Khi một đội bóng ghi nhiều bàn thắng để đánh bại đối thủ, để vượt qua nghịch cảnh và gặt hái vinh quang từ việc tận dụng cực tốt các tình huống cố định, thì đó đương nhiên phải là một tập thể có sự chuẩn bị - tổ chức tốt, cùng ý thức chiến thuật cao. Việt Nam, chủ nhân mới nhất của tấm HCV bóng đá SEA Games, chính là một tập thể như thế!
Chẵn 1 thập kỉ sau nỗi đau thất bại trong trận chung kết năm 2009, bóng đá Việt Nam đã bước lên đỉnh vinh quang, với tấm Huy chương Vàng (HCV) SEA Games tại Philippines. Một giải đấu mà thày trò Park Hang Seo đã cho thấy tư thế anh cả của bóng đá khu vực, bằng việc giành Vàng theo cách ấn tượng nhất! Đội duy nhất bất bại tại giải? Việt Nam! Đội sở hữu hàng công tốt nhất? Việt Nam với 24 bàn thắng. Đội có hàng thủ hay nhất. Vẫn là Việt Nam, khi chỉ thủng lưới đúng 4 bàn, trước Lào, Indonesia và Thái Lan (đều ở vòng bảng). Đội có danh sách ghi bàn đa dạng nhất? Việt Nam, tổng cộng 10 cầu thủ chúng ta đã lập công. Cụ thể: Đức Chinh 8 bàn, Tiến Linh 6 bàn, Hùng Dũng và Văn Hậu mỗi người góp 2 bàn; 6 cầu thủ ghi bàn còn lại là Quang Hải, Trọng Hoàng, Việt Hưng, Hoàng Đức, Trọng Hùng, Thành Chung.
VƯỢT TRỘI TRÊN KHÔNG
Các giải pháp ghi bàn của “Những chiến binh sao Vàng” là vô cùng đa dạng. Trong 24 bàn thắng của chúng ta thì 15 pha lập công được thực hiện bằng chân, 9 tới từ các cú đánh đầu. Cụ thể hơn nữa: có 15 bàn được thực hiện trong các tình huống mở (open-play), 9 khởi phát từ các pha đá phạt (phạt góc, phạt hàng rào và penalty).
Đáng chú ý, 1/3 trong tổng số 24 lập công tại SEA Games 30 được các cầu thủ của chúng ta ghi trong 25 phút cuối (8 bàn). 5 trong số này đến sau phút 80, đáng chú ý là 2 pha lập công cực kỳ quan trọng vào lưới Indonesia của Hoàng Đức (phút 90+1) và trước Singapore của Đức Chinh (85).
Việc giành được những kết quả tốt với các bàn thắng muộn, trong thế bị dẫn trước (gặp Indonesia và Thái Lan), trong hoàn cảnh hàng thủ đối phương đổ bê tông, chơi lăn xả (Singapore) không chỉ cho thấy ý chí mạnh mẽ của Việt Nam. Mà đấy còn là bằng chứng rõ ràng khẳng định tập thể này có nền tảng thể lực rất tốt, nhờ vậy mới có thể duy trì sức ép tới tận những phút cuối, để chiến đấu và chiến thắng.
Ngoài việc ông Park và BHL Việt Nam đã làm rất tốt công việc của mình giúp các cầu thủ có được sức bền, sự dẻo dai trong một giải đấu với mật độ thi đấu khủng khiếp như SEA Games thì phải thừa nhận đây là lứa cầu thủ có thể chất cùng thể hình vượt trội so với thế hệ đàn anh. Chúng ta sở hữu những cầu thủ có chiều cao tốt ở tuyến đầu như Tiến Linh (1m84), Hoàng Đức (1m83) hay Đức Chinh (1m76), trong khi hàng thủ là bộ ba Văn Hậu (1m86) - Tấn Sinh (1m84) – Thành Chung (1m82).
Rõ ràng đã qua rồi, cái thời mà các BLV bóng đá của chúng ta phải than thở về chuyện thể hình hay chiều cao của Việt Nam khi đối đầu với các đội tuyển cùng khu vực. Hiện tại, cụ thể là SEA Games 30 vừa kết thúc, là một kịch bản hoàn toàn ngược lại, khi mà Việt Nam đã tận dụng ưu thế về thể chất và thể hình để đánh bại các đối thủ trên hành trình “ăn” Vàng.
Chiều cao tốt đương nhiên đem lại lợi thế lớn trong không chiến. Mà bằng chứng rõ ràng nhất chính là việc chúng ta có tới 9 bàn thắng từ đánh đầu. Trong 8 pha lập công của Đức Chinh, thì 5 là những tình huống ghi bàn bằng đầu. Đối tác của Chinh, chân sút Tiến Linh cũng có 2 pha ghi điểm bằng đầu cực đẹp, vào lưới Thái Lan ở vòng bảng và bàn mở tỉ số trước Cambodia ở bán kết. Văn Hậu (mở tỉ số trận chung kết) và Thành Chung (gỡ hòa 1-1 trước Indonesia ở vòng bảng) là những pha “tập kích” từ trên không còn lại. Trừ duy nhất thắng lợi 6-1 trước Lào, 6 trận đấu còn lại của SEA Games Việt Nam luôn có ít nhất một pha không chiến thành bàn.
Ghi 9 bàn bằng đầu, chỉ qua 7 trận đấu là một hiệu suất khó tin trong bóng đá hiện đại. Để tiện so sánh, Liverpool – đội ghi nhiều bàn bằng đánh đầu nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa này – cũng chỉ có 10 pha lập công mà thôi. Cần lưu ý, Liverpool có được thành tích ghi bàn bằng đầu vừa nêu sau 16 vòng đấu Premier League, tức gấp đôi so với số trận đấu của Việt Nam tại SEA Games!
XUẤT SẮC TRONG PHỐI HỢP ĐÁ PHẠT
Điểm nhấn đáng chú ý thứ hai của Việt Nam trong hành trình chinh phục thành công tấm HCV SEA Games chính là các bàn thắng tới từ các tình huống cố định. Bỏ qua bàn gỡ hòa 2-2 của Tiến Linh trước Thái Lan, chúng ta có 8 pha lập công tới từ dàn xếp – phối hợp đá phạt. Trừ duy nhất trận thắng Lào 6-1 ở lượt đấu thứ hai vòng bảng, Việt Nam luôn có ít nhất 1 bàn thắng khởi phát từ đá phạt trực tiếp hoặc phạt góc trong 6 trận còn lại.
Hai bàn thắng của Văn Hậu trong trận chung kết, bàn mở tỉ số và ấn định thắng lợi 3-0, xuất phát từ những cú đá phạt hoàn hảo của Hùng Dũng (bên cánh trái, theo hướng tấn công Việt Nam) cùng Hoàng Đức (bên phải). Bàn “đóng hòm” 4-0 của Đức Chinh trước Cambodia ở bán kết, giúp chân sút của SHB Đà Nẵng hoàn tất cú hat-trick, đến từ một cú đá phạt góc (bên trái) của Thái Quý. Đức Chinh cũng là tác giả pha lập công duy nhất vào lưới Singapore, từ một pha đánh đầu tốt, sau đường kiến tạo cũng bằng đầu của đồng đội. Nhưng điểm nhấn chính là cú đá phạt góc có ý đồ chiến thuật rất rõ ràng (đưa bóng về cột xa) của Việt Hưng.
Ghi bàn từ tình huống mở: | 15 |
Ghi bàn từ dàn xếp đá phạt | 8 |
Ghi bàn từ chấm penalty | 1 |
Bàn bằng chân phải | 8 |
Bàn bằng chân trái | 7 |
Bàn bằng đầu | 9 |
Chi tiết cụ thể các bàn thắng của Việt Nam
Trước đó, màn ngược dòng của Việt Nam đánh bại Indonesia 2-1 ở vòng bảng, cũng bắt nguồn từ pha kiến tạo từ chấm đá phạt góc của Hùng Dũng cho Thành Chung lập công. Riêng trận thắng đối thủ yếu Brunei ở trận ra quân, Đức Chinh có 3 bàn sau các pha thực hiện phạt góc của Hoàng Đức (chuyền cho Tấn Tài tạt vào (mở tỉ số), trực tiếp từ Hoàng Đức (nâng tỉ số lên 3-0) và Trọng Hùng (5-0). So sánh sau đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn việc ghi 8 bàn chỉ với 7 trận từ các pha dàn xếp đá phạt (Set-Piece) của Việt Nam là… thông số khó tin đến như thế nào.
Trên BXH những đội bóng ghi bàn nhiều nhất từ tình huống cố định (không bao gồm penalty) trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Bournemouth là số 1 với 9 pha lập công. Xếp sau lần lượt là những Liverpool, Barcelona, AS Roma, Bordeaux (cùng 8), Arsenal, Southampton, Newcastle, Aston Villa, Frankfurt, Sevilla, Monchegaladbach, Wolves, Man City, Nice, Getafe, Granada (cùng 7). Tất cả các CLB này đều đã chơi số trận ít nhất là gấp đôi so với chúng ta tại SEA Games 30.
Ngoài việc tác giả các bàn thắng khởi đi từ tình huống cố định, ở đây là “chuyên gia đánh đầu” Đức Chinh và các cầu thủ có chiều cao tốt ở hậu tuyến (Văn Hậu, Thành Chung) thì chi tiết mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý chính là người thực hiện những pha đa phạt. Hùng Dũng và Hoàng Đức, mỗi người sở hữu 2 pha kiến tạo thành bàn từ đá phạt. Việt Hưng, Thái Quý, Trọng Hùng là 3 cái tên còn lại. Đấy là còn chưa tính đến Quang Hải hay Tuấn Anh, Xuân Trường (…) ở cấp đội đội tuyển. Rõ ràng, ông Park đang sở hữu một lực lượng vừa đa vừa tinh, trong việc cụ thể hóa các bài tập về “set-piece” thành hiệu quả trong thực chiến!
Hiệu quả từ “set-piece” là sự tổng hòa của nhiều yếu tố nhưng bài vở tập luyện và tư duy kĩ-chiến thuật chính là những giá trị mang tính quyết định. Khi một đội bóng ghi nhiều bàn thắng để đánh bại đối thủ, để vượt qua nghịch cảnh và gặt hái vinh quang từ việc tận dụng cực tốt các tình huống cố định, thì đó đương nhiên phải là một tập thể có sự chuẩn bị - tổ chức tốt, cùng ý thức chiến thuật cao.
Việt Nam, chủ nhân mới nhất của tấm HCV bóng đá SEA Games, chính là một tập thể như thế!