Cuộc tiến hóa tiếp theo của Premier League: Sự ám ảnh với kiểm soát bóng sẽ đi đến hồi kết? (p1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 16/12/2019 16:50(GMT+7)

Kiểm soát bóng là thứ chiến thuật được ưa chuộng nhất, không phải thứ bóng đá của các câu lạc bộ thuộc loại Underdog. Nhưng mùa giải 2019/2020 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Trong cuốn “The Mixer”, Michael Cox đã kể lại câu chuyện về việc cầu thủ chạy cánh của Manchester United, Andrei Kanchelskis (gắn bó từ năm 1991-1995), đã chửi thề “Bóng đá Anh như cái bãi c** vậy” khi ông rời khỏi sân tập trong sự bực tức, ức chế với những bài tập tạt bóng mà ông cảm thấy là hoàn toàn vô nghĩa. Kanchelskis không hề sai.

 
Trong những năm tháng sau khi lệnh cấm Heysel được bãi bỏ, khi bóng đá Anh lại được phép tham dự các giải đấu cấp châu lục, tình hình thực tế đã trở nên quá rõ ràng là họ vẫn chưa thể thoát ra được sự ảnh hưởng của những ngày tháng tăm tối trước đó. Không một đội bóng Anh nào có thể vượt qua được vòng hai của European Cup từ năm 1991 đến 1993, và khi giải đấu này được đổi tên thành UEFA Champions League, và xuất hiện “vòng bảng”, đã không một cái tên nào đến từ xứ sở sương mù có thể vượt qua được vòng bảng trong các năm 1994 hoặc 1995. 
 
Khi bóng đá trở thành một môn thể thao nghiêng về sự kiểm soát và sáng tạo hơn ở các vùng đất khác của châu Âu, thì bóng đá Anh vẫn rất phụ thuộc vào những pha phất bóng dài, những quả tạt và những cú tắc bóng quyết liệt.
 
Alex Ferguson, huấn luyện viên trưởng của Kanchelskis vào cái khoảng thời gian “như bãi c**” ấy, đã suy ngẫm rất nhiều về những thất bại này. Vốn từ lâu đã được xem là một nhà cầm quân nghiêng về “man-manager” (quản lý con người) hơn là một chuyên gia chiến thuật, rốt cuộc, điểm mạnh lớn nhất của ông chính là nằm ở khả năng thích ứng. Ông đã mang lại nhiều chất sáng tạo hơn cho câu lạc bộ, và đa dạng hóa chiến thuật của mình hơn. Cả Ferguson và Man United đều đã tiến hóa. Họ không chỉ thống trị Premier League (8 chức vô địch quốc gia kể từ năm 1993 đến 2003), mà vào năm 1997, Qủy Đỏ đã lọt vào đến vòng bán kết của Champions League, và 2 năm sau, là đăng quang tại đấu trường danh giá nhất châu Âu này. 
 
Man United đã đóng vai trò là ngọn cờ đầu đối với phần còn lại của Premier League, mang đến cho các câu lạc bộ khác một khuôn mẫu tiên tiến hơn để học hỏi và vận hành, cùng với đó là sự kết hợp giữa khả năng nhận thức chiến thuật và những khoản doanh thu khủng lồ kiếm được từ tiền bảng quyền truyền hình – những thứ đã cho phép các câu lạc bộ hàng đầu có thể mang về những cầu thủ và những nhà cầm quân tài năng trên khắp thế giới – đã biến giải đấu này thành một thế lực đầy hùng mạnh. Trong năm 2005, Liverpool đã giành chức vô địch Champions League, cùng với đó là việc Chelsea lọt vào vòng bán kết. Arsenal đã góp mặt trong trận chung kết năm 2006, và luôn có ba đội bóng Anh lọt vào đến ít nhất là vòng bán kết trong các năm 2007, 2008 và 2009. Man United đã lần thứ hai đăng quang tại đấu trường này vào năm 2008. 
 
 
Nhưng sự đổi mới của thế giới bóng đá không chỉ dừng lại ở đó. Đó là một cuộc đua diễn ra liên tục và khốc liệt để duy trì vị thế dẫn đầu, độc tôn. Ferguson đã hai lần bị đánh bại một cách tâm phục khẩu phục trước Barcelona của Pep Guardiola trong cuộc chiến tranh đoạt chiếc ngai vàng châu Âu vào các năm 2009 và 2011, và vào những năm tháng cuối cùng của triều đại của nhà cầm quân người Scotland tại Man United, Premier League đã một lần nữa rơi vào tình cảnh thất thế. Vào hai mùa giải 2010/2011 và 2011/2012, mỗi mùa chỉ có vỏn vẹn 1 đội bóng Anh xuất hiện ở vòng bán kết (United đã để thua trong trận chung kết năm 2011, Chelsea đã giành chức vô địch vào năm 2012), và vào năm 2013, không một đội bóng Anh nào vượt qua được vòng 16 đội. Cái kết của kỷ nguyên Ferguson không chỉ đã để lại một khoảng trống lớn cho Man United, mà còn cho cả giải đấu giàu có nhưng ngày càng mất phương hướng này. 
 
Có khá nhiều minh chứng cho thấy rằng, Barcelona chính là cái tên đã góp phần lớn nhất trong việc phá vỡ vị thế của Man United nói riêng và cả Premier League nói chung, kéo họ trở lại với mặt đất. Barcelona của Pep Guardiola, cùng với đó là những đoàn quân đã chinh phạt Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012 dưới ngọn cờ đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha (bao gồm rất nhiều cầu thủ của Barcelona), đã tạo ra những sự tác động khiến cả thế giới bóng đá phải thay đổi. Barcelona đã thể hiện một sự thống trị tuyệt đối và khiến thế giới phải choáng ngợp với cái lý tưởng về một đội bóng thi đấu cực kì kiên nhẫn, ưu tiên hàng đầu trong lối chơi là kiểm soát bóng và triết lý “triệt tiêu sức sống của cơ thể đối phương và ‘đầu óc’ của họ cũng sẽ chết theo.” Vào đoạn kết của triều đại Ferguson, Guardiola đã rời Barcelona và đang chuẩn bị cho ba mùa giải dẫn dắt Bayern Munich. Và vào thời điểm Guardiola đến Anh để nắm quyền tại Manchester City vào năm 2016, một cuộc tái phát triển đã được diễn ra ở giải đấu này. 
 
Kiểm soát bóng là cho chúng tôi, không phải cho các anh. 
 
Dưới đây là những con số thống kê biểu diễn xu hướng chung trong lối chơi của các đội bóng tại Premier League qua những giai đoạn khác nhau.
 
 
Qua bảng thống kê, có thể thấy, theo thời gian, các đội bóng của Premier League đã chơi càng lúc càng chậm lại. Họ trở nên cẩn trọng và suy tính kỹ càng hơn trong những đợt tấn công, đặc biệt là ở khu vực cuối phần sân đối phương.
 
*Direct Speed là một thước đo của Opta, dùng để xác định tốc độ phát triển bóng lên phía trên theo chiều dọc mà một đội bóng thực hiện, được biểu thị bằng mét trên giây. 
 
Xét theo những con số thống kê trung bình trên, xu hướng bóng đá tại Premier League đã trở nên thực dụng hơn rất nhiều so với vài năm trước. Các câu lạc bộ đã ít lãng phí những lần được kiểm soát bóng hơn (và tổng số lần được kiểm soát bóng trong một trận đấu của một đội bóng cũng càng lúc càng ít hơn), ít thực hiện những cú sút và những đường chuyền có tỷ lệ thành công thấp hơn. Các pha bóng dài đã ít xuất hiện hơn, và họ đã dựa dẫm nhiều hơn vào những tình huống phối hợp chuyền bóng tam giác và duy trì quyền kiểm soát bóng. Các số liệu vốn đã bắt đầu đi theo hướng đó trước khi Guardiola cập bến nước Anh, và được đẩy mạnh hơn nữa theo chiều hướng như vậy ngay sau sự xuất hiện của ông. Nói tóm lại, các đội bóng Anh – đặc biệt là nhóm Big Six (Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham) – đã xem trọng việc kiểm soát bóng hơn so với trước.
 
Không tính đến Manchester City, phần còn lại của Premier League đã không có quá nhiều sự tăng trưởng về tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình/ trận trong vài năm đầu tiên sau khi Alex Ferguson nghỉ hưu.
 
 Đưa Man City của Guardiola – với sự chênh lệch về con số trung bình quá lớn – ra khỏi phương trình, thì tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của 5 thành viên còn lại trong Big Six chỉ tăng nhẹ từ 57% trước khi Fergie nghỉ hưu lên 58%. Tuy nhiên, xu hướng của họ trong quá trình này lại thay đổi rất rõ rệt: Big Six – trừ Man City – đã tăng từ 503 đường chuyền được thực hiện trong 103 lần được kiểm soát bóng trên 90 phút trước khi Fergie nghỉ hưu, lên thành 557 đường chuyền được thực hiện chỉ trong … 97 lần. Tỷ lệ phần trăm số đường chuyền về phía trước của họ đã giảm, và direct speed của họ cũng giảm đi từ 1,8 mét/ giây xuống 1,5 mét/giây.
 
Sự thức thời để có thể sớm thích nghi với xu hướng chung, cộng với việc tiếp tục chi tiêu mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng để mang về những tài năng hàng đầu, cơ hội chinh phạt châu Âu lại một lần nữa mở ra với bóng đá Anh. Sau khoảng thời gian mà người Anh chỉ góp mặt 2 trong 16 trận đấu ở vòng bán kết đã diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017, Liverpool đã hiện diện ở trận chung kết Champions League năm 2018, và sau đó là giành chức vô địch vào năm 2019, sau khi đánh bại Tottenham ở trận đấu cuối cùng (Manchester City, dù cho luôn thi đấu áp đảo đối thủ, đã phải liên tiếp nhận trái đắng trước các đối thủ đồng hương Premier League ở vòng tứ kết, Liverpool vào năm 2018 và Spurs vào năm 2019.)
 
Vẫn còn quá sớm để khẳng định về xu hướng đặc trưng của Premier League mùa giải này; các đội bóng tại đây vẫn chưa trải qua một nửa số trận trong tổng 38 trận đấu của cả mùa giải và vẫn còn cả một chặng đường dài ở phía trước. Nhưng rõ ràng, đã xuất hiện những sự thay đổi rất đáng chú ý diễn ra vào mùa thu năm nay. 
 
Thời đại hậu-kiểm soát bóng đang được hình thành?
 
Dưới đây là một biểu đồ tương tự như biểu đồ ở phần trên, nhưng có bao gồm thêm dữ liệu của mùa giải 2019/2020 này:
 
Xu hướng chung đang diễn ra ở mùa giải năm nay, tất cả các câu lạc bộ lớn đang bắt đầu thay đổi từ sự ám ảnh với kiểm soát bóng sang tập trung nhiều hơn vào việc chuyển đổi trạng thái nhanh hơn hoặc sử dụng quả bóng hiệu quả hơn. 

 Cho đến mùa thu năm nay, hầu như bất cứ đội bóng nào “đua đòi” kiểm soát bóng như các “ông lớn” đều có chung kết cục là những thất bại. Trong 5 mùa giải đã qua, chỉ có 11 trường hợp ngoài nhóm “Big Six” có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình mỗi trận trên 50%: Everton đã có 4 mùa giải sở hữu thông số như vậy, Southampton 3 mùa giải, Bournemouth 2 mùa giải, Leicester City 1 mùa giải và Swansea 1 mùa giải. Nhưng trong những mùa giải đó, chưa một ai trong số họ có thể kết thúc ở một vị trí đứng trên bất kì cái tên nào của Big Six.
 
Cứ cho là không có bất kì một chiến lược nào có thể thường xuyên giúp bạn vượt mặt Big Six, nhưng một phiên bản kém cỏi hơn của thứ bóng đá kiểm soát bóng cũng không phải lúc nào cũng có thể giúp ích được quá nhiều cho chỗ đứng của các đội bóng kia trên bảng xếp hạng. Chẳng hạn, Bournemouth đã kết thúc ở vị trí thứ 16 vào năm 2016, và Southampton đã đứng ở vị trí thứ 17 vào năm 2018. Trong khi đó, những trường hợp thành công nhất – không thuộc nhóm Big Six – là bao gồm một Leicester City thi đấu trực diện, triển khai bóng theo chiều dọc và kiểm soát bóng 43% đã giành chức vô địch Premier League vào năm 2016; Một Wolves kiểm soát bóng trung bình 46% mỗi trận và triển khai một hàng phòng ngự “không thể xuyên phá” của mùa giải 2018/2019; Và Burnley với một thứ bóng đá đầy tính cổ điển của mùa giải 2017/2018, lao cả cơ thể ra chắn phía trước mọi cú sút của đối phương và tấn công chủ yếu bằng những pha bóng dài, đi bóng và những quả tạt.
 
Lược dịch từ bài viết “The Premier League's next evolution: Is the obsession with possession coming to an end?” của tác giả Bill Connelly, đăng tải trên ESPN. 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.