Thất bại toàn diện tại World Cup 2018, bước vào Euro 2020 giữa những hoài nghi và tranh cãi về sự lựa chọn chiến thuật, thất bại trước Pháp trong trận đấu mở màn, đội tuyển Đức của HLV Joachim Loew đã trải qua quá nhiều chỉ trích, trước khi đầy kiêu hãnh và lạnh lùng vượt qua Bồ Bào Nha một cách thuyết phục để khẳng định lại giá trị và vị thế của mình.
Đức ra sân mà không có sự thay đổi nào so với trận đấu gặp Pháp. Ảnh: Die Mannschaft/Twitter
Bất chấp thất bại trong lượt trận đầu tiên, HLV Joachim Loew không tạo ra bất cứ sự thay đổi nào trong đội hình xuất phát của đội tuyển Đức. Ông tiếp tục kiên định với sơ đồ 3-4-3 vốn được xây dựng một cách đầy tâm huyết và tỉ mỉ.
Giống như cái cách mà đội tuyển Đức đã phải trải qua trước khi trận đấu này diễn ra, đoàn quân của Loew sớm dồn ép đối thủ, tạo ra một tình huống đưa bóng vào lưới Bồ Đào Nha nhưng không được công nhận, rồi phải nhận một gáo nước lạnh bởi pha phản công chớp nhoáng với bàn thắng của Cristiano Ronaldo. Nhưng bằng thứ bóng đá chuẩn mực, vận hành như một cỗ máy, bằng một tinh thần chơi bóng lạnh lùng, những cỗ xe tăng đã thị uy sức mạnh của mình trước nhà đương kim vô địch.
CẤU TRÚC ĐỘI HÌNH CÂN BẰNG
Trước cách tiếp cận phòng ngự từ 1/2 sân nhà của Bồ Đào Nha, Đức cho thấy khả năng kiểm soát thế trận, đưa bóng đến khu vực 1/3 cuối sân và tấn công cầu môn một cách nhịp nhàng, chắc chắn với cấu trúc đội hình cân bằng.
Đức bố trí nhóm 5 cầu thủ ở tuyến dưới gồm 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm vốn đều là những người có khả năng kiểm soát bóng, di chuyển hỗ trợ và chuyền bóng tốt. Với những cá nhân như Ilkay Gundogan, Toni Kroos và Mats Hummels, Đức có sự đa dạng và tính chính xác trong những đường chuyền từ đoạn ngắn, trung bình tới những đường bóng dài. Những đường chuyền được thực hiện không chỉ với lực đủ tốt, mà còn tạo ra tư thế nhận bóng hợp lý cho đồng đội. Bên cạnh đó, hai trung vệ lệch Antonio Rudiger và Matthias Ginter đều là những người sẵn sàng cầm bóng, tự tin trong việc hỗ trợ.
Ở phía trên, Đức có 5 cầu thủ tấn công chơi theo 5 phần trục dọc sân. Robin Gosens bám biên trái, Joshua Kimmich bám biên phải, trong khi ba tiền đạo Kai Havertz, Serge Gnabry và Thomas Muller thay phiên nhau lựa chọn 3 vị trí theo trục dọc ở trung lộ. 5 cầu thủ này chọn vị trí ở ngay trước mặt hàng phòng ngự 4 người của đội tuyển Bồ Đào Nha. Vì thế, họ có được lợi thế quân số theo chiều ngang sân, và bất cứ ai trong số 5 cầu thủ này đều có thể trở thành những điểm nhận bóng từ 5 cầu thủ ở tuyến dưới như đã đề cập.
Với 2 cầu thủ chạy cánh Gosens và Kimmich là những đường chuyển hướng, bóng dài, còn với nhóm 3 tiền đạo là những đường chuyền xuyên tuyến, đoạn ngắn. Họ tạo ra sự đa dạng cho các lựa chọn đường chuyền.
Cấu trúc 5-5 này được Joachim Loew theo đuổi và kiên định áp dụng bất chấp những tranh cãi của giới phân tích tại Đức. Thành công của HLV Hansi Flick, người sẽ kế nhiệm Loew, tại Bayern Munich với phong cách chơi bóng hiện đại, tốc độ và cơ bản khiến những áp lực trên vai của Joachim Loew càng lớn.
Nhưng tỷ lệ thuận với những áp lực đó là sự tự tin của ban huấn luyện ĐT Đức về một triết lý bóng đá kiểm soát toàn diện thế trận, định hướng rõ ràng về vị trí chơi bóng của các cầu thủ, nhịp độ tấn công trung bình, đẩy đối thủ lùi sâu về sân nhà, tấn công ở một biên, thu hút đối thủ và dứt điểm tình huống ở biên còn lại.
Ảnh: Raumdeuter13
Một triết lý ảnh hưởng lớn bởi Pep Guardiola, đã tác động tới Joachim Loew từ EURO 2016.
TẤN CÔNG ĐA DẠNG VÀ BÀI BẢN
Trước khi có được bàn thắng đầu tiên bằng pha phản lưới nhà của Ruben Dias, ĐT Đức đã manh nha cho thấy việc có một cấu trúc cân bằng, một định hướng chơi bóng tỉ mỉ và mang đậm tính lập trình dựa trên từng khu vực trên sân giúp họ có thể tạo ra những cơ hội tấn công đa dạng như thế nào.
Phút thứ 5, sự vượt trội về quân số ở khu vực trung lộ với 2 tiền vệ trung tâm Kroos – Gundogan và 2 tiền vệ tấn công Gnabry – Muller giúp ĐT Đức đưa bóng tới gần vòng cấm đối thủ một cách trực diện qua trung lộ.
Tình huống Ginter di chuyển hỗ trợ theo trục dọc trước khi đưa bóng vào khu vực cấm địa, nơi 3 cầu thủ của ĐT Đức thu hút 4 hậu vệ của Bồ Đào Nha sang hướng có bóng, và tạo ra khoảng trống ở cột xa cho Gosens dứt điểm đưa bóng vào lưới. Dù vậy bàn thắng không được công nhận.
Phút thứ 13, khi Bồ Đào Nha chủ động đẩy cao cự ly đội hình, ĐT Đức ngay lập tức cho thấy một giải pháp phù hợp để tấn công. Đường chuyền ra sau lưng hàng thủ đối phương của Kroos cho tình huống bằng xuống từ biên phải của Kimmich, người trả ngược cho Muller dứt điểm.
Phút thứ 18, khi ĐT Bồ Đào Nha chủ động hạn chế tối đa những khoảng trống ở trung lộ bằng một cự ly đội hình hẹp, điều được thể hiện qua sự lưỡng lự rõ rệt của người cầm bóng Hummels, thì Đức có một giải pháp tức thời. Cú vẩy má ngoài đẳng cấp của trung vệ này ra sau lưng hàng thủ của Bồ Đào Nha đưa bóng tiếp cận khu vực 16m50, ở không gian mà Gosens đã sẵn sàng tăng tốc và xâm nhập.
ĐT Đức tạo ra một cảm giác rằng dựa theo cách đối thủ lựa chọn phạm vi và cự ly phòng ngự, họ luôn có sẵn những phương án khác nhau để tiếp cận khu vực 16m50: tấn công trung lộ, đưa bóng ra biên hay những pha bóng ra sau lưng hàng thủ đối phương. Đó là sự ưu việt được tạo ra từ cấu trúc đội hình của họ, với 5 cầu thủ phía dưới sẵn sàng cung cấp bóng ở mọi phạm vi và cự ly đường chuyền, còn 5 cầu thủ phía trên dàn đều ra 5 khu vực sân, và luôn cơ động trở thành một trong các điểm nhận bóng.
Điều này được thể hiện một cách toàn diện qua 4 bàn thắng của ĐT Đức.
Ở bàn thắng đầu tiên, Muller với tư duy vị trí của mình đã khôn ngoan trở thành một điểm nối ở trung lộ để đưa bóng đến phạm vị 1/3 cuối sân, vừa dẫn bóng vừa không quên đưa ra những chỉ dẫn cho đồng đội ở khu vực 16m50.
Bóng được đưa lệch sang biên phải, điều dẫn tới việc cự ly 4 hậu vệ của Bồ Đào Nha phải nghiêng sang hướng bóng. Khoảng trống lộ ra ở biên xa, khoảng trống được khai thác bởi 2 cầu thủ chạy cánh của Đức – Kimmich chuyền bóng, Gosens xâm nhập.
Ở bàn thắng thứ hai, Rudiger thực hiện một đường chuyền chiều sâu cho khả năng leo biên của Gosens, tình huống buộc 4 hậu vệ của Bồ Đào Nha phải lùi về khu vực cấm địa và để lộ khoảng trống ở trước mặt. Muller khôn ngoan khai thác khoảng trống thêm một lần nữa, thời điểm mà Gnabry và Havertz là đủ để tạo ra khoảng trống ở cột xa cho Kimmich.
Hai bàn thắng có phần rất giống nhau, 5 cầu thủ ở tuyến trên của ĐT Đức, 2 người phối hợp ở 1 biên để kiểm soát bóng, 2 người di chuyển chực chờ trước vòng 5m50 và khoảng trống ở cột xa được khai thác bởi người còn lại. Rất bài bản, cực kì nguyên tắc. ĐT Đức ghi bàn đúng như một cỗ máy đầy linh hoạt, đã được lập trình sẵn các trường hợp có thể xảy ra một cách lạnh lùng đến khó tả.
Bàn thắng thứ ba là một phương án tấn công linh hoạt khác cũng đã được lập trình. Gundogan trở thành nguồn cung cấp bóng cho 5 cầu thủ ở tuyến trên đồng thời thu hút tiền vệ đối thủ dâng cao áp sát. 4 cầu thủ tấn công của ĐT Đức áp đảo quân số ở khu vực trung lộ, và dễ dàng kiểm soát được trái bóng. Người còn lại, Gosens, đã sẵn sàng có mặt tại cột xa, và hoàn thiện tình huống tấn công đầy gọn gàng.
Bàn thắng điển hình của nhận định triển khai bóng ở một biên, dứt điểm tình huống ở biên còn lại.
Nếu như hai bàn thắng ở hiệp một là các tình huống khai thác khoảng trống ở biên, thì hai bàn thắng của ĐT Đức ở hiệp hai lại có dấu ấn lớn của các cầu nối ở khu vực trung lộ.
Thêm một lần Gundogan trở thành nguồn cung cấp bóng hoàn hảo cho 5 cầu thủ tấn công ở phía trên, trước khi Muller và Havertz đưa trái bóng tìm tới Kimmich. Và vẫn một kịch bản quen thuộc: triển khai bóng ở một biên, dứt điểm tình huống ở biên còn lại.
Đa dạng, bài bản, gọn gàng, chính xác và đầy lạnh lùng, đó là hình ảnh toát ra từ cả 4 bàn thắng của ĐT Đức.
KIỂM SOÁT TRẬN ĐẤU, KHÔNG PHẢI KIỂM SOÁT BÓNG
4 bàn thắng là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc ĐT Đức bố trí một cấu trúc đội hình cân bằng, đầy tính toán và tấn công đối thủ dựa trên sự thao túng vị trí của chính đối thủ.
ĐT Đức kiểm soát bóng không chỉ giữ quả bóng, họ kiểm soát bóng để khiến đối thủ bộc lộ ra những khoảng trống tấn công, khai thác khoảng trống tấn công và dứt điểm cầu môn.
Sự hoàn thiện trong thế trận kiểm soát ấy không chỉ đến từ giai đoạn có bóng, mà một khi những tình huống chuyền bóng hay phối hợp gặp sai số, ĐT Đức cũng ngay lập tức cho thấy phản xạ của mình trong giai đoạn chuyển đổi từ có bóng sang không có bóng.
Cũng chính bởi sự cân bằng trong cấu trúc 5-5, ĐT Đức sẵn sàng tạo ra áp lực ngay khi mất bóng trên phần sân của đối thủ và thu hồi lại bóng nhanh nhất có thể. Họ kiểm soát bóng tới 62% trong hiệp một, và thậm chí một khi không thể đoạt bóng, ĐT Đức sẵn sàng phạm lỗi.
7 trên tổng số 15 tình huống phạm lỗi của ĐT Đức diễn ra trên phần sân đối thủ, và nếu nhìn vào biểu đồ các tình huống phạm lỗi của ĐT Đức trong trận đấu này, thì hiếm khi họ bị phạt ở khu vực 1/3 sân nhà. Đáng nói hơn, cho đến thời điểm họ nâng tỉ số lên 4-1, họ đã phạm lỗi tới 10 lần so với 2 của Bồ Đào Nha, và không phải nhận bất cứ một thẻ phạt nào.
Ảnh: WhoScored
ĐT Đức chỉ thua từ 2 tình huống cố định, hai tình huống mà ít nhiều thì họ không thể hoàn toàn kiểm soát được quả bóng.
Một chiến thắng xứng đáng, một chiến thắng mang ý nghĩa khẳng định hình ảnh của tập thể đã được dày công xây dựng bởi Joachim Loew, cũng là HLV có thời gian tại vị lâu nhất ở kỳ Euro lần này. ĐT Đức vẫn tồn tại những điểm yếu, đặc biệt là ở khả năng phòng ngự với khoảng trống lớn sau lưng của ba trung vệ. Tuy nhiên trong một thế trận họ duy trì được quyền kiểm soát bóng, có khả năng di chuyển đối thủ và tạo ra thời cơ tấn công đa dạng, bài bản, thì không nhiều đội bóng làm được tốt hơn ĐT Đức cho tới lúc này tại Euro 2020.
Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.
Nhìn chung sau trận đấu với Ipswich, những pha chuyển đổi lối chơi qua hai bên cánh có khả năng sẽ trở thành yếu tố then chốt trong lối chơi Amorim xây dựng tại Man United.
Cho đến bây giờ, đó vẫn là một vấn đề mà Arne Slot đã cố hết sức để xử lý. Cho đến kỳ FIFA Days gần đây nhất, vị HLV trưởng của Liverpool đã nhiều lần nhắc tới lịch trình thi đấu đầu mùa giải khi tự đánh giá về sự khởi đầu của đoàn quân mà ông dẫn dắt.
Trong trận đấu vào hôm thứ Bảy, Pep Guardiola đã yêu cầu Kyle Walker phải đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ và có thể nói ông đã trở thành nạn nhân trong sự thận trọng của chính mình.
Mỗi thời đại bóng đá có bối cảnh, phong cách chơi và yêu cầu khác nhau, nên việc so sánh chúng có thể dẫn đến sự thiếu công bằng hoặc sai lệch trong cách nhìn nhận.