Sau 1 trận đấu đã có rất nhiều chuyện thú vị xảy ra, chắn hẳn bạn sẽ thấy thật kỳ lạ khi bài phân tích này lại đi tập trung vào những điều đã không xảy ra.
Nhưng quả thực là cách tiếp cận của Manchester City trong hiệp 2 trận hoà 2-2 với Arsenal đã thụ động một cách kỳ quặc, với việc Pep Guardiola hầu như chẳng hề thay đổi đấu pháp ban đầu của mình mặc dù nhiệm vụ của Man City đã hoàn toàn khác khi bước vào hiệp hai. Guardiola là một nhà cầm quân thường bị chỉ trích là “overthinking” (nghĩ ngợi quá nhiều), nhưng trong trận đấu này, ông có thể bị “định tội” là đã “underthinking” (suy nghĩ quá ít).
Trước tiên, chúng ta phải xác định rõ vài điểm quan trọng: Hiệp 1 là một thế trận hoàn toàn khác so với hiệp 2, và nó đã diễn ra cởi mở hơn nhiều so với dự kiến. Arsenal xứng đáng được khen ngợi vì đã chống chọi rất tốt trước áp lực khủng khiếp từ Man City trong gần như toàn bộ hiệp 2. Và đội chủ nhà cuối cùng đã tìm được bàn gỡ hoà vào những giây phút cuối cùng của trận đấu nhờ công của cầu thủ vào sân thay người John Stones.
Nhưng – giờ thì quay lại với vấn đề chính: Pep Guardiola đã “buông thả” hiệp hai quá nhiều.
Dưới đây là hệ thống nhập cuộc của Guardiola. Khi kiểm soát bóng, về cơ bản thì Man City đã chơi với đội hình 3-1-5-1. Kyle Walker bó vào phía trong từ vị trí hậu vệ cánh phải và tạo thành một bộ ba trung vệ, còn Josko Gvardiol thì dâng cao + di chuyển hẳn vào phía trong sân đấu và trở thành “inside-left” (tiền đạo khe trái) của Man City. Rodri sắm vai tiền vệ trụ, 2 tiền đạo cánh thực thụ đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo khả năng tận dụng tối đa chiều ngang sân cho lối chơi của Man City, và Erling Haaland là tiền đạo trung tâm. Mặc dù đã bị đối thủ dẫn trước với tỷ số 2-1 nhờ cú sút xa siêu phẩm của Riccardo Calafiori và pha đánh đầu ghi bàn của Gabriel, nhưng The Citizens vẫn là đội chơi tốt hơn trong hiệp 1.
Còn dưới đây là hệ thống mà Guardiola triển khai vào giữa hiệp hai. Ngoại trừ việc Mateo Kovacic đã thế chỗ Rodri sau khi tiền vệ người Tây Ban Nha dính chấn thương, thì nó y hệt với hệ thống của hiệp 1, và Guardiola đã không đưa ra thêm bất kỳ sự thay đổi nào khác cho đến tận phút 70.
Và đây là hệ thống được thi triển trong giai đoạn cuối của trận đấu. Đến thời điểm này, Guardiola đã thực hiện thêm các quyền thay người. Tuy nhiên, rốt cuộc Man City vẫn sử dụng đội hình 3-1-5-1 khi kiểm soát bóng.
Tình hình trận đấu lúc này đã hoàn toàn khác hiệp 1. Guardiola đang phải đối phó với một Arsenal đã thi triển 3 hệ thống rất khác nhau trong giai đoạn không bóng. Họ nhập cuộc với một đội hình 4-4-2 có cự ly kín kẽ, co cụm, giống như trong chiến thắng 1-0 trước Tottenham Hotspur vào cuối tuần trước.
Khi Mikel Arteta điều chỉnh đấu pháp vào giờ nghỉ giải lao sau tấm thẻ đỏ của Leandro Trossard, ông đã chỉ đạo Arsenal phòng ngự với đội hình 5-4-0.
Tới giữa hiệp 2, có vẻ như Arteta đã nghĩ rằng phòng ngự như thế vẫn chưa đủ an toàn, nên đội bóng của ông đã chuyển sang đội hình 6-3-0.
Thật kỳ lạ khi mà Guardiola lại tin rằng giữ nguyên đấu pháp ban đầu chính là phương án tối ưu nhất trước một Arsenal cực kỳ, cực kỳ quyết tâm trong việc bảo toàn lợi thế dẫn trước tỷ số.
Nghiêm trọng hơn, Guardiola còn tỏ ra quá dè dặt – hoặc nói cách khác là quá chậm chạp – trong việc thay người. “Bản chất” của hiệp hai đã trở nên rất rõ ràng sau vài phút nhập cuộc – Arsenal sẽ không hề cố gắng chiếm giữ quyền kiểm soát bóng, pressing tầm cao hay thậm chí là phát động các pha phản công, với việc chỉ còn duy nhất Martinelli là có khả năng thực hiện các pha bứt tốc đột phá khi cơ hội phản công xuất hiện.
Nhưng Guardiola vẫn cứ duy trì một hệ thống bao gồm 4 hậu vệ thực thụ. Manuel Akanji đủ nhanh và đủ kỹ thuật để trở nên hữu dụng trong kiểu thế trận này. Nhưng Ruben Dias thì không hề phù hợp cho mục tiêu phá vỡ một hệ thống phòng ngự lùi sâu, anh cầm bóng quá lâu, không thể thực hiện những đường chuyền đột phá và không giỏi sút xa. Man City đã thường xuyên rơi vào những tình huống “tĩnh lặng và vô hại” như dưới đây, Dias cầm bóng và hàng thủ Arsenal hoàn toàn thoải mái.
Dĩ nhiên là Gvardiol có khả năng tạo nên những khoảnh khắc bùng nổ với 1 pha ghi bàn bất ngờ, nhưng việc Guardiola quyết định tiếp tục sử dụng anh trong vai trò “tiền đạo khe trái” của Man City thực sự là một tình tiết kỳ lạ, đặc biệt là khi nhà cầm quân này – như ông kể sau trận – đã nói rõ với các cầu thủ của mình rằng không được chỉ chăm chăm dùng những quả tạt để đưa bóng vào vòng cấm. Do đó, tài không chiến của Gvardiol chẳng phải là yếu tố chính dẫn tới quyết định này. Tốc độ chống phản công của Walker đã rất hữu ích trước Martinelli, nhưng Stones (người chỉ được tung vào sân khi trận đấu còn 12 phút) và Rico Lewis (người đã không được sử dụng) sẽ hữu ích hơn nhiều cho mặt trận tấn công trong thế trận này.
Guardiola từng nổi tiếng với việc thay vì sử dụng những trung vệ thực thụ thì ông lại để các tiền vệ - Javier Mascherano, Javi Martinez, Fernandinho – đảm nhận vị trí này. Trong trận đấu trên sân khách với Crystal Palace vào năm 2019, Guardiola biết rằng đội bóng của ông sẽ áp đảo đối thủ về quyền kiểm soát bóng và hầu như chẳng cần phải bảo vệ vòng cấm địa của mình, vậy là ông đã triển khai cặp trung vệ Fernandinho và Rodri – 2 tiền vệ – vì ông biết Man City sẽ ép sân tuyệt đối, do đó 2 người họ sẽ chủ yếu đá ở giữa sân – lãnh địa của họ. Cuối cùng, The Citizens giữ sạch lưới và giành chiến thắng 2-0.
Trong những năm gần đây, Guardiola đã áp dụng một đấu pháp hoàn toàn ngược lại, thường xuyên triển khai 4 hậu vệ thực thụ ở hàng thủ. Rõ ràng là nó đã hoạt động rất hiệu quả, và giúp Man City giành được chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử CLB, nhưng thật khó để tìm được lý do chính đáng cho việc giữ 4 hậu vệ thực thụ trên sân đấu trước một đối thủ chơi không tiền đạo và gần như không thèm tấn công. Man City đã kết thúc trận đấu với sự hiện diện của Akanji, Dias, Gvardiol và Stones trên sân – Stones là người ghi bàn gỡ hòa giúp đội chủ nhà giữ lại được 1 điểm vào cuối trận, và anh chính là mẫu trung vệ phù hợp nhất với kiểu thế trận này nhờ kỹ thuật chơi bóng của mình, nhưng Guardiola đã đưa ngôi sao người Anh vào sân quá muộn.
John Stones ghi bàn gỡ hòa cho Man City
|
Tất cả những tình tiết trên thực sự rất kỳ lạ, đặc biệt là trong kỷ nguyên 5 quyền thay người này. Guardiola hoàn toàn có thể cải tổ đội hình của ông sang hướng đẩy mạnh tính kỹ thuật – một điều sẽ rất hữu ích trong thế trận này, nhưng ông đã không làm vậy. Ngay cả khi vẫn giữ nguyên trận pháp 3-1-5-1, “phiên bản” Guardiola của ngày xưa sẽ thi triển một hệ thống kiểu như Akanji, Stones và Gvardiol tạo thành hàng thủ 3 người, Kovacic án ngữ trước mặt họ, còn phía trên có lẽ sẽ là Savinho, Lewis, Ilkay Gundogan, Bernardo và Phil Foden chơi sau Haaland. Điều đó sẽ nâng cao chất lượng của những đường chuyền từ phía dưới sân đấu và tăng cường tính kỹ thuật cho hàng công, và Man City vẫn có thể chuyển đổi sang một hệ thống chắc chắn trong giai đoạn phòng ngự.
Cần nhớ rằng, 2 mùa trước Guardiola đã để Bernando Silva đá hậu vệ trái trong một trận đấu với Arsenal trên sân khách. “Phát minh” này tuy không thành công rực rỡ, nhưng đó chính là sự táo bạo của phiên bản Guardiola trước đây – triển khai một trong những cầu thủ sáng tạo nhất của đội ở hàng thủ. Giờ thì ông lại mong đợi các hậu vệ thực thụ của mình kiêm nhiệm được nhiệm vụ sáng tạo.
Một tình tiết đáng chú ý khác là Man City chỉ tạo ra được rất ít sóng gió về phía khung thành đối thủ từ những cú sút xa sau khi bước vào hiệp 2, nhưng Guardiola không có nhiều trách nhiệm trong chuyện này. Trong số 4 cầu thủ thường xuyên tung ra những cú sút từ ngoài vòng cấm nhất của Man City mùa trước, Kevin De Bruyne đã không thể góp mặt trong trận này vì chấn thương, Phil Foden phải ngồi dự bị tới giữa hiệp 2, Rodri (một cầu thủ đã thường xuyên ghi những bàn thắng quan trọng trong các trận đấu lớn) phải rời sân từ hiệp 1 vì chấn thương, và Julian Alvarez đã được bán cho Atletico Madrid vào mùa hè.
Kovacic thỉnh thoảng có một pha ghi bàn siêu phẩm, nhưng anh thực chất chẳng phải một chân sút đặc biệt cừ khôi. Những nỗ lực ghi bàn tầm xa của Walker và Dias thì chẳng nguy hiểm mấy. Có vẻ như Guardiola cũng muốn các cầu thủ của mình tích cực sút xa trong kiểu thế trận này – nhiều hơn so với thời dẫn dắt Barcelona – vì dù cho bóng không đi vào lưới thì cũng có thể những cơ hội sút bồi sau khi bóng bị đối thủ đánh chặn, hoặc trúng xà, trúng cột, sẽ xuất hiện. Nhưng Man City đã mất đi sự phục vụ của những cầu thủ giỏi nhất trong việc này.
Có lẽ Guardiola sẽ cảm thấy rằng sự kiên định của mình đã được đền đáp. Stones được tung vào sân để kiêm nhiệm vai trò một tiền đạo trung tâm tăng viện và đã tỏa sáng với pha ghi bàn gỡ hòa cho Man City vào những giây phút cuối cùng của trận đấu, gợi nhớ đến khoảnh khắc tỏa sáng của Gerard Pique khi Barcelona suýt nữa xô đổ được lợi thế dẫn trước 3-1 của Inter ở vòng bán kết Champions League 2010. Rốt cuộc, các hậu vệ xuất hiện trên sân không chỉ để phòng ngự.
Tuy nhiên, một bàn thắng đến trong những phút bù giờ, sau khi quả bóng đập vào người một đối thủ rồi may mắn nảy tới ngay chân một cầu thủ Man City, sau một tình huống phạt góc, khó có thể nói là thành quả từ một kế hoạch lớn. Chuyện chỉ đơn giản là đoàn quân của Guardiola đã may mắn thoát được một trận thua ngay trên sân nhà.
Theo Michael Cox, The Athletic