Góc chiến thuật: Erling Haaland mờ nhạt trước Inter thì đã sao?

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Năm 19/09/2024 20:28(GMT+7)

Erling tịt ngòi và mờ nhạt trước Inter Milan, liệu có phải là vấn đề với Man City?

 

Trong phần trả lời họp báo sau trận Inter, một phóng viên người Italia đã đặt câu hỏi cho Pep về việc Erling Haaland trải qua 90 phút mờ nhạt.

Pep đã đáp lại rằng: “Có tới 6 cầu thủ bao vây lấy Erling – 3 người trước mặt và 3 người phía sau, gồm 3 trung vệ và 3 tiền vệ. Cậu ấy bị theo kèm chặt như vậy đấy. Bất kể cầu thủ nào, dù trong quá khứ hay hiện tại mà bị theo kèm như thế thì đều trở nên mất hút trên sân cả. Nhưng từ đó, chúng tôi tìm cách để tận dụng khoảng trống mà Erling mang lại cho những đồng đội khác. Nhờ vậy mà Gundogan và Foden mới có được các cơ hội.”

Chủ đề này vốn dĩ không mới, thiết nghĩ chỉ vì Erling đã khởi đầu mùa giải mới này với phong độ săn bàn chói sáng, thế nên anh nhận được sự chú ý đặc biệt từ bên ngoài lẫn trên sân dành qua từng trận đấu.

Cả trận đấu, Erling có tổng cộng 14 pha chạm bóng – 11 pha ở hiệp một và vỏn vẹn 3 pha ở hiệp hai. Ba cú dứt điểm cả trận chân sút này có được đều diễn ra trong hiệp một.

 

Có một điểm chung trong cả 3 tình huống mà Erling có được pha dứt điểm, đó là Inter đều không ở trạng thái tổ chức phòng ngự chắc chắn mà họ cho thấy trong gần như phần lớn trận đấu. Tức nếu trạng thái phòng ngự chung của Inter cả trận là A, thì ở 3 tình huống đó là A-, nôm na là vậy.

  • Pha dứt điểm đầu tiên ở phút thứ 4 là một tình huống City đoạt bóng để chuyển trạng thái. Ở pha bóng này, Bastoni một mình đương đầu với Haaland trong vùng cấm và tiền đạo người Na Uy phát huy điểm mạnh với động tác di chuyển hình chữ chi sau lưng đối thủ để đánh lừa, trước khi băng cắt trước mặt đón quả căng ngang của Grealish. Song Bastoni vẫn kịp thời chìa chân ra cản pha dứt điểm của Erling;
  • Pha dứt điểm thứ hai ở phút thứ 19 là khi Erling đón đường tạt từ nách phải trung lộ của Savinho, băng cắt trước mặt Acerbi và đánh đầu. Savinho cả hiệp một gần như đều rơi vào thế 1v2 (trước Augusto và Zielinski), nhưng ở tình huống đó, anh chỉ phải đối đầu với một mình Augusto;
  • Pha dứt điểm thứ ba ở phút thứ 35 là cú ra chân cực nhanh ngay rìa vùng cấm, tình huống Inter những tưởng đã thu hồi bóng thành công để phản công, nhưng bóng lập bập vô tình quay trở lại Grealish và một đường chuyền ở trung lộ được dành cho Erling. Thời điểm đó, chỉ có trung vệ Bisseck là chắn trước mặt Erling.

Hiệp hai như chỉ ra qua con số ở trên, Erling không có thêm dứt điểm nào và chỉ chạm bóng được đúng 3 lần. Pep Guardiola ngay đầu hiệp hai tiến hành điều chỉnh: ông đưa Gundogan và Foden vào chơi ở trung lộ và nách trung lộ, đẩy Bernardo Silva ra biên. Pep muốn Gundo và Phil, những cầu thủ mà ông lý giải sau trận đấu là chuyên gia trong không gian hẹp, có thể nhận và di chuyển cùng bóng ngay lập tức ở những không gian hẹp để dứt điểm. Pep tìm lời giải cho kết cấu phòng ngự chặt chẽ 5-3-2 của Inter bằng những miếng đánh ở nách hàng thủ đối phương, với những nhân sự chuyên cho công việc đó.

 

Hiệp hai Erling không dứt điểm được gì thêm, nhưng số pha dứt điểm của City nhiều hơn so với hiệp một: 13 so với 9. Giá trị bàn thắng kỳ vọng từ các pha dứt điểm của City trong hiệp hai cũng tốt hơn hiệp một, 1,64 so với 0,82. Đáng nói, Gundogan góp 3 pha dứt điểm, Foden góp 4 pha.

Trong số những gì được xem là gì tinh túy nhất của Erling, có khả năng áp chế các trung vệ đối phương trong vùng cấm. “Áp chế” không chỉ có nghĩa là cứ phải giành phần thắng khi tranh chấp tay đôi, từ đó chiếm giữ bóng và dứt điểm thành bàn. Mà còn bao hàm cả việc khiến đối phương mất quyền tự chủ, bắt họ phải theo mình.

Sự hiện diện trong vùng cấm của Erling tự bản thân điều đó đã mang đến vấn đề cho đối phương. Inter thường xuyên bố trí 2 nhân sự kèm lấy tiền đạo 24 tuổi. Bấy giờ, City sẽ có thể khai thác lợi thế quân số để khai mở những khoảng trống – dù có thể nhỏ hẹp – cho những cầu thủ khác. Mệnh đề này hẳn là quá quen thuộc trong bóng đá rồi còn gì.

Có một ý rất đáng lưu tâm trong những chia sẻ của Pep sau trận Inter: “Tôi điều chỉnh nhân sự ở hiệp hai chỉ đơn giản là vì khi Inter sử dụng hệ thống 5-3-2, họ tìm cách bắt chặt Rodri và không cho chúng tôi tìm kiếm những khoảng trống ở các nách hàng thủ. Song, khoảng trống thì sẽ luôn có thôi. Thế nên tôi mới cần những quân bài khác, chuyên dụng cho việc khai mở những khoảng trống đó.”

 

“Khoảng trống sẽ luôn có” là một khái niệm mà trong quá khứ Pep từng nhắc đến. Bất kể đối phương có tổ chức hệ thống phòng ngự chặt chẽ, kỷ luật như thế nào, khoảng trống sẽ luôn xuất hiện. Chúng không phải những khoảng trống là các ô được kẻ sẵn, được định hình sẵn trên sa bàn qua các hình khối, mà là khoảng trống được tạo ra do hành động phòng ngự của đối thủ và hành động của chính cầu thủ có bóng tấn công.

Hai trong số những cơ hội ngon ăn nhất của City ở hiệp hai, đến từ Foden và Gundogan, đều có đóng góp “vô hình” của việc Erling hút người, khiến hàng thủ Inter “nở” ra những khoảng trống vừa đủ để khai thác.

Đó là tình huống ở phút 69, với pha đập nhả trong không gian hẹp ở nách hàng thủ Inter giữa Gundogan – Grealish – Gundogan – Foden. Người kết thúc là cầu thủ người Anh, ngay ở gần chấm penalty. Chính việc Erling chủ động di chuyển đến khu vực cột xa đã “ghim” lấy hai cầu thủ phòng ngự Inter, giúp mở ra không gian cho 3 đồng đội kia chiếm lĩnh.

 

Một tình huống ngon ăn khác là pha đánh đầu ở những giây bù giờ cuối cùng của Gundogan. Hành động di chuyển cũng về phía cột xa của Erling đã hút theo hai cầu thủ phòng ngự Inter, ghì line thủ xuống thấp, mở ra khoảng trống để Gundogan băng vào đón đường tạt của Doku.

 

Có lẽ, nếu Erling là một dạng cầu thủ khác, một người giỏi liên kết để tạo ra tính liền mạch trong các pha bóng với đồng đội, có thể ngay cả khi không ghi bàn, người ta vẫn sẽ không nói anh là nhạt nhòa trên sân. Nhưng Erling là một “goalscorer” theo chính phân loại trong bảng phân tích dữ liệu của cựu Giám đốc Nghiên cứu Liverpool là Ian Graham. Thứ định nghĩa nên Erling trong một trận đấu là ghi bàn hoặc không ghi bàn, không có những điều khác.

Đến lúc này, chúng ta cũng đã rõ, Pep khi quyết định mang về Erling, chấp nhận rằng chính lối chơi của City mới cần được điều chỉnh để tận dụng những điểm mạnh của cầu thủ người Na Uy, chứ không phải thích ứng theo chiều ngược lại (dù nói như Akanji vừa qua thì giờ đây Erling đã bắt đầu hoàn thiện hơn).

Vậy nên, nếu Erling đã bị bao vây, phong tỏa trong vùng cấm, thì anh cứ việc ở đấy. City cần Erling trong vùng cấm, chứ không cần một tiền đạo hoạt động rộng hay giật lùi về kết nối. Pep và các đồng đội sẽ lo phần còn lại.

Erling có thể mờ nhạt dựa trên thước đo định nghĩa mà tất cả biết về anh, nhưng anh suy cho cùng cũng chỉ là một cá nhân được đặt trong hệ thống của Pep ở Man City. Màn trình diễn của Erling không phải là cả trận đấu của City. Erling không ghi bàn, nhưng nếu City vẫn chơi tốt, đó sẽ không phải là vấn đề. Và trận đấu trước Inter rạng sáng nay của City, Pep khẳng định trong phòng họp báo, là tốt hơn nhiều so với trận chung kết Champions League 2023.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Momahed Salah & một phiên bản nâng cấp dưới thời Arne Slot

Sau chiến thắng 2-1 của Liverpool trước Chelsea vào cuối tuần trước, Arne Slot đã đùa với Trent Alexander-Arnold rằng anh đã có thêm một đối thủ cạnh tranh ở vị trí hậu vệ phải: Mohamed Salah. Huấn luyện viên của Liverpool không chỉ ấn tượng với nỗ lực phòng ngự của Salah mà còn với cả bàn thắng và pha kiến tạo của anh.

Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đang sử dụng hậu vệ biên như thế nào?

Các hậu vệ biên đã chuyển từ một vị trí ít được chú ý trở thành vị trí có thể đảm nhiệm gần như mọi nhiệm vụ ở trên sân. Hiện tại, mỗi đội bóng đều sử dụng những hậu vệ biên theo nhiều cách khác nhau: từ vai trò phòng ngự, làm người kiến thiết lối chơi cho đến việc chơi bó vào trong như một tiền vệ trung tâm. Vậy hiện giờ mỗi đội bóng tại Premier League triển khai hậu vệ biên của họ như thế nào?

Tottenham Hotspur đã xé tan Manchester United như thế nào?

Nếu Manchester United muốn biết thế nào là một hệ thống chiến thuật được tổ chức tuyệt vời, họ nên xem lại trận thắng của Tottenham Hotspur trước chính họ ngay tại Old Trafford vừa qua. Trước một hệ thống pressing vô hồn và sự kém cỏi trong khâu chống phản công của đội chủ nhà, Spurs đã xé nát Man United thành từng mảnh.