Làm thế nào để bạn tạo dựng nên một nhà vô địch Champions League? Tại các đấu trường quốc nội ở châu Âu, câu trả lời vẫn là “tiêu nhiều tiền hơn các CLB khác”. Các đội bóng đã thống trị sân chơi quốc nội của họ trong thập kỷ qua – Manchester City, Bayern Munich, Paris Saint-Germain, Juventus và sự kết hợp giữa Barcelona và Real Madrid – đều là những đội chi tiêu nhiều hơn các đối thủ của họ.
Đội bóng duy nhất liên tục phá vỡ quy luật này, với việc hết lần này đến lần khác đi sai hướng: Manchester United. Trừ khi bạn cố tình trở nên ngớ ngẩn trong việc “đi chợ”, còn không thì việc sở hữu một núi tiền sớm muộn cũng sẽ đưa bạn leo lên đỉnh bảng xếp hạng.
Nhưng Champions League là một trường hợp rất khác biệt. Trước hết, nó là một sân đấu quy tụ tất cả những gã đại gia của bóng đá châu Âu. Và thứ hai, giai đoạn đấu loại trực tiếp kéo dài không quá 7 trận. Trong một mùa giải kéo dài 34 hoặc 38 trận, lợi thế tài chính thường mang tới chiến thắng. Nhưng còn trên một cuộc hành trình 7 trận đấu? Tính ngẫu nhiên, sự may rủi sẽ có tác động lớn hơn đến kết cục, ngoài ra khả năng dứt điểm, cản phá, những khoảnh khắc cá nhân, các đấu pháp cụ thể và phong cách của các cuộc đối đầu cũng sẽ có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến việc đội nào sẽ nâng cúp.
Vì vậy, với việc vòng bán kết của đấu trường danh giá nhất châu Âu sắp diễn ra, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một câu hỏi rất thú vị, rất đáng lưu tâm: Làm thế nào để bạn tạo dựng một nhà vô địch Champions League?
NÊN MUA NGƯỜI Ở ĐỘ TUỔI NÀO?
Trong toàn bộ bài phân tích, chúng ta sẽ “mổ xẻ” đội hình đá chính của 10 đoàn quân gần nhất lọt được vào trận chung kết Champions League. Bởi vì nếu bạn có thể giành vé vào chơi trận chung kết, tức là bạn đủ giỏi để trở thành chủ nhân của chiếc cúp vô địch, và bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra trong một trận tranh ngôi vương. Nếu đi xa hơn cột mốc 5 mùa giải gần nhất, chúng ta sẽ có nguy cơ sa vào một kỷ nguyên mà thị trường chuyển nhượng hoạt động theo một cách khác và những bài học có thể trở nên ít hữu ích hơn. Tuy 10 đội bóng không phải là một kích cỡ mẫu to lớn, nhưng nó vẫn đủ lớn để mang tới những chỉ dẫn.
Đầu tiên, hãy cùng xét qua những thống kê trung bình.
Những cầu thủ đá chính trong các trận chung kết Champions League 5 năm qua được đội của họ mua về ở độ tuổi trung bình bao nhiêu và có mức phí chuyển nhượng trung bình như thế nào? Câu trả lời: Độ tuổi trung bình là 22,8, còn phí chuyển nhượng trung bình là 30,6 triệu Euro. Theo tiêu chí đó, hình mẫu số một về đường lối mua người phù hợp để phục vụ cho mục tiêu chinh phục Champions League trong tập dữ liệu này chính là thương vụ trị giá 30 triệu Euro mà Tottenham Hotspur đã thực hiện vào năm 2015 để đưa về cầu thủ chạy cánh 23 tuổi Son Heung-Min của Bayer Leverkusen.
Ngay cả những CLB giàu nhất thế giới cũng sẽ chẳng thể nào mua được một đội hình gồm toàn những siêu sao đã hoàn toàn đạt đến độ chín của sự nghiệp. Để trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới, bạn nhất định phải có các thương vụ tương tự như Son – những cầu thủ chuyên nghiệp mang tiềm năng trở thành siêu sao, qua đó đảm bảo khả năng sở hữu ít nhất 1 thành viên đạt đẳng cấp ưu tú từ 11 vị trí trong ít nhất nửa thập kỷ và giúp bạn dễ tập trung hơn vào việc xây dựng phần còn lại của danh sách.
Tất nhiên, những số liệu trung bình này chỉ hữu ích đến vậy, và con số phí chuyển nhượng trung bình có thể bị sai lệch theo cả hai hướng thấp hơn hoặc cao hơn con số chuẩn xác vì sự hiện diện của những cầu thủ “tốt nghiệp” từ chính học viện của CLB đó như Trent Alexander-Arnold và Thomas Muller, cũng như mức phí chuyển nhượng khổng lồ của Neymar và Mbappé. Trong bộ dữ liệu này có 89 cầu thủ, và sau đây là biểu đồ phân bổ độ tuổi của 89 cầu thủ này vào thời điểm họ được mua về.
Có thể thấy, 11% trong số này được mua về trước khi họ tròn 18 tuổi. Nếu muốn vô địch Champions League, có lẽ bạn nên có trong đội ít nhất một cầu thủ gần như chẳng tốn kém gì để chiêu mộ. Hơn 14% được mua về ở độ tuổi sau 18 và trước 21, điều đó nghĩa là ¼ số cầu thủ được đá chính trong các trận chung kết Champions League 5 năm qua đã gia nhập CLB của mình vào thời điểm mà họ còn chưa đủ tuổi để mua một chai hazy IPA đắt đỏ tại một quán bar ở Portland.
Hơn 28% thuộc cái độ tuổi thường được gọi là “trước khi sự nghiệp đạt độ chín” (từ 21 đến 23) và tỷ lệ lớn nhất (30%) đến từ những cầu thủ được chiêu mộ ở độ tuổi thuộc những năm đầu của giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp (từ 24 đến 26). Nói cách khác, hơn 80% cầu thủ đá chính trong các trận chung kết Champions League 5 năm qua đã được CLB của mình mua về trước sinh nhật lần thứ 27 của họ.
Có lẽ điều thú vị nhất từ tất cả những thông tin trên là chỉ có 6 cầu thủ được mua về khi đã bước sang độ tuổi nằm ngoài cái giai đoạn được coi là “những năm tháng đỉnh cao của sự nghiệp” (24 đến 28), và chỉ có vỏn vẹn 2 cầu thủ được mua ở độ tuổi tam tuần: Keylor Navas, người đã gia nhập PSG từ Real Madrid ở tuổi 32, và Thiago Silva, người đã gia nhập Chelsea từ PSG ở tuổi 35.
Trong khi các đội bóng chắc chắn sẽ theo đuổi những ngôi sao lớn đã bước sâu vào độ tuổi 20+ hoặc thậm chí là thuộc độ tuổi tam tuần trong mùa hè này khi họ tìm kiếm mảnh ghép cuối cùng, thì những nhân tố tạo khác biệt thực thụ trên sàn đấu đỉnh cao lại có khuynh hướng là những cầu thủ chỉ mới bắt đầu sự nghiệp.
NÊN “CHIÊU QUÂN” TỪ ĐÂU?
Chúng ta sẽ chia khía cạnh này ra thành 6 nguồn cung riêng biệt:
- Học viện: Những cầu thủ được đưa vào đội một từ chính học viện của CLB.
- Các siêu CLB: Bayern Munich, PSG, Real Madrid, Barcelona, Juventus, Manchester City, Manchester United, Liverpool và Chelsea.
- Champions League: Các đội bóng liên tục được tham dự đấu trường Champions League như Borussia Dortmund, Tottenham, các CLB lớn của Bồ Đào Nha, Ajax,…
- Big 5: Bất kỳ CLB nào khác thuộc các giải VĐQG Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Đức.
- Phần còn lại của châu Âu
- Châu Mỹ.
Dưới đây là biểu đồ thể hiện tỷ lệ “nguồn cung” của những cầu thủ được đá chính trong các trận chung kết Champions League 5 năm qua trước khi gia nhập CLB giúp họ có được vinh dự này:
Trước tiên, chiếm tỷ lệ lớn nhất – gần 1/3 trong tổng số các cầu thủ - là những cầu thủ được đưa về từ các CLB không thường xuyên góp mặt ở Champions League trên khắp 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Tiếp đó, gần 1/3 khác đến từ các CLB liên tục được tham dự Champions League đã thường xuyên “bán máu” cho các CLB lớn hơn. “Nguồn cung” chiếm tỷ lệ cao thứ ba là các siêu CLB, điều đó có nghĩa là mỗi trận chung kết Champions League có trung bình khoảng 4 cầu thủ được mua về từ một đội bóng khác cũng được đánh giá là giàu có hoặc đủ năng lực để giành chức vô địch tại đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Vậy là có khoảng 80% các cầu thủ đá chính trong 5 trận chung kết Champions League gần nhất đến từ những khu vực tuyển trạch khá truyền thống: Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, hoặc các CLB lớn nhất ở Hà Lan và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, vẫn còn 20% nữa thuộc những trường hợp “chiêu quân” trái với thói thường – những cầu thủ được đưa vào đội một từ chính học viện của CLB, những cầu thủ có nguồn cung là các giải đấu nhỏ hơn ở châu Âu, và các giải đấu bên ngoài châu Âu.
Nguồn cung chiếm tỷ lệ 20% đó có thể sẽ trở nên lớn hơn nữa trong tương lai. Hiện tượng Khvicha Kvaratskhelia tại Napoli, tầm quan trọng của những cầu thủ như Vinicius Jr, Rodrygo và Federico Valverde tại Real Madrid, và chuyện Brighton liên tục gặt hái được “quả ngọt” từ những bản hợp đồng có xuất xứ bên ngoài EU (Kaoru Mitoma, Alexis Mac Allister, Julio Enciso, Moises Caicedo) cho thấy rằng có rất nhiều tài năng đang chờ được khai quật bên ngoài những thị trường truyền thống.
NÊN CHI BAO NHIÊU TIỀN?
Nếu bạn chỉ tính toán mức phí chuyển nhượng trung bình của các cầu thủ đá chính trong 5 trận chung kết Champions League gần nhất, bạn sẽ chẳng thể nào rút ra một con số thực sự chuẩn xác vì hai nguyên nhân: A) PSG đã chi ra tận 402 triệu Euro cho 2 cầu thủ, và B) mùa giải 2019-2020 bị rút ngắn bởi COVID-19 đã giúp PSG xóa bỏ nguy cơ nhận trái đắng trước sức nặng của cơ cấu 2 lượt trận tại giai đoạn đấu loại trực tiếp của Champions League – một tình huống mà họ đã thường xuyên mắc phải.
Do đó, sau đây sẽ là cách phân tích tốt hơn nhiều.
Bên dưới là biểu đồ phân loại các mức phí chuyển nhượng của những cầu thủ đã đá chính trong 5 trận chung kết Champions League gần nhất và tỷ lệ của chúng.
Có thể thấy, 1/3 số cầu thủ được đá chính trong các trận chung kết Champions League kể từ năm 2018 có mức phí chuyển nhượng từ 10 triệu Euro trở xuống. Con số này mang ý nghĩa rằng nếu như một phần đáng kể của một đội bóng không được xây dựng bằng những cầu thủ có mức phí chuyển nhượng “rẻ”, đội bóng đó sẽ chẳng thể vô địch Champions League – họ thậm chí sẽ không thể giành vé lọt vào trận chung kết.
Nếu bạn muốn thử vẽ ra một lý thuyết vĩ đại nào đó về lý do tại sao hai CLB có cả một quốc gia đứng đằng sau như PSG và Manchester City cho đến nay vẫn chưa thể vô địch Champions League lần nào, bạn có thể làm điều đó tại đây. Trong trận chung kết của mùa giải 2019-20, đội hình của PSG có sự góp mặt của Juan Bernat (được mua về với mức phí 5 triệu Euro từ Bayern Munich), Ander Herrera (gia nhập với tư cách một cầu thủ tự do sau khi kết thúc hợp đồng với Manchester United) và “sản phẩm” từ chính học viện của CLB là Presnel Kimpembe. Trong khi đó, Manchester City chỉ có duy nhất Oleksandr Zinchenko (2,3 triệu Euro, đến từ Ufa) và cầu thủ tốt nghiệp từ học viện của CLB Phil Foden là những cầu thủ thuộc diện “dưới 10 triệu Euro”.
Nếu không có những cầu thủ như vậy, bạn sẽ chẳng thể xây dựng chiều sâu đội hình cần thiết để liên tục chinh chiến ở đấu trường châu Âu mà không vi phạm một cách trắng trợn Luật Công Bằng Tài Chính. Và các cầu thủ thuộc diện “giá cả phải chăng này” cũng có khuynh hướng là những người sẵn lòng lăn xả thực hiện những công việc kém hào nhoáng trên sân đấu – khỏa lấp các khoảng trống, lui về bảo vệ khung thành, bọc lót phía sau các pha tấn công, di chuyển không bóng – qua đó tạo nền tảng cho các ngôi sao lớn quyết định trận đấu. Đây chắc chắn là điều đã thiếu vắng tại PSG, một siêu CLB được xây dựng một cách tệ hại, liên tục “ăn hành” trước những đối thủ ngang cơ có khả năng khai thác các điểm yếu trong cấu trúc của họ.
Còn về Man City, hãy đọc lại câu đầu tiên của đoạn văn trên.
Dưới đây là phí chuyển nhượng trung bình mà 7 CLB tham dự 5 trận chung kết Champions League gần nhất đã chi ra cho những cầu thủ đá chính trong các trận đấu đó:
- PSG: 57,8 triệu euro
- Manchester City: 46,1 triệu euro
- Chelsea: 31,3 triệu euro
- Liverpool: 30,1 triệu euro
- Real Madrid: 27,7 triệu euro
- Tottenham: 12,1 triệu euro
- Bayern München: 11 triệu euro
Điều này không có nghĩa là Bayern Munich, Real Madrid, hay thậm chí là Tottenham đã chi tiêu một cách dè sẻn. Madrid đã trả cho các cầu thủ của mình rất nhiều tiền sau khi mua được họ, trong khi đó Bayern cũng sẵn lòng trả những mức lương rất hậu hĩnh.
Spurs cũng đã chi rất nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng trong những năm gần đây, nhưng đoàn quân tuyệt vời nhất mà họ có được lại là một đội bóng được xây dựng với mức phí chuyển nhượng chẳng hề đưa họ vào top những CLB tiêu nhiều tiền nhất. So với các siêu CLB khác, Bayern chưa bao giờ chi tiền rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng. Và so với nhiệm kỳ chủ tịch trước của Florentino Perez, Real Madrid đã không còn là một cỗ máy tạo bom tấn như trong quá khứ.
Với việc – theo số liệu trung bình – những quả bom tấn kỷ lục thế giới thậm chí chẳng hề tham gia được 50% số phút thi đấu của CLB mới, thị trường chuyển nhượng chủ yếu là sân chơi của những kẻ thua cuộc. Nói tóm lại, các nhà vô địch Champions League có khuynh hướng là những CLB tránh đưa ra sân đấu một đội hình toàn sao số đắt đỏ và không “tất tay” trên thị trường chuyển nhượng.
CÒN VỀ CÁCH ĐẦU TƯ CỤ THỂ CHO TỪNG VỊ TRÍ THI ĐẤU THÌ SAO?
Sau đây là câu hỏi tiếp theo mà chúng ta phải đi tìm lời giải: Những nhà vô địch Champions League mua sắm các thủ môn, các hậu vệ cánh, các trung vệ, các tiền vệ và các tiền đạo như thế nào?
Các thủ môn bắt chính trong 5 trận chung kết Champions League gần nhất đã được CLB của họ mua về với mức phí trung bình 26,1 triệu Euro ở độ tuổi trung bình là 26,2. Thương vụ mua thủ môn đắt giá nhất được thực hiện bởi Liverpool (62,5 triệu Euro cho Alisson), và nguyên nhân chính dẫn tới động thái này của The Reds chính là thương vụ mua thủ môn rẻ nhất (khi chính họ chiêu mộ Loris Karius từ Mainz với phí chuyển nhượng 6,2 triệu Euro). Xét về độ tuổi của các thủ môn khi họ được mua về, Karius cũng chính là người trẻ tuổi nhất (23), tương tự như Ederson khi anh gia nhập Man City, trong khi thủ môn duy nhất được chiêu mộ ở độ tuổi trên 28 là Keylor Navas (chuyển từ Real Madrid sang PSG ở tuổi 32).
Các trung vệ đá chính trong 5 trận chung kết Champions League gần nhất đã được CLB của họ mua về với mức phí chuyển nhượng trung bình 26 triệu Euro ở độ tuổi trung bình là 23,2. Do các trung vệ có khuynh hướng đạt độ chín sự nghiệp muộn hơn so với tất cả các vị trí khác ngoài thủ môn, thật đáng ngạc nhiên khi con số độ tuổi trung bình lại thấp đến vậy. Điều này nghĩa là các đội bóng được đá trận chung kết Champions League trong 5 năm qua đã mua về các trung vệ vẫn còn cách giai đoạn “sự nghiệp đạt độ chín” một khoảng cách đáng kể.
Trong số 19 trung vệ được đá chính trong các trận chung kết Champions League 5 năm qua, chỉ có 3 người được mua về ở độ tuổi trên 26: Thiago Silva 27 tuổi khi anh chuyển từ AC Milan sang PSG, David Alaba 29 tuổi khi chuyển từ Bayern Munich đến Real Madrid và Silva – một lần nữa – 35 tuổi khi chuyển từ PSG sang Chelsea.
19 trung vệ đó đã được đưa vào đội theo đủ mọi cách thức: Một nhóm những thương vụ miễn phí chuyển nhượng, một cầu thủ được đưa lên đội một từ chính học viện của CLB, một nhóm các thương vụ tầm trung và 6 cầu thủ có phí chuyển nhượng từ 40 triệu Euro trở lên.
Trong khi đó, các hậu vệ cánh là nhóm cầu thủ vừa rẻ nhất, vừa trẻ nhất – được mua về với phí chuyển nhượng trung bình 16,4 triệu Euro ở độ tuổi trung bình 20,8. Mặc dù các CLB tham dự 5 trận chung kết Champions League gần nhất đều sở hữu những hậu vệ cánh siêu sao, nhưng nếu chỉ nhìn vào các khoản phí chuyển nhượng thì bạn sẽ chẳng thể nhận ra điều đó. Khoản chi 52,7 triệu Euro của Man City để mang về một Kyle Walker 27 tuổi từ Tottenham chính là thương vụ đắt giá nhất, và anh cũng là cầu thủ duy nhất trên 25 tuổi vào thời điểm được mua về. Ngoài ra, chỉ có 3 thương vụ khác – Ben Chilwell chuyển từ Leicester sang Chelsea với mức phí 50,2 triệu Euro, Ferland Mendy từ Lyon sang Madrid với phí 48 triệu Euro, Thilo Kehrer từ Schalke sang PSG với phí 37 triệu Euro – là có giá cao hơn 15 triệu Euro.
Có lẽ do sự hiếm hoi của những hậu vệ cánh mang sẵn trình độ đẳng cấp thế giới – và vì thế giá của họ trên thị trường sẽ cực kỳ đắt – hầu hết các đội bóng lọt vào trận chung kết Champions League trong 5 năm qua đã chấp nhận tìm đến những sự lựa chọn trẻ và rẻ, và nhờ đó họ có thể dành dụm tiền để đầu tư cho những vị trí khác, ví dụ như tiền vệ trung tâm.
Chỉ vỏn vẹn 2 tiền vệ có xuất thân từ chính học viện của CLB là Harry Winks của Tottenham và Mason Mount của Chelsea. Có 3 thương vụ miễn phí chuyển nhượng – James Milner từ Man City chuyển tới Liverpool, Ander Herrera từ Man United chuyển tới PSG, Leon Goretzka từ Schalke chuyển tới Bayern Munich – và 2 thương vụ có mức phí dưới 10 triệu Euro: Federico Valverde từ Peñarol đến Real Madrid và Casemiro từ Porto đến Real Madrid. 16 tiền vệ trung tâm khác có phí chuyển nhượng từ 14,2 triệu Euro (Christian Eriksen từ Ajax chuyển đến Tottenham) và 76 triệu Euro (Kevin De Bruyne gia nhập Man City từ Wolfsburg).
Độ tuổi của nhóm các tiền vệ cũng được siết chặt hơn một chút. Không có ai được mua về ở độ tuổi từ 30 trở lên và chỉ có 4 chàng trai (Winks, Mount, Valverde và Marquinhos) gia nhập CLB của họ ở độ tuổi U21.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với vị trí có mức phí chuyển nhượng trung bình cao nhất và độ tuổi trung bình trẻ thứ hai: Những người ghi bàn và kiến tạo.
Các tiền đạo đá chính trong 5 trận chung kết Champions League tính từ năm 2018 đã được CLB của họ mua về với mức phí chuyển nhượng trung bình 50,9 triệu Euro ở độ tuổi trung bình là 21,7. Đúng là con số phí chuyển nhượng trung bình đã được thổi phồng lên rất nhiều bởi các thương vụ Neymar và Mbappé do PSG thực hiện, nhưng ngay cả khi bạn loại bỏ họ ra khỏi phương trình, thì phí chuyển nhượng trung bình của nhóm tiền đạo này vẫn sẽ là 36,6 triệu Euro – cao hơn ít nhất 10 triệu Euro so với những vị trí mà chúng ta đã xem xét.
Hai trường hợp lớn tuổi nhất là Riyad Mahrez khi chuyển đến Man City từ Leicester và Angel Di Maria khi chuyển từ Manchester United đến PSG – đều 27 tuổi. Trừ 2 người họ ra, không ai trong số 21 tiền đạo còn lại được CLB của họ mua về ở độ tuổi trên 25.
Do đó, câu chuyện về các tiền đạo phục vụ cho mục tiêu vô địch Champions League rất đơn giản. Để có được một tiền đạo như vậy, bạn phải chi rất nhiều tiền – và bạn phải sẵn sàng làm điều đó ở một độ tuổi trước cả khi bạn có thể chắc chắn rằng anh ta xứng đáng với số tiền đó. Nếu quá chần chừ, bạn sẽ chỉ được theo dõi trận chung kết Champions League với tư cách khán giả mà thôi.
Theo Ryan O’Hanlon, ESPN