Những cú trả ngược: Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 18/05/2024 14:22(GMT+7)

Zalo

Sẽ rất khó để kể câu chuyện Premier League 2023-24 mà thiếu đi 4 từ sau: Những cú trả ngược.

32ae3e33-1a7f-4152-ad47-05e288729ca4
 

Pha ghi bàn đầu tiên của mùa giải, đồng thời cũng là bàn thắng khởi động chiến dịch bảo vệ ngôi vương của Manchester City, đã đến từ một đường chuyền trả ngược. Và bàn thắng gần đây nhất giúp Arsenal tiếp tục níu kéo hy vọng tạo nên một cuộc lội ngược dòng trước đoàn quân của Pep Guardiola trong cuộc đua vô địch cũng vậy, sau khi Kai Havertz rê bóng xuống đường biên ngang cuối sân rồi chuyền ngược về cho Leandro Trossard chọc thủng lưới Manchester United.

Số lượng các pha ghi bàn đang gia tăng mạnh ở Premier League mùa giải này, và thật trùng hợp, số lượng kiểu đường chuyền nguy hiểm nhất môn thể thao vua cũng vậy: Đưa quả bóng từ một vị trí nằm sát đường biên ngang cuối sân đi ngược về chấm penalty, ngược với đà di chuyển của hàng thủ. Những cú trả ngược đang là món vũ khí chính giúp Arsenal cạnh tranh sòng phẳng ngôi vương với Manchester City, và đó cũng là món vũ khí đã giúp Man City liên tục vô địch giải đấu này.

Mặc dù những cú trả ngược từng có thời chỉ là câu chuyện tại các CLB giàu nhất ở bất kỳ giải vô địch quốc gia nào trên thế giới, như Barcelona của Lionel Messi, nhưng giờ đây nó đang được lan rộng. Ngón đòn từ lâu đã được sử dụng cực kỳ hiệu quả ở Tây Ban Nha này hiện đang trở thành một xu hướng bao phủ khắp Premier League, nơi mà hầu như mọi đội bóng đều đã phát triển sự ám ảnh về nó.

Bất kể bảng xếp hạng vào cuối mùa giải sẽ trông như thế nào, thì sự thật vẫn là những cú trả ngược đã trở thành kiểu đường chuyền mang tính quyết định tại Premier League.

BÀI HỌC TỪ LIONEL MESSI, VÀ LÝ DO NHỮNG CÚ TRẢ NGƯỢC LÀ MỘT MÓN VŨ KHÍ RẤT HIỆU QUẢ

Trên sân chơi bóng đá đỉnh cao, những cú trả ngược đã được Barcelona phổ biến vào đầu thập kỷ trước. Kịch bản đẹp nhất là Lionel Messi tung ra một đường chọc khe chéo sân cho Jordi Alba đang di chuyển chồng biên, sau đó hậu vệ cánh người Tây Ban Nha sẽ thực hiện một cú trả ngược về phía vòng cấm để Messi lao tới dứt điểm.

Tính từ năm 2010, đã có 7 mùa giải tại Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu xuất hiện một đội bóng ghi ít nhất 8 bàn từ những cú trả ngược – và Barcelona của Messi và Alba góp mặt tới 4 lần. Trong cùng khoảng thời gian đó, Alba đã có 18 pha kiến tạo nhờ những cú trả ngược, ngoài anh ra thì không một cầu thủ nào khác vượt qua được con số 10. Còn Messi thì đã ghi được 24 bàn từ những đường chuyền đó, trong khi không một ai khác vượt qua được con số 16.

Bản đồ thể hiện tất cả các pha kiến tạo của Alba cho Messi tại La Liga dưới đây cho thấy hầu hết chúng đều đến từ những đường chuyền bên trong vòng cấm và đường đi của bóng ngược hướng với khung thành:

Những cú trả ngược Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City 1
 

Và đó chính là chìa khóa dẫn tới sự hiệu quả của những cú trả ngược. Các hậu vệ, theo bản năng, sẽ chú trọng bảo vệ khung thành – đặc biệt là khi quả bóng đang ở rất gần nó. Để bảo vệ khung thành, thường thì bạn phải lui xuống gần nó hơn. Nhưng những cú trả ngược, về cơ bản, sẽ lợi dụng bản năng phòng thủ truyền thống đó để hủy diệt một hàng phòng ngự.

Messi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong hầu hết mọi việc, và từng có một bài phân tích kinh điển đăng tải trên Five Thirty Eight chỉ ra rằng anh cũng là cầu thủ cừ nhất trong việc… đi bộ trên sân. Messi chơi như vậy không phải là vì anh lười biếng – mặc dù đó cũng là một cách thức để anh tiết kiệm năng lượng. Hầu hết các cầu thủ bóng đá đều được dạy từ nhỏ rằng họ phải thi đấu với trạng thái chuyển động liên tục, điều này khiến họ phải thường xuyên rời khỏi những khu vực có giá trị cao trên sân đấu để đuổi theo đối thủ hoặc quả bóng. Trong khi Messi cực giỏi trong việc tự tạo ra khoảng trống cho mình với quả bóng trong chân, thì khi không có bóng, anh sẽ để đối thủ tự để lộ ra khoảng trống vì cái tâm lý thi đấu được dạy từ nhỏ kia rồi đứng vào đó.

Đây chính xác là những gì xảy ra trong các cơ hội ghi bàn do những cú trả ngược tạo ra. Khi đội tấn công đưa bóng tới đường biên ngang cuối sân, các hậu vệ - theo bản năng – sẽ di chuyển lui về phía khung thành của họ, điều đó tạo ra những khe hở nguy hiểm bên trong khu vực có giá trị lớn nhất trên sân đấu: Vòng cấm. Một HLV có kinh nghiệm chinh chiến dày dạn từng kể với chuyên gia phân tích Ryan O’Hanlon của ESPN rằng đội bóng của ông rất chú trọng vào việc luyện tập khả năng tạo ra và khai thác những khoảnh khắc đó, và ông ghi nhận rằng chính Guardiola là người đã phổ biến chiến thuật này trên sân chơi đỉnh cao của môn thể thao vua.

“Người đảm nhận khâu dứt điểm làm việc đó bên trong vòng cấm – thường là cách khung thành khoảng 11 mét – còn thủ môn thì đang cố quay trở lại vị trí chính giữa khung thành hoặc đã hoàn toàn bị loại bỏ khỏi ‘phương trình’, các hậu vệ thì đã bị buộc vào thế xoay lưng đối mặt với khung thành,” Carlon Carpenter, trưởng bộ phận phân tích video của Houston Dynamo, diễn giải. “Vì vậy, ngay cả khi đường chuyền trả ngược không thành công, các sai lầm vẫn có thể xảy ra ở hàng thủ hoặc dẫn tới một quả phạt góc và đưa quyền kiểm soát bóng trở về với đội tấn công.”

Có thể nói Carpenter là một học giả xuất sắc trên Internet về những cú trả ngược. Vào năm 2021, ông là đồng tác giả của loạt bài mang tên “Where Goals Come From” (các pha ghi bàn đến từ đâu) cùng nhà phân tích Jamon Moore cho website American Soccer Analysis. Một trong những điều mà họ đã khám phá ra là những cú dứt điểm được tạo nên từ các đường chuyền trả ngược có tỷ lệ thành bàn cao thứ hai so với bất kỳ loại đường chuyền nào, chỉ xếp sau những pha chọc khe:

Những cú trả ngược Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City 2
 

“97% những pha dứt điểm từ các đường chuyền trả ngược mà chúng tôi đã lập hồ sơ đều có chỉ số ‘bàn thắng kỳ vọng’ nằm trong mức từ tốt đến tuyệt vời,” ông chia sẻ. “Còn tỷ lệ thành bàn của chúng thì nằm trong khoảng 24% đến 54%.”

Dữ liệu từ Stats Perform cũng vẽ ra một bức tranh tương tự. Trên khắp Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu tính từ năm 2011, những cơ hội dứt điểm do các pha chọc khe kiến tạo nên có tỷ lệ thành bàn là 27,2%, và các cơ hội đến từ những cú trả ngược cũng được ghi nhận một con số không hề kém cạnh quá nhiều. Trong khi phần còn lại thì thua xa 2 “chiêu thức” này. Dưới đây là những loại đường chuyền tạo cơ hội có tỷ lệ được chuyển hoá thành bàn cao nhất trong khoảng thời gian đó:

Những cú trả ngược Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City 3
 

Và một trong những lý do làm cho số lượng bàn thắng ở Premier League mùa này tăng mạnh là vì các đội bóng tại đây đang thực hiện những cú trả ngược nhiều hơn bao giờ hết:

Những cú trả ngược Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City 4
 

So với bất kỳ mùa giải nào trước đây, con số này cao hơn ít nhất 100 lần, và mùa giải 2023-24 vẫn còn 1 vòng đấu để nó tiếp tục gia tăng. 

MÓN VŨ KHÍ CHÍNH GIÚP ARSENAL ĐUA SONG MÃ VỚI MANCHESTER CITY

Mặc dù có thể sẽ không giành được chức vô địch, nhưng có khả năng rất cao là Arsenal vẫn sẽ lập được một kỷ lục vào Chủ Nhật tới. Theo Stats Perform, đội bóng có nhiều đường chuyền trả ngược nhất trong một mùa giải là Barcelona 2012-13 (71). Hai cái tên đồng hạng hai là Arsenal của mùa giải 2015-16, đội bóng mà Arteta đã góp mặt trong tư cách một cầu thủ và Arsenal của mùa giải này, đội bóng mà ông đang làm HLV trưởng, với con số 68. Chỉ cần thêm 4 pha trả ngược nữa là The Gunners sẽ bước lên ngôi vị cao nhất của lịch sử một cơ sở dữ liệu mà hầu hết mọi người không có điều kiện truy cập.

Arsenal hiện nay có thể được sử dụng như lời giải thích cho lý do tại sao chúng ta đang được chứng kiến sự gia tăng mạnh của những pha trả ngược ở Premier League nói chung. Mùa trước, ký giả Ryan O’Hanlon của ESPN đã có một bài phân tích chỉ ra rằng hậu vệ cánh tấn công là “một giống loài đang trở nên khan hiếm”. Với nhu cầu tạo ra sự vững chắc trong cả 2 giai đoạn có bóng và không bóng, những đội bóng như Arsenal và Manchester City đều đã bắt đầu sử dụng ít nhất một hậu vệ cánh được chỉ đạo phải chơi theo khuynh hướng thật cẩn trọng, không dâng cao để thực hiện những pha chồng biên mà thay vào đó là bó vào phía trong sân đấu để trở thành một trung vệ thứ ba hoặc di chuyển vào trung tuyến.

Đồng thời, với sự đổ bộ ngày càng gia tăng của những tài năng kiệt xuất cả trên sân đấu và băng ghế huấn luyện tại Premier League nhờ sức mạnh tài chính bá đạo của giải đấu này, các hệ thống phòng ngự tại giải đấu hạng cao nhất bóng đá Anh cũng đang được tổ chức chặt chẽ hơn bao giờ hết và cực khó bị xuyên thủng. (các giải đấu lớn khác của châu Âu thì không được như vậy, có thể đó là lý do thống kê những cú trả ngược của họ không tăng mạnh như Premier League.)

Lý do các pha chọc khe dẫn tới nhiều bàn thắng như vậy là vì theo định nghĩa của chỉ số này, khi một cầu thủ nhận được một pha chọc khe, anh ta đang ở phía sau hàng thủ đối phương. Vì thế, anh ta sẽ có được một cơ hội ghi bàn cực kỳ ngon ăn vì đang ở trong thế 1 chọi 1 với thủ môn. Tuy nhiên, các hệ thống phòng ngự đang ngày càng tước đi cơ hội xuất hiện của những đường chọc khe. Việc thu thập dữ liệu cho khía cạnh này là tương đối khó khăn: Tình trạng sụt giảm mạnh nhất đã diễn ra vào mùa giải 2020-21 – nhưng khuynh hướng mới là điểm quan trọng nhất:

Những cú trả ngược Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City 5
 

Cần lưu ý rằng những con số thống kê của mùa giải này đã bị thổi phồng lên khá nhiều vì thời gian bù giờ của các trận đấu đang dài hơn. Sự thật là việc có được một đường chọc khe thành công đang trở nên khó hơn rất nhiều so với trước đây. Vậy, nếu các đội bóng không còn đẩy các hậu vệ cánh lên cao để khai thác khoảng không gian bên ngoài một hàng thủ hoặc kéo dãn đối thủ, vậy thì làm thế nào để bạn tạo ra được những cơ hội ghi bàn chất lượng cao? Các tình huống cố định là một cách, còn trong những tình huống mở, thì câu trả lời chính là các đường chuyền trả ngược.

Thay vì để một hậu vệ cánh như Alba thực hiện những cú trả ngược, thì kịch bản của thời nay hầu như luôn là một cầu thủ chạy cánh truyền thống đột phá tới đường biên ngang cuối sân rồi đưa bóng vào vòng cấm bằng một đường chuyền đi ngược đà di chuyển của hàng thủ đối phương. Hiện chỉ có duy nhất một hậu vệ cánh, Destiny Udogie của Tottenham Hotspur, lọt vào Top 10 những cầu thủ có nhiều cú trả ngược nhất ở Premier League mùa giải này. Không có gì đáng ngạc nhiên khi 2 cái tên đứng đầu trong danh sách dưới đây là 2 tiền đạo cánh của Arsenal, Bukayo Saka và Gabriel Martinelli:

Những cú trả ngược Trào lưu mới của Premier League - Tuyệt chiêu đưa Arsenal vào cuộc đua song mã với Man City 6
 

Sự gia tăng của những cú trả ngược đã diễn ra khá trùng hợp với tình trạng “sắp tuyệt chủng” của vai trò tiền đạo trung tâm truyền thống. Với vị trí của một tiền đạo trung tâm trên sân đấu, vai trò của anh ta trong một tình huống trả ngược hiếm khi nào là người dứt điểm. Thay vào đó, nhiệm vụ của anh ta chủ yếu là kéo các hậu vệ ra xa khỏi khu vực trung tâm vòng cấm để một đồng đội khác chạy vào khoảng trống đó và ghi bàn.

“Việc này đòi hỏi khả năng di chuyển không bóng bên trong vòng cấm thật tốt từ các tiền đạo trung tâm,” Carpenter phân tích. “Pha chạy chỗ đầu tiên của cầu thủ trung phong phải toát ra mùi nguy hiểm càng mạnh càng tốt để buộc các hậu vệ phải lui xuống khung thành thật sâu. Và sau đó là những pha chạy chỗ của các tiền đạo cánh, các tiền vệ tấn công, hoặc tiền vệ trung tâm để khai thác khoảng trống đã mở ra. Đây cũng là một miếng đánh đòi hỏi sự kiên nhẫn, để liên tục luân chuyển bóng chờ thời cơ và buộc đối thủ phải di chuyển không ngừng.”

Những yêu cầu này khá phù hợp với dàn nhân sự của Arsenal, vì Havertz và Gabriel Jesus là những cầu thủ có thể đóng góp một cách toàn diện vào mặt trận tấn công thay vì chỉ đơn thuần là 2 tay săn bàn. Darwin Núñez của Liverpool, Nicolas Jackson của Chelsea và cả Ollie Watkins của Aston Villa đều phù hợp với khuôn mẫu trên ở các mức độ khác nhau – họ là những cầu thủ có thể làm cả 2 việc ghi bàn và kiến tạo, có khả năng di chuyển không bóng rất tốt để mở ra các khoảng trống tạo điều kiện cho những ý đồ tấn công của đội mình và có thể tự dứt điểm. Tương tự như Arsenal, cả Liverpool, Chelsea và Aston Villa cũng đều sắp lập kỷ lục về số pha trả ngược mà họ đã từng và đang thực hiện trong một mùa giải.

Chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Brentford, CLB có lối đá trực diện nhất, theo các số liệu thống kê chỉ ra. Tại Newcastle cũng vậy – họ đã phải tìm cách để tạo ra các bàn thắng sau khi nhận thấy rằng mình phải kéo hàng phòng ngự xuống thật sâu và chơi hết sức cẩn trọng khi đấu với những đội bóng hàng đầu của giải đấu. Và Burnley cũng tương tự - tuy đã phải nhận lấy số phận xuống hạng, nhưng đoàn quân của Vincent Kompany đang thực hiện nhiều cú trả ngược hơn Chelsea của mùa giải 2016-17 và Chelsea của mùa giải 2018-19, 2 đoàn quân có số điểm kiếm được cao thứ 6 và thứ 4 trong lịch sử Premier League.

Được dẫn dắt bởi Pep Guardiola, chuyên gia hàng đầu thế giới về những cú trả ngược và đã giúp CLB này đạt đến mức độ hoàn hảo đối với chiêu thức đó, nhưng Manchester City lại đang đi theo một con đường khác. Khuynh hướng sử dụng những cú trả ngược của đội chủ sân Etihad đã đạt đỉnh vào mùa giải 2018-19, với 60 lần thực hiện, khi cặp tiền đạo cánh của họ là Raheem Sterling và Leroy Sané. Thay vì chăm chăm đi bóng cắt vào phía trong sân đấu và dứt điểm bằng chân thuận, cả hai đều có khuynh hướng đột phá tới đường biên ngang cuối sân và dùng chân thuận chuyền bóng về phía chấm penalty.

Hiện, ngoài Jérémy Doku, Man City thực sự không còn tiền đạo cánh nào khác đá với khuynh hướng liên tục thực hiện các pha đột phá xuống đáy sân như vậy nữa. Nhưng họ lại đang sở hữu một tiền đạo trung tâm khổng lồ có thể biến hầu hết những đường chuyền của các đồng đội thành bàn thắng. Với sự hiện diện của Erling Haaland trong đội của mình, bạn sẽ muốn hạn chế số lượng những cú trả ngược, bởi vì khi làm vậy thì người dứt điểm sẽ là một cầu thủ khác thay vì Haaland. Bernardo Silva đang dẫn đầu Man City về số pha dứt điểm đã thực hiện sau những cú trả ngược, trong khi con số của Phil Foden và Rodri, một tiền vệ trụ về mặt lý thuyết, đang ngang bằng với tay săn bàn người Na Uy (2).

Rất khó để nói rằng cách chơi hiện tại của Man City không hiệu quả: Họ đang dẫn đầu giải đấu về tần suất ghi bàn và kiếm điểm trung bình mỗi trận. Gần như chắc chắn đoàn quân của Guardiola sẽ giành chức vô địch Premier League một lần nữa. Tuy nhiên tần suất săn bàn và hiệu số bàn thắng bại trung bình mỗi trận của họ hiện chỉ đứng thứ 5 trong kỷ nguyên Guardiola. Và nếu Man City sẩy chân trong trận đấu cuối cùng của mùa giải, đó sẽ là cơ hội để Arsenal lật đổ sự thống trị của đội chủ sân Etihad bằng chính “món vũ khí” từng là tuyệt kỹ của họ.

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

X
top-arrow