Hậu vệ cánh: Chìa khóa của bóng đá hiện đại

Tác giả Ole - Thứ Sáu 07/07/2017 16:28(GMT+7)

Zalo
“Chẳng ai muốn lớn lên phải trở thành một Gary Neville cả”, Jamie Carraggher đã phát biểu như vậy trên kênh truyền hình Sky Sports.
Hau ve canh: Chia khoa cua bong da hien dai4
Hậu vệ cánh: Chìa khóa của bóng đá hiện đại
CUỘC CÁCH MẠNG CỦA BECKENBAUER 
 
Thực tế, đây chỉ là một lời nói mang tính chất châm biếm và có ý gây gổ của cựu hậu vệ Liverpool đối với huyền thoại bên phía Man United. Tuy nhiên, cho dù là cố tình hay không thì điều này cũng mang đến một sắc thái ý nghĩa rộng lớn hơn. Vô hình chung, những lời lẽ xúc phạm của Carragher lại trở nên “chuẩn mực” trước những đổi thay nhanh chóng của nền bóng đá hiện đại. Trong những năm tháng đầu tiên, các hậu vệ tại Premier League vẫn chủ yếu được đánh giá cao bởi năng lực phòng ngự thuần túy cũng như khả năng hỗ trợ cặp trung vệ và bộ đôi tiền vệ trung tâm ở khâu tranh chấp, giành bóng. Mặc dù vậy, như chúng ta đã biết, đây chỉ còn là một khái niệm cũ kỹ.
 
Hậu vệ ngày nay thường được yêu cầu tham gia nhiều hơn vào mặt trận tấn công và có thể trực tiếp xây dựng, tổ chức lối chơi chung cho toàn đội. Thậm chí, ngay cả các trung vệ, vốn chỉ gắn liền với vai trò che chắn, bảo vệ khung thành giờ đây cũng được giao phó thêm nhiệm vụ điều tiết bóng từ vòng cấm đội nhà lên tuyến trên. Cần phải nói thêm rằng, phong cách chơi bóng tương đối linh hoạt này đã diễn ra ở châu Âu lục địa từ nhiều năm về trước, hoàn toàn khác biệt so với sự bảo thủ của những người Anh.
 
Franz Beckenbauer chính là người tiên phong mang đến một vai trò mới bên cạnh những khái niệm cố hữu từng gắn chặt với các hậu vệ cổ điển. Xuất thân là một tiền vệ giàu tài năng trong những ngày đầu chơi bóng, huyền thoại người Đức với nhiều quan điểm và ý tưởng độc đáo đã tự biến mình trở thành một “sweeper” (hậu vệ quét). Ngay từ khu vực phòng ngự của đội nhà, Der Kaiser (biệt danh của Beckenbauer, có nghĩa là Hoàng đế) cũng có thể dễ dàng đưa bóng lên phía trên thông qua những đường chuyền vượt tuyến chuẩn xác. Đôi lúc, ông còn sẵn sàng thực hiện các tình huống đi bóng đột phá để tìm kiếm không gian cho đồng đội xung quanh. Khoảng thời gian sau này, mặc dù vai trò “libero” (hậu vệ tự do) dần dần trở nên lỗi thời trong bóng đá hiện đại, vốn yêu cầu khả năng duy trì cự ly đội hình cũng như tính kỷ luật cao hơn, thế nhưng những nguyên tắc cơ bản về việc xây dựng lối chơi từ hàng phòng ngự của Beckenbauer vẫn còn được duy trì đến tận bây giờ.
 
NGƯỜI BRAZIL VÀ NHỮNG HẬU VỆ CÁNH TẤN CÔNG
 
Về phần các hậu vệ cánh, dễ dàng nhận thấy rằng trong suốt nhiều năm qua, người Brazil vẫn luôn sở hữu những cái tên kiệt xuất ở vị trí này. Trên thực tế, “cuộc cách mạng” đã diễn ra ngay từ VCK World Cup 1958 tại Thụy Điển. Vào thời điểm ấy, khi mà bóng đá thế giới còn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sơ đồ chiến thuật W-M (2-3-3-2) trứ danh thì ĐT Brazil đã bắt đầu hướng đến xây dựng một lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát không gian và luân chuyển bóng theo khu vực (zonal marking). Kết quả, bộ đôi Nilton Santos (cánh trái) và Djalma Santos (cánh phải) bên phía Selecao cũng chính là những người đầu tiên đặt nền móng cho vị trí “hậu vệ cánh tấn công” nhờ vào khả năng lên công về thủ cực kỳ toàn diện của mình.
Hau ve canh Chia khoa cua bong da hien dai hinh anh 2
Marcelo - Alves
Xét trên nhiều khía cạnh, không thể phủ nhận rằng thành công của nền bóng đá Brazil trong nhiều thế hệ cũng thường hay gắn liền với tên tuổi của các hậu vệ cánh. Đỉnh cao là hồi tháng Sáu vừa rồi, khi trận chung kết Champions League giữa Real Madrid và Juventus diễn ra với 3/4 hậu vệ chạy cánh đến từ xứ sở samba, bao gồm Dani Alves, Alex Sandro (Juve) và Marcelo (Real). Thậm chí, nếu như Carvajal không kịp bình phục chấn thương, nhiều khả năng một chuyên gia chạy cánh người Brazil khác là Danilo cũng góp mặt trong đội hình xuất phát bên phía Real Madrid.
Thời điểm hiện tại, ngay cả khi đã bước sang tuổi 34 thì Dani Alves vẫn được đánh giá là một trong những hậu vệ biên xuất sắc nhất thế giới. Suốt hơn một thập kỷ vừa qua, ngôi sao người Brazil luôn giữ vai trò trụ cột tại ĐTQG cũng như các CLB mà mình từng thi đấu. Dưới triều đại của HLV Pep Guardiola tại Barca, Alves đã được sử dụng như một mắt xích quan trọng bên hành lang cánh phải, giúp cho đội bóng xứ Catalonia có thể duy trì được chiều rộng tối đa trên mặt sân, qua đó dễ dàng vận hành hệ thống luân chuyển bóng. Khi mà những cầu thủ tấn công như Pedro Rodriguez, David Villa hay Lionel Messi thường xuyên bó vào trung lộ để tăng cường sức ép lên khu vực cấm địa đối phương, đồng nghĩa rằng khoảng trống phía trước Alves là rất rộng. Điều này cũng cho phép ngôi sao người Brazil có thể tự do dâng cao một cách chủ động, tạo nên những đợt tấn công hết sức khó lường từ cánh phải.
 
TỪ FULL-BACK ĐẾN WING-BACK
 
Tất nhiên, không phải đội bóng nào cũng có thể kiểm soát bóng giống như Barca. Chính bởi vậy mà những người Ý đã tự sáng tạo ra cách thức chơi bóng riêng dựa trên triết lý phòng ngự truyền thống của mình. Theo như nhà nghiên cứu lịch sử bóng đá Jonathon Wilson phân tích thì Calcio chính là quê hương của vị trí “wing-back”, một dạng cầu thủ chạy cánh thuần túy, vừa giữ vai trò là hậu vệ khi phòng ngự, vừa là tiền vệ khi tấn công. Khá nhiều đội bóng ở Serie A vào thời điểm hiện tại vẫn đang xây dựng lối chơi dưới sơ đồ chiến thuật 3 hoặc 5 hậu vệ nhằm tạo nên một hàng phòng ngự đủ dày về mặt số lượng. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho các “wing-back” phát huy trọn vẹn năng lực và phẩm chất.
 
Minh chứng rõ ràng nhất, không chỉ là Juventus tại Champions League 2016/17 mà còn cả ĐTQG Italia ở VCK EURO 2016. Dưới hệ thống 3-5-2, HLV Antonio Conte đã sử dụng Mattia de Sciglio và Alessandro Florenzi nhằm tăng cường khả năng phòng ngự. Thực tế cho thấy, sự góp mặt của bộ đôi “wing-back” không chỉ giúp cho hàng thủ Italia đông đảo hơn về mặt quân số khi tranh chấp bóng mà còn có thể dễ dàng tổ chức pressing trong nhiều thời điểm. Mặc dù phải chịu thất bại trước người Đức sau loạt penalty oan nghiệt nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, những triết lý chiến thuật mà Conte theo đuổi trên đất Pháp là một điều gì đó thực sự đáng khen ngợi, ít nhất là trên phương diện bóng đá hiện đại.
 
Mùa giải vừa rồi, Conte lại tiếp tục giành được thành công mới trong môi trường bóng đá Premier League, vốn được biết đến như một mảnh đất cực kỳ bảo thủ về mặt tư duy. Dưới phát kiến 3-4-3 của vị chiến lược gia người Ý, bộ đôi Marcos Alonso và Victor Moses cũng chơi như những “wing-back” thực thụ và tỏa sáng ngoài mong đợi. Thậm chí, hình mẫu chiến thuật của Chelsea còn mở ra một cuộc cách mạng về sơ đồ 3 trung vệ tại xứ sở sương mù. Lần lượt những đội bóng từ lớn đến nhỏ ở nước Anh đều chấp nhận thử nghiệm theo “cơn sốt chiến thuật” đầy mới mẻ và phóng khoáng này. Tiêu biểu như Tottenham với cặp “wing-back” Danny Rose và Kyle Walker hay Arsenal chuyển sang vận hành đội hình 3-4-2-1 trong giai đoạn cuối mùa.
Hau ve canh Chia khoa cua bong da hien dai hinh anh 3
Marcos Alonso - Victor Moses
TRÀO LƯU… HẬU VỆ CÁNH ẢO
 
Bên cạnh đó, một xu hướng mới đã được nhiều nhà báo và giới khoa học bóng đá đề cập trong vài năm gần đây, thuật ngữ “inverted full-backs” (nghĩa là hậu vệ cánh ảo). Cụ thể hơn nữa, những hậu vệ cánh ảo này sẽ có nhiệm vụ bó vào khu vực trung tâm nhằm khỏa lấp vào vị trí mà các tiền vệ để lại khi dâng cao tấn công. Việc thực hiện những biến chuyển về mặt chiến thuật này, thêm một lần nữa được khởi nguồn từ Pep Guardiola với Philipp Lahm và David Alaba trong màu áo Bayern Munich. Trên thực tế, bóng đá đã phần nào phản chiếu hình ảnh của cờ vua, khi mà nhiều chiến lược gia cho rằng việc chuyển đổi “inverted full-backs” vào phía trong để bảo vệ khu vực trung tâm hàng phòng ngự cũng gần giống như sử dụng các quân xe, mã để che chắn trước mặt quân vua và quân hậu.
 
Sau thành công của Lahm tại Bayern, nhiều nhà cầm quân đã quyết định thử nghiệm phong cách hậu vệ cánh ảo. Không ít trường hợp đã thu về thành công ngay lập tức, thậm chí còn đưa các hậu vệ sở hữu những kỹ năng đặc biệt này vào chơi ở trung tâm hàng tiền vệ, điển hình như Thomas Tuchel với Raphael Guerrero tại Dortmund hay Leonardo Jardim với Fabinho tại AS Monaco. Mùa giải 2016/17 cũng chứng kiến phong độ tuyệt vời của Monaco khi đội bóng Công quốc giành chức vô địch Ligue 1 đồng thời lọt vào đến vòng bán kết Champions League. Dễ dàng nhận thấy rằng, bên cạnh việc đưa “con bài” Fabinho vào đá tiền vệ phòng ngự thì hệ thống chiến thuật mới của HLV Jardim cũng cho phép hai hậu vệ cánh Benjamin Mendy và Djibril Sidibe được dâng cao tấn công nhiều hơn. Hệ quả, khả năng di chuyển cực kỳ linh hoạt của bộ đôi này chính là chìa khóa biến Monaco từ một tập thể chỉ biết chơi phòng ngự thận trọng trở thành một đội bóng tấn công… không tưởng. Trong khi đó, Fabinho, vốn xuất thân là một hậu vệ chạy biên, vẫn luôn biết cách bù lấp vào những khoảng trống mà cả hai người đồng đội bỏ lại.
 
Đánh giá ở một góc độ tổng thể, khi mà bóng đá hiện đại đang ngày càng thay đổi với tốc độ chóng mặt, một hậu vệ biên chắc chắn sẽ không chỉ là người làm nhiệm vụ tranh chấp, phòng ngự một cách thuần túy như trước nữa. Thay vào đó, họ phải sẵn sàng dâng cao để chiếm lĩnh những khoảng trống do các đồng đội tuyến trên tạo ra bên phần sân đối phương, trực tiếp tham gia vào quá trình tấn công, tổ chức lối chơi chung đồng thời chấp nhận cả yếu tố rủi ro, trong trường hợp không kịp quay về phòng ngự. Có thể Jamie Carragher cũng không hoàn toàn chính xác khi nhận xét về Gary Neville. Dẫu vậy thì trong thời đại bóng đá ngày nay, rõ ràng chẳng ai là không muốn trở thành một hậu vệ cánh kiểu mới, linh hoạt, cơ động và khó lường hơn các vị tiền bối của mình rất nhiều.

Lược dịch từ: http://thesefootballtimes.co/2017/07/03/how-the-modern-full-back-became-footballs-hottest-commodity/

OLE  (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Man City 3-1 MU: Bước ngoặt Alvarez, sự linh hoạt của Foden và đòn ‘overload’ nách trái của Pep!

Cú rocket của Marcus Rashford, pha hỏng ăn khó tin của Erling Haaland, phong độ siêu hạng của Phil Foden. Sự vượt trội của đội chủ nhà ở tỷ lệ kiểm soát bóng, số lần dứt điểm cầu môn, và tất nhiên cả số cơ hội ngon ăn. Đó là những điểm nổi bật trong trận derby Manchester 192 mà Man City ngược dòng đánh bại Man United 3-1 mà bất kỳ ai xem trực tiếp trận đấu này cũng có thể chỉ ra.

Porto đã đánh sập Arsenal tại Hang rồng như thế nào?

Trước chuyến làm khách đến Estadio do Dragao, hàng công của Arsenal đã nổ súng 21 lần với 9 cái tên khác nhau trong 5 trận gần nhất tại Premier League, tức trung bình 4,2 bàn/trận. Thế nhưng cũng vẫn hàng công đó, đã “tắt điện” toàn tập sau 90 phút bóng lăn trên đất Bồ Đào Nha. Thậm chí, các Pháo thủ không có lấy bất cứ cú sút trúng đích nào sau 7 pha dứt điểm cả trận.

Vì sao một bậc thầy rê dắt có thể quyết định đội nào vô địch Champions League?

"Thời đại ngày nay, đội bóng của bạn sẽ chẳng thể làm gì nếu thiếu vắng một chân rê dắt bóng cừ khôi" - Pep Guardiola đã nói điều này vào vài năm trước, thời điểm mà Manchester City đang bắt đầu thu nạp những chuyên gia rê bóng qua người giống như họ đang đứng ở quầy sale tại Costco vậy.

X
top-arrow