Đêm nay, Euro 2016 sẽ diễn ra trận đấu được giới mộ điệu rất mong chờ, trận bán kết giữa chủ nhà Pháp và đội bóng được đánh giá là mạnh nhất giải đấu năm nay, đội tuyển Đức. Trong khi Pháp có trận thắng tưng bừng và có thể nói là tốn không quá nhiều sức lực thì Đức lại phải trải qua một cuộc chiến căng thẳng và kịch tính tới hơn 120 phút với đội tuyển Italia tại vòng Tứ kết. Trận đấu đã cho thấy sức mạnh của đội tuyển Đức từ huấn luyện viên cho tới các cầu thủ trên sân. Tuy nhiên, việc đối đầu một đối thủ mạnh nhất từ đầu giải tới giờ, đội tuyển Đức của Joachim Loew cũng đã bộc lộ những điểm yếu mà các đội bóng có thể khai thác. Hãy cùng nhau phân tích trận Tứ kết giữa Đức và Italia để thấy được điểm yếu và điểm mạnh của cỗ xe tăng Đức. ĐỘI HÌNH RA SÂN
Trong một trận đấu mang tính chất sống còn, Conte cũng như Loew đã đưa ra sân những sự lựa chọn tốt nhất cho việc vận hành hệ thống chiến thuật của mình.
Về phía đội tuyển Italia, Conte vẫn sử dụng sơ đồ vốn đang rất thành công ở Euro 3-5-2. Tuy nhiên, với những chấn thương và thẻ phạt, vị chiến lược gia người Lecce đã phải có sự thay đổi về nhân sự ở hàng tiền vệ với những Sturaro và Parolo thay cho De Rossi.
Về phía
đội tuyển Đức, Loew đã có sự thay đổi về sơ đồ chiến thuật bất ngờ so với những trận đấu trước đó của Die Mannschaft. Sơ đồ 4-2-3-1 quen thuộc đã được chuyển thành hệ thống ba trung vệ 3-4-2-1 với ý đồ gia tăng sức tấn công và khả năng kiểm soát bóng. Bộ ba trung vệ của tuyển Đức với Boateng đá chính giữa, Hummels với vai trò trung vệ lệch trái và Howedes với vai trò lệch phải. Kroos và Khedira là hai tiền vệ trung tâm trong trận này. Hai bên cánh với Hector bám biên phải và Kimmich bám biên trái. Đây có thể coi là sự thay đổi về chiến thuật đặc biệt nhằm chống lại một đối thủ cũng rất đặc biệt.
SỨC MẠNH CỦA CỖ XE TĂNG ĐỨC
Sau một vài phút đầu bị chệch choạc, với những hậu vệ có kĩ thuật cá nhân tốt như Boateng và Hummels và các tiền vệ di chuyển thông minh, các cầu thủ Đức luôn tìm ra được giải pháp để thoát khỏi hệ thống pressing của các cầu thủ Italia.
Tình huống ở phút thứ 7 là một ví dụ điển hình cho điều đó. Khi Boateng cầm bóng và bị pressing quyết liệt bởi Pelle, trong khi đó hai trung vệ cùng hai tiền vệ trung tâm cũng đang bị “kiểm soát”. Đây là một tình huống pressing tầm cao tốt của Italia. Tuy nhiên, với việc Oezil di chuyển lui về khoảng trống mà các tiền vệ Italia để lại do “bận" pressing đã mang tới một lựa chọn chuyền bóng cho Boateng và tạo ra một tình huống tấn công nguy hiểm. Nhưng đây không phải là một tình huống chuyền bóng dễ dàng.
|
Boateng vẫn tìm được giải pháp chuyền bóng dù bị pressing quyết liệt |
Với việc đang nắm trong tay những trung vệ hàng đầu thế giới về khả năng phân phối bóng như Hummels, Boateng, Loew đã tạo ra sự bất ngờ khi bố trí sơ đồ 3 trung vệ chơi. Với bộ ba trung vệ chơi dãn rộng đã giúp cho hệ thống của Đức tránh được nhiều những tình huống phải đối đầu 1-1 ở phần sân nhà. Trong trận đấu Tứ kết này, sự di chuyển của hai tiền vệ trung tâm là Kroos và Khedira (sau đó là Schweinsteiger) đã thu hút được Eder và Giaccherini để giảm phần nào áp lực cho hàng hậu vệ từ việc pressing của các cầu thủ Italia. Điều này giúp cho các hậu vệ bên phía tuyển Đức có nhiều khoảng trống để cầm bóng tiến lên phía trước, thực hiện khả năng phân phối bóng của mình. Như trong hiệp 2, Hummels và Boateng liên tục có những pha bóng dâng cao qua vạch giữa sân để làm bóng.
|
Hummels và Boangteng thường xuyên có những tình huống dâng cao trong hiệp 2 |
Một điểm đáng lưu ý là Oezil và Mueller di chuyển theo chiều ngang về phía hai hành lang trong trước khu vực cấm địa của Italia nhằm đón những đường chuyền chéo ra khoảng trống phía sau bộ đôi tiền vệ Parolo và Sturaro. Điều này đã tạo ra hiệu quả trong những tình huống bóng Đức đưa bóng từ biên vào khu vực trung tâm trên phần sân của Italia.
|
Sự di chuyển của Oezil và Mueller |
Hiệp 2 là hiệp đấu mà Loew đã có những sự điều chỉnh về mặt chiến thuật ở hàng tiền vệ. Ông đã cho Schweinsteiger có mặt nhiều hơn ở trung tâm mà không chơi rộng như hiệp 1 giúp cho việc pressing của Đức sau khi mất bóng tốt hơn rõ rệt. Điển hình như tình huống ở phút thứ 53-54 của trận đấu. Cùng với đó tạo ra sự linh hoạt hơn cho hàng tiền vệ trước hệ thống kèm người của Italia. Điều này được duy trì suốt trong thời gian thi đấu của hiệp hai.
Bàn mở tỉ số là sự đền đáp xứng đáng cho những sự điều chỉnh của Joachim Loew. Một tình huống xử lý xuất sắc của Mario Gomez ở hành lang cánh trái. Hector đã có một tình huống di chuyển từ giữa sân xâm nhập thẳng vào hành lang trong bên trái (half-space trái) để đón đường chuyền của Gomez và căng ngang vào trong cho Oezil cắt mặt ghi bàn. Đây là hệ quả của việc thay đổi đội hình ở hàng tiền vệ của Loew giúp cho họ phản ứng một cách linh hoạt hơn trước hệ thống kèm người của Italia. Điều này được các cầu thủ Đức duy trì suốt cả hiệp hai.
Nếu như không có pha chơi bóng bằng tay trong vòng cấm của Boateng ở phút thứ 78 thì thực sự Đức đã có thể đánh bại được Italia ngay trong hai hiệp chính. Tài thao lược và ứng biến của Loew là một vũ khí cực kì lợi hại của đội tuyển Đức. Với những gì thể thiện từ đầu giải tới bây giờ, có vẻ như Deschamps của Pháp có một chút gì đó thua thiệt ở điểm này.
VẤN ĐỀ CỦA ĐỘI TUYỂN ĐỨC
Đức là đội bóng thi đấu với một hệ thống được coi là hiện đại và khoa học nhất nhì thế giới hiện nay. Những điểm mạnh về con người cũng như cách vận hành hệ thống chiến thuật của người Đức là rõ ràng và nổi trội so với các đội bóng khác tại Euro lần này. Tuy nhiên, không vì thế mà đội tuyển Đức là hệ thống hoàn hảo. Trận đấu với một đối thủ mạnh, được tổ chức tốt như của Conte, Die Mannschaft dù có được chiến thắng nhưng đã cho thấy những điểm hạn chế trong hệ thống của mình một cách hết sức tự nhiên.
Ngay đầu trận đấu, Italia đã chủ động pressing tầm cao chủ yếu với hệ thống 3-4-3. Như hình bên dưới, các cầu thủ Italia nhanh chóng di chuyển tới các vị trí để có thể tạo áp lực lên phía hệ thống phòng ngự của Đức. Với cách pressing như vậy, thủ thành Neuer ở Đức không thể chuyền bóng cho một trong ba trung vệ để triển khai bóng từ phần sân nhà. Và như một logic hết sức tự nhiên, Neuer phải phất bóng lên phía trên.
|
Italia pressing tầm cao ngay phần sân nhà của Đức |
Vậy khi Neuer phất bóng lên thì điều gì sẽ xảy ra? Với hệ thống pressing tầm cao như vậy, đội hình của Italia cũng cần phải dâng theo để đảm bảo cự ly nhằm bọc lót và tổ chức pressing tại các khu vực có bóng trên sân. Hình ảnh bên dưới là sự tiếp nối của tình huống pressing phía trên. Cầu thủ của Đức nhận bóng ở biên trong một tư thế không thực sự thoải mái. Các cầu thủ Italia dịch chuyển về phía biên và thực hiện việc ép chặt không gian chơi bóng của đối thủ với số lượng áp đảo. Các lựa chọn chuyền bóng khả dĩ của Đức nằm trong tầm kiểm soát của các cầu thủ Italia.
Hệ thống tấn công của Đức thực sự đã vấp phải một hệ thống phòng ngự khu vực được tổ chức rất tốt của Italia. Đội hình phòng ngự của Italia di chuyền hợp lý để đưa các cầu thủ tấn công bên phía Đức vào khu vực “kiểm soát” (như hình bên dưới).
|
Italia triển khai phòng ngự khu vực |
Trong cách triển khai tấn công của Đức gặp khó khi bị Italia ép ra ngoài biên và đóng chặt được sự kết nối với các cầu thủ ở trung tâm. Trong tình huống phản công phút thứ 7, Khedira nhận bóng ở vị trí lệch trái đã rơi vào một hệ thống phòng ngự rất kín kẽ của người Ý. Với hình ảnh bên dưới, chúng ta có thể thấy lựa chọn khả dĩ nhất của Khedira là đưa bóng ra cánh cho Hector. Các cầu thủ Italia đã kiểm soát được hoàn toàn những đường chuyền vào trung lộ.
Một pha bóng ở phút thứ 31 (như hình bên dưới), các cầu thủ Đức để lộ ra những khoảng trống lớn ở trung lộ. Một điều khá thiếu hợp lý với một đội bóng thường quản lý không gian tốt như Đức.
|
Khoảng trống lớn ở hàng tiền vệ của đội tuyển Đức |
Điều này là hệ quả việc Đức vấp phải một hệ thống phòng ngự chặt chẽ, luôn ép đối phương ra khoảng không gian ngoài biên của Italia.
Theo logic, một đội bóng chơi với hàng ngang phòng ngự dâng rất cao như Đức sẽ để lộ ra một vấn đề là những khoảng trống mênh mông phía sau các hậu vệ. Tình huống nổi bật diễn ra vào phút 43 trong trận đấu, khi Bonucci có bóng ở phần sân nhà, Giaccherini chủ động băng xuống để nhận đường chuyền dài vượt tuyến của trung vệ này.
|
Tình huống chuyền bóng của Bonucci ở phút thứ 43 |
Nếu đó là Griezmann hay Martial hay Coman, những người có tốc độ và kĩ thuật tốt thì sự việc sẽ là rất khác cho các cầu thủ phòng ngự của Đức. Đây là một ý tưởng mà Deschamps cần cân nhắc.
Khi chơi với sơ đồ 3 trung vệ, nếu đội hình của Đức bị kéo về một phía thì khoảng trống lớn bên cánh đối diện sẽ xuất hiện. Trong tình huống diễn ra ở phút thứ 15, Giaccherini cầm bóng sát đường biên để kéo đội hình phòng ngự khu vực của Đức về phía mình. Sau đó bóng được luân chuyển vào trung lộ thì Eder và Pelle sẽ là trạm trung chuyển bóng. Với việc di chuyển không bóng chéo vào giữa có chủ đích của Giaccherini cùng Sturaro đã kéo theo Khedira và Jonas Hector. Kết quả, Florenzi dâng lên và có một vị trị trống trải ở cánh phải để sẵn sàng nhận bóng. Với một khoảng trống quá lớn như vậy, những cầu thủ có tốc độ và kĩ thuật hơn của Pháp sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao hơn Italia rất nhiều. Loew chắc chắn sẽ phải cân nhắc điều này khi quyết định chơi với sơ đồ 3 hay 4 hậu vệ.
Một vấn đề mà từ đầu giải tới giờ gần như ai cũng có thể nhận thấy ở tuyển Đức đó là sự hạn chế về khả năng của hai cầu thủ chơi biên. Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở Kimmich và Hector trong những tình huống 1-1. Riêng với Kimmich, do vị trí sở trường không phải là một cầu thủ phòng ngự nên cầu thủ nhỏ con của Bayern này vẫn còn thiếu những kĩ năng phòng ngự và thường mắc lỗi vị trí trong những tình huống bắt việt vị (như hình dưới đây).
KHÉP LẠI
Người Đức đã cho thấy một chất lượng đội hình hàng đầu với khả năng tổ chức và vận hành khoa học và chuẩn mực. Một huấn luyện viên với tài năng chiến thuật và ứng biến tuyệt vời. Trận đấu với Italia đã cho thấy hình ảnh một cỗ xe tăng đáng sợ và gần như là hoàn hảo.
Với những chấn thương và thẻ phạt, Loew sẽ đứng trước bài toán nhân sự và lựa chọn sơ đồ chiến thuật. Với sự vắng mặt của Hummels và Khedira, Đức sẽ khó có thể vận hành được sơ đồ 3 trung vệ một cách hiệu quả như trận đấu với Italia. Tuy nhiên nếu muốn tạo ra một sự bất ngờ cho Deschamps, Loew có thể tiếp tục sử dụng bộ ba trung vệ, có thể là Boateng – Mustafi – Howedes hoặc Boateng – Mustafi – Emre Can.
Tuy nhiên, trận đấu với Azzurri đã để lộ ra những điểm hạn chế trong cách vận hành hệ thống 3 trung vệ của người Đức. Và như phân tích của nhà báo Gabriel Marcotti của ESPN.com thì việc Loew lựa chọn quay về với sơ đồ 4-2-3-1 với 4 trung vệ sẽ là một giải pháp an toàn hơn với tình hình nhân sự hiện tại. Vấn đề vắng mặt của Khedira sẽ rất tự nhiên nếu Bastian Schweinsteiger được sử dụng. Nhưng trên băng ghế dự bị của Loew vẫn còn những cầu thủ tài năng khác mà ông cũng có thể cân nhắc sử dụng như Julian Weigl hoặc Emre Can cho vị trí này.
Những điều Italia đã làm được sẽ là những gợi mở hết sức quan trọng mà Deschamps cần lưu tâm để đánh bại Đức. Dù thế nào đi chăng nữa, trận đấu Bán kết đếm nay giữa Đức và Pháp sẽ hứa hẹn là sự đấu trí của hai huấn luyện viên và sự phô diễn của các cầu thủ.
AUGUSTUS(TTVN)