"Thời đại ngày nay, đội bóng của bạn sẽ chẳng thể làm gì nếu thiếu vắng một chân rê dắt bóng cừ khôi" - Pep Guardiola đã nói điều này vào vài năm trước, thời điểm mà Manchester City đang bắt đầu thu nạp những chuyên gia rê bóng qua người giống như họ đang đứng ở quầy sale tại Costco vậy.
Lý do được Pep giải thích thì cũng rất đơn giản: "Việc tấn công vào một đội hình xếp hàng trước khung thành sẽ là điều không thể nếu như đội của bạn thiếu đi một cầu thủ biết cách rê bóng và mang lại những ưu thế cho cả đội".
Như thường lệ, Pep Guardiola luôn là người đi đầu của những xu hướng trong bóng đá hiện đại. Và thứ hấp dẫn nhất ở tuần lễ Champions League trở lại lại gì? Nó chẳng phải những chiếc dép sandal của người Bờ Biển Ngà hay một chiếc áo phao được mặc bởi Taylor Swift tại NFL mà đó chính là một cầu thủ có thể rê dắt bóng từ bên cánh.
Do ảnh hưởng bởi lối chơi định hướng vị trí (positional play) của bóng đá Hà Lan và Tây Ban Nha, nên giờ đây đã có rất nhiều đội bóng ở Châu Âu xây dựng một đội hình chơi kiểm soát bóng chậm đồng thời bố trí một cầu thủ tấn công chơi rộng sát với đường biên để nới rộng khu vực hoạt động trên sân. Để chống phản công, một số đội bóng sẽ giữ một hoặc hai hậu vệ biên chơi sâu hơn thay vì cũng tiến lên phía trước trong pha chồng biên với cầu thủ chạy cánh. Họ sẽ để những cầu thủ chạy cánh chơi độc lập để khoan phá những hàng phòng ngự có tổ chức.
Bước kế tiếp để xây dựng đội hình với lối chơi kể trên là chúng ta sẽ phải chiêu mộ những cầu thủ tấn công thường xuyên thực hiện những pha rê dắt bóng độc lập. Công việc của những cầu thủ này không chỉ đơn thuần như các cầu thủ chạy cánh là rê bóng đột phá qua các cầu thủ đối phương mà họ còn phải sẵn sàng có mặt ở sát vòng cấm sau một thời gian dài kiểm soát bóng để phá huỷ đi lối chơi double-teams (hai kèm một) ở khu vực đang gặp bế tắc. Hầu hết những ứng cử viên cho chức vô địch được yêu thích tại Champions League đều dựa vào một cầu thủ chạy cánh như vậy, đôi khi còn là mỗi cánh một người kiểu thế.
Để có sự đo lường đơn giản về sự thay đổi chiến thuật kể trên thì chúng ta có thể gọi nó là "hành động rê bóng" (dribbling actions). Khi một cầu thủ nhận đường một đường chuyền ở bên cánh, họ sẽ có 2 cách để quấy rối hàng phòng ngự của đối phương bằng kỹ năng rê bóng của mình. Một là cố gắng rê bóng qua người những kiểu cầu thủ cố gắng thực hiện pha tắc bóng và vượt qua họ. Hai là bạn có thể kéo bóng đủ gần tới khung thành để khiến hậu vệ đối phương mất vị trí. Nếu bạn có thể rê bóng qua người thành công hoặc rê bóng tịnh tiến khi nhận bóng từ cánh thì bạn đã có một "hành động rê bóng".
Có thể nhận thấy một cơn sốt về những bậc thầy rê bóng ở Premier League - nơi hành động rê bóng mỗi trận tăng hơn 30% kể từ mùa giải 2018/19. Ở đấu trường Champions League, thông số này có mức tăng trưởng chậm hơn đôi chút nhưng giai đoạn vòng bảng của mùa này cũng chứng kiến số hành động rê bóng được tăng vọt lên 14 lần/trận. Mức thường thấy ở 5 mùa trước chỉ là 11 lần/trận.
Số hành động rê bóng ở Premier League có phần vượt trội hơn tại Champions League
|
Trong số 12 đội bóng dẫn đầu về thông số hành động rê bóng ở vòng bảng Champions League thì có đến 10 đội đã có mặt ở vòng 1/8. Tìm cách để khoan thủng những boongke phòng ngự thường là vấn đề của những đội bóng giàu có nhưng hai chú ngựa ô ở mùa giải này tại Champions League là PSV Eindhoven và Real Sociedad lại đang là hai đội dẫn đầu về thông số hành động rê bóng. Xếp ở hạng 6 hay 7 ở hạng mục này không có nghĩa là Man City hay Arsenal không cố gắng dẫn trái bóng của mình đến London vào trận chung kết.
Giai đoạn vòng bảng, không một ai thực hiện nhiều pha rê bóng bên cánh nhiều hơn Takefusa Kubo của Real Sociedad và Johan Bakayoko của PSV.
Top những cầu thủ có nhiều hành động rê bóng nhất sau giai đoạn vòng bảng C1 năm nay |
Nhưng sự thú vị ở bảng xếp hạng này lại là sự đa dạng của phong cách rê bóng của mỗi người. Về cơ bản thì họ vẫn làm những công việc giống nhau là dẫn bóng tới sát biên rồi vượt qua hàng phòng thủ của đối phương nhưng cách mỗi cầu thủ giải thích về cách bản thân rê bóng lại mang một tính cá nhân hoá rất cao. Nó giống như những biểu tượng cảm xúc trên Instagram hay một hình xăm khó hiểu nào đó.
Giờ đây thậm chí người ta còn không có sự thống nhất cụ thể về việc các cầu thủ chạy cánh nên phát triển theo kiểu như thế nào. Ở những kỷ nguyên trước thì các cầu thủ sẽ đi theo hướng là phát triển những kỹ năng rê bóng qua người là chính. Ví dụ như những cầu thủ chạy cánh phục vụ lối chơi tạt cánh đánh đầu ở năm 90 hay những chuyên gia cut-and-shoot cũng đều sẽ cố gắng phát triển kỹ năng này. Nhưng hiện giờ nó có thể phát triển ở bất kỳ ai.
Biểu đồ về hướng dẫn bóng tịnh tiến của một số cầu thủ chạy cánh tại Champions League
|
Sao mai mới nổi của Barcelona - Lamine Yamal là một cầu thủ rất thích những pha cut-inside giống như một ngôi sao rê bóng đang nổi đình đám trong suốt nhiều năm qua là Kylian Mbappe. Rê bóng qua mặt những cầu thủ phòng ngự là một điều rất khó và nó cũng có thể dẫn đến những pha phản công nguy hiểm nếu các chân chạy cánh mất bóng. Nhưng ngược lại, nếu thực hiện kỹ năng đó thuần thục và rê bóng thành công qua được hậu vệ đối phương để thực hiện những pha cut-inside thì nó sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc đẩy trái bóng về phía cột cờ góc của đối phương.
Tuy nhiên xu hướng hiện giờ của bóng đá thế giới dường như đang hướng tới những cầu thủ chạy cánh chơi đảo ngược. Jeremy Doku của Man City và Gabriel Martinelli của Arsenal đều là những cầu thủ thuận chân phải thi đấu ở vị trí chạy cánh trái nhưng không có ai có được tổng 25 pha rê bóng tịnh tiến sau khi giai đoạn vòng bảng kết thúc. (Có một ví dụ khác về cầu thủ chạy cánh chơi đảo ngược là Vinicius nhưng anh không có mặt trong danh sách trên bởi gặp chấn thương). Sự khác biệt giữa cầu thủ chạy cánh đảo ngược với mẫu cầu thủ chạy cánh thuận chân cổ điển là họ có thể tung ra những pha tạt bóng từ chân không thuận rồi trở lại với khu vực vòng cấm để dễ dàng kiểm soát những pha bóng kết thúc.
Rất nhiều cầu thủ hàng đầu về khả năng rê dắt bóng có thể rê tốt về cả hai hướng. Takefusa Kubo là người thường xuyên đẩy cao về phía bên cánh để kéo những hậu vệ đối phương buộc phải dạt ra để kiềm toả sự nguy hiểm của cầu thủ này, chính từ đây Kubo sẽ có khoảng trống để thực hiện những pha cut-inside vào vòng cấm bằng chân thuận của mình (chân trái). Kvicha Kvaratskhelia của Napoli thì thích hạ gục hậu vệ kèm cặp mình bằng một pha lắc nhẹ mỗi lần chân phải của anh chạm bóng. Điều này cho phép Kvaratskhelia có thể rê bóng thẳng vào vòng cấm địa trước khi đưa ra quyết định sẽ dẫn quả bóng theo hướng nào.
Cùng với những vấn đề liên quan tới chiến thuật, sự thoải mái về những bước di chuyển cũng ảnh hưởng đáng kể đến kỹ năng năng rê bóng. Biểu đồ bên dưới cho thấy các hướng mà cầu thủ sẽ ngoặt sang ở từng vị trí của hai cánh (hướng ngoặt bóng dựa trên hướng tấn công về phía giữa của khung thành đối phương). Hướng ngoặt bóng không chỉ là các pha dẫn bóng tịnh tiến mà nó còn bao gồm rất nhiều các pha ngoặt bóng nhẹ để khiến người rê bóng cảm thấy sự thay đổi về mặt thể chất. Màu sắc sẽ nhạt hơn ở những khu vực mà cầu thủ có thể rê bóng theo cả hai hướng hoặc có xu hướng dẫn thẳng quả bóng về phía khung thành.
Các cầu thủ chạy cánh sẽ có xu hướng rẽ trái hay rẽ phải khi nhận bóng ở biên?
|
Tuy nhiên cũng có một số cầu thủ thích rê bóng về hướng chân thuận bất kể là họ đang chơi ở cánh nào. Hai trường hợp có thể kể đến là Kingsley Coman và Leroy Sane của Bayern Munich. Việc chỉ rê bóng về chân thuận có thể hạn chế đi tính linh hoạt nhưng nó không hẳn là không mang về những lợi ích về mặt chiến thuật. Với những cầu thủ dạng này, Thomas Tuchel có thể thoải mái hoán đổi các cầu thủ chạy cánh theo hướng mà ông muốn để thực hiện các pha rê bóng ở trong tình huống nhất định.
Ở Man City, hai cầu thủ chạy cánh trái thuận chân phải là Jeremy Doku và Jack Grealish lại có phong cách rê bóng rất khác nhau. Đối với Grealish - người từng chơi ở vị trí tiền vệ sẽ có xu hướng ngoặt sang phải và tận dụng cơ thể để che bóng. Bằng cách chạm bóng từ mặt ngoài của chân phải giúp Grealish sẽ có được sự tách biệt giữa cầu thủ theo kèm và trái bóng anh kiểm soát. Từ đây cầu thủ người Anh có thể thực hiện một pha tạt bóng vào vị trí cột xa cho Erling Haaland.
Doku thì lại là một phiên bản hoàn toàn khác. Cậu ấy có phong cách của một vận động viên chạy nước rút với những bước di chuyển đầy uyển chuyển để lao vào các khoảng trống. Cầu thủ người Bỉ không ngại để cho hậu vệ đôi phương thấy quả bóng đang ở bên chân thuận của anh bởi bất kì pha tắc bóng nào của hậu vệ đội bạn cũng có thể cho phép Doku có được một pha sục bóng về phía chân trái đồng thời đánh bại hoàn toàn ngời theo kém ở bên cánh. Bản thân Doku cũng có thể làm điều tương tự ở bên cánh phải nhưng Pep Guardiola lại không thích anh chơi ở vị trí đó. Trận đấu ở vòng bảng với Young Boys là lần cuối Jeremy Doku chơi ở bên cánh phải. Điều này cũng đồng nghĩa là không thể có khả năng cả Jack Grealish và Jeremy Doku cùng xuất phát trong một trận đấu của Man City.
Pha hạ gục đối thủ thường thấy của Doku tại Premier League mùa này
|
Các cầu thủ sẽ rê bóng theo hướng khác nhau tuỳ vào khu vực họ cầm bóng, một số khác thì cũng có thể bị ảnh hưởng bởi vị trí họ nhận bóng so với đường biên. Raphinha của Barcelona sẽ thường ngoặt sang hướng chân thuận (chân trái) khi nhận bóng từ biên. Từ đây anh sẽ mở rộng thân hình để thực hiện pha cut-inside hoặc trả lại bóng cho hàng tiền vệ. Nhưng nếu tình huống diễn ra ở gần khung thành, Raphinha sẽ xoay về hướng chân phải trước khi rê bóng xuống khu vực trả ngược trong vòng cấm.
Nhưng có vẻ nói về chuyện rẽ bóng và cắt vào trong đủ rồi nhỉ, vậy còn những pha kết thúc thì sao? Biểu đồ dưới đây sẽ có một số dữ liệu về điều này. Hình ảnh bên dưới cho chúng ta thấy tần suất các cầu thủ sẽ thực hiện hành động gì mỗi khi nhận được bóng từ bên cánh ở giai đoạn vòng bảng Champions League năm nay. Biểu đồ này bao gồm chuỗi hành động liên tục không bị gián đoạn của một cầu thủ nên sẽ các con số cộng lại có thể hơn 100%. Lý do là bởi một cầu thủ có thể rê bóng qua hậu vệ, thực hiện một pha dẫn bóng tịnh tiến và sau đó là tạt bóng vào trong ở duy nhất một lần cầm bóng.
Tần suất các hành động của cầu thủ chạy cánh sau khi nhận bóng từ biên
|
6 trận đấu ở giai đoạn vòng bảng là không đủ nhiều để đưa ra những phân tích nên chúng ta sẽ cần cẩn trọng khi đưa ra quá nhiều phân tích về vấn đề này. Tuy vậy, vẫn có một số điểm khác biệt khá thú vị trong cách các cầu thủ tấn công cố gắng thực hiện với quả bóng.
Johan Bakayoko của PSV đặt biệt nổi bật khi là một trong hai cầu thủ trong bảng xếp hạng kể trên có pha rê bóng qua người hậu vệ nhiều hơn là những pha dẫn bóng tịnh tiến. Anh cũng là cầu thủ duy nhất có xu hướng chuyển hoá những pha nhận bóng thành thành một cú tạt cánh chứ không phải là một loại đường chuyền nào khác. Bakayoko đủ nhanh để sục quả bóng giống như cách mà Doku làm tại Man City nhưng kỹ năng rê bóng của anh lại tinh tế và khó đoán hơn nhiều. Anh là một phiên bản giống như Takefusa Kubo nhưng nhanh nhẹn hơn rất nhiều.
Thay vì lao về phía sát biên để thực hiện pha tạt bóng đơn thuần. Động tác qua người đặc trưng của Bakayoko sẽ là thu hút sự chú ý từ hậu vệ đối phương từ phía sát góc của vòng cấm, từ đây anh sẽ thực hiện một pha đảo bóng ở khu vực hành lang trong để rồi thực hiện đường chuyền cho cầu thủ ở phía cột xa. Đây là đường chuyền mà bạn sẽ thường thấy ở các tiền vệ như Martin Odegaard hay Joshua Kimmich, nhưng hai cầu thủ này sẽ cần dựa vào các cầu thủ chạy cánh biết rê bóng để tạo khoảng trống rồi trả lại quả bóng cho họ. Nhưng Bakayoko thì lại khác, một mình anh có thể làm tất cả những việc đó.
Nếu như Pep Guardiola nói đúng về chiều hướng mà một trận đấu diễn ra, chúng ta sẽ thấy nhiều thứ đổi mới hơn trong tương lai gần. Nó bao gồm cả sự thay đổi từ chính Man City (đội đã đi đầu về hành động rê bóng). Đừng quá bất ngờ nếu như đường tới chiếc cup tai voi năm nay sẽ bắt đầu bằng một pha triển khai chậm và kết thúc bằng một pha rê bóng thần sầu từ hai bên cánh.
Nguồn: Why a virtuoso dribbler might decide who wins the Champions League - John Muller (The Athletic)