"Lực hấp dẫn" của các ngôi sao: Vũ khí đáng sợ trong hệ thống đơn giản hóa của Pep

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 22/05/2023 14:01(GMT+7)

Phần đáng sợ nhất trong bàn thắng nâng tỷ số lên thành 2-0 của Man City trước Real Madrid là đội chủ nhà không cần phải di chuyển nhiều. Bạn chẳng cần phải là một chuyên gia bóng đá để biết chuyện này không hề bình thường chút nào. Giả sử đây không phải là một trận đấu mang tính chất cực quan trọng của mùa giải đi chăng nữa, thì ít nhất cũng phải diễn ra vài pha đua tốc độ khiến các cầu thủ bên phe ghi bàn toát chút mồ hôi.  

 

Thay vào đó, Ilkay Gundogan thong thả chạy vào vòng cấm và tung ra một cú dứt điểm bị Eder Militao làm chệch hướng, sau đó quả bóng bay tới trán của Bernardo Silva tại một khoảng không gian rộng mở ở chấm penalty. 

Từ khi nào mà việc giành chiến thắng trong một trận bán kết Champions League lại trở nên dễ dàng đến vậy?

Các pha tấn công của Man City từng là những màn biểu diễn ngoạn mục được dàn dựng tỉ mỉ, những tiết mục xiếc quay cuồng được thiết kế để khiến “nạn nhân” lóa mắt và bị đánh lạc hướng trong khi một băng nhóm “trẻ trâu” đường phố âm thầm móc túi họ. Các tiền vệ và tiền đạo cánh lao đi theo đủ mọi hướng, chuyền bóng hoặc bứt tốc ra phía sau hàng phòng ngự đối thủ. Man City nhẫn nại xoay vòng các phương án phối hợp tấn công và hoán đổi vị trí như thể họ đang lần lượt thử các chìa trong chùm chìa khóa để cố mở khóa hàng phòng ngự đối thủ. 

Nhưng ở mùa giải này, Man City không đá như vậy. Họ không cần phải làm vậy. Thay vì khiến đối thủ bối rối với những động thái di chuyển như vũ bão và biến hóa liên tục, họ thích nghiền nát các đối thủ bằng “lực hấp dẫn” áp đảo. 

Trong bóng rổ, “lực hấp dẫn” là một thuật ngữ được các nhà phân tích dùng để mô tả khả năng thu hút các cầu thủ phòng ngự về phía mình của một cầu thủ tấn công. Ngay cả khi không có bóng, mối đe dọa tiềm ẩn từ một ngôi sao vẫn có thể lôi kéo các đối thủ bỏ vị trí để áp sát anh ta, mở ra khoảng trống ở một nơi khác. Đó chính là “lực hấp dẫn” của anh ta. 

Có nhiều cách khác nhau để tạo ra “lực hấp dẫn” trong bóng đá, và Manchester City có tất cả chúng. 

Tại cánh trái, khả năng rê dắt bóng của Jack Grealish đã liên tục thu hút ít nhất 2 cầu thủ đối phương, đó là lý do tại sao hầu hết các đợt tấn công của The Citizens đã bắt đầu ở phía cánh của ngôi sao người Anh để kéo thêm một đối thủ rời khỏi khu vực phía trên vòng cấm. Ngay cả khi anh chuyền bóng cho một đồng đội ở tuyến giữa, “lực hấp dẫn” của Grealish vẫn hoàn thành nhiệm vụ của nó bằng cách tạo ra khoảng trống ở phần quan trọng nhất của sân đấu.   

 

Khả năng tung ra những đường chuyền ch.ết chóc từ mọi góc độ của Kevin De Bruyne buộc các hàng phòng ngự phải tiến hành áp sát tiền vệ người Bỉ khi anh hiện diện ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ. Nếu anh di chuyển vào khoảng không gian giữa một trung vệ và một hậu vệ cánh, sẽ phải có người đuổi theo để ngăn anh thực hiện một quả tạt. Đó cũng là “lực hấp dẫn”.

 

Và kế đến là Erling Haaland, cầu thủ có một “lực hấp dẫn” cực phi thường trước khung thành. Mặc dù không thể ghi bàn ở vòng bán kết, nhưng sự hiện diện của anh đã kiềm chân các trung vệ đối thủ, qua đó mở ra khoảng trống ở những nơi mà Man City có được các cơ hội tốt nhất của họ. 

 

Lực hấp dẫn của 3 người họ đã tạo ra 3 bàn thắng đầu tiên trong chiến thắng đưa Man City vào chơi trận chung kết. 

Trong bàn đầu tiên, cả Luka Modric và Toni Kroos đều vì quá chú tâm vào Kevin De Bruyne đang cầm bóng mà không để ý rằng Bernardo đã lẻn ra phía sau họ. 

 

Trong bàn thứ hai, tình huống rê bóng của Grealish và động thái di chuyển dạt sang phía trái sân đấu của De Bruyne đã mở đường cho Gundogan đi bóng, trong khi mối đe dọa từ Haaland ở cột xa đã khiến Eduardo Camavinga quá bận rộn để có thể chú ý đến Bernardo – nhờ “lực hấp dẫn” từ các đồng đội, một khoảng trống mênh mông đã được mở ra cho ngôi sao người Bồ Đào Nha.

  

 
 

Trong hiệp hai, cũng nhóm 3 cầu thủ đó – Grealish rê bóng vào phía trong sân đấu từ cánh trái, De Bruyne một lần nữa xuất hiện gần ngôi sao người Anh tại đường biên, hút theo một đối thủ, còn Haaland hiện diện ở phía xa, kiềm chân trung vệ lệch trái của Real Madrid – đã buộc Camavinga phải có một pha phạm lỗi và “tặng” cho Man City quả đá phạt trực tiếp đã dẫn tới bàn thắng thứ ba. 

 

Ba ngôi sao lớn nhất của Man City đã không ghi được bàn nào trong chiến thắng hoành tráng này, nhưng “lực hấp dẫn” của họ đã xé nát Real Madrid. 

Đáng chú ý, những gì bộ ba này làm đều chẳng cần đến quá nhiều công sức di chuyển. 

Chính Real Madrid, chứ không phải Man City, mới là đội có nhiều tình huống kiểm soát bóng và dàn xếp tấn công đẹp mắt nhất trong cuộc đối đầu của hai đội ở vòng bán kết (ít nhất là trong trận đấu lượt 1 trên sân Santiago Bernabeu), với những động thái hoán đổi vị trí chóng mặt và các pha chạy chỗ không bóng đầy sáng tạo. Họ mới là đội bố trí các tiền vệ đá hậu vệ cánh hoặc chơi ở cánh để tối đa hóa khả năng sáng tạo. Pep Guardiola của trước đây hẳn sẽ rất ghen tỵ. 

Nhưng Man City đã dành cả mùa giải này để đơn giản hóa một cách triệt để cỗ máy trị giá hàng tỷ đô la của họ, thay thế những bộ phận chuyển động mỏng manh bằng những bộ phận cố định, chắc chắn và mạnh mẽ để tạo ra sự vững vàng hoàn hảo. 

Thay vì sử dụng một hoặc thậm chí là hai số 9 ảo để thu hút các cầu thủ phòng ngự, họ đã ký hợp đồng với một tiền đạo trung tâm luôn hoạt động trong phạm vi chiều ngang của vòng 5m50. Họ thay thế những cầu thủ chạy cánh cơ động bằng các chuyên gia rê dắt bóng, và loại bỏ dần các hậu vệ cánh bó vào trung lộ (inverted full-back) bằng những trung vệ dạt cánh có khả năng hóa giải các tình huống phản công của đối thủ. Man City của mùa giải này không di chuyển nhiều hơn mức họ nhất định phải làm. Họ chiếm lĩnh các vị trí hợp lý và để “lực hấp dẫn” thực hiện nhiệm vụ của nó. 

Manchester City phiên bản cũ là một đội bóng đẹp đẽ hơn nhiều – như thể một chiếc đồng hồ được chế tác tinh xảo. Dù cho biết rõ về các mảng miếng phối hợp tấn công của họ, bạn vẫn sẽ phải há hốc mồm khi chúng diễn ra với tốc độ vũ bão, mỗi chi tiết đều tìm đến chính xác vị trí cần đến vào đúng thời điểm để giúp cho toàn bộ cỗ máy phức tạp của họ hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, có không ít lần sau khi tấn công bất thành, Man City nhận thấy rằng họ không chỉ khiến đối thủ mất tổ chức, mà cả bản thân họ cũng vậy. Tất cả các cầu thủ tấn công đang bó vào giữa hoặc “underlap” (di chuyển chồng cánh ở phía trong) sẽ lâm vào tình trạng mất phương hướng trong nhiệm vụ phòng ngự. 

Từ mùa xuân năm 2023, Man City đã sử dụng cố định hai hệ thống chiến thuật cứng cáp – 3-2-2-3 khi có bóng và 4-4-2 khi không bóng – có thể dễ dàng xoay vòng với nhau. Không một ai rời quá xa khỏi vị trí mà họ cần hiện diện một khi đối thủ đoạt được quyền kiểm soát bóng. John Stones hoặc Gundogan có thể tiến lên hoặc lui về theo một tuyến đường, Manuel Akanji và Kyle Walker có thể dâng lên hoặc lui về ở hai cánh, nhưng chỉ có De Bruyne là được phép di chuyển tự do khắp sân đấu và xâm nhập vào những khoảng không gian bất ngờ. Năm hậu vệ ở lại phía sau để ngăn chặn các đợt phản công, trong khi 5 tiền đạo chủ yếu cố định tại một chỗ. 

 

Việc đơn giản hóa hệ thống đã cho phép Man City bổ sung thêm trung vệ thực thụ thay vì sử dụng các tiền vệ đa năng nhưng nhỏ con hơn. “Lực hấp dẫn” của các cầu thủ tấn công – khả năng rê dắt bóng của Grealish, khả năng chuyền bóng của De Bruyne và sự nguy hiểm của Haaland trong vòng cấm – giúp họ có thể khiến hàng thủ đối phương rối loạn mà chẳng cần phải di chuyển nhiều chính là một trong những lý do chủ chốt để hệ thống này thăng hoa. 

Pep Guardiola đã thường xuyên bị thiên hạ chê cười về thói quen “nghĩ quá nhiều” trong các trận đấu lớn. Nhưng giờ đây, ông đang tạo ra sức mạnh từ sự đơn giản. 

Do đó, đã chẳng còn cơ hội cho những đội bóng mơ rằng chỉ cần họ có thể vẽ ra những hình chữ nhật phù hợp trên sân tập của mình và thành thạo các động thái di chuyển đúng đắn, họ cũng sẽ chơi được như Man City. “Lực hấp dẫn” thuộc về các cầu thủ, và dàn cầu thủ của Man City đơn giản là giỏi hơn, đắt hơn dàn nhân sự của họ. Nếu Madrid từng là Galacticos, thì Man City hiện tại là một siêu hố đen được tạo nên bởi sự giàu có và tài năng siêu phàm, có thể nuốt chửng toàn bộ những đối thủ ít sao số hơn. 

Theo John Muller, The Athletic.

 

  

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

Tottenham Hotspur đã xé tan Manchester United như thế nào?

Nếu Manchester United muốn biết thế nào là một hệ thống chiến thuật được tổ chức tuyệt vời, họ nên xem lại trận thắng của Tottenham Hotspur trước chính họ ngay tại Old Trafford vừa qua. Trước một hệ thống pressing vô hồn và sự kém cỏi trong khâu chống phản công của đội chủ nhà, Spurs đã xé nát Man United thành từng mảnh.