Dư âm U20 Anh - Argentina: Bộ mặt tương lai của bóng đá thế giới

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Bảy 20/05/2017 22:08(GMT+7)

Trong số các giải đấu thuộc hệ thống trẻ của FIFA, World Cup U20 là sân chơi tiệm cận gần nhất với trình độ bóng đá đỉnh cao. Khác với U15 hay U17 vốn chủ yếu mang tính chất cọ xát, U20 như bậc thang dẫn nối những tài năng bước ra ánh sáng của thế giới túc cầu chuyên nghiệp.
Dư âm U20 Anh - Argentina
Từ đây, hàng loạt anh tài được biết đến và có cơ hội chứng minh khả năng. Từ Diego Maradona cho tới Lionel Messi tất cả đều từng kinh qua lần thử lửa này. Không chỉ trình làng một lứa cầu thủ hoàn toàn mới, World Cup U20 cũng là đấu trường người hâm mộ được cập nhật những xu thế chiến thuật mới nhất, nhờ vào quá trình đào tạo trẻ được cải tiến theo thời gian.

Ví dụ rõ nét cho xu hướng bóng đá những năm tới đây, có thể được chứng kiến qua một trong những trận đấu khai màn giải vừa kết thúc cách đây không lâu, giữa U20 Anh và U20 Argentina. 90 phút tại Jeonju khép lại với phần thắng gây shock 3-0 nghiêng về phía Tam Sư, kết quả không ai có thể ngờ tới. La Albiceleste cũng là đội được đánh giá sở hữu phong cách chơi bóng rõ nét hơn một tuyển Anh vốn vẫn đang loay hoay tìm kiếm bản sắc.
U20 Anh trước giờ bóng lăn
Dẫu vậy, những trận giao hữu luôn là thước đo đánh giá bị nghi ngờ về độ chuẩn xác, cộng thêm ở độ tuổi bất ổn U20, khi phong cách chơi bóng chưa thành hình cố định, Argentina đã thua Anh, đội bóng biết sử dụng lối đá hợp thời hơn. Nhìn lại khoảng thời gian 30 phút đầu tiên, Argentina rõ ràng là phía chiếm thế chủ động. Chiến thuật 3-5-2 cự li cao cùng hàng tiền vệ chiếm ưu thế số đông giúp họ chủ động áp đặt thế trận, điều chúng ta từng thấy tại Thống Nhất và Mỹ Đình. Giữa thế kìm kẹp, thầy trò Paul Simpson đã chọn cho mình lối đá khôn ngoan, chủ động chơi thấp, chuyền và giữ bóng cầm chừng nhằm tiết chế và kéo giãn tối đa đội hình đối thủ.

Hậu quả là những tình huống lên bóng của U20 Argentina thường chỉ được triển khai đến khoảng cách khung thành 25m trước khi bị dập tắt dễ dàng bởi hệ thống phòng ngự có ý đồ của U20 Anh. Họ buộc phải chuyển sang bài của các đàn anh tuyển lớn, đột phá để tạo bất ngờ. Tuy nhiên, Ezequiel Ponce hay Santiago Colombatto chưa phải là Leo Messi hay Paulo Dybala. Cũng phải nói công bằng lại, có mấy cầu thủ nào được như Messi?

Trong thời đại bóng đá ngày càng chặt chẽ về mặt chiến thuật, nhất là ở khu trung tâm trước mặt vòng 16m50, sẽ là thật lố bịch nếu HLV tiếp tục chỉ đạo học trò tấn công vào khu vực chết này. Khoảng trống thoải mái duy nhất còn lại để nhảy múa chỉ có thể là hai biên, nơi sơ đồ đối phương buộc phải kéo về một phía để tập trung áp sát. U20 Argentina tấn công trung lộ là chủ yếu, với bài vở tương tự tuyển lớn, nhưng Claudio Ubeda quên rằng, Messi là độc nhất vô nhị, và áp dụng chiến thuật này mà không có phương án dự phòng nào, là quyết định tự sát.
U20 Argentina tấn công trung lộ là chủ yếu
Tuyển Anh bắt thóp được điểm yếu kể trên và họ ung dung phòng ngự, để rồi đáp trả bằng các pha tạt cánh đánh đầu như được lập trình từ trước. Kể từ đó, Argentina sụp đổ. Họ vẫn mải miết tấn công, nhưng bế tắc và vô hại trước bức tường áo trắng phía bên kia. Thống kê sau trận cho thấy, La Albiceleste tung ra tới 22 tình huống dứt điểm, nhưng chỉ trúng đích 5 và không ghi được bàn nào. Ngược lại, Tam Sư chỉ dứt điểm bằng 1/3, nhưng hiệu quả cao hơn hẳn. Trúng đích 3 và làm rung lưới 2 từ những tình huống mở.

Thực tế cho thấy, kiên nhẫn nằm im chịu trận rồi tận dụng thời cơ phản công bằng đội hình chặt chẽ co cụm đang là xu hướng chung của bóng đá thế giới. Bắt đầu từ chiến tích có phần bất ngờ mà không của Bồ Đào Nha tại Euro 2016, câu chuyện cổ tích của Leicester City tại Premier League mùa trước hay sự thống trị bị cho là có phần may mắn của Real Madrid trong 2 năm trở lại đây, tất cả nhuốm màu sắc thần thoại, nhưng đều mang trong mình dáng dấp sự trở lại của sơ đồ 4-4-2 thần thánh, tất nhiên là với diện mạo hoàn toàn mới.

Phải nói rằng, giữ sạch lưới đảm bảo ít nhất một kết quả không thua. 4-4-2 hiện đại được xây dựng và luyện tập đúng cách đảm bảo cho điều này. Nó như một tấm chăn vô hình, che phủ gần hết không gian triển khai của đối phương. U19 Việt Nam (nay là U20) của HLV Hoàng Anh Tuấn là trường hợp gần gũi nhất với chúng ta khi đoạt vé đi thế giới nhờ màn trình diễn xuất sắc tại VCK U19 châu Á, sử dụng 4-4-2. Ở cấp độ mà chúng ta thường cho là ao làng, đã vận dụng thành công chiến thuật này, cho tới những vinh quang cao hơn kể trên, chứng minh rằng, 4-4-2 hữu ích và có lợi thực sự.
Dominic Calvert-Lewin là người mở tỉ số cho U20 Anh
Vấn đề còn lại để tối ưu hoá nó, là phản công ghi bàn. Như đã nói, khoảng trống còn lại trên sân hiện nay chỉ còn hai sườn giáp biên, đó cũng là nơi cần tận dụng để tấn công nhanh khi đối thủ còn đang tái tập hợp. U20 Argentina không làm được điều này, họ gần như liệt hai biên. Ngược lại, U20 Anh lại được dịp thi triển lối đá tạt cánh tưởng chừng thất truyền. Bài tập mà mọi cầu thủ đều được học từ khi vỡ lòng bóng đá nay lại được đem ra mài giũa, đánh bóng và áp dụng trong thực tiễn. Không phải ngẫu nhiên, bốn trận bán kết Champions League vừa qua, đều xuất hiện bàn mở tỉ số sau những tình huống tạt bổng vào vòng cấm cho vệ tinh phía trong đón lõng.

Vậy đó, phòng ngự chặt, phản công nhanh, mệnh đề nghe rất chung chung, sẽ là tôn chỉ phát triển của bóng đá thế giới những năm tiếp theo. Sẽ không còn lối đá tiki-taka lắt nhắt buồn ngủ, mà như Franz Beckenbauer từng mỉa mai: "Họ sẽ chuyền qua lại cho tới khi chuyền bóng lăn vào lưới." Chặt chẽ, co cụm, nhưng cũng phải trực diện và chớp nhoáng, xin chúc mừng Leicester City, Real Madrid hay Bồ Đào Nha đã áp dụng thành công chiến thuật nói trên. Một trận đấu tưởng chỉ đơn thuần tại Hàn Quốc, lại tổng hợp được toàn bộ hướng đi sắp tới của bóng đá hiện đại.

HOÀNG BÁCH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.