Hoài niệm về những năm 2000: Barclaysmen và nguy cơ khi so sánh các thời đại khác nhau

Tác giả Skeleton - Thứ Ba 19/11/2024 11:32(GMT+7)

Zalo

Mỗi thời đại bóng đá có bối cảnh, phong cách chơi và yêu cầu khác nhau, nên việc so sánh chúng có thể dẫn đến sự thiếu công bằng hoặc sai lệch trong cách nhìn nhận.

thumb bai TDP
 

Khi đến một độ tuổi nhất định, mọi người sẽ có xu hướng nhìn lại mọi thứ và hoài niệm về những ký ức của thời xưa cũ. Lampard cũng như vậy, thời gian gần đây anh cũng đi chơi cùng với bạn bè và bắt đầu ôn lại những kỷ niệm xưa.

"Đó là câu chuyện thường thấy thôi. Khi bạn trò chuyện với bạn bè của mình, họ sẽ bắt đầu phàn nàn rằng bóng đá bây giờ đã kém hấp dẫn hơn so với trước kia." - cựu tiền vệ của Chelsea chia sẻ với The Athletic.

"Và điều họ thường nói sẽ là: 1 - các yếu tố chiến thuật đã làm cho bóng đá trở nên nhàm chán hơn. 2 - các cầu thủ không còn xuất sắc như thời của chúng tôi nữa - cái thời mà có rất nhiều cầu thủ chúng tôi thích xem..."

Và tất nhiên, Frank Lampard thấu hiểu những ý kiến đó của bạn bè mình. Là một trong những biểu tượng của kỷ nguyên Premier League, Frank Lampard có nhiều điều kiện hơn nhiều người để có thể hoài niệm về bóng đá từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2010. Những ngôi sao nổi bật như Thierry Henry, Cristiano Ronaldo, Didier Drogba; những chiến binh của hàng tiền vệ như Roy Keane, Patrick Vieira và Steven Gerrard; những huấn luyện viên vĩ đại như Sir Alex Ferguson, Jose Mourinho và Arsene Wenger, những cá tính mạnh mẽ, những cuộc cạnh tranh khốc liệt, những cuộc thư hùng "bom tấn", những chuyến làm khách đầy thử thách đến Blackburn, Bolton và Stoke trong tiếng gió rít và mưa xối xả. Những cảm giác đó càng trở nên mãnh liệt hơn khi chúng ta nhìn lại một thời kỳ vàng son.

Đôi khi, giống như nhiều người trong chúng ta, Lampard cũng sẽ cảm nhận được điều đó, kiểu: khi ngồi xuống xem một trận cầu lớn, "khi cầm bia trong tay và háo hức chờ đợi một trận đấu hấp dẫn" thì lại phải chứng kiến một màn trình diễn hơi có phần nhà...mm.... ch...

"Nhàm chán?" Không, Frank Lampard đã phản ứng ngay khi nghe tới đoạn đó. Cựu tiền vệ của Chelsea không cảm thấy bóng đá hiện đại nhàm chán. Từ góc độ của một huấn luyện viên, anh cảm thấy nó thú vị khi nghiên cứu những yêu cầu đặt ra cho các cầu thủ ngày nay và thậm chí cả ở vị trí thủ môn trong cách triển khai bóng so với 20 năm trước, đó là còn chưa muốn nói đến những thập kỷ trước đó rất nhiều.

Lampard nói về việc phân tích cách Man City ở thời kỳ bóng đá hiện đại triển khai bóng ra sao dưới thời của Pep Guardiola và cách mà những đội bóng hiện nay cũng đang cố gắng học theo cách chơi đó để tìm đến thành công - anh nói: "chứng kiến Rodri lùi về khu vực gần sát vòng cấm của đội nhà, nhận bóng và chuyền bóng thực sự khiến tôi bất ngờ. Bởi ở thời kỳ còn là cầu thủ chuyên nghiệp, tôi chưa bao giờ muốn làm như vậy ở khu vực đó."

Lampard đã so sánh lối chơi hiện đại với lối chơi ở thời đỉnh cao của mình tại Chelsea và nhìn nhận nó từ góc độ của một huấn luyện viên. Anh "gần như cảm thấy rùng mình" khi thấy một số cách chơi bóng rất đơn giản của thời trước đây. "Petr Cech phất bóng lên cho Didier Drogba, chúng tôi giành lấy bóng hai và sau đó đã tiến sát tới vòng cấm của đối phương," Lampard cười lớn và chia sẻ lại.

lampard
 

Bản thân cựu cầu thủ của Chelsea nhận thấy khó khăn trong việc đánh giá bóng đá của quá khứ qua góc nhìn hiện đại và ngược lại. Mỗi thời kỳ bóng đá có bối cảnh, phong cách chơi và yêu cầu khác nhau, nên việc so sánh chúng có thể dẫn đến sự thiếu công bằng hoặc sai lệch trong cách nhìn nhận.

Nếu quay trở lại thêm khoảng 20 năm nữa, bạn sẽ nghe các cựu cầu thủ nói rằng Roy Keane và Patrick Vieira sẽ không trụ được nổi 5 phút khi đối đầu với những cầu thủ “cứng cựa” của thập niên 1970 như Tommy Smith, Ron “Chopper” Harris và Norman “Bites Yer Legs” Hunter.

"Và tôi không bao giờ muốn tỏ ra như một kẻ lạc hậu rồi luôn nói rằng: 'Ồ, mọi thứ đều tốt hơn vào thời của tôi. Đó chỉ là quan điểm cá nhân thôi, đúng chứ?" - Lampard chia sẻ.

Barclaysmens và làn sóng hoài niệm về thứ bóng đá xưa cũ

Những tháng gần đây, một làn sóng hoài niệm về một thời kỳ trước của bóng đá Anh đã bắt đầu trỗi dậy.

Cultras Football Podcast đã khởi xướng xu hướng #barclaysmen trên mạng xã hội và dành sự tôn vinh với những cầu thủ nhất định thường hướng đến những ngôi sao ở các CLB ít danh tiếng như Jay-Jay Okocha ở Bolton Wanderers, Yakubu ở Portsmouth hoặc Morten Gamst Pedersen ở Blackburn Rovers). Những cầu thủ được nêu trên đều được cho là đã thể hiện đúng tinh thần, phong cách và bản chất của bóng đá Premier League đầu thế kỷ 21 (khi đó giải đấu được tài trợ bởi Barclays Bank, do đó có hashtag #barclaysmen).

barclay
 

Mặc dù có thể dễ sa đà vào việc phân tích quá sâu, nhưng kỷ nguyên Barclays (tránh nhầm lẫn với kỷ nguyên Barclaycard) cũng đã kéo dài từ năm 2004 đến năm 2016. Tuy nhiên ở năm 2016, Premier League đã nhận thấy rằng thương hiệu toàn cầu của giải đấu đã đủ mạnh để không cần nhà tài trợ danh hiệu thêm nữa.

Nói cách khác, "kỷ nguyên Barclays" bắt đầu từ mùa giải 2004-05 với những dấu ấn như Jose Mourinho gia nhập Chelsea và chuỗi bất bại của Arsenal “Invincibles” đi đến hồi kết, rồi tiếp theo đó là trải qua thời kỳ thống trị của “Big Four” (Manchester United, Chelsea, Arsenal, Liverpool) vào giữa và cuối những năm 2000. Giai đoạn này kéo dài đến chức vô địch đầy bất ngờ của Leicester City trong mùa giải 2015-16 và kết thúc ngay trước khi Pep Guardiola đến Manchester City - thời điểm báo hiệu cho một kỷ nguyên mới tại Premier League.

Vậy đó có phải là một "thời kỳ vàng son"? Có lẽ sẽ có một số người sẽ nói như vậy khi họ hoài niệm về một giai đoạn mà mọi trận đấu lớn giữa các đội bóng mạnh đều là những cuộc chiến nảy lửa. Những video tổng hợp trên Youtube sẽ càng làm tăng thêm tính hoài niệm và khiến người ta dễ tin rằng mọi bàn thắng ở giai đoạn này đều là những cú sút xa đẹp mắt từ khoảng cách 25m bắt nguồn từ đôi chân của những cầu thủ có mái tóc bồng bềnh và mặc một chiếc áo rộng thùng thình.

lcfc
Chức vô địch của Leicester City vào mùa 15/16 đã là hồi kết cho Barclays Premier League

Hoặc như cựu tiền vệ của Tottenham và Wolves, Jamie O’Hara đã chia sẻ vào đầu năm nay: "Thật lòng mà nói, hãy đưa tôi về đầu những năm 2000. Thời mà Lampard, Scholes, Gerrard tỏa sáng, hoặc một trận đấu của Stoke vào đêm thứ Ba với Crouchy (Peter Crouch) nhảy robot cũng đủ thú vị. Rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra với bóng đá bây giờ vậy?"

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Chuyện xảy ra là chúng ta đã già đi. Bóng đá ngày nay đã tiến hóa, các trận đấu ít va chạm hơn và cũng tinh tế hơn. Đây là một xu hướng thay đổi tự nhiên, một quá trình phát triển đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử bóng đá, chứ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây.

Chủ đề này đã được nhắc lại vào tháng trước khi The Athletic ôn lại một trong những trận đấu nổi tiếng nhất (hoặc có thể nói là tai tiếng nhất) của kỷ nguyên Premier League.

Nó được nhắc đến vào dịp kỷ niệm 20 năm trận đấu được biết đến với cái tên “Battle of the Buffet”. Ở trận đấu giữa Man United và Arsenal ngày hôm đó, tiền vệ của Arsenal - Cesc Fabregas đã ném một miếng pizza vào Ferguson trong cuộc ẩu đả ở đường hầm sau khi trận đấu kết thúc. Tình huống "ném pizza" sau trận của Cesc Fabregas có phần giống như một vở hài kịch sau trận thì khi nhìn lại, nhưng trên thực tế trận đấu ngày hôm đó là một cuộc chiến dữ dội và đầy căng thẳng. Mức độ gay cấn, các pha va chạm và độ bạo lực trong trận đấu đó nếu được trình chiếu ngày nay có lẽ sẽ bị coi là quá khích và cần đến chứng nhận "R" (nội dung chỉ dành cho khán giả trưởng thành) để phù hợp với tiêu chuẩn truyền hình hiện đại.

buffet
 

Phil Neville hiểu điều đó rõ hơn ai hết. Anh nhớ trận đấu đó là một trong những trận hay nhất của mình cho Manchester United. Tuy nhiên, anh em nhà Neville cũng ý thức rất rõ rằng những người hâm mộ Arsenal có cách nhìn nhận hoàn toàn khác về sự tham gia của anh và Gary Neville trong trận đấu đó. Thay vì xem đó là một màn trình diễn xuất sắc, các cổ động viên Arsenal có thể coi anh em nhà Neville là những nhân vật gây tranh cãi và chủ yếu gắn liền với những pha phạm lỗi gây ra sự khó chịu với người hâm mộ của Arsenal.

Phil Neville và Gary Neville đều bị phạt thẻ vàng trong hiệp một vì những pha phạm lỗi với tiền đạo trẻ của Arsenal, Jose Antonio Reyes. Tuy nhiên, thực tế là họ đã thực hiện nhiều hành động phạm lỗi trước đó và đáng lẽ phải bị phạt thẻ sớm hơn. Phil Neville thừa nhận đó là một trận đấu "nơi bạn dùng những nghệ thuật hắc ám của bóng đá"; "một trận đấu mà tôi nghĩ chúng tôi có lẽ đã đôi lúc vượt quá giới hạn. Ngày hôm đó chắc chắn đã diễn ra như vậy và không có gì phải bàn cãi về điều đó."

“Phong cách của bóng đá bây giờ lại khác rất nhiều rồi” anh nói. “Tôi đã xem một đoạn clip trên Instagram hôm trước về một trận đấu Community Shield, nơi có rất nhiều pha tắc bóng thô bạo đến mức nếu nó xuất hiện ở ngày nay, có lẽ trận đấu sẽ chỉ còn lại đủ người để chơi bóng đá 5 người. Tuy nhiên, điều đáng nói lại là không có pha tắc bóng nào trong số đó bị nhận thẻ vàng. Giờ đây, các cầu thủ bị đuổi vì những pha vào bóng mà 10 năm trước còn chẳng xem xét phạt thẻ."

“Bóng đá thời chúng tôi thi đấu là một thời đại hoàn toàn khác. Nó không chỉ khác ở cách trọng tài điều hành mà còn ở sự giám sát chặt chẽ từ truyền hình, phân tích từ các chuyên gia và áp lực từ mạng xã hội. Nếu trận ‘Battle of the Buffet’ diễn ra ngày nay, chắc chắn sẽ có người phàn nàn trong quốc hội về tính chất bạo lực của nó. Họ có thể nói những câu như: ‘Đây là sự sỉ nhục cho bóng đá.’ ‘Đây là sự sỉ nhục cho thế giới.’ Nhưng nhìn lại, đó thực sự chỉ là một trận đấu bóng đá tuyệt vời mà thôi."

Pizzagate-14
 

Người hâm mộ Arsenal có thể vẫn không đồng tình giống như cách mà HLV huyền thoại của họ - Arsene Wenger đã phản đối mạnh mẽ vào 20 năm trước. Nhưng lập luận của Phil Neville về trận đấu ngày hôm đó vẫn rất đúng. Khi nhìn nhận một cách độc lập thì những pha phạm lỗi của các cầu thủ Man United với Reyes không thể coi là quá mức nghiêm trọng theo tiêu chuẩn bóng đá của thời đó. Trên thực tế, điều khiến các cổ động viên của Arsenal bực tức chính là tần suất liên tục của những pha phạm lỗi được nhắm vào Reyes trước khi trọng tài quyết định rút ra những tấm thẻ vàng dành cho anh em nhà Neville. Trong cuốn tự truyện của mình, chính bản thân Gary Neville cũng giải thích rằng việc phạm lỗi liên tục ở ngày hôm đó chỉ với mục đích là: "doạ cho đối thủ rén hơn mà thôi".

Sự căng thẳng trong từng pha bóng

Việc dùng sức mạnh thể chất để "doạ nạt" đối thủ là một phần của bóng đá Anh từ rất lâu rồi. Đến giữa những năm 2000, điều này mới bắt đầu giảm đi và không còn quá phổ biến như những thập kỷ trước đó. Nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay, những pha bóng mang tính chất "đe doạ" như vậy vẫn được coi là một hành động đáng sợ.

Sự thay đổi của bóng đá càng trở nên rõ ràng hơn khi xem lại trận đấu “Battle of the Buffet”: nó căng thẳng không chỉ bởi những pha tranh chấp giàu tính thể lực mà còn là tần suất mất bóng của cả hai đội. Ngay từ phút đầu tiên, Patrick Vieira đã chuyền bóng sai địa chỉ để rồi mất bóng thẳng vào chân đối thủ. Vài giây sau, Cristiano Ronaldo trượt chân và để Reyes giành lại quyền kiểm soát bóng. Hậu vệ của Arsenal - Lauren đã thực hiện một đường chuyền dài nhưng bóng lại bay thẳng vào đầu của Mikael Silvestre. Gary Neville thực hiện một pha phá bóng nhưng cũng bị Reyes chặn lại. Một đường chuyền hỏng của Paul Scholes khiến Ronaldo phải chạy thẳng ra ngoài đường biên để đón bóng và nhận phải một cú va chạm mạnh từ Asley Cole. Tất cả những thứ hỗn loạn trên chỉ xảy ra trong 37 giây đầu của trận đấu giữa Man United và Arsenal vào năm 2004. 

Trận đấu cứ tiếp diễn theo một nhịp như vậy. Có 4 pha phạm lỗi và rất nhiều đường chuyền hỏng trong 6 phút đầu tiên trước khi trận đấu thực sự trở nên căng thẳng. Edu đã lao thẳng vào Ruud van Nistelrooy; Gary Neville phạm lỗi với Reyes 3 lần trước khi hiệp một kết thúc; Van Nistelrooy dùng gầm giày phạm lỗi với Asley Cole ở vị trí ngay dưới đầu gối - một tình huống phạm lỗi đã không bị trọng tài Mike Riley phát hiện nhưng sau đó bị phạt cấm thi đấu 3 trận vì hành vi bạo lực.

dl
Các pha va chạm dẫn đến nằm sân là chuyện xuất hiện như cơm bữa trong cuộc đối đầu giữa Arsenal và Man Utd

Trọng tài Mike Riley ngày hôm đó đã bỏ qua quá nhiều tình huống, nhưng trên thực tế ông cũng thổi phạt tới 9 lỗi trong khoảng thời gian từ phút 25 đến phút 37. Tổng cộng, ông thổi phạt 44 lỗi và rút 5 thẻ vàng trong một trận đấu đầy căng thẳng. Thực tế, con số này lẽ ra phải cao hơn nhiều, con số 5 thẻ là quá ít.

Đó là một trận đấu mang dấu ấn thời đại. Kể từ khi Opta bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào mùa giải 2003-04, đã có 13 trận đấu tại Premier League có ít nhất 46 pha phạm lỗi và tất cả đều diễn ra trong giai đoạn từ 2003-2007 — thời điểm mà tiêu chuẩn để thổi phạt lỗi còn cao hơn nhiều so với hiện nay. Có thể nói đó là một giai đoạn mang đậm tính chất của Barclays.

a2
Số tình huống phạm lỗi mỗi trận qua từng mùa giải kể từ 2003 đến nay

“Tôi không thích việc so sánh các thời đại với nhau,” Phil Neville chia sẻ. “Nếu nhìn lại những trận đấu thời đó hoặc chỉ nói riêng đến các trận chiến giữa Manchester United và Arsenal, bạn sẽ không thể nào có hy vọng được chứng kiến những cuộc đấu hấp dẫn tới vậy ở thời đại ngày nay. Xét về mặt thể chất và các điều kiện đi kèm, các cầu thủ giờ đây không thể chơi bóng như cách chung tôi đã từng làm ở thời gian trước đây.”

Phil Neville chỉ ra rằng mức độ va chạm thể chất trong bóng đá những năm 2000 đã bị giảm đáng kể so với các thập kỷ trước đó. Ở thời trước, đôi khi “người ta có thể tung nắm đấm vào mặt đối phương ở trên sân mà chỉ nhận thẻ vàng”.

“Lúc tôi chơi bóng, trận đấu đã hoàn toàn khác,” anh chia sẻ, “và bây giờ lại càng khác hơn nữa.”

Những cuộc đụng độ của "Big Four" có nhiệt nhưng... quá thận trọng

Phil Neville không ủng hộ việc quay trở lại thời kỳ mà bạo lực trên sân bóng là điều phổ biến, thời kỳ mà các cầu thủ có thể "đá vào chân nhau một cách không thương tiếc" (Cần lưu ý rằng đội bóng hiện tại anh đang dẫn dắt - Portland Timbers đang là một trong những đội thống kê kỷ luật và fairplay tốt nhất tại Major League Soccer, giống như đội Inter Miami mà trước đó Neville đã từng dẫn dắt).

Tuy nhiên, Phil Neville tin rằng sự hấp dẫn của thể thao được tăng cường nhờ những cuộc đối đầu quyết liệt, đặc biệt là kiểu va chạm quyết liệt từng phổ biến trong bóng đá Anh những năm 2000.… Nhưng giờ đây, những điều này dường như trở nên xa lạ trong môi trường Premier League vì giải đấu đã được “làm sạch” hơn rất nhiều.

Đó là lý do tại sao Neville thấy mình bị cuốn hút vào trận hòa 2-2 giữa Arsenal và Manchester City vào tháng Chín vừa rồi - một trận đấu hiếm hoi kết hợp giữa sự tinh tế của kỹ thuật bóng đá hiện đại với sự kịch tính đầy cảm xúc kèm theo cả tính chất quyết liệt, cay cú của một thời đã qua. “Trận đấu đó giống như những trận đấu mà chúng tôi từng chơi ở thời kỳ trước đây,” cựu tuyển thủ Anh chia sẻ. “Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy phấn khích.”

man city
 

Những cuộc đối đầu giữa các đội bóng lớn trong thập niên 2000 không chỉ là các trận bóng thông thường mà chúng còn có sức hút mạnh mẽ giống như những bộ phim bom tấn ở rạp chiếu phim. Không chỉ đơn thuần là việc Manchester United đối đầu Arsenal, Chelsea gặp Arsenal, Chelsea đấu Liverpool, Manchester United gặp Liverpool mà những cuộc đối đầu này còn tràn ngập sức nóng bởi những cá tính lớn từ khu vực chỉ đạo cho đến tới cuộc chiến trực tiếp trên sân cỏ.

Sự phấn khích hiện rõ trong giọng nói của Phil Neville khi anh hồi tưởng lại các trận đấu giữa Manchester United và Arsenal: sự căng thẳng “sục sôi” giữa hai huấn luyện viên tạo nên một bầu không khí như một chiếc nồi áp suất chỉ chực chờ nổ tung. Còn hai đội bóng trên sân thì luôn tạo ra cảm giác mọi thứ đều như đang đứng trên một lưỡi dao - chỉ cần một sai sót nhỏ là mọi thứ có thể xoay chuyển hoàn toàn. Neville cho biết “mọi thứ sẽ rất kịch tính cả trong và ngoài sân cỏ. Bất cứ lúc nào ai đó cũng có thể làm tình hình trở nên bùng nổ”.

Nhưng có một điều thường bị lãng quên trong lăng kính hoài niệm đầy mờ ảo. Triết lý bóng đá phổ biến vào thời điểm đó tập trung vào việc phòng ngự chắc chắn, hạn chế rủi ro và ưu tiên kết quả hơn là lối chơi đẹp mắt. Những trận đấu thường diễn ra trong trạng thái cẩn trọng, cả hai bên đều dè dặt và ưu tiên phòng ngự. Từ đó sẽ dẫn đến trận đấu có ít bàn thắng và thiếu những khoảnh khắc thực sự bùng nổ cảm xúc.

Đúng là có những trận kinh điển giữa Manchester United và Arsenal (bán kết FA Cup năm 1999 có lẽ là đỉnh cao của đụng độ này), nhưng đôi khi sự thù địch và nỗi sợ thất bại đôi khi đã lấn át mọi khía cạnh khác, bao gồm cả chất lượng chuyên môn của các trận đấu. Hai trận đấu căng thẳng tại Old Trafford vào năm 2003 và 2004 được nhớ đến vì những màn xung đột căng thẳng hơn tính chất của một trận bóng đá. Các trận Liverpool gặp Manchester United được thổi phồng rất nhiều về độ căng thẳng nhưng trên thực tế đó lại cuộc đối đầu thường gây thất vọng.

Liverpool và Chelsea gặp nhau 16 lần trên mọi đấu trường từ tháng 8 năm 2004 đến tháng 8 năm 2007 - thời điểm Rafael Benitez và Jose Mourinho lần lượt dẫn dắt hai đội. Trong 16 lần đụng độ đó, có đến 10 trận chỉ có duy nhất một bàn thắng hoặc thậm chí là hoà với tỉ số 0-0. Cuộc chiến tâm lý giữa các huấn luyện viên đôi khi có thể rất “kịch tính”, nhưng thứ bóng đá được thể hiện trên sân thì hiếm khi có được độ kịch tính như vậy.

dl
Sự thận trọng quá mức khiến nhiều trận cầu đinh kết thúc với tỉ số khá tẻ nhạt

Một loạt các trận hòa không bàn thắng giữa Liverpool và Chelsea tại Champions League vào giữa thập niên 2000, bao gồm: 6 trận đấu, 3 trận 0-0 và 3 trận 1-0 đã khiến Jorge Valdano - cựu tiền đạo Real Madrid và Argentina, một trong những người đã lãng mạn hóa bóng đá phải so sánh cảnh tượng này với “c** đang treo lủng lẳng trên một cây gậy”.

Valdano viết trên MARCA rằng: "Chelsea vs Liverpool là 'những ví dụ rõ ràng nhất, phóng đại nhất về hướng đi của bóng đá hiện nay: rất quyết liệt, rất đồng đội, rất chiến thuật, rất thể lực và rất trực diện. Nhưng một đường chuyền ngắn? Khôôôôông. Một pha đảo bóng? Khôôôôông. Một chuyển đổi nhịp độ? Khôôôôông. Một pha phối hợp đập nhả 1-2? Một cú xỏ háng? Một cú đánh gót điệu nghệ? Đừng có nghĩ mấy thứ lố bịch như thế sẽ xuất hiện trong những trận đấu như thế này. Không có bất cứ điều gì giống như thế hết.”

“Cách mà cả hai đội kiểm soát trận đấu quá chặt chẽ và nghiêm túc trong trận bán kết Champions League 2007 đã triệt tiêu hoàn toàn mọi ý tưởng sự sáng tạo và bất kỳ khoảnh khắc kỹ thuật điêu luyện nào của các cầu thủ.”

Tỷ lệ chuyền bóng & thước đo tiến hoá của Premier League

Mùa giải 2007-08 được nhiều người coi là mùa giải đỉnh cao về chất lượng và sự xuất sắc trong lịch sử Premier League. Đó là một mùa giải mà Manchester United và Chelsea lọt vào chung kết Champions League tại Moscow - nơi giúp Cristiano Ronaldo giành Quả bóng Vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Đó cũng là mùa giải ghi nhận những cầu thủ như Rio Ferdinand, Nemanja Vidic, Wayne Rooney, Frank Lampard, Steven Gerrard hay Fernando Torres đạt đến đỉnh cao phong độ một cách đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, đó cũng là mùa giải mà số đường chuyền trung bình mỗi trận tại Premier League giảm xuống chỉ còn 717 - mức thấp nhất kể từ khi Opta bắt đầu ghi nhận dữ liệu của giải đấu. Con số này đã tăng dần trong những năm tiếp theo, dao động quanh mức 850-900 và giữ ổn định ở mức 900 khi ảnh hưởng của Pep Guardiola lan rộng trên toàn giải đấu (Mặc dù vậy, điều thú vị là ở mùa giải hiện tại đã và đang chứng kiến số đường chuyền trung bình mỗi trận giảm nhẹ xuống còn 896 - mức thấp nhất kể từ mùa giải 2016-17).

z6046329250567_176b5a4d495afcbc6195312258db9225
Số đường chuyền trung bình mỗi trận kể từ mùa giải 2003/04 đến nay

Mặc dù sự khác biệt về số đường chuyền trung bình mỗi trận (từ 717 lên khoảng 900) có vẻ không quá lớn, nhưng sự thay đổi trong tỷ lệ hoàn thành đường chuyền lại minh họa rõ ràng hơn sự tiến hóa trong phong cách chơi bóng của các đội qua các năm. Vào mùa giải 2006-07, tỷ lệ này chỉ đạt 69,8%, nhưng đã tăng đều qua mỗi năm. Và hiện tại đạt mức cao nhất mọi thời đại ở tỷ lệ 83,7%.

z6046329349143_05aa0bbaa34974043da74a12447591b9
Tỷ lệ đường chuyền chính xác qua từng mùa giải (tính từ mùa 2003/04 đến nay)

Đội có tỷ lệ chuyền bóng chính xác thấp nhất tại Premier League mùa này là Everton, nhưng tỷ lệ 74,8% của họ vẫn cao hơn tất cả các đội ngoại trừ nhóm BIG 4 ở mùa giải 2006-07. 12/20 đội mùa này của Premier League, bao gồm cả hai đội mới thăng hạng Leicester City và Southampton, có tỷ lệ chuyền bóng chính xác cao hơn đội giữ tỷ lệ chuyền chính xác cao nhất của mùa 2006/07 (Arsenal với 80%). Trong mùa giải 2006-07, Watford chỉ đạt tỷ lệ chuyền bóng chính xác 55,7% khi họ áp dụng một lối chơi mà ngay lúc đó đã bị coi là lỗi thời. So với bóng đá hiện đại ngày nay, phong cách này thậm chí còn bị xem là hoàn toàn lạc hậu và không phù hợp.

Ngày nay, bóng đá đã thay đổi và nó thay đổi theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Bóng đá xưa và nay: Đâu mới là đỉnh cao?

Vào thời điểm này năm ngoái, cựu tiền đạo của Liverpool và đội tuyển Anh - Michael Owen đã xuất hiện trên podcast Up Front cùng với chủ toạ là cựu chủ tịch của Crystal Palace - Simon Jordan. Jordan đã hỏi Owen: "Xét về mặt tài năng cá nhân, liệu anh có cảm thấy tiêu chuẩn để giành Quả bóng Vàng hiện nay cao hơn so với khi anh giành được vào năm 2001 hay không."

Owen trả lời trong cảm giác có vẻ như vừa bị xúc phạm bởi mệnh đề kể trên: “Thực ra, tôi nghĩ điều ngược lại.” 

“Ngày trước, có rất nhiều cầu thủ tuyệt vời và thực sự tài năng. Bây giờ, nếu anh chỉ cần chạy nhanh hơn người khác một chút và cơ bản có thể chuyền bóng từ điểm A đến điểm B, anh cũng có thể có một sự nghiệp kha khá ở Premier League. Anh thậm chí không cần phải giỏi lắm mà vẫn có thể thi đấu tại đây.”

Đây là một quan điểm được khá nhiều người đồng tình. Nhưng đồng thời, trông nó cũng có vẻ hơi thiển cận. Michael Owen là một cầu thủ bóng đá xuất sắc như nhiều đồng đội anh từng thi đấu cùng ở câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Nhưng trên thực tế, anh cũng từng có những đồng đội mà tài năng của họ sẽ trông cực kỳ không phù hợp trong bóng đá hiện đại. Nói một cách lịch sự, Liverpool trong vài năm cuối cùng Owen thi đấu tại đây đã thiếu trầm trọng "những cầu thủ thực sự đẳng cấp". Anh cũng từng có cơ hội thi đấu cùng những ngôi sao như Luis Figo, Zinedine Zidane, và Ronaldo de Lima ở Real Madrid, nhưng đồng thời đội bóng đó cũng bao gồm cả Thomas Gravesen — một cầu thủ rất hiệu quả trong thời đại đó, nhưng hoàn toàn không phải là "cầu thủ thực sự đẳng cấp" theo mô tả của Owen.

dl
 

Hãy nhìn vào kỹ thuật đầy tài năng của các cầu thủ trẻ đang nổi lên từ các học viện Premier League hiện nay. Trong hầu hết các trường hợp, thứ tài năng đó của họ vẫn chưa đủ để thi đấu ở Premier League. Các câu lạc bộ ở Anh bây giờ có thể chiêu mộ những tài năng xuất sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế tiêu chuẩn về kỹ thuật, thể chất, tinh thần và chiến thuật ở giải đấu này đang trở nên cực kỳ cao.

Tuần trước, Rio Ferdinand đã thảo luận về sự thay đổi trong tiêu chuẩn kỹ thuật bóng đá hiện đại trong một podcast cùng Jody Morris, cựu tiền vệ Chelsea. Rio Ferdinand bày tỏ sự thất vọng khi Rodri giành Quả bóng Vàng gần đây và nói rằng giải thưởng này nên thuộc về một cầu thủ hoa mỹ hơn như cầu thủ chạy cánh của Real Madrid - Vinicius Junior. Đúng theo kiểu cầu thủ đến từ #barclaysmen, Ferdinand cảm thấy giờ đây bóng đá hiện đại đang thật sự thiếu vắng những cầu thủ sáng tạo, những cầu thủ có thể tạo ra khoảnh khắc bùng nổ, khiến khán giả phải đứng bật dậy khỏi ghế trong một trận đấu.

Ferdinand sau đó đã hỏi Morris với tâm thế khá chắc chắn rằng cựu cầu thủ của Chelsea sẽ đồng tình với mình trong câu hỏi "Liệu các cầu thủ ngày nay có giỏi hơn 'so với thời chúng ta thi đấu hay không?'. Tuy nhiên, Morris trả lời dứt khoát rằng: "trung bình cầu thủ hiện nay giỏi hơn rất nhiều so với thời của chúng ta." đồng thời chia sẻ thêm rằng thứ bóng đá từng được ca ngợi là 'sexy football' tại Chelsea vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000 giờ đây sẽ bị coi là một đội bóng chơi thiên về bóng dài.

Rodri nhan giai Qua bong vang 2024
 

Morris đã chia sẻ về những yêu cầu đặt ra đối với các trung vệ và hậu vệ cánh trong bóng đá hiện đại, đặc biệt là những rủi ro họ phải đối mặt khi: phòng ngự ở vị trí rất cao trên sân và triển khai bóng từ phần sân nhà. Điều này khác hẳn so với thời kỳ trước, khi các hậu vệ cánh chỉ cần 'phá bóng lên phía trên' là hoàn thành nhiệm vụ.

"Tôi nghĩ rằng các cầu thủ đẳng cấp thời trước vẫn sẽ là cầu thủ đẳng cấp nếu thi đấu ở thế giới bóng đá hiện đại," Morris nói. 'Nhưng một số cầu thủ bóng đá đã thành công và có sự nghiệp gây được tiếng vang vào thời trước, tôi không chắc liệu họ có thể đạt được điều tương tự trong thời đại này hay không."

Morris hoàn toàn chính xác về nhận định này. Dù bóng đá hiện đại ở Premier League có thể bị cho là thiếu thứ gì đó, nhưng chắc chắn nó sẽ không phải là sự xuất sắc về mặt kỹ thuật của các cầu thủ.

Bóng đá hiện đại - vượt trội về kỹ thuật, nhưng thiếu đi sự cá tính

Càng quan sát kỹ, bạn càng nhận ra rằng điều còn thiếu trong bóng đá ngày nay không phải là chất lượng kỹ thuật của cầu thủ, sự tự do sáng tạo hay những yếu tố tương tự. Điều thực sự thiếu chính là cá tính, cả trên sân cỏ lẫn ở khu vực huấn luyện.

Keane, Vieira, Gerrard, Henry, Drogba và Rooney không chỉ là những cầu thủ hàng đầu, mà họ còn mang đến một cá tính mạnh mẽ của một 'nhân vật chính' - điều giúp họ trở nên nổi bật hơn trong thời kỳ bóng đá thời trước. Tuy nhiên, lối chơi này có thể sẽ không phù hợp với lối chơi của bóng đá hiện đại - nơi tính chiến thuật và tính đồng đội được tôn thờ nhiều hơn. 

Một trong những mâu thuẫn lớn của bóng đá hiện đại là sự tôn sùng cá nhân qua hình ảnh rất mạnh mẽ, nhưng các cầu thủ hàng đầu ngày nay lại tỏ ra trầm lặng, ít biểu cảm và ít cá tính hơn - họ giống như những bánh răng đều đặn ở trong một cỗ máy vậy.  Những tiền vệ thống trị Premier League trong một hoặc hai năm qua như Rodri, Bernardo Silva, Alexis Mac Allister, Moises Caicedo, Declan Rice, Martin Odegaard, Bruno Guimaraes đều không phải là những người có cá tính mạnh mẽ hoặc tinh thần thi đấu theo dạng một chiến binh trên sân. Họ không toát lên được thứ năng lượng của một 'nhân vật chính' như những hào thủ của thời đại #barclaysmen.

manchster-city-midfielders
 

Mặc dù vậy, họ vẫn đang là những cầu thủ hàng đầu ở thời kỳ này và thuộc nhóm những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong vai trò mà mình đảm nhiệm trên sân. Rodri có lẽ là cầu thủ có tầm ảnh hưởng nhất tại Premier League trong 3-4 mùa giải gần đây. Chính những đóng góp đáng kể nhằm giúp Man City có được chức vô địch Premier League thứ 4 liên tiếp và giành chức vô địch EURO tại Đức ở mùa hè vừa rồi, Rodri đã nhận được giải thưởng Quả bóng Vàng trong năm 2024. Virgil van Dijk từng suýt giành giải này vào năm 2019 khi chỉ thua số phiếu bình chọn so với Lionel Messi. Kevin De Bruyne và Mohamed Salah đã nhiều năm nằm trong cuộc đua giành Quả bóng Vàng, và Erling Haaland ở hiện tại cũng sẽ góp mặt trong cuộc đua này nếu anh tiếp tục ghi bàn với hiệu suất phi thường như hiện tại.

Khó khăn bắt đầu xuất hiện khi chúng ta cố gắng so sánh những cầu thủ hiện tại với những huyền thoại đã được khẳng định tên tuổi trong kỷ nguyên Premier League.

Phil Neville khi hồi tưởng lại những trận đấu giữa Manchester United và Arsenal trong thập niên 1990 và 2000 đã liệt kê ra một loạt cái tên huyền thoại như: Gary Neville, Sol Campbell, Ashley Cole, Ryan Giggs, Dennis Bergkamp, Vieira, Keane, Scholes, Rooney, Ronaldo.

"Khi nhắc đến những cái tên đó, họ đều là những huyền thoại," Neville nói. "Họ là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất từng chơi ở vị trí của mình trong lịch sử Premier League."

a3
 

Có lẽ rất ít người sẽ phản đối quan điểm này của Neville. Nhưng cũng phải công nhận rằng Van Dijk là một trong những trung vệ xuất sắc nhất của bóng đá hiện đại, Rodri là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất, De Bruyne là một trong những tiền vệ sáng tạo hàng đầu và Salah là một cầu thủ chạy cánh ghi bàn với tỷ lệ vượt trội hoàn toàn so với những gì Ryan Giggs, Robert Pires hay Cristiano Ronaldo đã từng làm được ở Premier League. Bukayo Saka ở tuổi 23 đã có hai mùa giải ghi nhiều bàn thắng hơn bất kỳ mùa nào của Giggs trong màu áo của Man United. Những gì Haaland và Cole Palmer đạt được trong mùa giải đầu tiên ở Premier League với Manchester City và Chelsea đều là những cột mốc rất ấn tượng và phi thường.

Ngày nay, số lượng bàn thắng trong bóng đá hiện đại cao hơn đáng kể so với trước đây. Điều này tạo nên một lợi thế cho các cầu thủ hiện đại trong việc ghi bàn và đạt thành tích cá nhân. Ngoài ra, nó cũng khiến việc so sánh họ với các cầu thủ ở thế hệ trước trở nên không công bằng. Mặc dù Salah hay Saka có thể bị đối thủ chơi rắn, nhưng họ không phải đối mặt với những hành xử thô bạo mà Giggs, Pires hay Cristiano Ronaldo thời trẻ từng phải đối mặt. Họ cũng chơi ở những vị trí cao hơn trên sân trong sơ đồ 4-3-3 và được khuyến khích thực hiện những pha cut-inside để sử dụng chân thuận thay vì đi bóng dạt biên theo kiểu cầu thủ chạy cánh truyền thống như trong sơ đồ 4-4-2. Rõ ràng, việc ghi bàn trong một giải đấu có trung bình 3,28 bàn/trận (mùa trước) dễ dàng hơn nhiều so với thời điểm trung bình chỉ 2,45/trận ở mùa 2006-07.

Nhưng nếu áp dụng cùng lập luận tương tự thì rõ ràng các trung vệ thời trước chắc chắn có cuộc chơi dễ dàng hơn khi các đội bóng thường triển khai lối chơi thiên về phòng ngự và sử dụng hàng thủ lùi sâu kết hợp với sự hỗ trợ từ các hậu vệ cánh và tiền vệ mang thiên hướng phòng ngự. Các luật lệ bóng đá thời đó cũng cho phép các cầu thủ được thực hiện những pha truy cản quyết liệt hơn đối với các đối thủ khéo léo.

maxresdefault
Với những cầu thủ đá dạt biên như Ronaldo ngày trước, việc bị ăn "chém" chân là chuyện xảy ra thường xuyên

Xét về vị trí và cách sử dụng trái bóng, Van Dijk, Gabriel, William Saliba, John Stones và các trung vệ hiện đại sẽ phải đối mặt với những rủi ro mà John Terry, Campbell, Vidic hay thậm chí một trung vệ chơi bóng xuất sắc như Rio Ferdinand chưa từng gặp bao giờ. Tuy nhiên, dù phải chơi theo phong cách chủ động trong một giải đấu có số bàn thắng rất cao, họ vẫn giúp đội bóng duy trì thành tích phòng ngự rất ấn tượng. Thành tích phòng ngự của họ ở bóng đá hiện đại vẫn sánh ngang với những giai đoạn phòng ngự tốt nhất trong lịch sử Premier League.

Xét về Rodri, cầu thủ người Tây Ban Nha đã ghi được những bàn thắng vô cùng quan trọng trong quá trình khẳng định mình là trụ cột của đội hình Manchester City - đội bóng đã giành 4 chức vô địch Premier League liên tiếp. Tầm ảnh hưởng của anh ở tuyến giữa có thể không nổi bật như Keane, Vieira hay Gerrard thời xưa nhưng rõ ràng vai trò của Rodri trong đội hình Man City là vô cùng to lớn. Điều này đã được minh chứng rõ ràng qua sự khác biệt trong kết quả của Manchester City khi có và không có Rodri ở trên sân.

GettyImages-1246459304-1-scaled
Rodri vẫn đang tỏ rõ mình đang là một mắt xích trọng yếu của Man City trong 4-5 năm trở lại đây

Lampard đã nhấn mạnh về vai trò của Rodri với Man City như sau: "Giờ đây, bạn phải xếp Rodri vào nhóm những tiền vệ xuất sắc nhất lịch sử Premier League. Hãy nhìn những gì cậu ấy làm được ở khu vực phòng ngự, không chỉ về khả năng phòng ngự mà còn cả khả năng kiểm soát bóng, tất cả những điều cậu ấy làm thật đáng kinh ngạc. Theo tôi, Rodri đã đạt đẳng cấp để trở thành tiền vệ xuất sắc nhất thế giới hiện nay."

Kỷ nguyên Guardiola có thực sự giúp Premier League trở nên tốt hơn?

Một số cựu cầu thủ vẫn giữ quan điểm rằng bóng đá thời của họ có lối chơi kỹ thuật hơn, nhưng thực tế lập luận này không được thuyết phục cho lắm. Ngày xưa, các cầu thủ sẵn sàng thử thách giới hạn kỹ thuật của mình với những đường chuyền xa hơn 50 mét hoặc những cú sút từ khoảng cách hơn 30 mét. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bóng đá khi ấy kỹ thuật hơn về tổng thể. Các luật lệ và triết lý huấn luyện bóng đá trong những năm 2000 không tạo điều kiện để phát triển một lối chơi phô diễn kỹ thuật toàn diện.

Điều vẫn còn chưa rõ ràng và gây nhiều tranh cã. Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: liệu những tiến bộ kỹ thuật trong 20 năm qua có thực sự làm cho bóng đá trở nên hấp dẫn hơn hay không?

Không thể phủ nhận rằng trong tâm lý thể thao của người Anh, họ thường đề cao những pha tranh chấp mạnh mẽ và những cú đánh đầu uy lực hơn là lối chơi kiểm soát bóng một cách chậm rãi. Thậm chí ngay cả ở các giải đấu thuộc hạng dưới của Anh hiện nay, người ta vẫn cảm thấy hầu hết các đội đều đang cố gắng "bắt chước" Manchester City. Các HLV đều muốn trở thành Pep Guardiola và lo sợ việc đội bóng của mình có tỷ lệ chuyền bóng chính xác dưới 75%.

pep
Thành công của Pep khiến cho nhiều đội bóng tại Anh muốn áp dụng lối chơi của ông

Cựu HLV West Ham - David Moyes đã từng cảnh báo vào năm 2017 rằng: "Nếu mọi đội bóng đều chơi cùng một lối chơi, nếu ai cũng triển khai bóng từ sân nhà, chuyền bóng liên tục và cần khoảng 25 đường chuyền trước khi tiến hành pha tổ chức tấn công, thì bóng đá sẽ trở thành trò chơi nhàm chán nhất mà bạn từng xem."

Đôi lúc đúng là có cảm giác như vậy… hoặc có vẻ giống như một đội yếu đang như "một chú cừu non chờ bị làm thịt" khi cố gắng chơi theo phong cách kiểm soát bóng trước một đội bóng lớn có khả năng phản pressing hoàn hảo như Manchester City hay Liverpool.

Nhưng liệu bóng đá có thực sự nhàm chán không, khi chúng ta đang chứng kiến nhiều bàn thắng hơn trước, và rất nhiều trận đấu xoay chuyển cục diện liên tục rồi được định đoạt bởi những bàn thắng kịch tính vào phút cuối - giống như cách đã xảy ra thường xuyên trong vài mùa giải gần đây?

Mùa giải trước, với trung bình 3,28 bàn thắng mỗi trận, Premier League đã ghi nhận số bàn thắng cao nhất trong một mùa giải của bóng đá Anh kể từ giữa thập niên 1960. Mùa giải có số bàn thắng trung bình mỗi trận thấp nhất trong kỷ nguyên Premier League (2,45 bàn mỗi trận) là mùa 2006-07. Mùa giải 2006/07 cũng là mùa có tỷ lệ chuyền bóng thành công thấp nhất kể từ khi Opta bắt đầu ghi nhận dữ liệu này.

a4
Số bàn thắng trung bình mỗi trận qua từng mùa giải.

Mùa giải 2006-07 còn là mùa giải mang tính biểu tượng với những bàn thắng đẹp mắt trong cuộc thi Goal of the Month của BBC. Những pha lập công tuyệt đẹp đến từ Keith Gillespie, Matt Taylor, Michael Essien, David Bentley, Tom Huddlestone, Paul Scholes, Robin van Persie, Lampard, Drogba và tất nhiên là cả biểu tượng tiêu biểu của #barclaysman - Morten Gamst Pedersen. Nhiều bàn thắng trong số đó là những cú sút xa uy lực - một kiểu bàn thắng dường như đã trở nên hiếm hoi trong thời đại bóng đá ngày nay.

Việc sút xa đã giảm đáng kể ở Premier League kể từ những năm 2000. Trên thực tế, dù số cú sút xa đã giảm, nhưng điều đó không có nghĩa là bóng đá ngày nay thiếu đi những khoảnh khắc ngoạn mục (chủ yếu là giảm về số lượng chứ không phải chất lượng). Hãy xem qua danh sách các bàn thắng đẹp nhất tháng gần đây nhất ở Premier League, bạn sẽ thấy những pha ghi bàn mang dấu ấn cá nhân đầy ấn tượng (Facundo Buonanotte, Jeremy Doku), một cú cứa lòng từ xa (Josko Gvardiol), một pha xử lý ứng biến tuyệt vời của Raul Jimenez để kiến tạo cho Andreas Pereira của Fulham hay một pha phản công hoàn hảo của Chelsea trước Newcastle được bắt đầu bởi Palmer và kết thúc bởi Nicolas Jackson. Điều duy nhất thiếu ở đây có lẽ chỉ là một bản nhạc indie từ giữa những năm 2000 để dùng làm nhạc nền.

a6
Trung bình số cú sút xa mỗi trận qua từng mùa giải

Ý kiến cho rằng các cầu thủ ngày trước được chơi tự do sáng tạo hơn so với hiện nay có thể vẫn tồn tại, nhưng hãy thử xem lại trọn vẹn bất kỳ trận đấu Premier League nào từ thời đó, thay vì chỉ xem nhanh qua các highlight, bạn sẽ nhận ra rằng thời kỳ đó không hẳn là "kỷ nguyên vàng" cho sự sáng tạo. Các cầu thủ chạy cánh được yêu cầu chơi bám biên, còn các hậu vệ biên phải suy nghĩ rất kỹ trước khi dâng lên để hỗ trợ khâu tấn công.

Thời kỳ trước, các trận đấu tràn ngập những pha tạt bóng, nhưng thậm chí còn phổ biến hơn là các đường chuyền dài từ tuyến dưới hướng tới vị trí tiền đạo. Các đội bóng thường phất bóng lên phía trước, trông chờ trung phong tranh chấp với hậu vệ đối phương và hy vọng tạo ra cơ hội để đồng đội băng lên tận dụng bóng bật ra.

GettyImages-104651604-scaled
Bóng đá ngày xưa tương đối làm dụng vào các đường bóng dài

Pep Guardiola từng nhận xét với chút không hài lòng vào năm 2016 - thời điểm chỉ sau vài tháng làm việc ở Premier League: “Ở đây, bạn phải kiểm soát những pha bóng hai; nếu không làm được điều đó, bạn sẽ không thể tồn tại. Bóng đá ở đây khó lường hơn vì bóng ở trên không nhiều hơn là trên mặt đất.”

Tám năm sau, ảnh hưởng của Pep Guardiola đã lan rộng và bóng hiện được luân chuyển nhiều hơn trên mặt đất so với thời kỳ trước đây. Bóng đá Anh đã trở nên kỹ thuật và có tính toán hơn rất nhiều.

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu dựa theo những gì Guardiola nói khi đó, Premier League có lẽ đã trở nên dễ đoán hơn như một hệ quả tất yếu.

Nguy cơ khi so sánh các thời đại bóng đá khác nhau

Khi được The Athletic hỏi vào năm 2022 về điều gì khiến ông cho rằng Premier League là “giải đấu hấp dẫn và cạnh tranh nhất” trong bóng đá thế giới, cựu Giám đốc điều hành của giải đấu - Richard Scudamore đã nhấn mạnh vào cảm giác rằng “bất kỳ đội bóng nào cũng có thể gây bất ngờ và giành điểm trước mọi đối thủ dù mạnh hay yếu vào một ngày ngẫu nhiên nào đó.”

Tuy nhiên, sự chênh lệch về tài chính giữa các câu lạc bộ giàu có nhất và phần còn lại ngày càng được nới rộng khiến những kết quả bất ngờ như vậy ngày càng trở nên hiếm hoi.

Kể từ mùa giải 2003-04, nhóm “Big Six” gồm Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham đã chiếm 80/84 vị trí trong top 4. Dù những đội bóng như Aston Villa, Brighton và Newcastle đã nổi lên trong vài mùa giải gần đây và dù Chelsea hay Manchester United đang gặp khó khăn để tìm lại hình ảnh của mình, thì nhìn chung, giải đấu vẫn đang bị chi phối một cách thiếu cân bằng bởi 6 câu lạc bộ có nguồn lực tài chính vượt trội hơn hẳn phần còn lại.

Sự cân bằng cạnh tranh là một vấn đề lớn với bóng đá châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh chênh lệch tài chính ngày càng gia tăng giữa cả các đội bóng trong nước và giữa các giải đấu khác nhau. Theo một góc nhìn hoài niệm thì sự chênh lệch về tài chính và sức mạnh hiện tại trong bóng đá là dấu hiệu của sự suy giảm về tiêu chuẩn chất lượng của các giải đấu. Nhiều giải đấu, đặc biệt là ngoài nước Anh đã mất đi các cầu thủ tài năng vì họ có xu hướng chuyển đến thi đấu ở Premier League - một giải đấu có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Kết quả đang ngày càng tệ của các đội bóng từ những giải đấu này trên đấu trường châu Âu như Champions League và Europa League là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tiêu chuẩn chất lượng của họ đang thực sự giảm sút.

Mùa giải trước, Premier League cũng gặp một số bài học thực tế trên đấu trường châu Âu, nhưng chất lượng không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất. Trên thực tế, mối lo ngại trong vài năm gần đây là các đội bóng hàng đầu (không bao hàm mùa giải này), đặc biệt là Manchester City đang tỏ ra quá mạnh đến mức sự hấp dẫn và sự cân bằng trong việc cạnh tranh bị mai một.

GettyImages-2153876889-scaled
 

Không phải ai cũng nhìn nhận vấn đề theo cách công bằng. Khi một hoặc hai đội bóng vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại, điều đó thường bị gán là do chất lượng chung của giải đấu quá thấp. Ngược lại, khi những đội hàng đầu như Manchester City và Arsenal bộc lộ sự sa sút hoặc dễ tổn thương, thì điều đó cũng bị cho là do tiêu chuẩn của giải đấu không đủ cao. Dường như có một số người luôn hoài niệm về 'thời kỳ vàng son' của giữa thập niên 2000, nhưng trên thực tế lúc đó cũng chẳng ấn tượng như họ tưởng. Liverpool từng đứng thứ tư với chỉ 16 trận thắng trong 38 trận, và một năm sau, Everton cũng về thứ tư dù chỉ ghi được 45 bàn nhưng để thủng lưới tới 46 bàn.

Việc người ta ngần ngại tôn vinh bóng đá đương đại không phải là điều mới mẻ. “Chúng tôi cũng từng gặp chuyện đó ở Manchester United vào những năm 1990,” Phil Neville nói. “Mọi người bảo: ‘George Best, Denis Law và Bobby Charlton mới là những cầu thủ chơi bóng đích thực trên mặt sân tệ hại. Còn các cậu thì được thi đấu trên những mặt sân hoàn hảo’.”

“Thời gian trôi qua. Tôi không thích so sánh, nhưng tôi nghĩ bóng đá ngày nay có lẽ vượt trội hơn về mặt kỹ thuật và chiến thuật so với thời tôi còn thi đấu. Tuy nhiên, về cường độ và tính cạnh tranh, tôi cho rằng thời của tôi vẫn nhỉnh hơn đôi chút.”

Nhận định này nghe có vẻ hợp lý, cũng giống như nó sẽ hợp lý nếu được đưa ra vào những năm 2000, khi người ta so sánh thời kỳ đó với thập niên 1980. Và trong thập niên 1980, người ta lại hoài niệm về những năm 1960 - thời kỳ mà các siêu sao thể thao thế giới như Muhammad Ali hay George Best vừa mang vẻ siêu phàm, vừa gần gũi đến lạ kỳ. Những chiến tích của họ được truyền tải qua màn hình nhỏ đến từng gia đình bằng sự kỳ diệu của truyền hình.

Ngày nay, sự xuất sắc trong thể thao dường như đã trở thành điều hiển nhiên và không còn được đánh giá đúng mức. Nếu xu hướng này tiếp tục, nguy cơ đặt ra không chỉ với Premier League mà với cả bóng đá nói chung là môn thể thao này có thể trở nên quá thiên về kỹ thuật, quá trau chuốt và quá hoàn hảo. (Việc theo đuổi một cách vô vọng sự hoàn hảo trong các quyết định của trọng tài - với những phút giây căng thẳng chăm chú nhìn màn hình để check VAR và tính toán từng pha việt vị nhỏ nhất - cũng là một phần của vấn đề. Điều này là thứ không mong muốn bởi lẽ sự hoàn hảo là điều không thể đạt được, nhưng giờ đây, bất kỳ điều gì kém hơn sự hoàn hảo lại bị coi là điều không thể chấp nhận.)

ref
 

Điều thú vị là mùa giải năm nay đã xuất hiện một số thay đổi: số đường chuyền giảm nhẹ, số pha tắc bóng và phạm lỗi tăng lên… thậm chí cả hình ảnh Pep Guardiola và Mikel Arteta bổ sung đội hình bằng những cầu thủ cao trên 1m8 cũng đã trở nên phổ biến hơn.

Phải chăng đây là sự khởi đầu cho sự trở lại của những #barclaysmen mà không ai ngờ tới? Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng ta nên bớt khắt khe với những hoài nghi của mình. Bởi như nhà triết học bóng chày Yogi Berra từng nói: “Hoài niệm giờ đây cũng chẳng còn như xưa nữa.”

Nguồn bài viết: ‘Take me back to the 2000s’: Premier League nostalgia and the perils of comparing different eras - Oliver Kay (The Athletic)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arne Slot & khả năng xoay chuyển càn khôn trước Real Madrid

Hàng công của Liverpool trong hiệp một không gặp vấn đề nghiêm trọng đến mức HLV Arne Slot phải thực hiện những thay đổi ngay lập tức trong giờ nghỉ giữa hiệp. Tuy nhiên, Arne Slot vẫn muốn thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nhằm cải thiện độ hiệu quả trong mặt trận tấn công hơn nữa, bất chấp đội bóng của ông trong 45 phút đầu tiên cũng tạo ra rất nhiều cơ hội và chơi khá ổn.

X
top-arrow