Từ vòng 16 đội cho đến tứ kết Champions League mùa giải này, Man City của Pep Guardiola đều chạm trán những đại diện của nước Đức, lần lượt là RB Leipzig và mới đây là Bayern Munich. Lượt về trước Leipzig, City đả bại đối thủ 7-0. Và hồi giữa tuần qua cũng tại Etihad, Bayern trở thành nạn nhân mới nhất của City khi thất bại 0-3. Cả hai chiến thắng ấy đều có chung một dấu ấn chiến thuật đến từ Pep Guardiola: những pha di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên khi gây áp lực tầm cao.
Vậy, những đường cong pressing ấy của nhà cầm quân người Tây Ban Nha lợi hại như thế nào? Hãy cùng Trên Đường Pitch tìm hiểu chi tiết qua bài phân tích dưới đây của BLV Hoàng Thông - Le Foot thực hiện.
Hồi ức… World Cup 2022
Cho đến trận gặp tuyển Pháp ở bán kết World Cup 2022, một trong những bí quyết làm nên hành trình thành công của Ma Rốc chính là hệ thống phòng ngự tầm trung, duy trì đội hình kiêng cố, kín kẽ từ khu vực giữa sân đổ về trước khung thành. Trên thực địa, hệ thống ấy là 4-5-1 khi hai tiền đạo cánh lùi xuống hàng tiền vệ, hoặc trong một số giai đoạn không bóng thì trở thành 5-4-1 với một tiền vệ cánh ở khu vực gần bóng của đối phương tiếp tục lùi xuống.
(Khối phòng ngự 4-5-1 kín kẽ và kỷ luật của Ma Rốc trước Tây Ban Nha ở World Cup 2022) |
Nhưng khối đội hình chỉ là một lẽ, vấn đề tiên quyết nằm ở vai trò rõ ràng, không lay chuyển của các cá nhân trên sân trong hệ thống ấy.
Về cơ bản, khi Ma Rốc không bóng, tiền đạo mũi nhọn của họ là Youssef En-Nesyri luôn tìm cách duy trì vị trí trước mặt tiền vệ trụ của đối phương nhằm chặn hướng chuyền bóng đến vị trí này, nếu các tiền vệ số 8 của họ tiến lên gây áp lực đối với trung vệ cầm bóng của đối phương thì tiền vệ trụ Amrabat sẽ không còn quét lót ở đáy nữa, mà di chuyển bắt người lấp cho đồng đội vừa dâng lên.
Sự linh hoạt còn nằm ở chỗ: Tiền vệ số 8 của Ma Rốc luôn sẵn sàng di chuyển lên, gây áp lực với trung vệ lệch cầm bóng ở cùng khu vực của đối thủ. Nếu trung vệ lệch của đối thủ đẩy quả bóng ra biên cho hậu vệ cánh, đến lượt tiền đạo cánh (bấy giờ đã trở thành tiền vệ cánh trong hệ thống 4-5-1) của Ma Rốc tiến tới gây áp lực.
Cứ thế cứ thế, cả khối đội hình Ma Rốc nếu nhìn từ trên cao sẽ di chuyển như thể một mặt phẳng nghiêng từ cánh này sang cánh kia, với cự ly giữa các tuyến theo chiều dọc và cự ly giữa các vị trí theo chiều ngang luôn được đảm bảo.
(Ma Rốc khi không bóng với khối phòng ngự tầm trung: Những cầu thủ chạy cánh và các số 8 gây áp lực với cầu thủ có bóng của đối phương theo những đường chạy hình vòng cung bo hướng ra biên) |
Song, có một chi tiết nổi bật đã tồn tại xuyên suốt chiến dịch Qatar 2022 của thầy trò Walid Regragui. Đó chính là cách thức các cầu thủ Ma Rốc di chuyển gây áp lực lên cầu thủ có bóng của đối phương. Tất cả đều thấm nhuần thao tác ấy, không một trận đấu nào có dấu hiệu thay đổi.
Trong những pha dâng lên gây áp lực của các tiền vệ số 8 hoặc tiền vệ cánh Ma Rốc, họ đều không lao lên theo phương thẳng đứng, mà di chuyển theo hình vòng cung, với đường cong bo hướng ra biên. Mục đích là ngăn không cho các trung vệ lệch của đối phương dễ dàng có được hướng chuyền bóng ra biên cho hậu vệ cánh hoặc cho tiền đạo cánh, còn các hậu vệ cánh thì không có được hướng chuyền bóng thẳng dọc biên dễ dàng cho các tiền đạo cánh.
(Những tiền đạo/tiền vệ cánh của Ma Rốc di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên khi gây áp lực lên cầu thủ có bóng của đối phương) |
Ví dụ như trước Tây Ban Nha (bởi quá điển hình ở trận đấu này, chúng ta có thể bắt gặp các pha di chuyển gây áp lực kiểu đó của Ma Rốc): Với những pha triển khai bóng từ tuyến dưới, nếu Tây Ban Nha muốn lên bóng tuần tự, họ buộc phải đâm bóng thẳng vào các hành lang trong (tức nách trung lộ) cho các tiền vệ số 8. Nhưng vốn dĩ, khu vực này lại quá hạn hẹp không gian và luôn trực chờ bị vây hãm. Cũng cần phải lưu ý rằng, bấy giờ vị trí của Busquets đã bị chặn bởi En-Nesyri, đồng thời sau lưng tiền vệ đang khoác áo Barca còn có cả Amrabat. Do đó, các học trò của Luis Enrique liên tục chuyền ngang ở tuyến dưới.
(Những tiền vệ số 8 của Ma Rốc cũng di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên khi gây áp lực lên cầu thủ có bóng của đối phương) |
Đường cong trước RB Leipzig
Ở trận lượt về vòng 16 đội Champions League giữa Man City và RB Leipzig, đội bóng của Pep Guardiola chỉ sau đúng 4 phút nhập cuộc đã nhìn ra một điểm có thể khai thác lên đối phương và từ đó đến đầu hiệp hai, họ hoàn toàn thành công với cách tiếp cận ấy.
Hãy nghe lại những phát biểu sau trận đấu ngày hôm đó của HLV Marco Rose bên phía Leipzig, để hiểu thêm về một trong số các nguyên nhân khiến đội bóng nước Đức phải thua thảm 0-7: "Chúng tôi thua trận đấu ở khía cạnh pressing của City. Họ pressing quá hay! Chúng tôi không có câu trả lời với quả bóng, chúng tôi không có giải pháp khi có bóng."
Nếu đã nói sau 4 phút City "mới" có sự điều chỉnh, thì trong 4 phút đầu tiên của trận đấu, điều gì đã diễn ra?
RB Leipzig tại Etihad sử dụng hệ thống 4-4-2 hay 4-2-2-2 quen thuộc từ sự ảnh hưởng của Ralf Rangnick. Với những tình huống đại diện nước Đức triển khai bóng từ tuyến dưới, thủ môn Blaswich của họ thường đứng giữa cặp trung vệ kéo rộng ra là Orban và Gvardiol. Hai hậu vệ cánh Henrichs và Raum thường giữ vị trí sát biên và ngang hàng với cặp tiền vệ trung tâm Haidara cùng Kampl.
Trước phút thứ 4, City pressing tầm cao với khối 3-2 gồm Grealish-Gundogan-Bernardo ở phía sau Haaland-KDB. Bấy giờ, Leipzig phần nào vẫn đưa bóng được ra hai biên, kết hợp cùng sự lui về hỗ trợ của những Szoboszlai hay Laimer.
(Khối pressing của City trong khoảng 4 phút đầu tiên trước RB Leipzig) |
Phút 3:35 của trận đấu, trong một tình huống phạt góc dành cho City, một hình ảnh được camera bắt lấy và đưa lên sóng truyền hình trong tích tắc: John Stones ghé vào tai của Bernardo Silva điều gì đó, điệu bộ cánh tay phải của Stones vẽ ra một hình vòng cung trong lúc nói chuyện với cầu thủ người Bồ. Rất có thể, trung vệ người Anh đã nhắn gửi một thông điệp từ Pep Guardiola dành cho Bernardo Silva, về một lối di chuyển hình vòng cung nào đó.
(Thông điệp từ John Stones dành cho Bernardo Silva) |
Bất kể John Stones đã nói điều gì với Bernardo, có một thứ khác hẳn trước đó chắc chắn đã diễn ra ngay sau quả phạt góc ấy. Và sự thay đổi được nhìn thấy rõ ràng từ cái hiệu lệnh, hay hành động chỉ tay ra dấu của KDB dành cho Bernardo.
Phút 4:20, vẫn một pha triển khai bóng từ tuyến dưới nữa của Leipzig. Khi bóng trong chân trung vệ lệch trái Gvardiol, lúc này Bernardo đứng thấp tạo thành cấu trúc 4-2-2-2 khi không bóng của City. Lập tức, KDB hướng sang Bernardo, anh cũng y như John Stones, vẽ cánh tay thành hình vòng cung, xua người đồng đội dâng lên ngang hàng hoặc thậm chí cao hơn mình.
Phút 4:24, khi bóng được chuyền về thủ thành Blaswich, KDB một lần nữa xua tay tương tự đối với Bernardo.
Hành động đó của tiền vệ người Bị liên tiếp xuất hiện ở các phút 5:09, 12:44 và 31:09.
(Những cái chỉ tay ra hiệu của KDB dành cho Bernardo Silva) |
Từ sự “chỉ đạo” trên sân của KDB, City sau 4 phút đầu tiên đã thay đổi cách pressing của họ. Cấu trúc pressing tầm cao của họ trở thành 4 cầu thủ tạo thành hình cánh cung lên hàng thủ 4 người và thủ môn của đại diện nước Đức. Trong đó, Haaland và De Bruyne giữ vai trò phủ bóng (cover shadow) lên cặp tiền vệ trung tâm Haidara và Kampl của Leipzig, tức chặn hướng chuyền bóng đến hai cầu thủ này. Đồng thời, cả Haaland hoặc De Bruyne sẽ có những thời điểm di chuyển lên gây áp lực với trung vệ tương ứng và thủ thành Blaswich.
Trong khi, vai trò của Bernardo Silva và Jack Grealish là cũng phủ bóng lên cặp hậu vệ cánh của Leipzig, nhưng điểm nhấn nằm ở các pha di chuyển gây áp lực hình vòng cung bo hướng ra biên lên cặp trung vệ của đối thủ. Leipzig đã thật sự phá sản với ý đồ triển khai bóng từ tuyến dưới bởi cách pressing ấy của City, đúng như Marco Rose tâm sự sau trận.
(Khối pressing “mới” của City trước RB Leipzig) |
Trong cách pressing đó của City, hành động châm ngòi hay khởi phát cho các pha di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên của Bernardo hoặc Grealish – tức “pressing trigger”, chính là khi thủ thành Blaswich chuyền quả bóng sang một trong hai trung vệ lệch bên cạnh anh. Do đó, có thể hiểu cho thông điệp của KDB dành cho Bernardo, đó là: Chạy cong ra biên, vừa chặn hướng chuyền bóng của trung vệ lệch trái ra biên cho hậu vệ cánh trái, vừa giữ momen trong đường chạy ấy để lao lên gây áp lực với chính trung vệ lệch trái kia.
Không những vậy, Bernardo bấy giờ còn tiếp tục đà di chuyển hình vòng cung ấy, gây áp lực lên cả vị trí thủ thành Blaswich – nhấn mạnh thêm rằng, Blaswich kiểm soát và chuyền bóng không thật sự ổn tí nào khi thường xuyên chuyền những quả bóng rất lập bập và lỡ cỡ. Hành động tương tự cũng xuất hiện ở Jack Grealish.
Suốt hiệp một trận đấu giữa City vs Leipzig, chúng ta có thể dễ dàng lấy ra một loạt các pha di chuyển gây áp lực kiểu đó của Bernardo và Grealish. Cần phải nói thêm về vai trò của những Haaland hay KDB trong hệ thống pressing ấy của City: Họ luôn phải di chuyển không bóng phía trước mặt cặp tiền vệ trung tâm của Leipzig, chặn hướng chuyền bóng đến các cầu thủ này. Pressing chính là như vậy, đồng bộ và kết nối giữa các mắt xích.
(Những pha di chuyển gây áp lực hình vòng cung bo hướng ra biên của Bernardo Silva và Jack Grealish trước RB Leipzig) |
Chính tình huống dẫn tới quả phạt góc ở phút 18 mà sau đó VAR vào cuộc xác định có penalty cho City là kết quả của cả quy trình pressing đó. Khi Bernardo Silva thực hiện cú di chuyển vòng cung bo hướng ra biên để gây áp lực lên trung vệ lệch trái Gvardiol, rồi sau đó lấn vào trong gây áp lực lên thủ thành Blaswich, phương án chuyền bóng khả dĩ dành cho thủ môn này chỉ còn trung vệ lệch phải, bởi cặp tiền vệ trung tâm của Leipzig đều đã bị Haaland và De Bruyne che chắn. Pha bóng kết thúc với việc Blaswich hoảng hốt chuyền bóng lỗi ra biên và City được hưởng phạt góc.
(Tình huống dẫn tới quả đá phạt góc và từ đó City được hưởng penalty) |
Đường cong trước Bayern Munich
Trong cuộc đối đầu giữa Man City và Bayern Munich ở lượt đi tứ kết Champions League mới đây, đại diện nước Đức nhập cuộc với một hệ thống lẫn cấu trúc triển khai bóng từ tuyến dưới khác với thời Julian Nagelsmann. Thậm chí, nếu so sánh với 3 trận đấu đầu tiên dưới thời Thomas Tuchel, Bayern đã có sự thay đổi khi làm khách trên đất Anh.
Trong 3 trận đầu tiên của mình, Tuchel lựa chọn cấu trúc triển khai bóng là 2-3 làm chủ đạo, gồm 2 trung vệ ở hàng đầu tiên, hàng tiếp theo là hai hậu vệ cánh chơi bên hông tiền vệ Kimmich nhưng vẫn giữ cự ly gần với đường biên dọc.
(Cấu trúc đội hình khi triển khai bóng từ tuyến dưới của Bayern Munich trong 3 trận đầu tiên Thomas Tuchel làm HLV trưởng) |
Song, tại Etihad, với hệ thống về mặt lý thuyết là 4-2-3-1, Bayern Munich khi triển khai bóng đã chơi với một cấu trúc là 4-2 hoặc 2-4 ở tuyến dưới. Bấy giờ, hệ thống tổng thể của đại diện nước Đức là 4-2-2-2, giống như cách RB Leipzig đã từng sử dụng cũng trước Man City.
Trong cấu trúc triển khai bóng đó của Bayern, thủ thành Yann Sommer đứng giữa cặp trung vệ Upamecano và De Ligt, hai hậu vệ cánh là Pavard và Davies giữ vị trí như những hậu vệ cánh bình thường, họ kết hợp cùng Kimmich và Goretzka ở trung lộ tạo thành hai tuyến làm bóng đầu tiên.
Ở tuyến trên, Leroy Sane và Kingsley Coman có xu hướng bám biên để duy trì chiều ngang sân. Trong khi, người giữ vai trò số 9 là Serge Gnabry thường xuyên giật lùi về để chiếm lĩnh những khoảng trống ở hành lang trong phải (theo hướng lên bóng của Bayern) giữa hai tuyến City. Jamal Musiala cũng có hành động tương tự ở hành lang trong trái.
Trước cấu trúc triển khai bóng đó của đối thủ, Man City đã thiết lập hệ thống phòng ngự qua cấu trúc 4-4-2 và chơi pressing tầm cao. Cấu trúc này được giữ nguyên cả khi pressing tầm trung (tức lùi về từ giữa sân). Tuyến pressing đầu tiên của chủ nhà gồm Erling Haaland và Kevin De Bruyne (KDB), giữ vai trò gây áp lực lên các trung vệ cầm bóng của Bayern. Tuyến pressing thứ hai gồm Jack Grealish, Ilkay Gundogan, Rodri và Bernardo Silva; trong đó, Grealish và Bernardo gây áp lực trực tiếp lên hai hậu vệ cánh của Bayern, còn Gundogan và Rodri gây áp lực lên cặp tiền vệ trung tâm của đối thủ.
(Phân vai gây áp lực của Man City lên các cầu thủ trong khâu triển khai bóng từ tuyến dưới của Bayern Munich) |
(Những ví dụ cho thấy kết cấu 4-4-2 khi không bóng của City, ở cả pressing tầm cao lẫn tầm trung trước Bayern) |
John Stones đóng vai trò như một cầu thủ dạng hybrid (lai) trong hệ thống: Khi có bóng, anh dâng lên trở thành một tiền vệ trung tâm, còn khi không bóng, anh lùi xuống như một trung vệ giữa. Rất thường xuyên khi City pressing tầm cao, Stones sẵn sàng di chuyển theo kèm Musiala.
Trong một số thời điểm, hoặc Kimmich hoặc Goretzka lùi về thấp, chơi giữa hai trung vệ Upamecano và De Ligt để tạo thành lớp 3 người trước mặt Sommer, tạo ra thế áp đảo quân số so với Haaland và KDB trong lớp pressing đầu tiên của City.
(Kết cấu hệ thống triển khai bóng của Bayern Munich và pressing tầm cao của Man City trong hiệp một tại Etihad) |
Trong hiệp một, Man City đã không thể ngăn cản thành công khâu triển khai bóng từ tuyến dưới của Bayern Munich. Những khoảng trống ở hai hành lang trong giữa hai tuyến của City đã được Bayern khai thác hiệu quả. Nếu Musiala còn thường xuyên được Stones chăm sóc kỹ càng, thì Gnabry lại có được sự tự do với những pha di chuyển lùi về để trở thành một điểm kết nối bóng cho nhóm 4-2 ở tuyến dưới của Bayern.
(Một tình huống Serge Gnabry giật lùi về sau lưng cặp tiền vệ trung tâm của City để nhận bóng ở hành lang trong phải giữa hai tuyến từ đường chuyền của Kimmich) |
(Một tình huống khác khi Bayern luân chuyển bóng nhịp nhàng và dễ dàng từ tuyến dưới. Một lần nữa, Gnabry di chuyển sau lưng Gundogan và Grealish để trở thành điểm nhận bóng) |
(Hay như pha bóng này, vẫn là Gnabry giật lùi về sâu ở hành lang trong phải và nhận đường chuyền xuyên tuyến của Upamecano) |
(Musiala cũng có những tình huống di chuyển tương tự Gnabry để nhận bóng giữa hai tuyến City) |
Không những vậy, Pavard với đặc thù là một cầu thủ có thể chơi được trong cả vai trò trung vệ lệch phải lẫn hậu vệ cánh, dễ dàng thay đổi vị trí đứng (có lúc lùi về thấp chơi cạnh cặp trung vệ, có lúc dâng lên cao) để lẻn ra sau lưng của người theo kèm anh ở cánh này là Grealish. Chính những khoảng trống sau lưng Grealish và giữa hai tuyến City đã được Bayern nhắm tới nhiều lần trong việc thoát pressing. Đó có thể là từ những cú chuyền bổng của thủ thành Sommer, hoặc từ những pha chuyền bóng xuyên tuyến của Upamecano.
(Pavard lẻn ra sau lưng Grealish để trở thành điểm thoát pressing cho Bayern, nhận đường chuyền bổng từ thủ thành Sommer) |
(Một tình huống tương tự khi một lần nữa, Sommer tìm thấy Pavard ở khoảng trống sau lưng Grealish) |
Có thể khẳng định, trong hiệp một trước Bayern, City đã không tổ chức được những tình huống gây áp lực hiệu quả trên phần sân đối phương để hoặc thu hồi bóng hoặc ngăn chặn tốt các pha triển khai bóng từ tuyến dưới của đối thủ, bởi những khoảng trống ở nách trung lộ giữa hai tuyến đã được các học trò Thomas Tuchel tận dụng thành công trong việc thoát pressing.
Sau trận đấu này, đích thân Pep Guardiola trong một cuộc phỏng vấn nhanh cũng đã khẳng định: “Trong khoảng 55 đến 60 phút đầu tiên, thế trận chặt chẽ và không dễ dàng với chúng tôi. Nhiều thời điểm, chính Bayern mới là đội chơi hay hơn. Nhưng sau 65 phút, không tính đến việc bàn thắng thứ hai đã giúp ích rất nhiều, thì chúng tôi còn có một vài những sự thay đổi và khâu pressing trở nên hiệu quả hơn. Trước đó, Bayern có Musiala – một cầu thủ thật sự xuất sắc – cùng Gnabry, họ liên tục tạo ra những sự đe dọa ở các ‘pocket’ (tức nách trung lộ, hay hành lang trong), họ di chuyển từ phía sau với tốc độ và sự nhanh nhẹn của mình. Thế nên, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn.”
Vậy thì chính xác, trong hiệp đấu thứ hai, Pep Guardiola đã “có một vài những sự thay đổi” như thế nào để “khâu pressing trở nên hiệu quả hơn”?
Thực tế, không phải chỉ bắt đầu từ sau phút 65, mà ngay từ đầu hiệp hai, Pep đã có những điều chỉnh trong cấu trúc pressing ở tuyến đầu của City. Những hình ảnh minh họa dưới đây cho thấy: City đã từ bỏ kết cấu 4-4-2 tương đối phẳng khi không bóng, để chuyển thành dạng 4-2-2-2, tức là thay đổi độ cao-thấp ở vị trí đứng của cặp Grealish – Bernardo so với cặp Haaland – KDB.
(Sự thay đổi trong cách pressing của City trước Bayern ở hiệp hai: Grealish và Bernardo thay đổi vị trí đứng cùng đối tượng pressing với những pha di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên) |
Nếu trong hiệp một, Haaland và KDB giữ vị trí cao nhất để gây áp lực lên cặp trung vệ của Bayern, còn Grealish và Bernardo giữ vị trí thấp hơn để gây áp lực trực tiếp lên cặp hậu vệ cánh của đối thủ; thì từ hiệp hai trở đi, hai cầu thủ ở biên của City dâng cao hơn và chính họ hướng áp lực về cặp trung vệ của Bayern. Với những pha gây áp lực của mình, Grealish và Bernardo đều thực hiện những bước di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên để vừa chặn hướng chuyền bóng của các trung vệ đến các hậu vệ cánh.
Điều này có nghĩa, City đã vận dụng lại thao tác pressing mà họ từng đạt được thành công trước RB Leipzig ở lượt về vòng 16 đội. Và như đã chỉ ra, hệ thống lúc triển khai bóng của Bayern khá giống với chính Leipzig, tức đều là 4-2-2-2.
Khi Grealish và Bernardo giữ nhiệm vụ gây áp lực trực tiếp lên cặp trung vệ và ‘cover shadow’ các hậu vệ cánh, Haaland và KDB bấy giờ theo kèm cặp tiền vệ trung tâm của Bayern là Kimmich và Goretzka, còn Rodri và Gundogan di chuyển lót ở phía sau với nhiệm vụ quét và ngăn chặn những đường chuyền xuyên tuyến hướng đến Musiala cùng Gnabry – những cầu thủ mà trong hiệp một thường xuyên giật lùi về ở các hành lang trong để làm cửa thoát bóng. Đồng thời, ở tuyến dưới cùng, các hậu vệ của City cũng trở nên quyết liệt hơn trong các pha di chuyển dập bóng để bám sát những mũi công còn lại của Bayern.
(Đầu hiệp hai, Grealish và Bernardo đã không còn giữ vị trí thấp hơn Haaland và KBD, họ dâng cao hơn để gây áp lực lên các trung vệ của Bayern bằng những đường chạy hình vòng cung bo hướng ra biên) |
(Những ví dụ khác cho thấy cách thức pressing thay đổi của City) |
Đặc biệt, vị trí của trung vệ Upamecano đã được chủ đích nhắm tới ngay từ đầu hiệp hai với các pha di chuyển gây áp lực khôn ngoan của Jack Grealish. Những lời cảnh báo đã có từ những phút đầu hiệp đấu.
(Phút 50: Cơ hội lớn đầu tiên đến với City từ tình huống di chuyển hình vòng cung bo hướng ra biên để gây áp lực của Grealish lên Upamecano) |
Sự kết hợp đồng bộ của các mắt xích trong hệ thống gây áp lực mới của City khiến các trung vệ của Bayern không còn tìm thấy những góc chuyền bóng thuận lợi để đưa quả bóng vào các nách trung lộ như trong hiệp một. Ngay cả khi tìm cách chuyền bóng xuyên tuyến, những đường chuyền đó của các trung vệ Bayern cũng bị bắt bài bởi sự phong tỏa của cặp Rodri và Gundogan.
(Một nỗ lực chuyền bóng xuyên tuyến của Upamecano dành cho Musiala, nhưng Rodri đã đọc bài và cắt được đường bóng) |
Hướng chuyền bóng thoát pressing thuận lợi nhất dành cho Upamecano khi bị Grealish gây áp lực bấy giờ là chuyền bổng và chéo sang cánh trái. Song, để làm được điều đó, trung vệ người Pháp buộc phải xoay chuyển cơ thể cồng kềnh của mình để có được góc chuyền. Một điểm hạn chế của cặp trung vệ Bayern là việc cả hai đều thuận chân phải.
(Upamecano không còn nhiều sự lựa chọn để chuyền bóng thoát pressing) |
Bàn thắng thứ hai mà City ghi được tuy là lỗi xử lý bóng trực tiếp của Upamecano, nhưng tác nhân quan trọng nhất vẫn là pha di chuyển hình vòng cung gây áp lực của Grealish, thứ đã xuất hiện từ đầu hiệp hai.
(Những góc máy khác nhau về pha bóng dẫn tới bàn nâng tỷ số lên 2-0 của City: Upamecano không còn lựa chọn chuyền bóng nào mở ra trước mặt với tư thế cơ thể và góc chuyền bóng mà cầu thủ này có. Pavard ở vị trí gần nhất thì đã bị Grealish chắn trước mặt, các đồng đội khác đều bị theo kèm một-một. Kimmich đã ra hiệu cho Upamecano chuyền chéo sang cánh trái, đưa quả bóng tới Gnabry nhưng bất thành)
Phải khẳng định rằng, lựa chọn thay đổi cấu trúc pressing của City trong hiệp hai là một nước đi mạo hiểm. Như từ pha bóng dẫn tới bàn nâng tỷ số lên 2-0, chúng ta có thể thấy rằng ở tuyến dưới, City chấp nhận rủi ro để các hậu vệ của mình bắt người một-một. Đồng thời, khi để Grealish và Bernardo dâng cao hơn gây áp lực, nguy cơ tồn tại là việc Bayern đưa quả bóng thành công ra hai biên, tới các hậu vệ cánh, bấy giờ đối thủ có thể có được quân số đông đảo để tổ chức tấn công nhanh. Tuy vậy, sự điều chỉnh ấy trong hiệp hai của Pep Guardiola đã mang lại quả ngọt.
Những phút còn lại trong trận đấu, City vẫn duy trì cách pressing như vậy và cũng thêm một số lần khiến Bayern lao đao, nhất là ở vị trí của Upamecano. Tâm lý của trung vệ người Pháp có thể đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các sai lầm trong việc để mất bóng, dẫn tới những cơ hội và bàn thắng cho City. Song, chính cách pressing của City, nhất là của Grealish đã góp phần quan trọng tạo nên các sai sót đó.
Nếu so sánh giữa các hành động phòng ngự là thu hồi bóng trong hiệp một và hiệp hai của City trước Bayern, dễ nhận ra ở hiệp hai, đội chủ nhà giành lại được quyền kiểm soát bóng vượt trội trên phần sân đối phương hơn. Nếu hiệp một, City thu hồi bóng thành công trên phần sân Bayern chỉ 9 lần, thì sang hiệp hai, con số này là 18 lần. Đồng thời, mật độ các pha thu hồi bóng thành công đó của City xuất hiện dày đặc ở khu vực hoạt động của Upamecano.
(So sánh các hành động thu hồi bóng thành công của City trong hiệp một (trên) và hiệp hai (dưới) trước Bayern) |
Bayern Munich của Thomas Tuchel đã có một thế trận không hề tồi, thậm chí là tốt trong hiệp một (ngoại trừ việc họ đã không theo kèm người tốt đối với Rodri, dẫn tới bàn mở tỷ số của tiền vệ người Tây Ban Nha), nhất là ở cách thoát pressing và tổ chức lên bóng. Nhưng sự điều chỉnh kịp thời và chấp nhận mạo hiểm của Pep Guardiola trong hiệp hai đã giúp City buộc đối thủ dễ dàng mắc sai lầm hơn. Một lần nữa, những pha di chuyển gây áp lực hình vòng cung bo hướng ra biên đã lại mang về chiến thắng ngọt ngào dành cho thầy trò Pep Guardiola.
BLV Hoàng Thông (Le Foot)