Chuyên trang phân tích dữ liệu The Analyst đã có bài viết để phân tích các loại hình phạt góc phong phú để xem đội bóng và cầu thủ nào đang có màn trình diễn tốt và kém nhất tại Premier League mùa giải này.
Mùa giải Premier League 2024-25 mới chỉ có 21 bàn thắng được ghi từ 758 pha phạt góc - tức là chỉ có 2,8% số pha phạt góc dẫn đến bàn thắng - tỷ lệ thấp hơn bất kỳ mùa giải nào trong vòng 10 năm qua.
Mùa giải trước, 4,2% số pha phạt góc dẫn đến bàn thắng ngay trong pha tạt bóng đầu tiên của cầu thủ thực hiện. Chính vì thế tỷ lệ sụt giảm xuống 2,8% ở mùa giải hiện tại có thể coi là đáng chú ý để chúng ta đưa ra những phân tích nhằm xem xét vấn đề thực sự là do đâu.
Nhưng trên thực tế, Premier League mùa giải 2024/25 mới chỉ trôi qua được 7 vòng đấu, nên sẽ là vội vã nếu như kết luận sự suy giảm chất lượng của các tình huống cố định tại Premier League hoặc khả năng cải thiện trong khâu phòng ngự của các đội bóng ở những tình huống như thế này.
Thay vì vội vàng đưa ra đánh giá, chúng ta sẽ xem xét đội bóng nào đang có hiệu suất phạt góc tốt và đội nào đang đá kém hiệu quả hơn. Và thêm vào đó là đánh giá thêm những cầu thủ nào đã đóng góp nhiều nhất ở cả hai phía đầu sân.
Mặc dù số lượng bàn thắng từ các pha phạt góc có giảm so với mùa giải trước, nhưng các tình huống này vẫn giữ vai trò quan trọng trong trận đấu. Đặc biệt, có một đội bóng tại Premier League mùa này đang tận dụng những pha phạt góc để ghi bàn vào các thời điểm quyết định...
Hiệu quả nhất: Arsenal Dẫn Đầu... Ở Mọi Khía Cạnh
Một số người hâm mộ bóng đá truyền thống có thể không đặt quá nhiều trọng tâm vào các tình huống phạt góc, nhưng Arsenal đã và đang làm cho các tình huống phạt góc thú vị trở lại.
Với thành công lớn từ các pha phạt góc mùa trước - khi họ ghi nhiều hơn các đội bóng khác ở Premier League ít nhất 4 bàn từ các tình huống phạt góc (Arsenal - 16 bàn), Arsenal đã chứng minh được giá trị của việc đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực vào các tình huống cố định. Và sang đến mùa giải này, thầy trò HLV Mikel Arteta cũng đang là đội bóng thi đấu tốt nhất khi tấn công từ các pha phạt góc. Họ kể từ đầu mùa đã ghi 3 bàn từ tình huống phạt góc và sau 7 vòng chưa có đội nào vượt qua được thành tích này của Arsenal.
3 bàn thắng của Arsenal mùa này đến vào những thời điểm quan trọng: 1 bàn thắng quyết định trong trận derby bắc London với Tottenham, bàn thắng giúp họ vượt lên dẫn trước Manchester City tại Etihad và cuối cùng là bàn thắng ấn định chiến thắng ở phút 93 trước Leicester City. Nhưng họ không phải là đội chỉ đơn giản là may mắn ở những tình huống phạt góc và những thời điểm quan trọng. Arsenal hiện giờ đang là đội tung ra nhiều cú sút sau các pha phạt góc nhất mùa này (27 lần) và có chỉ số bàn thắng kỳ vọng cao nhất từ những tình huống phạt góc (3.4 xG). Arsenal cũng đang là đội có tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng trung bình trên mỗi tình huống phạt góc cao nhất tại giải đấu với với 0.067 xG/tình huống phạt góc.
Đội bóng của Mikel Arteta được biết đến với việc ưu tiên các pha phạt góc hướng bóng xoáy vào trong (inswing corner) và họ đã tiếp tục áp dụng chiến thuật đá phạt góc đó ở mùa này. Họ đã thực hiện tạt bóng 47 lần trên tổng số 50 pha phạt góc có được ở mùa giải 2024-25 - và không có pha nào trong số các pha tạt bóng được thực hiện là xoáy ra ngoài (outswinger). Nhiều đội khác cũng ưa chuộng loại hình đá phạt góc xoáy vào trong, nhưng không có đội bóng nào áp dụng nhiều và hiệu quả như Arsenal.
Đội bóng của Mikel Arteta thích dồn nhiều cầu thủ vào khu vực gần khung thành hơn bất kỳ đội nào khác - với trung bình 3,8 cầu thủ đứng trong vòng 5m50 ở mỗi pha phạt góc – tỷ lệ cao nhất tại Premier League. Gần như tất cả các pha phạt góc của họ đều nhắm vào khu vực gần với khung thành (có lẽ đây là chiến thuật nhằm gây áp lực một cách tối đa lên thủ môn của đối phương.
Vị trí các quả phạt góc của Arsenal đã hướng đến
|
Tuy nhiên, điểm ấn tượng nhất của Arsenal trong các pha phạt góc là họ tận dụng cơ hội ghi bàn rất hiệu quả sau khi được hưởng phạt góc. Chỉ có 14 quả phạt góc trong số 47 lần họ thực hiện tạt bóng tìm đến một cầu thủ Arsenal (29,8%): 12 quả phạt góc trong số đó trở thành các pha dứt điểm và 3 tình huống đã dẫn đến bàn thắng trực tiếp như chúng ta đã liệt kê.
2/3 bàn thắng từ phạt góc của Arsenal đến từ cú chạm bóng đầu tiên – đó là những pha đánh đầu của Gabriel Magalhães trước Tottenham và Manchester City. Trong khi đó bàn thắng thứ 3 là tình huống phạt góc mà Leandro Trossard đã thực hiện chạm bóng đầu tiên trước khi Wilfred Ndidi của Leicester City vô tình đá bóng phản lưới nhà. Vì cú chạm bóng của Ndidi mang tính chất quyết định dẫn đến bàn thắng nên tình huống đó không được tính là bàn thắng từ cú chạm bóng đầu tiên sau pha phạt góc.
Leicester cũng xứng đáng được nhắc đến vì họ là đội chơi rất hiệu quả trong các pha tấn công từ phạt góc. Họ có ít pha phạt góc hơn bất kỳ đội nào khác ở Premier League mùa này (16 quả), nhưng chỉ có Arsenal ghi nhiều bàn hơn từ các pha phạt góc so với đội bóng của HLV Steve Cooper (Leicester City - 2 bàn). Trên thực tế, Leicester City cũng chỉ có được 0.74 xG từ phạt góc (con số khá khiêm tốn so với mức 3.4 xG của Arsenal). Ipswich cũng đã ghi hai bàn từ 38 quả phạt góc dù có chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của họ ở các tình huống này thậm chí còn thấp hơn Leicester (0.63 xG). Đối với những đội mới thăng hạng, các tình huống cố định có thể coi là phương án tấn công quan trọng và là thiết thực nhất để giúp họ có được bàn thắng và dường như họ đã tận dụng tốt các cơ hội của mình có được.
Manchester City là 1 trong 6 đội xếp sau Arsenal với hai bàn từ các tình huống phạt góc, nhưng họ đáng được nhắc đến ở đây là vì đã thực hiện các quả phạt góc cự ly ngắn với tỷ lệ cao nhất tại Premier League mùa này (46,6%). Chính vì thế nên chúng ta có thể nói rằng: đá phạt góc ngắn không phải lúc nào cũng là phương án tệ.
Ngoài những đội bóng đã liệt kê, Manchester United, Tottenham và Nottingham Forest cũng đều ghi 2 bàn từ các tình huống phạt góc kể từ đầu mùa giải.
Những Đội Kém Hiệu Quả Nhất: Liverpool của Arne Slot có tên
Ở phía ngược lại các đội đá phạt góc có hiệu quả cao, có 7 đội bóng vẫn chưa ghi được bàn thắng nào từ các tình huống phạt góc ở Premier League mùa này. Các đội bóng này lần lượt là: Everton, Fulham, West Ham, Wolves, Newcastle, Bournemouth và Southampton.
Có một vài cách khác nhau để đánh giá số liệu phạt góc của các đội bóng này nên chúng ta cũng có nhiều cách để xem đội bóng nào đang làm kém nhất ở khâu này khi thi đấu.
Chẳng hạn, Everton chỉ được hưởng 22 quả phạt góc - số lượng quả phạt góc được hưởng đứng thứ hai từ dưới lên. Họ chỉ có nhiều số quả phạt góc hơn Leicester (16 quả), nhưng hiện tại chỉ có hai đội có tỷ lệ đá phạt góc dẫn đến các cú sút cao hơn so với tỷ lệ 50% của Everton. Đoàn quân của Sean Dyche xếp thứ 8 trong giải về chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) sau các tình huống đá phạt góc - với 1.24 xG. Tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng (xG) trên mỗi quả phạt góc của Everton đạt mức 0.056 xG - thông số đứng thứ 3 trong số tất cả các đội bóng tham gia mùa giải này.
Vì vậy, nếu xét theo khía cạnh họ tạo ra nhiều cơ hội từ số lượng phạt góc ít ỏi mà vẫn chưa ghi được bàn thắng nào thì đội của Sean Dyche có thể được coi là đội tận dụng quả phạt góc kém hiệu quả nhất tại Premier League.
Còn Bournemouth, họ đã được đá phạt góc nhiều thứ 5 tại Premier League mùa này (48 lần), nhưng đoàn quân của Andoni Iraola cũng chỉ tạo ra 16 cú sút từ phạt góc và vẫn chưa ghi bàn nào dù đã có chỉ số bàn thắng kỳ vọng sau khi đá phạt góc lên tới 1.59 xG.
Chỉ có 3 đội bóng tại Premier League mùa này có số cú sút từ các tình huống phạt góc nhiều hơn Fulham (20 lần). Nhưng trên thực tế là họ sút rất nhiều nhưng vẫn chưa ghi được bàn thắng nào. Đoàn quân của HLV Marco Silva có tỷ lệ thực hiện các quả phạt góc xoáy ra ngoài (outswinger) cao nhất ở mùa này (61.8%). Chính vì vậy khi nhìn vào thành công của Arsenal với những cú tạt bóng xoay vào trong, HLV Marco Silva có nên bắt đầu giải quyết vấn đề và sửa chữa nó cho Fulham vào ngay thời điểm này?
Tiếp theo đó là Southampton - một đội không tận dụng tốt các pha phạt góc như cách 2 đội mới thăng hạng là Leicester và Ipswich đã làm. Southampton ở mùa này chỉ có 6 cú sút sau 31 pha đá phạt góc. Tỷ lệ 19,3% số pha phạt góc dẫn đến một cơ hội của họ đang là thấp nhất ở Premier League mùa này. Khi lối chơi kiểm soát bóng của Southampton còn chưa cho ra được hiệu quả nhất định thì họ nên chú trọng hơn vào các tình huống cố định mình có được để tìm kiếm những bàn thắng cần thiết nhằm đua tranh vé trụ hạng ở mùa này.
Liverpool trên thực tế cũng đã có được 1 bàn thắng từ tình huống phạt góc, nhưng họ đang là đội có chỉ số bàn thắng kỳ vọng/tình huống phạt góc thấp nhất ở giải đấu mùa này. Đoàn quân của Arne Slot chỉ có tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng từ các pha phạt góc đạt 0.76 xG từ 49 lần họ được hưởng quyền đặt bóng vào cột cờ biên. Với tỷ lệ chỉ 0.016 xG/quả phạt góc, Liverpool chính xác đang là đội kém hiệu quả nhất khi thực hiện các tình huống phạt góc ở Premier League.
Nottingham Forest - Đội phòng thủ phạt góc tốt nhất
Một nửa số đội ở Premier League chưa để thủng lưới từ các tình huống phạt góc mùa này, nhưng thành tích của Nottingham Forest mới thực sự là điểm nổi bật. Họ đã phải đối mặt với 45 quả phạt góc từ các đội sau 7 vòng đấu – số lượng phạt góc phải đối mặt nhiều thứ 6 trong số các đội đang dẫn đầu ở hạng mục này. Mặc dù phải hứng mưa phạt góc từ các đội, nhưng Nottingham Forest chỉ để đối phương tạo ra các cơ hội từ tình huống phạt góc với tổng giá trị bàn thắng kỳ vọng đạt mức 0.7 xG và có tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng/tình huống phạt góc ở mức 0.016 xG - mức thấp nhất của cả giải đấu. Mặc dù Nottingham Forest thường để đối thủ kiểm soát bóng và chiếm ưu thế về vị trí trên sân - điều khiến họ phải đối mặt với nhiều tình huống phạt góc phòng ngự, nhưng đoàn quân của Nuno Santo lại rất giỏi trong việc phòng thủ các pha phạt góc và để thủng lưới rất ít.
Thông số của Nottingham Forest trong các tình huống phải chống đỡ với phạt góc
|
Trong khi đó, Newcastle đã phải đối mặt với số lượng phạt góc nhiều hơn Nottingham với 48 lần sau 7 vòng đấu. Nhưng trên thực tế, họ chỉ để đối thủ của mình có 11 lần tạo ra một cơ hội từ các pha phạt góc. Với việc chỉ để đối thủ tạo được 11 cơ hội trên tổng số 48 lần phải phòng thủ phạt góc (22,9%), có thể nói Newcastle đang tổ chức phòng ngự khá tốt ở khía cạnh này và ngăn chặn được hầu hết khả năng dẫn đến cơ hội cho đối thủ.
Brighton – một đội bóng có thể khiến nhiều người ngạc nhiên khi họ xếp ngay sau Newcastle với tỷ lệ 23,1% số pha phạt góc họ phải đối mặt dẫn đến một cú sút từ đối phương. Tổng cộng Brighton chỉ có 6 lần để đối thủ có cơ hội trên tổng số 26 pha phạt góc mà họ phải chống đỡ ở mùa giải này (tổng giá trị bàn thắng kỳ vọng của đối thủ Brighton tạo ra sau 7 vòng chỉ dừng lại ở mức 0.53 xG - thấp nhất tại giải).
Với những con số kể trên có thể lý giải vì sao đội bóng của Fabian Hurzeler vẫn chưa phải nhận bàn thua từ các pha phạt góc ở mùa giải này. Trên thực tế, ở mùa này Man City (21 lần) của Pep Guardiola còn phải đối mặt với ít pha phạt góc của đối thủ hơn Brighton (26 lần) nhưng họ đã để thủng lưới trong trận đấu với Arsenal, còn Brighton thì vẫn bảo vệ tốt khung thành của mình.
Mười đội chưa để thủng lưới từ phạt góc mùa này bao gồm: Newcastle, Nottingham Forest, Brighton, Brentford, Ipswich, Crystal Palace, Chelsea, Aston Villa và Liverpool.
Còn nếu muốn tìm hiểu về các đội đang phòng thủ tệ nhất từ các pha phạt góc, chúng ta sẽ có 2 cái tên là Wolves và Southampton - mỗi đội nhận 4 bàn thua.
Những cầu thủ thực hiện phạt góc tốt nhất
Không có gì ngạc nhiên khi Bukayo Saka đang dẫn đầu tại Premier League về khả năng thực hiện phạt góc. Với 3 quả phạt góc đã dẫn đến bàn thắng, Saka có độ hiệu quả hơn bất kỳ cầu thủ nào khác ở Premier League mùa này. Đáng kinh ngạc hơn, Bukayo Saka không chỉ vượt trội so với tất cả các cầu thủ khác tại Premier League về số quả phạt góc dẫn đến bàn thắng, mà tổng số quả phạt góc dẫn đến bàn thắng của anh còn vượt trội hơn bất kỳ đội bóng nào ở mùa giải này.
Saka cũng có nhiều pha kiến tạo trực tiếp từ các tình huống phạt góc nhất mùa này với 2 kiến tạo. Pha bóng ở trận đấu với Leicester City được tính là Ndidi đã phản lưới nhà nên bàn thắng cũng không được ghi nhận cho Trossard và kiến tạo cho Saka. Tổng số bàn thắng kỳ vọng (xG) từ các quả phạt góc mà Saka thực hiện mùa này đạt mức 2.53 xG - thông số cao hơn bất kỳ ai khác trong giải đấu.
Saka chủ yếu thực hiện các quả phạt góc của Arsenal từ phía cánh phải vì HLV Arteta muốn những pha phạt góc được đá xoáy vào trong từ cả hai bên. Điều đó dẫn đến đã có 5 cầu thủ thực hiện nhiều quả phạt góc hơn Bukayo Saka ở mùa này nhưng cầu thủ chạy cánh người Anh vẫn có một thông số vượt trội về các pha bóng phạt góc dẫn đến bàn thắng. Saka ở vị trí độc tôn ở khía cạnh này nhưng nó cũng một phần cũng được giúp sức khá nhiều từ người băng vào tấn công trong vòng cấm để tận dụng các pha tạt bóng từ phạt góc - một người mà chúng ta sẽ nhắc đến phần sau của bài phân tích.
Xếp sau Saka, chỉ có 2 cầu thủ có hơn một tình huống đá phạt góc dẫn đến bàn thắng ở mùa này là Leif Davis (2 lần) và Christian Eriksen (2 lần) - một người thường xuyên bị chỉ trích về khả năng thực hiện phạt góc.
Leif Davis đã thực hiện 27 quả phạt góc và tạo ra những cơ hội có tổng giá trị bàn thắng kỳ vọng ở mức 0.49 xG cho Ipswich, nhưng quan trọng hơn hết hai cú sút từ các pha phạt góc của Davis thực hiện đã trở thành bàn thắng. Trong khi đó, Eriksen - người được các cổ động viên Tottenham nhớ tới vì anh là người thường đưa bóng vào vị trí không mong muốn trong các quả phạt góc của đội bóng được hưởng - ở mùa này đã thực hiện 19 quả phạt góc cho Man United sau khi ra sân thi đấu 261 phút. Trung bình tiền vệ người Đan Mạch thực hiện một quả phạt góc sau mỗi 13 phút – tỷ lệ được đá phạt góc nhiều nhất trong số các cầu thủ Premier League đã thi đấu ít nhất 90 phút trong mùa giải 2024-25. Chính vì vậy có lẽ không quá ngạc nhiên khi các pha phạt góc của Eriksen đã có 2 lần tạo ra bàn thắng cho Man United.
Andreas Pereira của Fulham đã thực hiện nhiều quả phạt góc hơn bất kỳ ai ở Premier League mùa này (34 quả phạt góc). Những quả phạt góc của cầu thủ người Brazil tạo ra 20 cú sút, nhưng tiếc là chưa có pha vung chân nào của đồng đội từ những pha phạt góc này trở thành bàn thắng.
Những cầu thủ tấn công nguy hiểm nhất ở các pha phạt góc
Trung vệ Gabriel Magalhaes của Arsenal đã có số lần chạm bóng từ các quả phạt góc hướng vào khu vực cấm địa nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác ở Premier League mùa này với 7 lần chạm bóng trong vòng cấm đối phương từ các tình huống phạt góc. 6 trong số 7 lần Gabriel Magalhaes đánh đầu thành công đều được chuyền từ chân của Bukayo Saka (2 trong số đó đã được cụ thể hoá thành bàn thắng cho Arsenal). Trong tổng số 7 bàn thắng được ghi từ cú chạm đầu tiên sau quả phạt góc tại Premier League mùa này, Gabriel đã chiếm tới 2 bàn.
Ethan Pinnock (Brentford), Cristian Romero (Tottenham), Wout Faes (Leicester), Amadou Onana (Aston Villa) và Chris Wood (Nottingham Forest) là 5 cầu thủ còn lại ghi bàn từ cú chạm đầu tiên sau một quả phạt góc trong mùa giải này.
Rodrigo Muniz của Fulham - người đã có 5 lần dứt điểm từ pha chạm đầu tiên sau phạt góc là người xếp ngay sau vị trí của Gabriel Magalhaes trên bảng xếp hạng về thông số này. Thông số thì gần như nhau nhưng hiệu quả lại là 1 điều quá khác biệt khi Magalhaes đang có 2 bàn, còn Muniz thì chỉ là số 0 tròn trĩnh.
Cặp đôi của Everton, James Tarkowski và Dominic Calvert-Lewin - mỗi người đã chạm bóng 5 lần trong các quả phạt góc tấn công trong vòng cấm địa của đối phương ở mùa nay (chiếm 22,7% trong tổng số 22 quả phạt góc của đội) - tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các cầu thủ đã chạm được bóng từ phạt góc của bất kỳ đội nào tại Premier League mùa này.
Những hậu vệ phòng ngự tốt nhất ở các pha phạt góc
Ghi bàn từ các quả phạt góc là rất quan trọng, nhưng việc ngăn chặn bóng bay vào lưới của đội mình cũng quan trọng không kém. Jacob Greaves của Ipswich, Yukinari Sugawara của Southampton và thủ môn Mads Hermansen của Leicester đang dẫn đầu về việc cạnh tranh được cú chạm đầu tiên tại các quả phạt góc phòng ngự mùa này - mỗi người 7 lần chạm bóng.
Tuy nhiên, số lần chạm bóng của tiền đạo Kai Havertz (Arsenal) có thể tạo ra ấn tượng lớn hơn khi anh là cầu thủ đã cạnh tranh được cú chạm đầu tiên với tỷ lệ cao nhất trong các pha phạt góc phòng ngự - 20,7%. Nói một cách dễ hiểu hơn thì cứ 5 quả phạt góc mà Arsenal phải phòng ngự, Havertz sẽ có một lần giành được lợi thế để có pha chạm bóng đầu tiên.
Trong lần cuối xem xét các con số này vào tháng 8 năm 2023 – ngay sau khi Havertz ký hợp đồng với Arsenal, trang The Analyst đã nhấn mạnh vào khả năng phòng ngự từ các tình huống phạt góc của cầu thủ người Đức. Đây là một phần lý do tại sao Arsenal chi số tiền lớn tới vậy để mua anh từ Chelsea. Và khi cập bến Emirates, tiền đạo sinh năm 1999 đã tiếp tục thể hiện độ hữu dụng của mình trong khâu phá bóng giải nguy ở các tình huống cố định mà Arsenal đã phải chống đỡ.
Sau một loạt phân tích kể trên, có lẽ bạn đã có một cái nhìn toàn diện về cách các đội Premier League tận dụng các quả phạt góc. Những đội chưa gặp may mắn nhiều có lẽ nên xem xét lại chiến thuật đá phạt góc của mình để phần nào đó giúp thông số bàn thắng từ các pha phạt góc có thể trở lại ở mức bình ổn như mọi năm.
Theo Ali Tweedale (The Analyst)