Cản phá rõ ràng luôn là một khả năng cực kỳ quan trọng đối với một thủ môn, dù là trong bất kỳ thời đại nào – đây là điều không cần bàn cãi – nhưng liệu nó có còn là kỹ năng quan trọng nhất? Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào 2 điều: Đội của bạn muốn chơi như thế nào và cách bạn nhìn nhận một trận đấu.
Mọi CLB mạnh nhất đều có một bản sắc rõ ràng và mỗi cầu thủ đều nhận thức rõ những gì mà mọi người mong đợi ở họ. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến các đội bóng gặp khủng hoảng trên sân đấu là tuyển dụng về những cầu thủ không phù hợp với đường lối bóng đá của mình và cố lắp vào một hệ thống yêu cầu họ chơi hoàn toàn khác với sở trường. Điều này đặc biệt chính xác khi chúng ta ngẫm về vị trí người gác đền.
Ví dụ: Hệ thống chiến thuật của một vị HLV trưởng nọ yêu cầu thủ môn của đội phải tham gia vào quá trình triển khai bóng từ hàng thủ, sẵn sàng rời khỏi vạch vôi khung thành và “quét dọn” khu vực phía sau các hậu vệ hoặc vô hiệu hóa các quả tạt. Sở hữu một thủ môn có thể làm bất kỳ việc nào trong số đó sẽ mang lại sự tự tin và sức mạnh cho phần còn lại của đội.
Tuy nhiên, nếu thủ môn của đội không thể đáp ứng bất kỳ mong đợi nào trong số trên, điều đó sẽ tạo ra sự bất an và sợ sệt, và đây sẽ là một thảm họa đối với toàn đội. Và rồi tâm lý thiếu tự tin nặng nề sẽ hình thành.
Khi nói đến khả năng tham gia phát triển bóng từ hàng thủ, một số người sẽ nói rằng đây là một tố chất cực kỳ cần thiết ở một thủ môn; một số khác lại bảo rằng kỹ năng này đang bị thổi phồng quá mức. Họ sẽ lập luận rằng nếu các động thái pressing mà đối thủ thực hiện quá nguy hiểm, đừng chần chừ, đừng dây dưa, hãy đá quả bóng đi thật xa, và một thủ môn chỉ cần giỏi việc không để bóng lọt vào lưới là đủ để đội chơi tốt rồi.
Vấn đề lớn nhất phát sinh nếu thủ môn của bạn chơi theo cách này là bạn sẽ không thể duy trì quyền kiểm soát bóng và thường xuyên để mất nó hơn. Điều đó sẽ khiến đội của bạn chịu nhiều áp lực hơn và dẫn tới nhiều bàn thua hơn. Dù cho đội của bạn có phòng ngự tốt đến thế nào, nếu phải ở thế thủ trong phần lớn một trận đấu hết tuần này sang tuần khác, hầu hết các đội bóng sẽ gục ngã, sẽ bị nghiền nát.
Hãy hỏi bất kỳ cầu thủ chuyên nghiệp nào câu hỏi điều gì sẽ tốt hơn: Kiểm soát vững vàng trận đấu và lối chơi, hay phải “đuổi theo” trận đấu trong suốt 90 phút? Chắc chắn gần như tất cả mọi người sẽ chọn câu trả lời thứ nhất.
Thủ thành Ederson của Man City là một ví dụ điển hình của thủ môn hiện đại |
Ngoài ra, nếu bạn liên tục để mất quyền kiểm soát bóng và phải thường xuyên ở trong thế phòng ngự, khâu tấn công của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi các đội bóng không thể làm tốt việc duy trì quyền kiểm soát bóng, điều này khiến cho nhiệm vụ triển khai bóng và tạo cơ hội trở nên rất khó khăn. Đây là một lý do quan trọng giải thích tại sao phần lớn các CLB ở Premier League – chứ không chỉ các đội bóng hàng đầu – giờ đây rất coi trọng việc kiểm soát bóng.
Hầu hết các HLV ngày nay không chỉ coi trọng hệ thống kiểm soát bóng vì lý do phục vụ cho khâu tấn công: Chúng còn là một phần cốt lõi trong khái niệm phòng ngự của họ. Theo truyền thống, chúng ta được dạy coi tấn công và phòng ngự là hai công việc riêng biệt, nhưng hầu hết các nhà cầm quân ngày nay xem chúng là một và y như nhau.
Họ tin rằng phòng ngự không chỉ là những việc bạn làm khi đối thủ kiểm soát bóng, mà còn liên quan rất nhiều tới những gì bạn làm khi có bóng. Đội hình “nghỉ phòng ngự” của bạn, hoặc cách bạn chuẩn bị để chuyển trạng thái sang phòng ngự ngay cả khi bạn đang kiểm soát bóng, phụ thuộc vào cách bạn tấn công. Nếu bạn không tấn công với chủ đích rõ ràng, bạn cũng sẽ không thể lên kế hoạch trước về cách ngăn chặn các pha phản công.
Đây chính là nguyên nhân chính khiến Liverpool, Chelsea, Arsenal, Brighton và Fulham, v.v… phải thực hiện những thay đổi ở vị trí thủ môn trong vài mùa giải qua, khi họ trình làng các phong cách chơi bóng hiện đại hơn, cấp tiến hơn.
Ví dụ rõ ràng nhất tất nhiên đến từ Pep Guardiola, người đã gạt bỏ số 1 lâu năm Joe Hart của Manchester City khi ông gia nhập CLB này vào năm 2016 do những sai sót mà thủ môn người Anh mắc phải khi dùng chân xử lý bóng, bất chấp việc anh là một chuyên gia cứu thua xuất sắc. Guardiola ban đầu đã mang về một người gác đền mà trên lý thuyết anh ta phù hợp với khuôn mẫu thủ thành hiện đại: Claudio Bravo của Barcelona.
Những nhà cầm quân xuất sắc nhất rất giỏi trong việc bước đi trên ranh giới giữa kiêu ngạo và thông minh – và họ có thể làm điều đó một cách rất thuần thục. Đôi khi, những quyết định của họ ban đầu có thể khiến chúng ta cảm thấy rất khó hiểu.
Khi Guardiola đưa ra kết luận của ông, đã có không ít người nghi ngờ về nó. Quay ngược thời gian trở lại năm 2016, Hart có rất nhiều phẩm chất của một thủ môn đẳng cấp – khả năng cản phá, xử lý các quả tạt, chỉ huy hàng thủ - và sắp có lần thứ tư nhận giải Găng Tay Vàng trong 5 mùa giải khoác áo Man City. Nhưng điểm yếu lớn nhất của anh – khả năng xử lý bóng bằng chân – lại quá tương phản với phong cách bóng đá của Guardiola, đến mức việc anh có là một chuyên gia cứu thua xuất sắc đến mức nào cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Sau một sự khởi đầu đầy khó khăn tại Man City, khoảng thời gian mà Bravo đã rất chật vật trong nhiệm vụ không để quả bóng lọt vào lưới, kế hoạch vĩ đại của Guardiola có vẻ đã bị tính toán sai, và một số người bắt đầu nghi ngờ rằng ông đã đưa ra một quyết định tai hại. Guardiola chưa bao giờ trực tiếp lên tiếng giải quyết những lo ngại đó, nhưng nhà cầm quân người Catalan đã có những hành động thiết thực đáng giá hơn ngàn lời nói. Rõ ràng là chỉ mỗi khả năng phân phối bóng thì sẽ không mang lại cho Man City chức vô địch Premier League: Ông cần một thủ môn có khả năng cản phá tốt hơn. Vì vậy, mùa hè sau đó, Guardiola đã mang về Ederson từ Benfica.
Ngay trong mùa giải đầu tiên chơi cho The Citizens, Ederson đã lập tức gây ấn tượng mạnh, chứng tỏ một điều mà Guardiola đã luôn tin tưởng: Rằng hệ thống của ông sớm muộn gì cũng sẽ tỏa sáng, ông chỉ cần tìm đúng người mà thôi.
Kể từ khi gia nhập CLB chủ sân Etihad vào năm 2017, Ederson đã có 281 lần ra sân trên mọi đấu trường và hồi tháng trước đã trở thành thủ môn thứ 17 có 100 trận giữ sạch lưới ở Premier League. Anh chính là người gác đền đạt được con số này nhanh thứ ba trong lịch sử giải đấu, chỉ mất 208 trận. Đồng thời, mùa giải trước cũng chính là lần thứ ba liên tiếp ngôi sao người Brazil đoạt giải Găng Tay Vàng của Premier League. Và quan trọng nhất, Ederson hoàn toàn phù hợp với phong cách bóng đá đầy hiện đại của Guardiola.
Đặc điểm tuyệt vời nhất của Ederson chắc chắn là khả năng chơi chân. Anh có thể kiểm soát và chuyền bóng ở những khu vực chật hẹp nhất với sự điềm tĩnh đến đáng nể, “chơi bóng” với sự chính xác của một tiền vệ trung tâm. Với tư cách “nhà kiến thiết trong khung gỗ” của Man City, Ederson chắc chắn là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của đội bóng này.
Anh hiếm khi bị căng thẳng khi phân phối bóng và rất xuất sắc trong việc chuyền bóng tới đúng địa chỉ, dù là chuyền dài hay chuyền ngắn, góp phần giúp Man City áp đảo đối thủ về quyền kiểm soát bóng. Vai trò của Ederson thường xuyên yêu cầu anh phải giữ bóng càng lâu càng tốt và “mời gọi” các đối thủ lao tới pressing mình, qua đó mở ra các khoảng trống cho đồng đội khai thác.
“Chúng tôi không thể kiếm ra một thủ môn nào giỏi hơn Eddie,” Guardiola khẳng định hồi tháng 5 năm ngoái. “Cậu ấy hoàn toàn phù hợp với lối chơi của chúng tôi. Tầm ảnh hưởng của cậu ấy lên đội bóng là rất lớn. Sự điềm tĩnh của cậu ấy, cách cậu ấy đối mặt với những khoảnh khắc cả tốt lẫn tệ đều thật đáng kinh ngạc.”
Trên thực tế, dù cho đã đạt cột mốc 100 lần giữ sạch lưới cho Man City và có 3 mùa giải liên tiếp nhận giải Găng Tay Vàng, nhưng ngôi sao người Brazil đã không ít lần bị dư luận đánh giá thấp về khả năng cứu thua – cả trong mùa giải này cũng vậy.
Dù không chơi chân tốt nhưng De Gea luôn có những pha cản phá xuất thần
|
Tuy nhiên, có thể những con số của Ederson trong riêng khía cạnh cản phá, cứu thua không ấn tượng bằng một kiểu thủ môn có phong cách rất khác so với anh như David De Gea của Manchester United, nhưng khi xét tổng thể các phẩm chất mà anh sở hữu – khống chế các quả tạt, chỉ huy hàng phòng ngự, cản phá và tham gia phát triển bóng từ hàng thủ - tầm ảnh hưởng của anh trên sân đấu hiếm thủ môn nào có thể sánh bằng.
Mọi đội bóng đều muốn sở hữu một thủ môn toàn diện, 10 phân vẹn 10. Tuy nhiên, muốn là một chuyện, còn tìm kiếm được một thủ môn như vậy, chứ chưa nói đến việc chiêu mộ anh ta, là chuyện cực kỳ khó. Đúng là trong thế giới bóng đá đỉnh cao có những thủ môn phù hợp với khuôn mẫu này – ví dụ như Alisson của Liverpool và Manuel Neuer của Bayern Munich – nhưng họ lại là các trường hợp cực kỳ, cực kỳ hiếm gặp.
Thay vào đó, hầu hết các thủ môn đều hoặc là thiên nặng hơn về hướng hiện đại, hoặc thiên nặng hơn về hướng truyền thống, chứ không thể đạt được sự cân bằng tuyệt đối. Chìa khóa cho mọi đội bóng là tìm về một người phù hợp với triết lý của họ và phong cách bóng đá mà họ muốn thi triển, còn khả năng thực hiện các lĩnh vực còn lại chỉ kém hơn một chút so với các lĩnh vực được coi là sở trường.
De Gea không phải phương án phù hợp cho hệ thống của Pep
|
Nếu bạn đặt De Gea vào hệ thống của Guardiola, anh ta sẽ hoàn toàn không phù hợp, thậm chí là trở thành một thảm họa. Mặc dù thủ môn người Tây Ban Nha có thể sẽ cản phá được nhiều cú dứt điểm hơn Ederson, nhưng những sai sót mà anh mắc phải khi xử lý bóng bằng chân sẽ tàn phá nặng nề hệ thống của Man City.
Về phần Ederson, nếu anh ta chơi cho Man United, phía sau một hàng thủ vốn đã cực kỳ mong manh dễ vỡ, khuynh hướng thích rời khỏi khung thành và khả năng cản phá không ổn định của ngôi sao người Brazil có lẽ sẽ càng khiến cho các tín đồ của đội chủ sân Old Trafford lo sợ hơn.
Tuy nhiên, Ederson sở hữu những tố chất giúp anh có được một cơ hội cực kỳ tốt để thích nghi với những triết lý bóng đá trái ngược nhau. Các kỹ năng của anh đa dạng và toàn diện hơn so với De Gea, và những khiếm khuyết của ngôi sao người Brazil trong vai trò cứu thua không trầm trọng như điểm yếu chơi chân của De Gea.
Trên thực tế, Ederson giống kiểu thủ môn mà Erik Ten Hag muốn đưa vào hệ thống của ông hơn nhiều so với De Gea. Sẽ không khó để chúng ta tưởng tượng ra hình ảnh Ederson tham gia vào quá trình phát triển bóng từ phía sau hàng thủ Man United hoặc tung ra những đường chuyền dài lên phía trên cho Marcus Rashford đang tăng tốc.
Khi Ten Hag gia nhập Man United vào mùa hè năm ngoái, ông đã thể hiện rất rõ ràng rằng mình muốn mang tới một phong cách bóng đá cấp tiến và chủ động hơn cho CLB chủ sân Old Trafford. Tuy nhiên, trong trận đấu đầu tiên của ông với đối thủ Brentford trên sân khách vào tháng 8, mọi thứ đã trở thành thảm họa.
De Gea cầm bóng trong vòng cấm địa và chuyền nó cho Christian Eriksen. Thay vì vô hiệu hóa được lớp pressing đầu tiên của Brentford, đó là một đường chuyền quá dễ bắt bài và đi thẳng vào cái bẫy của đội chủ nhà. Mathias Jensen cướp được bóng từ người đồng hương Đan Mạch và tung ra một cú dứt điểm đánh bại De Gea để nâng tỷ số lên 2-0 sau 20 phút của trận đấu. Cuối cùng, trận đấu kết thúc với tỷ số 4-0 nghiêng về Brentford.
Điều đáng lo ngại nhất không chỉ là việc De Gea chơi chân rất tệ, mà khả năng cứu thua của anh cũng tụt lùi trầm trọng. Thủ thành người Tây Ban Nha, từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cầu thủ có phong độ ổn định nhất của Man United, cũng trong trận đấu trên đã phải nhận một bàn thua đáng xấu hổ khi để bóng lọt khỏi đôi tay của mình và lăn vào lưới sau một cú sút xa chẳng hề nguy hiểm từ Joshua Dasilva.
Mọi thủ môn đều có thể trải qua một ngày thi đấu tệ hại, nhưng phong độ và sự tự tin sa sút nghiêm trọng của De Gea trong hai trận đấu đầu tiên của mùa giải này đã làm dấy lên câu hỏi liệu anh có phải là một thủ môn phù hợp để hiện thực hóa tầm nhìn của vị HLV trưởng mới hay không. Với việc bản hợp đồng của ngôi sao người Tây Ban Nha sẽ hết hạn vào cuối mùa giải này, dường như những ngày tháng khoác áo Man United của anh đang được đếm ngược.
Sau trận thua thảm trước Brentford, Ten Hag đã lên tiếng bảo vệ De Gea và khẳng định, dù cho đã mắc phải những sai lầm tai hại, nhưng ông vẫn tin rằng thủ môn 32 tuổi có thể thích nghi được với thứ bóng đá năng động của mình. Trước công chúng, Ten Hag đã thể hiện sự tin tưởng đối với ngôi sao người Tây Ban Nha. Nhưng với việc đối thủ tiếp theo của Man United là Liverpool, nhà cầm quân người Hà Lan đã phải thực hiện một sự thay đổi.
Trong hai trận đấu đầu tiên, De Gea chủ yếu thực hiện những đường chuyền ngắn (19 trên tổng 26 đường chuyền đã tung ra trong trận thua 2-1 trước Brighton; 7 trên 14 trong trận thua trước Brentford). Còn trước Liverpool, thay vì mạo hiểm với khả năng xảy ra những sai lầm không đáng có, Ten Hag muốn De Gea làm điều mà anh cảm thấy thoải mái hơn: Phất quả bóng lên thẳng phía trên sân đấu.
Nhờ vậy, Man United không còn phải lo lắng về việc Liverpool đoạt được bóng ở khu vực 1/3 cuối sân của họ nữa. Còn De Gea thì có được trận đấu hay nhất mùa giải tính tới thời điểm đó, thực hiện 5 pha cứu thua – 4 trong số đó là trước những cú dứt điểm bên trong vòng cấm – và Man United giành chiến thắng với tỷ số 2-1. Tổng cộng, De Gea đã thực hiện 31 đường chuyền, 30 trong số đó là những cú phất bóng lên thẳng phần sân đối thủ.
Tuy nhiên, dù cho đã có những cải thiện diễn ra ở ngôi sao người Tây Ban Nha, nhưng những khoảnh khắc củng cố cái quan điểm anh không phù hợp với hệ thống của Ten Hag vẫn xuất hiện. Ví dụ gần đây nhất là trong thất bại ê mặt của Man United trên sân Ramon Sanchez-Pizjuan của Sevilla hồi tuần trước. Điểm yếu kỹ năng và tư duy chơi chân của De Gea đã một lần nữa khiến đội bóng của anh phải trả giá đắt, dẫn tới 2 bàn thua.
Sai lầm của De Gea trước Sevilla tương tự với tình huống ở trận Brentford |
Đầu tiên là một đường chuyền đặt trung vệ Harry Maguire vào tình thế tương tự như Eriksen trong bàn thua thứ hai trước Brentford đã kể, sau đó là một pha kiểm soát bóng tệ hại trong khi rời khỏi vòng cấm để khống chế một đường chuyền dài đơn giản. Anh cũng đã phản ứng quá chậm trong tình huống phạt góc dẫn tới bàn thắng thứ 2 của Sevilla.
Một ví dụ khác cũng đáng nhắc đến, diễn ra trong chiến thắng 4-1 của Man United trước Real Betis ở Europa League, khi De Gea có một số đường chuyền tệ trong hiệp một, một trong số đó đi thẳng tới chân Juanmi. Nó đã suýt nữa dẫn tới một bàn thua cho Man United khi tỷ số đang là 1-1.
Trong khung gỗ, De Gea thực sự là một người gác đền ít ai sánh bằng. Phản xạ và khả năng cản phá của anh vẫn rất xuất sắc. Vào cuối tháng hai, anh đã vượt qua Peter Schmeichel – người được coi là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất lịch sử bóng đá tại vị trí này – để trở thành thủ môn có nhiều trận giữ sạch lưới nhất trong lịch sử Manchester United (181) sau chiến thắng 2-0 trước Newcastle United tại EFL Cup. Ít ngày sau, anh đã tiếp tục có một màn trình diễn ngoạn mục trước West Ham tại FA Cup, với tổng cộng 6 pha cứu thua, bao gồm 2 tình huống cản phá xuất sắc trước Michail Antonio. Trong trận đấu với Brighton mới đây, cũng tại FA Cup, De Gea chính là cầu thủ được Sofasocre chấm điểm cao nhất bên phía Man United, với tổng cộng 5 lần cản phá, 3 trong số đó là trước những cú dứt điểm trong vòng cấm.
Với sự hiện diện của De Gea trước khung gỗ, sẽ rất thú vị khi quan sát xem liệu Man United sẽ tiến về phía trước như thế nào. Như đã nói, mặc dù khả năng cản phá là rất quan trọng, nhưng việc sở hữu một thủ môn chơi chân tốt, có thể “quét dọn” phía sau hàng thủ và kiểm soát vòng cấm sẽ càng ngày càng trở nên cấp thiết hơn – và chuyện này không hề có lợi đối với De Gea.
Nếu ký hợp đồng mới với De Gea, Man United cần phải hiểu rằng thủ môn người Tây Ban Nha sẽ kiềm hãm hệ thống của Ten Hag một cách trầm trọng. Chỉ mỗi khả năng phản xạ xuất sắc sẽ chẳng đủ để đưa nửa đỏ thành Manchester tìm lại vinh quang.
Nếu Ten Hag muốn đưa Man United lên một tầm cao mới, thực tế là họ sẽ cần đến một thủ môn hiện đại.
Nguồn: Lược dịch từ bài phân tích “The most vital skill for goalkeepers in 2023: Shot-stopping or distribution?” của cựu thủ môn chuyên nghiệp Matt Pyzdrowski, đăng tải trên The Athletic.