lên: “Tôi sẽ cao hơn 1m80! Tôi sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp!” Cậu bé ấy chính là Pep Guardiola.
Cruyff đến và thay đổi quy tắc kì cục ấy. “Tôi có trong tay những cầu thủ nhỏ con, như Albert Ferrer, Sergi hay Guillermo Amor; những người không mạnh về hình thể nhưng có thể “vuốt ve” trái bóng rất khéo và vờn đối phương như mèo vờn chuột.” – Cruyff cho biết – “Pep không đến mức bé nhỏ, nhưng cậu ấy chơi bóng cực kì thông minh, và đó chính là điều mà tôi muốn.”
Tất cả các đội trẻ Barca thời đó, từ độ tuổi… U8 cho đến Barcelona B, đều thấm nhuần tư tưởng cách mạng với 3-4-3 của đội Một và có khát khao sở hữu trái bóng. Hệ thống tuyển trẻ “lò Cruyff” được tạo ra và duy trì, trong đó, những Ferrer, Amor và Sergi có 1000 trận chơi cho Barcelona; và không ai trong số họ cao trên 1m80. Pep Guardiola, cao hơn 1m80 nhưng khá mảnh khảnh, ra sân 384 trận.
Đơn giản, nếu không có Cruyff, về sau này sẽ chẳng có những Xavi, Iniesta hay Thiago.
TẤT CẢ QUỲ RẠP TRƯỚC "ĐOÀN QUÂN KHÁT MÁU"
Bất chấp những căng thẳng xung quanh Cruyff và chủ tịch Nunez, nhất là sau thất bại trước CSKA Moscow vào tháng 12/1992, đội bóng vẫn liên tiếp giành được những danh hiệu. Điểm sáng trong số đó là chức vô địch năm thứ ba liên tiếp vào năm 1993, lại một lần nữa đăng quang ở vòng đấu cuối, lại một lần nữa nhờ vào thất bại của Real ở Tenerife, một lần nữa Barca ghi được 87 bàn. Khi ngôi sao Romario tới vào năm 1993, tất cả đã sẵn sàng cho kỷ lục vô tiền khoáng hậu: vô địch La Liga 4 lần liên tiếp và chức vô địch châu Âu thứ 2 trong 3 năm. Cú hattrick của tiền đạo người Brazil trong chiến thắng 5-0 trước Real Madrid là minh chứng rõ nhất cho cuộc cải tổ của Cruyff.
Danh hiệu năm đó được gọi với cái tên “Chức vô địch của kẹo Chupa Chups” (loại kẹo mút Cruyff hay ngậm để cai thuốc lá). Sở dĩ có tên gọi ấy là bởi các CĐV Deportivo La Coruna đã sớm ăn mừng danh hiệu vô địch ở vòng áp chót bằng cách cải trang thành những chiếc kẹo mút và nhảy múa trên khán đài - một hành động ám chỉ tới Cruyff. Nhưng rồi chính cú sút phạt đền hỏng ăn của Miroslav Djukic trong những phút cuối cùng trận gặp Valencia đã giúp Barca đăng quang.

Dream Team của Cruyff khiến cả thế giới phải nghiêng mình
Mùa giải đó Barca giành 28/30 điểm tối đa kể từ trận thua 6-2 trước Zaragoza. Sau thất bại đó, Cruyff đã tuyên bố sẽ gia hạn với tất cả các cầu thủ sắp đáo hạn hợp đồng nếu như Barcelona giành chức vô địch. Báo chí cực kỳ phấn khích với quyết định này và đặt một cái tên rất kêu cho đội bóng: Đoàn quân khát máu.
Bốn ngày sau, đội bóng được mệnh danh là “bất khả chiến bại” tiếp tục hướng tới mục tiêu tiếp theo, trận chung kết Champions League với AC Milan. Koeman, Guardiola, Romario và Stoichkov đều đang ở đỉnh cao phong độ. Cruyff còn tự tin tuyên bốL “Barca là đội bóng được đánh giá cao hơn. Milan chẳng là gì cả, lối chơi của họ dựa trên phòng ngự, còn nền tảng của chúng tôi là tấn công”. Nhưng rồi Milan giành chiến thắng 4-0, với cú đúp của Daniele Massaro, còn Marcel Desailly và Dejan Savicevic mỗi người đóng góp một bàn. Hiếm có khi nào hàng phòng ngự của Barcelona bị công phá một cách tàn nhẫn như thế.

Pep và Cruyff đều tôn thờ triết lý bóng đá tấn công

NGƯỜI KHAI SINH RA KHÁI NIỆM MỚI VỀ BÓNG ĐÁ
Bỏ qua thất bại ở trận chung kết trước AC Milan và những năm tháng cuối cùng không mấy đẹp đẽ trên băng ghế huấn luyện của Barca, kỷ nguyên của Johan Cruyff ở Nou Camp thực sự đã sản sinh ra một khái niệm mới về bóng đá. Eusebio, một trong những học trò xuất sắc của ông, đã từng nói: "Tôi có thể cảm nhận được ADN của ông ấy trong cả đội. Mọi cầu thủ hiểu rõ hệ thống của đội bóng và thành công của lò La Masia là bằng chứng cho sự thành công của ông ấy. Mọi cầu thủ thành danh từ đội trẻ đều có bóng dáng của ông ấy.”
Chính những thay đổi căn bản của Cruyff trong những năm cuối thập niên 80 đã đặt nền móng vững chắc để xây dựng nên một Barcelona vĩ đại, từ thời của Frank Rijkaard cho tới Pep Guardiola. Ngay cả thành công của ĐT Tây Ban Nha tại EURO hay World Cup cũng khởi nguồn từ những triết lý của Cruyff. Và công lao của Thánh Johan được tóm gọn trong câu cựu trung vệ Miguel Angel Nadal: “Ông ấy đã sản sinh ra một khái niệm mới về bóng đá ở đất nước này.”
Một bài viết của Teddy và Frank (lược dịch từ Fourfourtwo)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

Tottenham Hotspur đã xé tan Manchester United như thế nào?

Nếu Manchester United muốn biết thế nào là một hệ thống chiến thuật được tổ chức tuyệt vời, họ nên xem lại trận thắng của Tottenham Hotspur trước chính họ ngay tại Old Trafford vừa qua. Trước một hệ thống pressing vô hồn và sự kém cỏi trong khâu chống phản công của đội chủ nhà, Spurs đã xé nát Man United thành từng mảnh.