“Tôi đã có kế hoạch. Đừng lo, tôi sẽ không suy nghĩ quá nhiều. Sẽ không có gì quá khác biệt so với những gì chúng tôi đã chơi từ trước đến nay. Chỉ là mọi thứ sẽ mượt mà và tốt hơn.” Đó là những gì Pep Guardiola đã khẳng định trước cuộc chạm trán với Real Madrid ở lượt về bán kết Champions League. Vậy, kế hoạch của Pep là gì mà lại giúp Man City đánh bại đối thủ tận 4-0 để giành vé vào chung kết?
Xâu chuỗi từ lời nói của Pep
“Thắng rồi thì nói gì cũng được”, các dang cư mận hay nói vậy. Nhưng riêng với Pep, những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông luôn mang đến những gợi mở và chìa khóa cho những câu hỏi.
Ngay sau chiến thắng 4-0 tại Etihad trước Real Madrid, Pep có 2 cuộc trả lời phỏng vấn: một là với các đơn vị nắm bản quyền truyền hình giải đấu, và hai là với các phóng viên báo chí.
Ở cuộc phỏng vấn đầu tiên với đài beIN Sports, khi Pep được hỏi về việc “ông đã có sự thay đổi nào về mặt chiến thuật so với lượt đi, hay đấy đơn giản chỉ là cường độ và chất lượng cầu thủ làm nên chuyện”, ông đã trả lời: “Ở Santiago Bernabeu, chúng tôi đặt một tiền vệ tấn công của mình gần với khung thành đội nhà hơn. Còn hôm nay, tiền vệ tấn công ấy trở lại với vị trí… tiền vệ tấn công. Đơn giản là chúng tôi thay đổi khối đội hình một chút, mà vốn dĩ chúng tôi đã chơi như vậy nhiều lần rồi.”
Ở cuộc phỏng vấn thứ hai với các phóng viên trong phòng họp báo, câu hỏi cuối cùng bằng tiếng Anh trước khi chuyển sang các câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha mà Pep nhận được, có nội dung như sau: “Tôi muốn trở lại với trận lượt đi. Ở lượt đi, trong hiệp một, City áp đảo hoàn toàn, nhưng sang hiệp hai, Madrid tập hợp lại và thay đổi hiệp đấu. Vậy thì ông đã làm gì để ngăn Madrid tiếp tục làm được như vậy vào hôm nay?”
Câu trả lời của nhà cầm quân người Tây Ban Nha như sau: “Hiệp một ở lượt đi, chúng tôi chơi thật sự tốt. Nhưng khối đội hình trong giai đoạn chúng tôi có bóng tấn công ở lúc đó khác với trận đấu lượt về này. Tôi nghe nói mặt cỏ ở Madrid rất rất tệ, vì thế tôi cần đặt thêm một cầu thủ nữa ở phía dưới trong khâu triển khai bóng, để có thêm sự kiểm soát. Và còn bởi Real Madrid là đội chơi chuyển đổi trạng thái rất ghê gớm. Thế nên, tôi nghĩ đó là giải pháp tốt nhất mà chúng tôi đưa ra bấy giờ.”
Vậy trước tiên có thể rút ra được, một tiền vệ tấn công trong hệ thống của City ở lượt đi đã được kéo về sâu ở phần sân nhà trong khâu triển khai bóng, đến lượt về thì anh ta trở về với vị trí sở trường quen thuộc.
Câu trả lời: Đó là Ilkay Gundogan. Và sự thay đổi “không nghĩ nhiều” ấy mở ra cho một loạt những sự điều chỉnh khác về đấu pháp và chiến thuật của Pep Guardiola khi so sánh giữa hai lượt trận. Mỗi sự điều chỉnh là nguyên nhân và cũng là hệ quả của một sự điều chỉnh khác, chúng có mối liên hệ không thể tách rời. Hãy cùng đến với 5 dấu ấn chiến thuật tài tình của Pep trước Real Madrid.
1 – Thay đổi cấu trúc triển khai bóng
Tại Santiago Bernabeu, như đã nói, Gundogan là cầu thủ được Pep kéo về để chơi thấp trong khâu triển khai bóng của City. Anh lùi về chơi cạnh Rodri để tạo thành cặp tiền vệ trung tâm, trong khi John Stones thì ở vị trí trung vệ. Điều này có nghĩa, thay vì sử dụng cấu trúc làm bóng 3-2 (gồm 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm) như suốt giai đoạn đã qua, City nhiều lúc triển khai bóng qua cấu trúc 4-2 (gồm hàng thủ 4 người và 2 tiền vệ trung tâm). Lý do như Pep đã giải thích, ông muốn tăng cường khả năng kiểm soát, với đông quân số hơn trong giai đoạn làm bóng.
Những ví dụ cho thấy City ở lượt đi đã triển khai bóng qua cấu trúc 4-2 thay vì 3-2, với Gundogan lùi về chơi thấp |
Tiếp tục là những ví dụ cho thấy City ở lượt đi đã triển khai bóng qua cấu trúc 4-2 thay vì 3-2, với Gundogan lùi về chơi thấp |
Song, cần phải làm rõ một điều. Việc Gundogan chơi thấp chỉ diễn ra trong hiệp một ở Bernabeu. Vì bước sang hiệp hai, Pep đã có sự thay đổi khi ngay từ khâu triển khai bóng của City, Gundogan không còn phải lùi về thường trực chơi cạnh Rodri. Bấy giờ, chính John Stones đóng vai trò hybrid (lai) khi dịch từ vị trí trung vệ lên tiền vệ trung tâm để hợp cùng Rodri và cấu trúc trở thành 3-2.
Những ví dụ cho thấy ở hiệp hai tại Bernabeu, đã có nhiều thời điểm Gundogan không phải lùi về thấp trong khâu triển khai bóng |
Sang đến trận lượt về tại Etihad, vẫn 11 con người như trong đội hình xuất phát ở lượt đi, nhưng sự thay đổi toàn diện được nhìn thấy trong khâu triển khai bóng. Gọi là thay đổi nhưng thực ra là quay về với hình hài vốn đã quen thuộc: cấu trúc 3-2 đã được City sử dụng thường xuyên trong mùa giải này, gồm Akanji – Dias – Walker và Rodri – Stones.
Những ví dụ về cấu trúc triển khai bóng 3-2 của City ở lượt về, lúc này Gundogan gần như không còn phải lùi về hỗ trợ việc phát triển lên bóng nữa |
Vẫn là những ví dụ về cấu trúc triển khai bóng 3-2 của City ở lượt về |
Trong cả hai lượt trận, Real Madrid không thay đổi nhân sự pressing nơi tuyến đầu của họ, vẫn là 4 người gồm Benzema – Vinicius – Rodrygo – Modric. Điểm khác biệt duy nhất nếu có là ở lượt đi, vì Gundogan thường xuyên lùi về chơi thấp, do đó người theo kèm anh là Fede Valverde cũng di chuyển theo và có mặt trên phần sân của City.
Song, bất kể City triển khai bóng qua cấu trúc 4-2 như ở lượt đi hay 3-2 như ở lượt về, nhân sự gây áp lực tuyến đầu của Madrid luôn ít hơn so với của City (tương ứng là 5v6 hoặc 4v5). Vấn đề chỉ là ở lượt đi, Pep đề cao sự thận trọng và an toàn.
2 – John Stones và Rodri xuất sắc làm chủ khâu triển khai bóng
Trên đất Madrid, có một khoảnh khắc ở phút thứ 13, khi City đẩy quả bóng qua phần sân Madrid, John Stones và Rodri hoàn toàn có đủ không gian và thời gian để hành động. Bấy giờ, phía Madrid chỉ có đúng Benzema đối đầu với hai cầu thủ của City. Rodri chuyền bóng cho Stones, nhưng thay vì xoay người tìm cách phát triển quả bóng về phía trước, Stones lập tức trả ngược về cho Rodri. Đó là một động thái có phần quá an toàn của cầu thủ người Anh. Bởi chỉ cần nhận bóng xoay cơ thể về phía trước, anh hoàn toàn có nhiều phương án để phối hợp.
Pha chuyền về quá an toàn của John Stones ở phút 13 trong trận lượt đi |
Dẫu vậy, 90 phút tại Bernabeu, Stones vẫn có nhiều khoảnh khắc cho thấy sự tự tin trong việc đọc tình huống và làm chủ không gian để thực hiện các pha nhấn nhứ, đảo trụ và kéo bóng thoát pressing trong khâu triển khai bóng từ tuyến dưới.
Một lần nữa, phải nhấn mạnh rằng lợp pressing ở tuyến đầu của Madrid luôn có quân số thiệt thòi hơn City. Vì vậy, sự kết nối của Stones cùng Rodri đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy quân số của City để thoát áp lực và đưa quả bóng lên phần sân đối phương. Đó là vị trí đứng lệch nhau hay những pha chạy chỗ không bóng để mở ra góc chuyền bóng và ban bật. Dù không nhiều trong trận lượt đi, nhưng Stones và Rodri cũng đã có những lần khiến Luka Modric phải khốn đốn khi không biết nên theo kèm ai.
Sự kết nối giữa Stones và Rodri ở lượt đi đã có những lúc gây khó khăn cho Modric và hệ thống kèm người của Madrid |
Đến khi trở về sân nhà, sự tự tin trở lại, City chỉ cần cấu trúc 3-2 với 5 cầu thủ là đủ để thoát qua nhóm 4 người pressing ở tuyến đầu của Madrid. Khi Pep không cần Gundogan phải lùi về sâu làm bóng, John Stones được trao lại niềm tin cùng vai trò lớn hơn. Và những gì diễn ra ở Etihad cho thấy rõ màn trình diễn xuất sắc của cầu thủ người Anh, trong việc kết nối lẫn khi có bóng và không bóng với Rodri, từ vị trí trung vệ lệch phải dịch lên tiền vệ trung tâm một cách nhịp nhàng.
Với chỉ 4 con người tham gia pressing nơi tuyến đầu, Madrid thật sự bị vô hiệu trong việc ngăn cản City lên bóng. Những hình ảnh quen thuộc chính là “cụ” Modric bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan khi cặp đôi Stones và Rodri có bóng đứng trước mặt. Thiếu quân số pressing, Modric như con thiêu thân phải đuổi theo quả bóng trong trò đá ma của đối thủ.
Bằng sự kết hợp nhịp nhàng cùng sự khỏe khoắn trong các pha cầm bóng hướng về phía trước, Rodri và nhất là Stones mạnh dạn xuyên phá lớp pressing đầu tiên của Madrid.
Ở lượt về, sự liên kết xuất sắc giữa cặp đôi Stones và Rodri với nhóm 3 hậu vệ phía sau giúp City hoàn toàn thoải mái trong việc phát triển lên bóng, Modric liên tục bị đặt vào thế 1v2 |
Ở phút thứ 36 (như trên ảnh), Rodri và Stones chọn vị trí đứng khoa học, từ đó tiền vệ người Tây Ban Nha chuyền bóng đúng đà di chuyển của Stones. Cầu thủ người Anh dễ dàng qua mặt Modric và cầm quả bóng xộc thẳng lên phần sân Madrid. Sau khoảnh khắc ấy, Pep Guardiola ngoài đường biên liền hô hào và ra hiệu ngợi khen Stones.
Cử chỉ khen ngợi của Pep Guardiola dành cho pha bóng của Stones |
Một hình ảnh khác trong hiệp hai ở Etihad, khi Rodri với sức càn lướt của mình vượt cầm bóng vượt mặt Modric |
3 – Thay đổi cấu trúc pressing tầm cao
Không chỉ thay đổi cấu trúc khi triển khai bóng từ 4-2 thành 3-2 quen thuộc, Pep Guardiola còn có một sự điều chỉnh cực kỳ quan trọng khác nằm ở hệ thống pressing.
Tại Bernabeu, City gây áp lực bằng khối đội hình 4-4-2, với Erling Haaland và Kevin De Bruyne là những người đứng cao nhất và gây áp lực đầu tiên. Jack Grealish cùng Bernardo Silva giữ tuyến phía sau cùng Rodri và Ilkay Gundogan. Trong khi, hàng thủ 4 người chủ trương giữ vị trí để đối phó với 3 mũi công Vinicius – Benzema – Rodrygo bên phía Madrid.
Trên sân nhà, Real Madrid khi triển khai bóng từ tuyến dưới thường xếp hai trung vệ Antonio Rudiger và David Alaba giãn rộng ra và Toni Kroos lùi về chơi ở giữa để phát triển bóng. Dễ hình dung rằng Haaland và KDB phải đối phó với 4 cầu thủ Madrid (tính luôn cả thủ thành Thibaut Courtois).
Nếu Grealish hoặc Bernardo có ý định thực hiện những đường chạy cong bo cạnh quen thuộc từ biên vào để hỗ trợ gây áp lực lên các trung vệ của Madrid, hai hậu vệ cánh là Manuel Akanji cùng Kyle Walker phải sẵn sàng dâng lên theo để bắt lấy cặp cánh Dani Carvajal và Eduardo Camavinga. Song, nếu làm vậy, cặp trung vệ John Stones và Ruben Dias sẽ có thể lâm nguy khi những Vini, Rodrygo và Benzema sẵn sàng tăng tốc và kết nối để tiêu diệt họ.
Vì đề cao sự an toàn và thận trọng tại Bernabeu, Akanji cùng Walker luôn phải dè chừng những hiểm họa ở hai cánh và ít khi băng lên hỗ trợ gây áp lực.
Cấu trúc pressing 4-4-2 của City ở lượt đi, với Haaland và KDB giữ tuyến đầu |
Cũng nói thêm về Madrid. Cánh trái luôn là hướng lên bóng tấn công chủ đạo của đội bóng này, với một trong những tiền đạo cánh xuất sắc nhất thế giới là Vini. Trong trận bán kết lượt đi Champions League, những cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất bên phía Madrid lần lượt là Kroos (53 đường chuyền), Modric (47) và Camavinga (42), Alaba xếp thứ năm (38) sau Valverde đúng 1 đường chuyền.
Dễ hiểu khi chúng ta có các con số sau. Với Kroos, anh chuyền bóng nhiều nhất lần lượt cho Modric (13 lần), Valverde (7 lần), rồi Camavinga (6 lần). Với Modric, anh chuyền bóng nhiều nhất lần lượt cho Camavinga (15 lần), Kroos (7 lần), rồi Vinicius (6 lần). Với Camavinga, anh chuyền bóng nhiều nhất lần lượt cho Vini (8 lần), Kroos (7 lần), rồi Modric (7 lần). Với Alaba, anh chuyền bóng nhiều nhất lần lượt cho Courtois (8 lần), Modric (8 lần), Camavinga (7 lần), rồi Kroos (4 lần). Nôm na thì nhóm cánh trái của Madrid có sự tương hỗ và tương tác hết sức thường xuyên. Và dĩ nhiên, cánh trái cũng là hướng lên bóng tấn công chủ đạo của đội chủ nhà (chiếm 41,7%).
Khi những cầu thủ này chơi gần nhau trong giai đoạn có bóng, với kỹ năng xử lý bóng của họ, điều đó trở thành giải pháp cho chính việc thoát pressing. Những Alaba – Camavinga – Kroos – Modric – Vini không khác gì cùng nhau thực hành bài tập rondo, mà vốn dĩ bài tập rondo hay đá ma luôn là cách để rèn kỹ năng chuyền bóng, kiểm soát bóng, tạo không gian, phối hợp thoát pressing.
Và, chính từ một pha phối hợp thoát pressing ở biên trái đó trong trận đấu trước City, với các tình huống di chuyển đến gần nhau của của Alaba, Camavinga và Modric mà đội chủ nhà đưa được quả bóng từ tuyến dưới lên trên, trước khi Camavinga kiến tạo cho Vini ghi bàn mở tỷ số.
Sang đến hiệp hai cũng ở trận đấu đấy, khi Carlo Ancelotti đẩy Camavinga chơi bó vào trong thường xuyên hơn như một tiền vệ, Madrid tạo nên một tam giác với sự hoán đổi vị trí linh hoạt và tự do của Camavinga – Modric – Kroos. Kroos chủ yếu lùi thấp ở biên trái bên hông cặp trung vệ (hoặc có lúc di vào hẳn giữa cặp trung vệ) – nơi chắc chắn anh cảm thấy thoải mái và tự do nhất để làm bóng lùi sâu, Modric sẵn sàng dạt biên để trám cánh cho Camavinga, còn cầu thủ người Pháp thì len lỏi ở hành lang trong giữa hai tuyến của đối thủ để nhận bóng.
Real Madrid đan bóng rồi di chuyển, từng nấc một phát triển lên phần sân đối phương. Riêng trong hiệp hai, những thông số của Los Blancos áp đảo các vị khách từ Anh: kiểm soát bóng 56,8%, dứt điểm 12 lần (so với 4 của City), chạm bóng trong vùng cấm 21 lần (so với 3 của City), và giá trị bàn thắng kỳ vọng là 0,64 (so với 0,19 của City).
Một trong những màn chơi đỉnh cao nhất, khắc họa rõ ràng nhất cho thứ bóng đá của Real Madrid chính là từ thời điểm phút 48 giây 25, sau một quả ném biên để mất bóng của City. Tất cả những gì đặc sắc nhất đều được nhìn thấy, từ việc các cầu thủ khi có bóng chơi gần nhau, tìm cách kết nối, chạy chỗ không bóng để đẩy quả bóng lên cao dần, luân chuyển từ cánh này sang cánh nọ, kết hợp cùng những cú chạm tinh tế như pha giật gót của Camavinga cho Vini, hay pha giật gót của Carvajal cho Benzema. Cả màn chơi ấy là một chuỗi 29 đường chuyền không ngắt quãng của Real Madrid, được kết thúc bởi cú dứt điểm của tiền đạo người Pháp. Nếu đó là một bàn thắng, ấy sẽ là tuyệt tác! Và trong màn chơi ấy, bạn sẽ thấy Carvajal, một hậu vệ cánh phải, bó vào trung lộ phối hợp với Benzema, đó chính là sự tự do biểu đạt trong cảnh quan bóng đá của Real Madrid thời Carletto.
Ý thức được sự nguy hiểm trong cách kết nối lên bóng của đối thủ, mà nhất là ở cánh trái, trở về Etihad, Pep Guardiola đã thay đổi cấu trúc pressing của City. Không còn là 4-4-2 nữa, City ở lượt về pressing với một cấu trúc nghiêng, theo kiểu 3-4-1-2. Sự thay đổi lớn là việc Grealish cùng Haaland mới là nhóm gây áp lực ở tuyến đầu, KDB lùi lại kèm một-một Toni Kroos, Gundogan và Rodri cũng kèm một-một với Valverde và Modric. Akanji và Bernardo đứng lưng chừng ở hai biên giữa tiền đạo cánh và hậu vệ cánh của Madrid. Riêng ở vị trí của Akanji, anh luôn trong tư thế và vị trí sẵn sàng để dâng lên gây áp lực với Carvajal, hoặc chạy về hỗ trợ 3 hậu vệ còn lại.
Với cấu trúc pressing này, khi Grealish hoặc Haaland di chuyển gây áp lực lên các trung vệ và thủ môn của Madrid, City mở ra một cái bẫy ở hai hành lang cánh dành cho đối thủ, nhất là ở cánh phải. Bởi lẽ, Carvajal hoặc Camavinga trở thành “người tự do” để làm cửa thoát pressing cho Madrid, khi Akanji và Bernardo giữ vị trí đứng lưng chừng thay vì theo sát đối thủ. Nhưng chỉ cần Courtois hoặc các trung vệ chuyền quả bóng ra cửa thoát ấy, chúng liền bị bịt, vì Bernardo và Akanji sẽ lập tức lao tới vây ráp và chặn đường lên bóng phía trên. Những mắt xích chuyền về thì bấy giờ đều đã bị các cầu thủ City khác theo kèm. Đặt Madrid vào bẫy và gia tăng cường độ pressing là thứ mà City đã tiến hành ở Etihad.
Đây là một tình huống tổ chức gây áp lực của City, buộc thủ thành Courtois phải chuyền quả bóng dài và bổng lên phía trên cho Rodrygo. Ruben Dias dễ dàng hóa giải sau đó. Akanji cũng cho thấy hành động lùi về để sẵn sàng tiếp ứng cho nhóm 3 đồng đội ở tuyến dưới |
Cũng một ví dụ khác tương tự, khi Courtois tiếp tục chuyền bổng dài lên trên cho Benzema và đường bóng dễ dàng được City hóa giải |
Khi Madrid tìm cách thoát pressing qua biên trái, họ sập bẩy và mọi mặt xích đều bị theo kèm một-một sát sao |
Một ví dụ khác về nỗ lực bất thành để thoát pressing lên bóng qua cánh trái của Madrid |
Những ví dụ khác về cách tổ chức pressing của City trước Madrid ở lượt về |
Cho đến nửa giờ đồng hồ đầu tiên ở trận lượt về, Madrid vô cùng gặp khó khăn trong việc thoát pressing. Họ chỉ có đúng 1 đường chuyền trên 1/3 cuối sân, trong khi City có tới 105 đường chuyền ở phạm vi này. Chung cuộc, đoàn quân của Ancelotti chỉ thực hiện được 52 đường chuyền ở 1/3 cuối sân, con số thấp nhất của họ trong 12 trận đấu ở Champions League mùa giải này.
Riêng ở góc độ cá nhân, Rodri là cầu thủ thu hồi bóng nhiều nhất cho City, với 11 lần (xét ở lượt về bán kết thì chỉ đứng sau Hakan Calhanoglu của Inter Milan), Walker có 9 lần, Gundogan và Bernardo mỗi người có 7 lần. Tổng cộng, thầy trò Pep Guardiola thu hồi bóng thành công 56 lần trước Madrid ở Etihad. Chỉ có trận thắng 3-0 trên sân nhà ở tứ kết trước Bayern là City có nhiều pha thu hồi bóng hơn trong mùa giải Champions League này, với 63 lần.
4 – Đâm hành lang trong, khoét nách Real Madrid
Khi Ilkay Gundogan được trở lại vị trí tiền vệ số 8 tấn công vùng cấm, nghĩa là các miếng đánh ở hành lang trong trái đổ vào vùng cấm đối phương được City khai thác mạnh mẽ hơn so với lượt đi. Đó chính là hệ quả từ việc thay đổi khối đội hình triển khai bóng, góp phần giải phóng Gundogan. Hoặc cũng có thể nói, từ mục đích muốn khoét mạnh vào hành lang trong trái mà City thay đổi cấu trúc triển khai bóng.
Trong cả hai lượt, Madrid vẫn tổ chức hệ thống phòng ngự theo cùng một kiểu: Cặp trung vệ dành sự chú ý và theo sát Erling Haaland, tức là họ có xu hướng chơi hẹp, gần nhau. Bấy giờ, khoảng trống xuất hiện giữa các trung vệ với hậu vệ biên Madrid là đủ rộng để khai thác.
Cấu trúc phòng ngự của Madrid ở lượt đi: cặp trung vệ kè kè Haaland, có khoảng trống hở ra giữa các trung vệ với hậu vệ biên, tức “pocket” hay “nách hàng thủ”. Khu vực này cũng thuộc hành lang trong |
Vấn đề là ở lượt đi, cặp Toni Kroos cùng Fede Valverde luôn theo kèm sát sao KDB lẫn Gundogan. Bản thân Pep cũng chia sẻ như vậy trong cuộc họp báo sau trận đấu ngày hôm đó.
Tình huống phút 28 ở lượt đi, khi Valverde quyết định dâng lên gây áp lực với Rodri, Gundogan được giải phóng ở hành lang trong. Nhưng Rudiger bấy giờ sẵn sàng rời vị trí để dâng lên dập một khi cầu thủ người Đức nhận bóng. Cuối cùng, Stones Dias chuyền cho Gundogan và Rudiger lao lên dập. Pha bóng khiến cho Gundogan nằm sân và phải được chăm sóc y tế |
Thực tế những gì diễn ra ở Bernabeu cho thấy City đã thật sự nhận diện được những khoảng trống ở nách hàng thủ Madrid và tìm cách đánh chiếm. Chủ đạo là ở hành lang trong phải theo hướng lên bóng của đội khách, tức giữa Camavinga và Alaba. Những cá nhân thường xuyên nhất di chuyển đâm vào nách trái của Madrid chính là KDB và Bernardo Silva, những cầu thủ chủ yếu hoạt động ở cánh này. Đây cũng là cánh mà City có những thời điểm sẵn sàng đẩy Walker lên để tham gia chồng cánh, hòng áp đảo quân số trước chủ nhà. Chưa kể, chính John Stones cũng rất thường xuyên chạy chỗ vào vùng không gian đó, với ý đồ lẻn ra sau lưng hàng thủ Madrid. Vấn đề nằm ở chỗ, người chạy chỗ thì có, nhưng người chuyền có vẻ chần chừ và lưỡng lự. Và nếu hội đủ cả hai yếu tố, tính chính xác và gây bất ngờ cũng không cao.
City đã thật sự tìm cách đánh vào hành lang trong phải, tức nách trái hàng thủ Madrid ở lượt đi. KDB và Silva đã có những lần tìm cách lẻn vào |
John Stones cũng là người tích cực di chuyển vào nách trái hàng thủ Madrid |
City trong hiệp hai ở Bernabeu cũng vẫn tiếp tục tìm cách khoét nách trái hàng thủ Madrid |
Những ví dụ khác về miếng bài khoát nách trái hàng thủ Madrid của City trong hiệp hai ở Bernabeu. Hãy lưu ý bức ảnh đầu tiên, bởi bạn sẽ thấy nó hết sức quen thuộc ở trận lượt về sau đó |
Ngược lại, ở cánh đối diện, khả năng tấn công của City chủ yếu dự vào các pha cầm bóng rê dắt của Jack Grealish. Ở hành lang trong trái, tức nách phải hàng thủ Madrid, Gundogan rất hiếm khi, nếu không nói là không một lần nào trong hiệp một di chuyển đâm vào. Trong một số thời điểm, khi Gundogan và KDB đổi cánh cho nhau, chính tiền vệ người Bỉ mới thực hiện các pha di chuyển vào khoảng trống này.
Gundogan gần như không tấn công vào nách phải hàng thủ Madrid trong hiệp một ở lượt đi. |
Dẫu vậy, sang hiệp hai cũng tại Bernabeu, như đã nói, Gundogan bắt đầu trở lại vị trí của một số 8 tấn công vùng cấm, thay vì giữ vị trí thấp để triển khai bóng. Thế là các miếng đánh vào nách phải hàng thủ Madrid liền xuất hiện từ chính tiền vệ thủ quân của City. Một trong số những pha dàn xếp ở khu vực này đã mang đến cú dứt điểm ngoài vùng cấm của KDB, cũng là lời cảnh báo đầu tiên của City dành cho Madrid. Bởi sau đó, cũng từ chính vị trí tương tự ấy, cầu thủ người Bỉ sút tung lưới Courtois để ấn định tỷ số hòa 1-1 trên đất Tây Ban Nha cho đoàn quân của Pep.
Bạn có thấy pha phối hợp này giữa Grealish và Gundogan quen không? Từ lượt đi, nó đã xuất hiện |
Khi mà Madrid giữ nguyên cách chơi, còn City thay đổi để trở nên “mượt mà và tốt hơn”, cuộc tái ngộ tại Etihad thật sự là một trận đấu một chiều, với hàng loạt những pha tấn công ở hành lang trong của chủ nhà, xuyên phá và khoét dữ dội vào hai nách hàng thủ Madrid. Kể cả khi Madrid vẫn bố trí Toni Kroos và Fede Valverde theo kèm KDB cùng Gundogan, điều này cũng không thể khiến đại diện Tây Ban Nha không bị “viêm nách”.
Ở lượt về, hai nách hàng thủ Madrid, tức khu vực hành lang trong mỗi bên và đổ từ ngoài vào trong vùng 16m50 có nhiều điểm chạm bóng hơn của Grealish, Gundogan, KDB cùng Bernardo. Trong khi ở lượt đi là rất ít các điểm chạm bóng tương tự |
Một ví dụ cho thấy miếng đánh hành lang trong phải, tức khoét nách trái hàng thủ Madrid của City ở lượt về. KDB sẵn sàng nhận chọc khe từ Bernardo, nhưng pha chạy chỗ của anh cũng lôi kéo để mở ra chính khoảng trống cắt chéo vào cho cầu thủ người Bồ dứt điểm. Pha bóng khép lại với cú đá của Bernardo, nhưng bóng đi vào vị trí chờ sẵn của Courtois |
Gundogan ở lượt về tích cực đâm vào nách hàng thủ Madrid hơn, nhất là nách phải. Trong khi ở lượt đi, anh không ở vị trí lẫn cho thấy sự chủ động làm điều tương tự |
Một pha bật nhả giữa Gundogan và Haaland để đâm vào nách phải hàng thủ Madrid torng hiệp hai ở Etihad. Pha bóng kết thúc với cú dứt điểm suýt thành bàn của tiền đạo người Na Uy |
5 – Kéo chiều ngang sân và những trạm tiếp ứng để phá khối phòng ngự Madrid
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong lối chơi định hướng vị trí (Juego de Posicion) của Pep Guardiola chính là các cầu thủ luôn phải chiếm đóng một vị trí, không gian nhất định trên sân, và tin tưởng vào việc các đồng đội sẽ đưa quả bóng đến mình. Nếu một cá nhân rời khỏi vị trí được giao, phải có người lấp lấy khoảng trống bị khuyết.
Từ đó, trong hệ thống chiến thuật của Pep, ông luôn muốn các tiền đạo cánh của mình giữ vị trí cao và gần biên, bởi ngay cả khi những cầu thủ này không làm gì, giá trị kéo giãn chiều ngang sân hay hàng thủ đối phương đã là hiện hữu.
Đồng thời, miếng đánh dồn quân sang một cánh, thu hút đông quân số đối thủ vào nơi có bóng, để rồi chuyển hướng tấn công, đưa quả bóng nhanh sang cánh đối diện chính (overload to isolate) là một nét quen thuộc của tập thể City thời Guardiola.
Khi đã đẩy đội hình đối thủ lùi về sâu ở 1/3 cuối sân, City luân chuyển quả bóng nhịp nhàng từ cánh này sang cánh nọ nhờ vào những trạm tiếp ứng ở hành lang trong và trung lộ. Những mắt xích này đóng vai trò như điểm nhận bóng, giải thoát áp lực và trở thành cầu nối bóng tức thì trong trường hợp người đồng đội ở biên bị vây ráp và bị áp đảo quân số. Khi một cầu thủ City ở biên không có giải pháp để tự mình cầm bóng đâm sâu vào trong, họ liền trả bóng ngược vào, chéo vào trong cho những trạm tiếp ứng đó. Đến lượt mình, những trạm tiếp ứng ấy luân chuyển quả bóng với nhau hoặc chuyền về hoặc điều phối bóng sanh cánh đối diện.
Đơn cử, nếu Bernardo Silva có bóng ở biên phải và không thể đột phá thành công bởi trước mặt là 2-3 cầu thủ Madrid, anh sẽ chuyền về cho Kyle Walker hoặc chuyền chéo về tuyến hai cho Stones, Rodri ở trung lộ. Stones và Rodri sau đó mở bóng sanh cánh của Grealish sau khoảng 1-2 nhịp, khi nhận thấy Grealish đang thuận lợi trong thế đấu tay đôi. Đó là cách City “overload to isolate” như đã chỉ ra, hòng kéo giãn hàng ngang phòng ngự đông người của Madrid và liên tục mở ra các thế đấu một-một cho tiền đạo cánh.
Một vấn đề lớn của Madrid là việc họ phòng ngự thiếu lớp lang, tức dễ dàng bị hút theo người thay vì tìm cách bịt khoảng trống hoặc chủ động chặn người nhận bóng của đối thủ. Madrid càng bị hút theo bóng và đội hình càng lùi sâu, họ vô tình mở ra chính những đường kết nối bóng thuận lợi cho các tiền đạo cánh đến vị trí của Stones hay Rodri ở trung lộ ngay 1/3 cuối sân.
Những Stones, Rodri và cả Akanji, Walker đã luôn sẵn sàng dâng lên tiếp ứng đúng thời điểm cho những tiền đạo cánh, giúp City duy trì quyền kiểm soát bóng và chuỗi chuyền bóng liên tục trong thời gian dài, buộc đối thủ phải đuổi theo bóng.
Tiền đạo cánh của City có bóng, khi bị đông cầu thủ Madrid vây lấy, liền trả bóng chéo vào trong cho những trạm tiếp ứng và cầu nối là Stones hoặc Rodri. Từ đó những cầu thủ này chuyển quả bóng sang tiền đạo cánh còn lại. Thậm chí, ở phút 13, Bernardo còn có thể chuyền chéo từ cánh của mình sang cho cả Akanji, đơn giản vì khối phòng ngự của Madrid lùi về quá thấp |
Vẫn là miếng bài quen thuộc trong trận đấu tại Etihad, bóng được City chuyển từ cánh này sang cánh nọ qua mô típ: Tiền đạo cánh – Cầu nối – Tiền đạo cánh |
Tiếp tục những ví dụ về cách luân chuyển quả bóng từ cánh này sang cánh nọ của City |
Thậm chí, từ miếng phối hợp kiểu đó, Rodri khi nhận bóng từ cánh phải, đã đi bóng xộc thẳng vào nách hàng thủ Madrid và tung ra pha dứt điểm nguy hiểm.
Rodri nhận bóng như một trạm tiếp ứng, nhưng thay vì chuyền ra cánh của Grealish, anh tự mình xộc thẳng vào vùng cấm và dứt điểm |
Ở lượt đi, cũng từng một pha chuyền về của Grealish, với ý định thông qua trạm tiếp ứng mang tên Rodri mà City có được cú sút nguy hiểm trước khi cũng từ vị trí ấy, KDB ghi bàn gỡ hòa. Chỉ là ở tình huống này, Rodri nhấc chân lên bỏ bóng để nó trôi đi và KDB chạy vào sút xa |
Sự tổng hòa hoàn hảo
Man City đã thật sự giành chiến thắng trước Real Madrid ngay từ hiệp một, với hai bàn thắng ghi được. Và trong cả hai bàn thắng ấy, chúng ta thấy được sự tổng hòa của tất cả những yếu tố được kể ra từ đầu đến giờ. Từ việc thay đổi cấu trúc hệ thống, dẫn tới khả năng pressing hiệu quả, mở ra các miếng đánh mạnh mẽ vào hành lang trong và cả luân chuyển bóng trơn tru từ cánh này sang cánh nọ.
Trong bàn mở tỷ số của City tại Etihad, đội chủ nhà tổ chức pressing bắt người một-một ở pha ném biên của Madrid, một khung cảnh quen thuộc như đã chỉ ra trước đó. Bernardo lấy được bóng từ Vini và chuyền cho Rodri, bóng đến với Grealish.
|
Thời điểm Grealish phát huy thế mạnh cầm, giữ bóng của mình để thu hút tới 4 cầu thủ Madrid, các vị trí của City được sắp xếp lại đúng cấu trúc tấn công mong muốn. Bấy giờ, miếng phối hợp từ tiền đạo cánh Grealish, thông qua trạm tiếp ứng Rodri, rồi tìm tới tiền đạo cánh Bernardo lại được nhìn thấy.
Đến đây, là một pha phối hợp đánh vào hành lang trong phải, xuyên phá nách trái hàng thủ Madrid được tạo ra bởi John Stones. Đó cũng lại là một hình ảnh quen thuộc. Stones khi bị vây bởi 3 cầu thủ Madrid, lại trả về cho Walker, trước khi bóng đến trạm tiếp ứng mang tên KDB. Và cứ như một vòng tuần hoàn, tiền vệ người Bỉ chọc khe cho Bernardo đánh vào nách hàng thủ Madrid để ghi bàn. Trong toàn bộ tình huống tổ chức đánh ở hành lang trong ấy của City, các chiếc bóng áo đen đều bị hút theo những người có bóng của City, riêng chỉ có Toni Kroos nhận diện được khoảng trống hở ra ở nách, nhưng không kịp.
Ở bàn nâng tỷ số lên 2-0, vẫn lại kịch bản City pressing Madrid để thu hồi bóng. Lần này, chủ nhà gây áp lực trong khâu triển khai bóng qua vị trí thủ môn của Madrid. Ngay cả khi Camavinga đã bỏ biên trái để di vào trung lộ tiếp ứng và kết nối thoát pressing, ý đồ ép quả bóng sanh cánh phải của City vẫn thành công. Carvajal buộc phải chuyền bóng dài và bổng lên phía trên. Stones là người thắng trong pha không chiến ấy.
Sau vài nhịp kiểm soát bóng, Grealish trong tình trạng bị vây bởi đông cầu thủ Madrid, trả ngược về cho Akanji, trước khi cầu thủ người Bỉ chuyền lên lại cho đồng đội. Từ đây, Grealish cầm bóng đâm vào vùng 16m50, sự có mặt của KDB hút lùi các bóng áo đen, còn Gundogan di chuyển tấn công ở hành lang trong trái, khoét nách phải hàng thủ Madrid. Pha bóng này giống như cái cách City đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 ở Bernabeu. Chỉ khác ở chỗ, Gundogan đâm sâu và dứt điểm, bóng bật ra tìm tới Bernardo trước khi cầu thủ người Bồ đánh đầu thành bàn.
Những điểm mạnh mà City đã triển khai ở lượt đi, đến lượt về càng được trau chuốt và tô đậm. Những điểm hạn chế mà City đã không phát huy được ở lượt đi, đến lượt về họ sửa đổi. Những thay đổi của Pep Guardiola không phải phát kiến, bởi thực tế là City quay về với đúng bản ngã, đúng hệ thống và cách chơi mà họ đã sử dụng xuyên suốt trong giai đoạn dài trước đó. Tất cả những điều đó, tạo nên một thế trận tổng hòa của phòng ngự, chuyển đổi, tấn công và ngược lại. Trong sự tổng hòa ấy, là vòng tuần hoàn của những mảng miếng khoa học.
Lần này, Pep Guardiola đã không nghĩ nhiều. Nhưng để nghĩ được như ông và làm nên chiến thắng trước Real Madrid, cũng đã là quá sức với giới mộ điệu.
Hoàng Thông Le Foot