Những đường chuyền lý giải sự gay cấn của cuộc đua vô địch Premier league 2023/24

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 07/04/2024 13:30(GMT+7)

Sẽ thế nào nếu câu chuyện về cuộc đua vô địch Premier League có thể được đúc kết thông qua 2 đường chuyền? Nói chính xác hơn, là mọi cặp đường chuyền đã diễn ra trên sân đấu.

 

Làm việc đó chỉ bằng cách xem các trận đấu là chuyện bất khả thi. Những đường chuyền lướt qua trước mắt bạn hàng trăm lần một lúc, từ tuần này sang tuần khác, như thể những tiếng ping-ping-ping cất lên không ngừng từ một group chat mà các thành viên trong đó đã nốc quá nhiều caffein vậy. Bạn thờ ơ với hầu hết chúng, chú ý đến một số ít, và có lẽ sau đó sẽ chẳng còn nhớ bao nhiêu nữa, ngoại trừ một số điểm nhấn thỉnh thoảng xuất hiện. Tôi không có ý xúc phạm Pep Guardiola, Jurgen Klopp và Mikel Arteta, nhưng nếu cứ mỗi đường chuyền được thực hiện ở Premier League là điện thoại của bạn lại nhận được một thông báo, thì bạn chắc hẳn đã click vào lệnh tắt thông báo từ 3 người đàn ông này từ nhiều năm về trước rồi.

Tuy nhiên, theo thời gian, những đường chuyền sẽ hình thành một cấu trúc rõ rệt. Các cầu thủ bắt đầu “rung cảm” với nhau. Những sợi dây liên kết vô hình bắt đầu phát triển. Các mảng miếng phối hợp sinh sôi nảy nở. Những đường lối tấn công trở nên quen thuộc. Còn đơn vị trao đổi cơ bản chính là các cặp đường chuyền, giống như một cuộc gọi điện thoại và phản hồi vậy: Nhận bóng ở đây như thế này, rồi chuyền tới kia như thế nọ. Các chiến thuật là một cuộc “tám chuyện”.

Trong thời đại công nghệ phân tích phát triển mạnh mẽ này, nhờ hàng núi dữ liệu bóng đá, chúng ta có thể lướt nhanh qua “nhật ký” các đường chuyền và đo lường toàn bộ mùa giải, soi xét từng cặp đường chuyền một, cho đến khi “cá tính” của mỗi đội bóng hiện lên từ vô số chi tiết. Dù cho bất kỳ đội bóng nào được mỉm cười sau cùng trong cuộc đua vô địch Premier League cực căng thẳng này, họ không chỉ là kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến về ý chí, mà còn cả cuộc chiến của những phong cách bóng đá tương phản nhau nữa.

Hãy bắt đầu với việc Arsenal đã trở nên “nhàm chán” và tốt đến mức đáng sợ như thế nào.

ARSENAL

Hãy xem lại trận đấu của The Gunners với Brentford trước kỳ FIFA Days tháng 3, xem lại cái cách mà họ từ từ đè bẹp đối thủ giống như các đoạn video về máy ép thuỷ lực.

Hết lần này đến lần khác, Arsenal đã liên tục đoạt được bóng ở bên phần sân Brentford, đưa nó ra cánh, phối hợp, tấn công, tổ chức pressing chống phản công nếu mất bóng, rồi lặp lại quá trình này. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà The Gunners không kiểm soát bóng, họ chẳng hề tốn nhiều sức lực vào việc phòng ngự, mà chủ yếu là bình thản chờ đợi quả bóng rơi từ trên trời xuống để tiến hành lại toàn bộ quá trình quen thuộc.

Đối với một bình luận viên nọ, có vẻ như thế trận quá một chiều này đã khiến anh ta hơi khó chịu, mặc dù anh ta đã che giấu cảm xúc đó bằng những nhận định chiến thuật.

“Đáng lẽ ra thỉnh thoảng họ phải cho Brentford có được chút cơ hội tấn công thì mới khiến đối thủ để lộ ra các khoảng trống chứ,” anh ta phàn nàn khi Arsenal liên tục công phá khung thành Brentford. “Khi bạn dồn ép một đối thủ trong thời gian dài thì phía sau hàng thủ của họ sẽ có rất ít khoảng trống.”

Nhưng The Gunners vẫn cứ kiên định với cách chơi của mình. Quả bóng được hàng thủ dâng cao của họ luân chuyển từ cánh trái sang cánh phải, tới chỗ Ben White đang hiện diện tại hành lang trong. Anh thực hiện một đường chuyền chéo sân cho Bukayo Saka đang dạt hẳn ra biên, chạy về phía trước khoảng 9 mét rồi nhận lại bóng trong một khoảng trống sau khi Saka lôi kéo được 2 đối thủ tiến về phía mình.

 

White không vội phất bóng vào vòng cấm. Thay vào đó, anh kiên nhẫn chờ đợi Martin Odegaard và Kai Havertz hoán đổi vị trí, tách khỏi những đối thủ đang theo kèm họ, rồi mới thực hiện một đường chuyền ngắn thẳng về phía trước cho Havertz, người đã ngay lập tức đẩy bóng tới Odegaard đang ở cách đó vài mét. Lúc này, một loạt cầu thủ Arsenal đã tề tựu với nhau, buộc đối thủ phải “chơi bóng ma” với họ ở phía góc phải của vòng cấm.

 

Tuy nhiên, họ vẫn không chịu tạt bóng.

Họ thực hiện những đường chuyền sệt, ngắn và nhanh, luôn giữ bóng ở rìa vòng cấm. Sau vài đường chuyền và vài pha di chuyển hoán đổi vị trí nữa, Odegaard đã được tự do hoàn toàn và xuyên phá lớp phòng ngự trước mặt mình với một pha chọc khe sắc bén tới cho Havertz, tiếc là cú sút sau đó của ngôi sao người Đức đã bị đối thủ chặn được. Không vấn đề gì. Những pha phối hợp kia đã khiến đội hình Brentford co rúm lại, qua đó cho phép các trung vệ của Arsenal dâng lên tận khu vực 1/3 cuối sân đối thủ. Họ một lần nữa thu hồi bóng thành công, tiếp tục thực hiện các pha phối hợp ở 2 cánh, và duy trì vòng lặp đó trong vài phút nghẹt thở cho đến khi White kiến tạo cho Declan Rice ghi bàn.

Đây chính là Arsenal của hiện tại. Họ có thể bóp nghẹt “sinh mạng” của bạn. Arteta rất thích nói về việc “đàn áp” các đối thủ với những đợt pressing tầm cao xuất sắc nhất thế giới. “Hơn cả kiểm soát trận đấu, tôi muốn thống trị nó,” nhà cầm quân người Tây Ban Nha tuyên bố. “Thống trị tuyệt đối những khu vực trọng yếu và không cho đối thủ có cơ hội hít thở. Đó chính là những điều mà chúng tôi muốn làm.”

Tuy nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sự thực là Arsenal của hiện tại là một cỗ máy phòng ngự thượng hạng. Trong ít nhất 7 mùa giải qua, thống kê 0,64 “bàn thua kỳ vọng” mỗi trận (không tính penalty) đang được ghi nhận ở The Gunners chỉ kém hơn duy nhất Manchester City ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Nếu chỉ xét trong 2 mùa giải gần nhất, thì họ thậm chí còn tốt hơn cả Man City về chỉ số này. Nhưng cũng giống như đoàn quân đương kim vô địch do Guardiola dẫn dắt - một tập thể có hệ thống kiểm soát bóng cực phức tạp, được thiết kế để phục vụ cho cả mục tiêu tạo nên một cấu trúc thật bài bản khi phải chuyển sang thế phòng ngự - sự thống trị của Arsenal trong các trận đấu bắt đầu với cách họ chuyền bóng.

Các pha phối hợp đập nhả 1-2 “vô hại” giữa tiền đạo cánh và hậu vệ cánh? Các pha phối hợp tam giác ở góc vòng cấm? Đây chính là những dấu ấn đầy tinh tế trong phong cách “bóp nghẹt đối thủ” mới của The Gunners.

Giờ chính là lúc quay lại với chủ đề chính của chúng ta – các cặp đường chuyền. Bằng cách nhóm 2 đường chuyền liên tiếp trong cùng một đợt kiểm soát bóng từ 6 mùa giải gần nhất – có tổng cộng hơn 1 triệu cặp – thành 300 loại tương tự nhau, chúng ta có thể “mổ xẻ” các mô hình kiểm soát bóng của các đội thành nhiều “mảnh nhỏ” để qua đó tìm kiếm những dấu ấn chiến thuật của họ.

Trong số 300 loại, Arsenal đã thực hiện các pha phối hợp bóng ngắn đập nhả lên-xuống ở gần góc phải vòng cấm 110 lần ở mùa giải này, chiếm 0,9% trong tổng số các cặp đường chuyền của họ. Tuy khi xét tỷ lệ thì đó không phải là một con số quá lớn, chỉ khoảng 4 lần mỗi trận, nhưng sự thật là The Gunners đã làm việc này nhiều hơn hầu hết các đội bóng đang chơi tại Premier League, vượt trên mức trung bình của giải đấu khoảng 5 lần.

 

Vài năm trước, đội bóng của Arteta chưa thể chơi như thế này. Gần đây nhất là ở mùa giải 2021-22, Arsenal chuyền bóng khá tốt nhưng lại không giỏi trong việc “kiểm soát các khu vực trọng yếu”. Thông số field tilt của The Gunners (tỷ lệ kiểm soát bóng tại khu vực 1/3 cuối sân so với đối thủ) chỉ tầm 57% vào cái thuở họ đá nhanh hơn, ít gắn kết hơn ấy – thấp hơn nhiều so với con số 71% hiện nay. Họ từng để cho đối thủ được “thở”.

Sự thống trị mà Arteta khao khát được bắt đầu từ hai cánh. Trong khi Odegaard và Saka trưởng thành thành một trong những cặp đôi tấn công hay nhất thế giới, thì White cũng âm thầm tiến bước ở đường biên để hỗ trợ họ. Bộ ba này không chỉ là trái tim trong khâu tạo cơ hội của Arsenal. Trong khi những pha phối hợp đầy kiên nhẫn của họ “gặm nhấm” phần rìa của đối thủ, các trung vệ và Rice sẽ dâng lên ở phía sau để thắt chặt chiếc thòng lọng mà The Gunners đeo lên cổ hàng thủ đối phương. Nếu để mất bóng, Arsenal vẫn sẽ là đội nắm quyền kiểm soát tình hình, sẵn sàng tiếp tục đưa bóng ra cánh sau khi đoạt lại được nó. Đây là một vòng lặp – đôi khi tưởng chừng kéo dài vô tận – được tính toán cực bài bản.

Trong nhiều năm, những đường chuyền rải rác và rời rạc của Arsenal đã phản bội các nỗ lực của một đội bóng đang tìm kiếm một phong cách. Còn sang mùa giải này, tất cả các pha phối hợp cự ly gần ở góc vòng cấm mà The Gunners thực hiện chẳng khác nào những ngón tay đang quấn quanh cổ họng của đối thủ vậy.

LIVERPOOL

Trong khi Arsenal đang chú tâm giảm tốc độ trận đấu xuống, thì Liverpool lại đang “giậm chân ga” hết sức.

Mặc dù chưa bao giờ đá theo kiểu chậm rãi, kiên nhẫn tới mức cực đoan như Manchester City, nhưng đoàn quân của Klopp đã từng là đội có số lượng các pha luân chuyển bóng nhiều thứ hai tại Anh.

Bạn chắc hẳn vẫn còn nhớ những ngày tháng huy hoàng của The Reds trong chiến dịch đưa họ đến với chức vô địch Premier League gần nhất – mùa giải 2019-20, cái thuở mà họ tấn công các hàng thủ như vũ bão bằng những đường chuyền tầm xa, tuy nhiên loại cặp đường chuyền mà Liverpool thực hiện nhiều nhất hồi ấy lại là các pha chuyền ngang quanh vạch giữa sân trong khi họ chờ đợi thời cơ để tung ra những cú phất bóng s.át thủ.       

Những năm gần đây, đội bóng của Klopp đã chuyển sang một cách đá hoàn toàn mới.

Vào mùa giải 2021-22, khi Thiago được chơi ở vị trí sở trường là tiền vệ trung tâm lệch trái và sắm vai người cầm trịch trong lối chơi của Liverpool, họ đã bắt đầu phát triển bóng thông qua khu trung tuyến nhiều hơn trước. Tới mùa giải trước, đội chủ sân Anfield đã phải trải qua một cuộc tái thiết rất chệch choạc, đầy những ca chấn thương và phải triển khai một đội hình lùi sâu hơn, đôi khi cực kỳ chật vật trong việc đưa quả bóng ra khỏi phần sân của mình.

Nhưng sang mùa giải này thì khác: Liverpool vẫn lên bóng thông qua khu trung tuyến, nhưng họ đang tổ chức tấn công với tốc độ rất cao.

 

Tại sao Liverpool quyết định tiếp tục sử dụng cách đá này, chỉ thay đổi nhịp độ của nó? Bởi vì khu trung tuyến là nơi mà Trent Alexander-Arnold – cầu thủ vẫn đang là chân phát triển bóng quan trọng nhất của The Reds – thường xuyên lui tới trong những ngày tháng này. Trong 2 năm qua, Alexander-Arnold và Mohamed Salah đã hoán đổi địa bàn hoạt động. Salah chuyển từ hành lang trong ra hẳn cánh phải, nơi mà anh có thể tìm thấy nhiều không gian hơn để chơi đối mặt với khung thành, còn  Alexander-Arnold thì liên tục bó vào phía trong sân đấu với vai trò “inside full-back”, hay cũng có thể gọi là “half-back”.

Hai người họ thậm chí còn hoán đổi cho nhau các cặp đường chuyền đặc trưng của bản thân nữa. Từ năm 2018 đến 2021, phiên bản “Salah – hành lang trong” thích nhận những đường chuyền ngắn đưa bóng từ phần sân đấu bên trái sang phần sân đấu bên phải ở trung tâm của khu vực 1/3 cuối sân đối phương, sau đó tung ra các đường chuyền s.át thủ tới phía bên trái vòng cấm. Còn giờ thì đó là chuyên môn của Alexander-Arnold.

Mặt khác, trong 5 mùa giải trước, một trong những miếng đánh đặc trưng của Liverpool có liên quan đến Alexander-Arnold là anh sẽ nhận một đường chuyền ngang đưa bóng ra cánh phải và tung ra một quả tạt chéo sân vào vòng cấm cho một trung phong hoặc một tiền đạo cánh trái đang lao vào đó. Giờ đây, Salah đang thực hiện chính xác cặp đường chuyền này với tần suất gần như tương tự Alexander-Arnold trước đây. (không phải ngẫu nhiên mà thông số kiến tạo kỳ vọng trung bình mỗi 90 phút của ngôi sao người Ai Cập đang ở mức cao nhất sự nghiệp, và lớn hơn gấp đôi so với mức trung bình của mùa giải trước).

 

Nhưng nhu cầu về tốc độ của Liverpool không chỉ phụ thuộc vào những cầu thủ cầm bóng, mà còn cả các chân chạy di chuyển không bóng nữa.

Ngày xưa, Roberto Firmino thường lui xuống trung tuyến từ vị trí tiền đạo trung tâm trong khi Salah và Sadio Mané chạy ra phía sau hàng thủ đối phương từ 2 cánh, tạo nên một đội hình chữ V hẹp trên hàng tiền đạo.

Còn ở mùa giải này, với khẩu đại pháo Darwin Nunez tại vị trí tiền đạo trung tâm và một Luis Diaz đầy tinh quái, lanh lẹ ở cánh trái, chữ V đó đã được lộn ngược lại thành một mũi tên nhắm thẳng tới khung thành đối thủ.

Khác với Firmino, Nunez là một chân chạy không biết mệt, thích đâm lên phía trên và kéo dãn hàng thủ đối phương tới mức tối đa. Còn Diaz thì chơi rộng hơn Mané và thích nhận bóng càng nhiều càng tốt để thực hiện các pha rê dắt vượt qua các cầu thủ phòng ngự. Cùng nhau, họ mở ra khoảng trống tại vùng không gian giữa 2 tuyến tiền vệ và hậu vệ của đối thủ để dàn tiền vệ trẻ trung của Liverpool đẩy cao nhịp độ tổ chức tấn công từ khu trung tuyến.

Kết quả là chúng ta đang được chứng kiến một đội bóng rất cừ có lối đá khác biệt với các đội bóng mạnh khác. Khi phân loại các đội bóng dựa trên những cặp đường chuyền mà họ ưa thích, chúng ta sẽ có khoảng 6 nhóm phong cách: Những đội luân chuyển bóng ở phần sân đối thủ giống Arsenal và Man City, hoặc những đội liên tục phất bóng ra 2 cánh như Brentford hay Everton. Kế đến là Liverpool, đội tổ chức tấn công với tốc độ cao từ dưới sâu sân đấu, có nhiều sự tương đồng với Chelsea, hay thậm chí là Burnley, thay vì thuộc trường phái “tôn thờ” việc kiểm soát bóng của những đội bóng thường giành được chức vô địch – trong chiến dịch đưa The Reds đến với chức vô địch Premier League gần nhất, họ cũng là một thành viên của nhóm này.

Không nhiều đội bóng vẫn thống trị được các trận đấu trong khi đá trực diện, nhưng đây lại chính là điều mà phiên bản Liverpool mới nhất và cũng là cuối cùng của Jurgen Klopp đang làm được. Xét về mức độ trực diện, được đo lường bằng quãng đường tiến bóng trung bình mỗi giây trong các tình huống mở, thì The Reds chính là đội tổ chức tấn công nhanh thứ 9 ở Premier League mùa này. Đây là chuyện gần như chưa từng xảy ra đối với một ứng cử viên vô địch trong kỷ nguyên của lối chơi định hướng vị trí.

Chất kết dính giúp gắn kết trận pháp của Liverpool chính là việc họ vẫn tìm được cách để pressing thật hiệu quả - không phải một hệ thống phòng ngự chậm rãi, co cụm, chắc nịch và ngột ngạt như Arsenal, mà là những pha đuổi bóng máu lửa, tốc độ cao, như thể một lời tri ân gửi đến phong cách “heavy-metal-football” gắn liền với Klopp một thưở.

Phong cách phòng ngự kiểu “chơi cầu trượt” điên cuồng này – kéo dài sân đấu theo chiều dọc, sau đó đẩy toàn khối đội hình lên cao để tạo áp lực “căng” nhất có thể – đúng là rất bào sức và đôi khi khiến The Reds để lộ ra những khoảng trống nguy hiểm để đối thủ khai thác, nhưng lúc này nó đang hoạt động hiệu quả. Klopp đã nhận định như sau về khâu phòng ngự của Liverpool mùa này: “Cách mà hàng tiền đạo triển khai pressing tầm cao, cách mà trung tuyến triển khai pressing, tại vị trí nào cũng thế, rõ ràng là tất cả mọi người đều đang cực kỳ tận tâm với việc này. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt.”

 

 

Nếu Liverpool duy trì thật tốt những gì họ đang làm được hiện tại – huỷ diệt đối phương với những đường chuyền tầm xa tới cho một tiền đạo trung tâm đang kéo dãn hàng thủ, cũng như các cặp đường chuyền phát triển bóng sắc bén từ trung tuyến, cùng với đó là một hệ thống pressing cực gắt và hiệu quả – có lẽ triều đại của Klopp tại CLB này sẽ có một cái kết đầy huy hoàng.

MANCHESTER CITY

Man City vẫn là Man City.

Họ vẫn liên tục dồn ép, bóp ngạt các đối thủ. Họ vẫn chuyền bóng và di chuyển một cách tuyệt vời, như thể toàn bộ 11 cầu thủ đều được lập trình bằng một thứ ngôn ngữ toán học thần bí nào đó mà không một người phàm trần nào có thể “bẻ khoá” được. Họ vẫn có một Erling Haaland chạy quanh vòng cấm như thể một con khủng long bạo chúa có búi tóc, ngấu nghiến các trung vệ đối thủ.

Tuy nhiên, vì lý do nào đó, thứ bóng đá của họ đã không còn hoạt động tốt như trước nữa.

So với mùa giải 2021-22, tức giai đoạn trước kỷ nguyên Haaland, tần suất kiếm điểm trung bình mỗi trận của Man City đã giảm từ 2,45 xuống 2,25, hiệu số bàn thắng bại trung bình mỗi trận giảm từ +1,92 xuống +1,25, còn hiệu số bàn thắng bại kỳ vọng trung bình mỗi trận thì giảm từ +1,68 xuống +1,04. Tình trạng này đủ khiến cho một nhà cầm quân cầu toàn như Guardiola phải vò đầu bức tai.

Trong quá trình đó, Man City đã loại bỏ những cầu thủ lớn tuổi và những cái tên mà Guardiola không còn ưa chuộng nữa, mang về một loạt gương mặt tài năng mới và “tái trang bị” đội ngũ nhân sự để trở nên cao lớn hơn, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và rê dắt bóng tốt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đội chủ sân Etihad vẫn trở nên tệ hơn đáng kể.

Dữ liệu về các cặp đường chuyền sẽ chẳng thể giúp chúng ta thấy được những con vít đang bị lỏng trong cỗ máy Man City. Các mảng miếng phối hợp đặc trưng của đội chủ sân Etihad vẫn được thực hiện với tần suất y như cái thuở họ còn là một đoàn quân “vô đối”.

Vậy, tại sao họ không còn giành được nhiều chiến thắng như trước nữa?

 

Có lẽ câu trả lời chỉ đơn giản là vì những cầu thủ đảm nhận nhiệm vụ luân chuyển bóng đã thay đổi.

Man City đã trải qua phần lớn mùa giải này mà không có sự phục vụ của Kevin De Bruyne vì chấn thương – rõ ràng đây là một tổn thất vô cùng lớn – nhưng anh đã được thay thế bằng những cái tên rất đắc lực là Julian Alvarez và Phil Foden, hai cầu thủ đang thể hiện phong độ tốt nhất sự nghiệp tính đến nay. Jack Grealish, một nhân tố chủ chốt trong cú ăn ba cách đây 1 năm, cũng đã dính nhiều chấn thương và thường xuyên phải ngồi dự bị cho Doku, cầu thủ  đi bóng qua người tốt hơn và bùng nổ hơn anh. John Stones cũng vắng mặt trên sân đấu trong phần lớn mùa giải, tuy nhiên những chuyện như thế này trước nay vẫn thường xuyên xảy ra ở “GuardiolaWorld” mà chẳng ảnh hưởng nhiều tới đội bóng của nhà cầm quân người Catalan.

Chẳng có sự thay đổi lớn lao nào trong dữ liệu về phong cách chơi bóng của Man City cả, chẳng có lời giải thích đơn giản nào để làm cho tình trạng tụt phong độ hiện tại của họ trở nên hợp lý cả. Những thay đổi nhỏ xảy ra ở nhiều khía cạnh đã cùng nhau khiến đội chủ sân Etihad trở nên chật vật ở cả 2 đầu sân đấu – góp phần tạo nên sự căng thẳng trong cuộc đua vô địch mùa này.

Tuy nhiên, có một điểm dữ liệu quan trọng vẫn không hề thay đổi trong bối cảnh hiện tại: Mặc dù đang tụt phong độ và kém ngôi đầu bảng 3 điểm trong một cuộc đua với 2 đối thủ cực mạnh khi mà mùa giải chỉ còn lại 8 trận để chơi, Manchester City vẫn là một ứng cử viên sáng giá cho ngai vương Premier League, giống như từ trước tới nay.

Có thể dữ liệu về các cặp đường chuyền không nắm giữ tất cả bí mật của bóng đá, nhưng chúng cũng chỉ kém hơn bộ não của Pep Guardiola mà thôi.

Theo John Muller, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.