Ajax Amsterdam và Hà Lan: Chưa thể kì vọng vào cuộc hồi sinh thực sự

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 26/05/2017 18:19(GMT+7)

Dẫu có lần đầu tiên lọt vào tới một trận chung kết cúp châu Âu sau hơn 20 năm dài đằng đẵng, người hâm mộ bóng đá Hà Lan nói chung lẫn Ajax Amsterdam nói riêng chưa thể kì vọng vào cuộc hồi sinh thực sự của cả hai thế lực một thời này sau màn trình diễn nhạt nhoà tại Stockholm.
Ajax Amsterdam và Hà Lan: Chưa thể kì vọng vào cuộc hồi sinh thực sự
Nếu như nói Bayern Munich là hồn cốt của đội tuyển Đức hay Juventus là nền móng của đội tuyển Ý, cả hai đều không sai. Điều tương tự áp dụng cho trường hợp của đội tuyển Hà Lan và Ajax Amsterdam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử bóng đá, sự thành công của hai cái tên này gắn bó mật thiết với nhau. Bóng đá Tổng lực ra đời vào thập niên 70 thế kỉ 20, khởi nguồn bởi chính đội trưởng và huấn luyện viên trưởng Ajax, Johan Cruyff và Rinus Michels, những người sau đó đem triết lí và bộ khung ấy lên tuyển để đem Hà Lan tiệm cận với đỉnh cao chói lọi của vinh quang túc cầu. Ajax khi đó thống trị châu Âu với 3 lần đoạt cúp C1 liên tiếp. Hà Lan kém may hơn, nhưng cũng hai lần đoạt ngôi vị á quân World Cup các năm 1974 và 1978.

Tới năm 1988, lại là những người con Ajax gánh vác trọng trách cầm trịch đội tuyển. Rinus Michels là HLV, cùng Marco van Basten và Frank Rijkaard đưa Oranje tới chức vô địch Euro, danh hiệu lớn duy nhất cho tới nay mà họ giành được. 10 năm sau, thế hệ trẻ trung được coi là hoàng kim của Ajax với anh em De Boer, Patrick Kluivert, Marc Overmars và Edgar Davids đưa đội nhà tới chức vô địch Champions League 1996 rồi vẫn chính những cái tên đó liên tiếp về ba tại World Cup 1998 và Euro 2000. Gần nhất, ở World Cup 2010, giải đấu Hà Lan về nhì, dù xu hướng gắn kết này đã lỏng lẻo hơn, nhưng Wesley Sneijder, Rafael van der Vaart hay Maarten Stekelenburg vẫn là những cái tên cũ trưởng thành từ lò Ajax cực kì quan trọng trong hàng ngũ đội tuyển.

Ajax và Hà Lan như hình với bóng, quyết định vận mệnh lẫn thành bại của nhau và cho đến bây giờ, mọi chuyện vẫn gần như không đổi. Sự đi xuống của đội tuyển Hà Lan trong vài năm gần đây có trách nhiệm không nhỏ từ phía đội bóng thủ đô Amsterdam. Hãy nhìn xem, Ajax đã sản sinh ra được tài năng nội địa nào phục vụ cho quốc gia? Hoạ chăng có Daley Blind, người cũng chỉ thi đấu tròn vai trong mọi vai trò được giao. Từng vỗ ngực tự hào là lá cờ đầu trong công tác đào tạo trẻ, thế nhưng Ajax dường như đang dần chuyển đổi mô hình sang chú trọng vào "tuyển trạch", hơn là "đào tạo" triết lí ngay từ lớp đội dưới Jong Ajax giống trong quá khứ.
Ajax Amsterdam của năm 1995
Hãy nhìn vào 18 cầu thủ được đăng kí trong trận chung kết Europa League với Manchester United, đội ngũ vốn đang được ca tụng là thế hệ mới kế cận vinh quang của Cruyff, chỉ có 7 cái tên đi lên trực tiếp từ Jong Ajax, 4 trong số này phải ngồi dự bị. Hầu hết các trụ cột giúp Ajax đi đến trận đấu cuối cùng là hàng mua về, từ thủ môn Andre Onana, trung vệ số 1 Davinson Sanchez, tiền vệ tấn công lĩnh xướng Hakim Ziyech và tam tấu gánh vác hàng công Amin Younes - Kasper Dolberg - Bertrand Traore. Cả 6 cầu thủ trên, không ai là người Hà Lan. Xét rộng ra toàn đội, 13/26 cầu thủ đội 1 vẫn có quốc tịch Hà Lan, nhưng hầu hết chỉ đóng vai trò dự bị hoặc kép phụ. Trong bối cảnh đội tuyển quốc gia đang khan hiếm tài năng hơn bao giờ hết, sự "hồi sinh" của Ajax như báo chí nhắc tới chỉ như cơn mưa ngắn ngủi giữa trời nắng hạn. Tạm giải quyết trước mắt, chứ không xử lí được vấn đề trong dài lâu.

Đó mới chỉ xét đến số lượng. Vậy còn chất lượng thì sao? Không quá khó để nhận xét nếu xem trận chung kết vừa rồi. Ngoại trừ cặp trung vệ chơi khá ổn, các mắt xích còn lại của Ajax bị United áp đảo hoàn toàn. Một phần nguyên nhân có thể đổ cho tuổi trẻ, khi mà độ tuổi trung bình chỉ dừng ở mức 22, nhưng tuyến tiền vệ, nơi xuất hiện cả ba cái tên được cho là kinh nghiệm nhất, có độ tuổi già dặn nhất đội là Lasse Schone - Davy Klaassen - Hakim Ziyech bị bộ ba đối diện phía Man United vô hiệu hoá dễ dàng, Ajax thực sự có vấn đề. Ngoài ba cái tên trên, Ajax không còn sự thay thế nào khả dĩ. Nên nhớ, triết lí Tổng lực thành công là nhờ vào sự linh hoạt của tiền vệ cũng sự cơ động của các hậu vệ biên.
 
Nếu bề nổi cho cuộc khủng hoảng của Ajax và Hà Lan là sự thiếu vắng tổng hoà nhân tố mọi tuyến, thì sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ việc đất nước dưới mực nước biển này không sản sinh ra tiền vệ đẳng cấp nào. Dù Edwin van der Sar hay các nhà hoạch định chính sách khác của Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) có vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp nhất, hiện thực cho thấy Tổng lực sẽ không trở thành hiện thực nếu họ không tạo ra những tiền vệ tài năng. Johan Cruyff là một tiền vệ. Frank Rijkaard là một tiền vệ. Ronald de Boer cũng là một tiền vệ. Wesley Sneijder cũng không phải ngoại lệ. 4 cái tên tiêu biểu đại diện cho 4 thế hệ được cho là thành công của Oranje đều là những cá nhân kiệt xuất ở khu trung tuyến. Tuy nhiên, giờ Hà Lan lại không có ai để nương tựa vào.

Nhìn sang Đức, Pháp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, những nền bóng đá mạnh tại châu Âu, đội tuyển của họ đều thừa thãi nhân tố tiền vệ. Người Hà Lan chắc chắn phải nhìn sang với ánh mắt thèm khát, khi gạn đục khơi trong, họ cũng chẳng đào ra được ba tiền vệ tử tế. Ba là số lượng cần để phục vụ cho sơ đồ 4-3-3 đặc trưng của Hà Lan, vẫn còn thấp hơn nhiều so với các chiến thuật hiện đại khác như 4-4-2 hay 4-2-3-1. Họ vẫn phải phụ thuộc vào Sneijder, người ăn cơm tuyển suốt 10 năm nay. Những tài năng được đặt nhiều kì vọng như Kevin Strootman, Marco van Ginkel hay Jordy Clasie đều thất bại và không phát triển tương xứng. Cái tên khá khẩm nhất mà Hà Lan đang sở hữu tại khu vực này là Georginio Wijnaldum, cầu thủ chủ yếu mạnh về cơ bắp hơn là đầu óc.
Ajax Amsterdam không thể chạm tay vào chiếc cup sau bàn thắng của Mkhitaryan
Tiến trình phát triển của bóng đá thế giới cho thấy, tiền vệ ngày càng là tuyến quan trọng trong hệ thống chiến thuật. Từ hệ thống cổ đại 1-1-8, chỉ với một tiền vệ, cho tới WM với hai, rồi dần dần 3, 4 hay 5, thậm chí đỉnh cao với 4-6-0 tại AS Roma dưới thời Luciano Spalletti, vai trò của họ ngày càng được đề cao. Chẳng phải triết lí Tổng lực của Cruyff, hay mới đây là tiki-taka của Barcelona dưới thời Pep Guardiola, trọng yếu nhất vẫn là tiền vệ hay sao? Bỏ qua những điểm tiêu cực, phải khẳng định rằng đây là chiến thuật hoàn hảo và tối ưu trong thế giới bóng đá, vừa giúp kiểm soát bóng lẫn áp đảo thế trận.

Vậy nên, dù vào đến chung kết, vẫn còn rất xa cho tới khi Ajax và Hà Lan chạm đến điểm tái sinh thực sự. Số lượng tài năng chưa đủ, chất lượng tài năng cũng chưa tinh, đặc biệt ở tuyến tiền vệ chủ chốt, hi vọng vẫn có, nhưng xem ra thật khó để mô hình kể trên thành công, chứ đừng nói đến bền vững.

HOÀNG BÁCH (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.