Henrikh Mkhitaryan: Mảnh ghép hoàn hảo của Mourinho?

Tác giả August - Thứ Tư 13/07/2016 13:27(GMT+7)

Mùa giải thứ hai tại Signal Iduna Park dưới thời Juergen Klopp, Mkhitaryan đã sa sút phong độ một cách khó hiểu như sự đi xuống của Dortmund ở mùa giải đó. Nhưng rồi, Mkhitaryan đã trở lại rực sáng ngay mùa giải sau đó dưới sự dẫn dắt của “Kẻ lập dị” Thomas Tuchel. Sự hồi sinh của Miki, cách gọi thân mật mà các fan của Dortmund đặt cho anh, đã làm cho các ông lớn của châu Âu thèm khát tiền vệ tấn công người Armenia này. 
Henrikh Mkhitaryan đang được CĐV Man United chờ đợi
Với việc Mkhitaryan không gia hạn với đội chủ sân Signal Iduna Park, những tin đồn lan nhanh trên toàn châu Âu với chủ đề về bến đỗ mới của tiền vệ người Armenia. Dưới sự đạo diễn của siêu cò Mino Raiola và nỗ lực từ Quỷ Đỏ thành Manchester, Mkhitaryan đã chính thức gia nhập tổ Quỷ với mức giá  42 triệu euro.

Câu hỏi đặt ra rất rõ ràng: Vai trò của Mkhitaryan trong hệ thống chiến thuật của Mourinho sẽ là gì?

TRIẾT LÝ, SƠ ĐỒ CHIẾN THUẬT VÀ CÁCH DÙNG NGƯỜI CỦA MOURINHO

1. Triết lý
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu cách lựa chọn và sử dụng nhân sự trong hệ thống chiến thuật của Mourinho. Dù ở Porto, rồi tới Chelsea, qua Inter Milan, đến với Real Madrid và quay lại Chelsea thì “Người đặc biệt” vẫn luôn là một người trung thành của trường phái bóng đá lấy kết quả trận đấu là trung tâm. Như cựu huấn luyện viên của MU Louis Van Gaal đã nói về người cựu trợ lý của mình thời còn ở Barca: “Ngay từ khi còn là trợ lý của tôi ở Barca, Mourinho đã thể hiện triết lý bóng đá thực dụng. Anh ta chỉ muốn đội bóng chiến thắng bằng mọi giá”. Không theo đuổi một thứ bóng đá duy mỹ kiểu Baroque như Pep Guardiola. Mourinho đề cao tính thực dụng và chiến thắng bằng mọi giá như chính như ông đã khẳng định: “Thắng 1-0 là dễ nhất. Kết quả cuối cùng mới quan trọng”.

Mourinho con người của sự thực dụng
Với triết lý như vậy, Mourinho là huấn luyện viên đề cao sự an toàn ở phần sân nhà trước khi nghĩ tới việc ghi bàn để giành chiến thắng. Người đặc biệt cho rằng “hai tiền đạo là quá nhiều còn bốn tiền vệ là quá ít”. Chính vì lẽ đó, Mourinho luôn ưu tiên quân sô sở hàng tiền vệ. Hàng tiền vệ mà Mourinho xây dựng luôn có đặc điểm nổi bật là đông người với từ 1 đến 2 tiền chơi thấp nhất với nhiệm vụ càn quét trước hàng phòng ngự bốn người. Nổi bật trong số này phải kể tới Costinha (Porto), Claude Makelele, Michael Essien, Nemanja Matic (Chelsea), Esteban Cambiasso (Inter Milan), Sami Khedira (Real Madrid).

Các tiền vệ phòng ngự giúp Mourinho xây dựng một hệ thống phòng ngự nhiều lớp, và trên nền tảng đó, các tiền vệ tấn công sẽ làm nốt nhiệm vụ còn lại, đó là tổ chức phản công nhanh sau khi có bóng. Trong sự nghiệp cầm quân của mình tại các đội bóng như Porto, Chelsea, Inter Milan, Real Madrid, Mourinho luôn có trong tay những tiền vệ có khả năng chuyển trạng thái cực nhanh bằng những đường chuyền tầm trung và tầm xa hảo hạng. Do đó, những tình huống phản công của những đội bóng đó rất nhanh và chớp nhoáng. Có thể kể đến như Maniche, Deco (Porto), Lampard, Fabregas (Chelsea), Sneijder, Stankovic (Inter Milan), Alonso, Oezil (Real Madrid).

2. Sơ đồ chiến thuật

Về sơ đồ chiến thuật, Mourinho là một người khá linh hoạt. Có thể điểm lại một loạt các sơ đồ theo các đội bóng mà ông đã kinh qua. Đầu tiên, không thể không nhắc tới nơi đã làm nên tên tuổi của Mourinho – Porto. Với chiến tích vô địch UEFA Champion League mùa giải 2004-2005, Mourinho đã sử dụng sơ đồ 4-3-1-2 với bộ ba tiền vệ Costinha – Maniche – Mendes cùng tiền vệ tấn công Deco.
Porto chơi 4-2-3-1 dưới thời Mourinho
Sau mùa giải thành công với Porto, Chelsea đã đưa Mourinho về với những tham vọng rất lớn của ông chủ Abramovich. Tại đội bóng thành London, Jose đã áp dụng hệ thống 4-3-3 với bộ ba tiền vệ xuất sắc Makelele – Essien – Lampard.
Đội bóng lớn tiếp theo trong sự nghiệp cầm quân của Mourinho là Inter Milan. Với những thành công tại Chelsea, Mourinho đã áp dụng sơ đồ 4-3-3 với hai cánh là Mancini và Quaresma nhưng đã thất bại. Điều này đã dẫn đến việc ông quay trở lại với sơ đồ 4-3-1-2 và sau đó là “bén duyên” với hệ thống 4-2-3-1 với hạt nhân là Cambiasso và Sneijder.
Những sơ đồ chiến thuật Mourinho sử dụng thời còn ở Inter
Thành công với Inter Milan đã mở đường cho Mourinho tới với Real Madrid. Tới đây, Mourinho đã đưa sơ đồ 4-2-3-1 lên một tầm cao mới. Đúng như Mourinho đã đưa ra công thức chiến thắng của ông: “Muốn chiến thắng bạn cần tạo ra nhiều áp lực lên đối thủ và phải kiểm soát mọi tình thế có thể diễn ra trên sân cũng như kiểm soát chính bản thân mình”. Sơ đồ 4-2-3-1 của Mourinho được xây dựng để tạo ra những điều đó. Đây cũng chính là sơ đồ được Mourinho rất ưa thích kể cả khi quay trở lại dẫn dắt Chelsea vào năm 2013.
Mou sử dụng sơo đồ 4231 trong kỷ nguyên thứ hai ở Chelsea
3. Cách dùng người
Với những hệ thống chiến thuật như vậy, Mourinho cũng có những sự lựa chọn về nhân sự hết sức phù hợp cho việc vận hành. Mourinho là một người đề cao lối chơi tập thể và có hệ thống nơi mà mỗi cầu thủ là một mắt xích trong hệ thống. Các mắt xích đó phải vận hành đồng bộ với nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung của cả đội bóng là giành chiến thắng bằng mọi giá. Chính vì lẽ đó, Mourinho rất ưa thích những cầu thủ có khả năng đóng góp cao vào lối chơi của tập thể, có thể chơi nhiều vị trí khác nhau ở trong cùng một tuyến.

Và bây giờ, khi đã chính thức trở thành huấn luyện viên của đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh, Mourinho đã bắt đầu bằng những bản hợp đồng chất lượng nhằm phục vụ cho việc xây dựng một hệ thống giành chiến thắng. Với 3 mảnh ghép đầu tiên đến với đội bóng nửa đỏ thành Manchester, Mkhitaryan là cầu thủ mang tới nhiều hứng thú nhất đối với giới chuyên môn khi câu hỏi được đặt ra rằng Mourinho sẽ trao cho cự cầu thủ của Dortmund vai trò gì?

VÀ VAI TRÒ CỦA MKHITARYAN

Với những phân tích ở trên về triết lý, sơ đồ chiến thuật cũng như cách lựa chọn nhân sự của Mourinho, hãy xem Mkhitaryan có thể sẽ nắm vai trò gì trong hệ thống của người đặc biệt.

1. Về lối chơi 
Mkhitaryan chia sẻ: “Tôi thích chơi bóng đá như chơi cờ vua vậy. Bạn phải suy nghĩ và tính toán rất nhiều. Hãy đoán trước đối thủ sẽ làm gì trước khi đưa ra quyết định xử lý. Nếu bạn tính sai, đối phương sẽ trừng phạt bạn và bạn phải nhận thất bại”. Có lẽ với quan điểm chơi bóng như vậy, Mkhitaryan được biết tới là một tiền vệ có lối chơi thông minh, tốc độ, kĩ thuật cá nhân điêu luyện và có khả năng xử lý bóng rất tốt trong phạm vi hẹp.
Mkhitaryan là mẫu cầu thủ thi đấu đa năng
Lối chơi gegenpressing định hướng vị trí của Dortmund đã giúp cho Mkhitaryan thấm nhuần tư duy chơi bóng tập thể, tham gia hỗ trợ phòng ngự tích cực, thực hiện pressing quyết liệt ngay sau khi mất bóng. Cùng với nhãn quan chiến thuật sắc bén, Mkhitaryan là một trong những chân chuyền hàng đầu châu Âu ở mùa giải vừa qua.

Theo squawka.com, Mkhitaryan là vua kiến tạo của Bundesliga mùa giải vừa qua với 15 pha kiến tạo cho đồng đội ghi bàn, trung bình tạo ra 2,2 cơ hội cho đồng đội ghi bàn trong mỗi trận đấu. Một điểm quan trọng hơn cả để Mourinho lựa chọn Mkhitaryan cho hệ thống của mình đó là khả năng chuyển nhanh từ trạng thái phòng ngự sang trạng thái tấn công băng những đường chuyền tầm trung và tầm xa hoặc có thể sử dụng kĩ thuật và tốc độ để tiếp cận khung thành đối phương một cách nhanh nhất. Những điểm mạnh trên của Mkhitaryan chính là mẫu tiền vệ công ưa thích của Mourinho.

2. Về chiến thuật

Như đã phân tích ở trên, hệ thống chiến thuật mà Mourinho có thể xây dựng xoay quanh các sơ đồ chiến thuật là 4-2-3-1, 4-3-3 (hay 4-1-4-1) và có thể trong một vài trường hợp là 4-3-1-2. Đó cũng chính là những sơ đồ mà Mkhitaryan đã rất quen thuộc khi còn thi đấu cho Dortmund. Mkhitaryan là một tiền vệ thi đấu thông minh, rất linh hoạt và thích nghi nhanh với các sơ đồ chiến thuật của các huấn luyện viên. Như huấn luyện viên của Shakhtar Donetsk, Mircea Lucescu đã hết lời ca ngợi cậu học trò người Armenia: “Mọi thứ không dễ dàng với cậu ấy, nhưng sự thích nghi đã diễn ra nhanh chóng bởi trí thông minh tuyệt vời của cậu ấy”.

Điều này còn được minh chứng rõ nét trong mùa giải vừa qua tại Dortmund dưới thời Thomas Tuchel của Mkhitaryan. Cựu huấn luyện viên của Mainz 05 là người có rất nhiều phương án chiến thuật với những sơ đồ khác nhau. Hệ thống chiến thuật cơ bản mà Tuchel áp dụng cho Dortmund là 4-2-3-1 và 4-3-3 (hay 4-1-4-1). Trong đó, Mkhitaryan thường được sử dụng như là tiền vệ công thi đấu lệch trái (gặp Borussia Moenchengladbach) hoặc lệch phải (gặp Wolfsburg).

Mkhitaryan có thể thi đấu ở cả hai cánh của Dortmund
Ngay trong các trận đấu, Mkhitaryan cũng thường xuyên có những lúc di chuyển vào trung lộ chơi như một số 10 của đội bóng, hay có thể lùi về đá như một tiền vệ trung tâm để thu hồi bóng và tổ chức các đợt tấn công. Dù ở bất cứ vị trí nào, tiền vệ người Armenia cũng đều chơi xuất sắc và đóng góp quan trọng vào việc vận hành hệ thống chiến thuật của huấn luyện viên.
Tại Dortmund, Mkhitaryan cũng không lạ lẫm gì với vai trò của một tiền vệ tấn công chơi ở trung tâm trong sơ đồ 4-2-3-1 thời Juergen Klopp (như hình bên dưới). Theo thống kê của squawka.com, ngay trong mùa giải đầu tiên thi đấu cho đội bóng vùng Ruhr, Mkhitaryan để lại đấu ấn với 10 đường kiến tạo vào tạo ra 39 cơ hội ghi bàn cho đồng đội sau 30 lần ra sân tại Bundesliga.
Vị trí của Mkhitaryan trong sơ đồ 4231 của Juergen Klopp
Trong trường hợp Mourinho có muốn sử dụng Mkhitaryan trong sơ đồ 4-3-1-2 thì ông cũng không có gì phải lăn tăn bởi Mkhitaryan có thể chơi với vai trò tiền đạo thứ hai, cũng như có thể đá ngay sau 2 tiền đạo. Đó đều là những vị trí mà tố chất kĩ thuật và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời của cựu tiền vệ của Dortmund có thể phát huy tốt.

Nhìn chung, Mkhitaryan là mẫu cầu thủ đa năng có thể thi đấu tốt ở hầu hết các vị trí ở hàng tiền vệ trong những sơ đồ mà Mourinho thường hay sử dụng. Trong những hệ thống đó, Mourinho sẽ xây dựng hệ thống tấn công xoay quanh vai trò của Mkhitaryan nhằm tận dụng khả năng kĩ thuật siêu hạng cũng như nhãn quan chiến thuật sắc bén của cầu thủ này. Như vậy, vai trò của Mkhitaryan có thể được Mourinho trao cho tại MU sẽ là hạt nhân và là người đóng vai trò tổ chức và điều phối những tình huống tấn công của đội bóng.

SỰ KỂT HỢP HOÀN HẢO?

Với những phân tích về Mourinho và Mkhitaryan ở hai phần trên, có thể thấy rằng bản hợp đồng mà ban lãnh đạo của MU đưa về rất phù hợp với triết lý cũng như hệ thống chiến thuật mà Mourinho sẽ xây dựng. Như chính Mourinho đã nhận xét về Mkhitaryan trong buổi lễ ra mắt: “Henrikh là một cầu thủ tài năng và xuất chúng. Điều này đã được cậu ấy thể hiện trong màu áo CLB cũng như ĐTQG. Với kĩ thuật tuyệt vời cùng nhãn quan chiến thuật nhạy bén, cậu ấy sẽ là mảnh ghép hoàn hảo của M.U”. Mourinho đã có được một miếng ghép quan trọng và chắc chắn rằng ông sẽ trao cho Mkhitaryan một vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống của mình.

Liệu Miki có phải là mảnh ghép hoàn hảo của Mou?
Về phần cá nhân Mkhitaryan, việc gia nhập MU là một bước tiến lớn trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Ngoài việc tới MU để tìm kiếm thử thách mới, giành những danh hiệu cao quý thì ngôi sao người Armenia còn muốn được khai phá thêm nữa khả năng của bản thân. Jose Mourinho vẫn nổi tiếng với khả năng khích lệ và khơi dậy những tiềm năng ẩn giấu bên trong mỗi cầu thủ. Và chính cựu tiền vệ của Dortmund cũng đã tiết lộ: “Jose là một trong những lý do tôi chọn Manchester”. Giới mộ điệu, đặc biệt là người hâm mộ của MU đều rất muốn Mourinho sẽ đưa Mkhitaryan lên một tầm cao mới trong hệ thống chiến thuật của mình.

Mourinho, Mhitaryan sẽ là sự kết hợp hoàn hảo? Hãy cùng nhau chờ đợi trận đấu khai màn Premier League mùa giải 2016 – 2017 gặp Bournemouth của MU vào 14 tháng 8 tới đây để kiểm nghiệm điều đó.

AUGUSTUS(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

Tottenham Hotspur đã xé tan Manchester United như thế nào?

Nếu Manchester United muốn biết thế nào là một hệ thống chiến thuật được tổ chức tuyệt vời, họ nên xem lại trận thắng của Tottenham Hotspur trước chính họ ngay tại Old Trafford vừa qua. Trước một hệ thống pressing vô hồn và sự kém cỏi trong khâu chống phản công của đội chủ nhà, Spurs đã xé nát Man United thành từng mảnh.