Thông thường, mọi người cho rằng việc cao lớn là một lợi thế. Nhưng vấn đề là đôi khi những quan niệm thông thường này lại không cho ra kết quả chính xác cho lắm.
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng người có chiều cao tốt thường có mức độ hạnh phúc và thu nhập cao hơn. Tuy nhiên những người này đôi khi cũng phải đánh đổi bằng mức tuổi thọ ngắn hơn so với bình thường.
Trong một số môn thể thao, các vận động viên hàng đầu gần như đều có một thân hình rất lớn - ví dụ như môn bóng rổ, chèo thuyền (trừ vị trí của người chỉ huy lái thuyền) và bóng chuyền (trừ vị trí của libero). Các vận động viên bơi lội có thành tích tốt tại Olympic cũng ngày trở nên cao lớn và đồ sộ hơn trong những thập kỷ gần đây.
Tuỳ vào môn thể thao, quy tắc thi đấu, cách tính điểm và phương pháp di chuyển sẽ giúp người ta chọn lọc ra được những kiểu cơ thể và thân hình phù hợp. Ví dụ như trong các môn như thể dụng dụng cụ, cưỡi ngựa hay chạy marathon - các vận động viên sẽ thường có một thân hình nhỏ nhắn hơn bình thường.
Ngoài chiều cao, các yếu tố sinh lý khác như sải tay trong bơi lội hay chiều dài chân trong chạy marathon cũng sẽ ảnh hưởng và cho ra được những dự đoán cơ bản về hiệu suất thi đấu của vận động viên.
Trong bóng đá, chiều cao cũng có vai trò quan trọng ở một mức nhất định. Trong quá khứ, chiều cao cũng từng là yếu tố làm hạn chế các cầu thủ trẻ của Anh - những cầu thủ có kỹ thuật tốt nhưng chưa có một thể chất đủ phát triển.
Tuy nhiên, 59 người đầu tiên giành giải Quả bóng vàng nam (tính đến năm 2016) chỉ có chiều ở mức trung bình là 1m78 (khoảng chiều cao trung bình của nam giới Mỹ). Lionel Messi, cầu thủ chỉ cao 1m7 nhưng đã có tới 8 lần giành được danh hiệu quả bóng vàng Ballon d'Or - giải thưởng để vinh danh cho cầu thủ nam xuất sắc nhất của năm. Có thể bạn đã biết, siêu sao người Argentina đã từng phải điều trị các vấn đề về hormone tăng trưởng do thiếu hụt hormone tăng trưởng từ ngày bé.
Lionel Messi và danh hiệu quả bóng vàng thứ 8 trong sự nghiệp
|
Việc đánh giá chiều cao trong bóng đá mang lợi lợi thế khi thi đấu như thế nào là một điều khá phức tạp. Lý do là bởi chiều cao của con người nhìn chung đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây nhờ vào khả năng cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng và y tế.
Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Wolverhampton phát hiện ra rằng chiều cao của cầu thủ trong giải đấu hàng đầu nước Anh (Premier League) đã tăng đều đặn 1,23cm mỗi thập kỷ từ năm 1973 đến năm 2013. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là mức độ tăng trưởng chiều cao không đi đôi với việc đội bóng sẽ có thành tích tốt hơn.
Các đội vô địch gần đây nằm trong số những đội có chiều cao trung bình thấp nhất bóng đá hiện đại. Xét tới 5 nhà vô địch của top 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu mùa trước, họ chỉ có chiều cao trung bình ở mức dưới trung bình của giải đấu. Điều này cho thấy sự cân bằng trong đội hình của mỗi đội bất luận là họ có sử dụng sơ đồ chơi phòng ngự 5 người như Inter, Bayer Leverkusen hay 4 người như Man City, PSG và Real Madrid.
Những nhà vô địch tại top 5 giải đấu tại Châu Âu và chiều cao trung bình của giải đấu họ tham dự
|
Nhìn chung, các đội bóng mạnh thường cân bằng tốt hơn về mọi khía cạnh, trong đó bao gồm cả chiều cao của các cầu thủ. Họ có đủ sự kết giữa cầu thủ nhỏ con (những dạng cầu thủ giàu chất kỹ thuật để kiểm soát trận đấu và duy trì quyền kiểm soát bóng của cả đội) cùng với những cầu thủ cao to để tranh chấp và giành chiến thắng trong các pha bóng bổng ở cả vòng cấm đội nhà lẫn đối phương.
Điều này đặc biệt chính xác với Bayer Leverkusen và Inter Milan - hai đội đang thi đấu ở Bundesliga và Serie A (những giải đấu có chiều cao trung bình tốt nhất trên thế giới).
Tại Đức, việc các đội bóng có chiều cao trung bình ở mức cao phần lớn xuất phát từ việc các đội bóng mới lên hạng phải bù đắp sự thua kém về mặt kỹ thuật và chiến thuật bằng lối đá low block (phòng ngự tầm thấp). Để lối chơi này có thể vận hành hiệu quả, các cầu thủ cần có một chiều cao tốt và thể lực dồi dào. Điều này sẽ giúp đội bóng tăng khả năng tranh chấp bóng bổng cũng như phòng thủ tốt hơn trong vòng cấm trước các đội bóng mạnh hơn.
Điều này đã tạo ra hiệu ứng domino về mặt khai thác chiến thuật tại Bundesliga. Lối đá này dẫn đến việc các đội bóng sẽ có nhu cầu cao hơn về việc sử dụng các target man (tiền đạo mục tiêu) nhằm hỗ trợ các pha tổ chức phản công nhanh hoặc một đường triển khai bóng dài. Mặc dù Bundesliga chỉ có 18 đội (ít đội hơn so với con số 20 đội ở Premier League, La Liga và Serie A), nhưng trong hai mùa gần đây các tiền đạo có chiều cao ít nhất là 1m85 lại có thời gian thi đấu nhiều hơn ở Bundesliga so với các giải đấu lớn tại Châu Âu.
Thủ thành Costel Pantilimon cao 2m03 của đội tuyển Romania |
Việc thường xuyên sử dụng sơ đồ 3 trung vệ phần nào lý giải vì sao các cầu thủ Serie A có một thân hình cao lớn. Nhưng từ rất lâu rồi, các đội bóng tại Serie A đã chú trọng đến những huấn luyện viên ở các tình huống cố định. Các đội bóng vô địch gần đây tại Serie A như Inter Milan dưới thời Conte hay AC Milan dưới thời Pioli đều giành Scudetto nhờ vào lối chơi thiên về thể lực và sử dụng đội hình dâng cao. Serie A là giải đấu dành thời gian thi đấu ít nhất cho các hậu vệ có chiều cao dưới 1m73 và dành nhiều thời gian nhất cho các cầu thủ hậu vệ cao từ 1m85 trở lên.
Số phút thi đấu dành cho các cầu thủ cao lớn tại La Liga đã tăng lên nhưng nơi đây vẫn là mảnh đất tập trung nhiều hơn những mẫu cầu thủ nhỏ con và giàu kỹ thuật. Khi nhắc tới La Liga hoặc Tây Ban Nha thì người ta sẽ nghĩ ngay tới lối đá tiki-taka và thứ bóng đá kiểm soát. Và quan trọng hơn hết, La Liga là nơi có tỷ lệ sử dụng cầu thủ nội cao hơn rất nhiều so với các giải đấu khác ở Châu Âu - điều giúp họ duy trì được bản sắc thi đấu của bóng đá Tây Ban Nha và thêm vào đó là tạo ra một môi trường thi đấu phù hợp hơn cho những cầu thủ giàu kỹ thuật.
Hầu hết các đội bóng Tây Ban Nha thành công đều có phong cách thi đấu gắn liền với lối đá mang tính bản sắc của xứ đấu bò. Chính vì thế họ không thực sự cần những cầu thủ cao to ở nhiều vị trí. Trong bốn giải đấu hàng đầu Châu Âu, La Liga là giải đấu dành thời gian thi đấu ít nhất cho các thủ môn có chiều cao dưới 1m85 và các hậu vệ, tiền đạo cao dưới 1m73.
Nói một cách có logic thì chiều cao sẽ là điều kiện tốt để giúp cầu thủ có khả năng không chiến tốt hơn. Điều này đặc biệt quan trọng ở các vị trí trung tâm như thủ môn và các trung vệ. Tuy nhiên, nghiên cứu của StatsBomb đã tạo ra chỉ số 'HOPS' (Header Outcome Performance Score) để định lượng khả năng không chiến của một cầu thủ và xem nó có liên quan đến chiều cao ở mức độ nào.
StatsBomb phát hiện ra rằng chiều cao chỉ chiếm 22% sự biến động trong điểm số "HOPS". Mỗi centimet chiều cao tăng thêm chỉ cải thiện khả năng không chiến khoảng 0.7%. Chính vì thế, việc chọn cầu thủ cao lớn không đảm bảo rằng bạn sẽ có thành công trong các pha bóng không chiến.
Bóng đá ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Trong 4 giải hàng đầu châu Âu, số phút thi đấu của các cầu thủ cao từ 1m73 đến 1m85 đã giảm dần từ mùa giải 2019-20. Các huấn luyện viên trưởng ngày càng ưu tiên việc sử dụng những cầu thủ nhỏ nhất (từ 1m70 trở xuống) và cao nhất (từ 1m85 trở lên).
Sự trỗi dậy của lối chơi kiểm soát bóng và định hướng vị trí bắt nguồn từ các đội bóng hàng đầu Châu Âu, cùng với xu hướng chơi pressing tầm cao và một kèm một khiến các cầu thủ có kỹ thuật cao và nhanh nhẹ cũng có tầm quan trọng không hề kém cạnh so với các "hậu vệ thuần".
"Hậu vệ thuần" cũng chính là cụm từ mà Pep Guardiola sử dụng khi ông nhắc đến sự cần thiết về tốc độ, thể hình và thể lực của một cầu thủ để đối phó với các cầu thủ chạy cánh có kỹ năng rê bóng tốt. Ở mùa trước, Pep Guardiola đã nói rằng nếu Rico Lewis (cầu thủ cao 1m70) chỉ cần "cao hơn một chút, cậu ấy sẽ được coi là một trong những cầu thủ hàng đầu của giải đấu).
Rico Lewis là một cầu thủ nhỏ con đóng vai trò sáng tạo như một hậu vệ biên lai tiền vệ - mẫu cầu thủ mà Man City đã từng sử dụng rất nhiều trong mùa giải đầu tiên của Pep Guardiola tại Manchester City. Tuy nhiên, trong 4 mùa liên tiếp từ 2018/19 - đến 2022/23, Pep Guardiola dần dần đã dành ít thời gian thi đấu hơn cho các cầu thủ cao dưới 1m73 và dành nhiều thời gian thi đấu hơn cho các cầu thủ cao từ 1m85 trở lên.
Xu hướng sử dụng các cầu thủ với từng độ cao qua các mùa của Pep Guardiola tại Man City
|
Xu hướng thay đổi của Pep chạm kịch trần ở mùa giải 2022/23 - mùa giải đấu tiền của Erling Haaland (cầu thủ cao 1m93) thi đấu cho Man City. Ở mùa giải này, Man City cũng đã chuyển đổi từ hệ thống vận hành theo số 9 ảo sang hệ thống đá với một tiền đạo cắm cố định. Đôi khi, Pep Guardiola còn xếp một hàng hậu vệ với 4 người chỉ bao gồm các trung vệ kèm theo Rodri (cao 1m90) chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự.
Sự sụt giảm về các tiền vệ có thân hình nhỏ con đã trở thành xu hướng diễn ra trên toàn bộ giải Ngoại hạng Anh trong suốt 4 năm qua. Thời gian thi đấu của các tiền vệ cao 1m70 hoặc hấp hơn đã giảm 28% từ mùa 2019/20 đến mùa 2023/24. Sau 3 năm liên tiếp giải Ngoại hạng Anh được coi là mảnh đất màu mỡ cho các tiền vệ nhỏ con thì trong 2 mùa gần nhất, các cầu thủ dạng này đã chuyển sang thi đấu nhiều hơn tại La Liga.
Pep Guardiola đã tìm ra được sự cân bằng cho Man City. Ở mùa giải trước, xu hướng ưu tiên cho các cầu thủ cao lớn đã được dừng lại. Pep ở mùa 2023/24 đã gia tăng số phút thi đấu cho các cầu thủ nhỏ con và giảm bớt thời gian thi đấu của các cầu thủ cao lớn. Chẳng hạn, vị trí tiền vệ tấn công của ông luôn là nơi tụ hội của những cầu thủ có kỹ thuật tốt nhất như Phil Foden (cao 1m70) và Bernardo Silva (cao 1m73).
Arsenal cũng đang đi trên cùng một quỹ đạo phát triển như Man City khi họ ngày càng sử dụng các cầu thủ có chiều cao tốt hơn trong đội hình thi đấu. Trong trận đấu gần nhất của họ tại Premier League (trận đá với Bournemouth), 9/11 cầu thủ xuất phát của Arsenal có chiều cao từ 1m83 trở lên. Mặc dù sở hữu một đội hình cao lớn như vậy nhưng trớ trêu thay là Arsenal lại đang sở hữu một thủ môn thuộc dạng nhỏ con nhất ở Ngoại hạng Anh - David Raya (cao 1m83).
Trong mỗi mùa giải thi đấu dưới thời Mikel Arteta, Arsenal đã dành nhiều thời gian thi đấu hơn cho các cầu thủ cao từ 1m85 trở lên. Đến mùa giải 2023/24, những cầu thủ cao trên 1m85 đã có số phút thi đấu chiếm phân nửa của cả đội.
Xu hướng sử dụng các cầu thủ với từng độ cao qua các mùa của Mikel Arteta tại Arsenal
|
“Chiều cao thực sự là yếu tố rất quan trọng trong các pha bóng cố định,” Arteta đã chia sẻ thông điệp này vào hồi tháng Hai.
Thành công từ các pha cố định, đặc biệt là từ các tình huống phạt góc đã trở thành nền tảng trong tấn công của Arsenal đến mức đội bóng này đang có xu hướng chiêu mộ các cầu thủ có thể hình cao to hơn. Đội bóng của Mikel Arteta giờ đây đang ngày càng dựa nhiều hơn vào các tình huống đá phạt góc và phạt trực tiếp để tạo ra cơ hội ăn bàn.
Một khía cạnh ít được bàn luận của chiều cao là ảnh hưởng của nó đến các quyết định của trọng tài. Các nhà nghiên cứu đã xác định một thứ gọi là “hội chứng Napoleon” - hội chứng khiến cho các trọng tài có xu hướng thổi phạt lỗi và rút thẻ phạt thường xuyên hơn khi cầu thủ cao lớn hơn họ.
Một nghiên cứu về Bundesliga từ mùa giải 2014/15 đến 2021/22 cho thấy khả năng xảy bị thổi phạt lỗi và nhận thẻ phạt đã tăng lần lượt lên 9,4% (thổi lỗi) và 7,2% (thẻ phạt được rút) khi các cầu thủ cao hơn trọng tài.
Khác với môn Rugby, các đội ở bên bóng đá thường chưa có sự chú trọng đến việc phân tích trọng tài và các xu hướng làm việc của họ trong quá trình lên kế hoạch thi đấu. Tuy nhiên, trong thời đại VAR phát triển - nơi mọi tình huống đều có thể xem xét lại thì việc tính tới khả năng phân tích chiều cao giữa trọng tài và các cầu thủ trong đội hình có thể coi là một lợi thế "nhỏ mà có võ" đối với các đội bóng hiện giờ.
Yếu tố chiều cao có thể liên quan đến số thẻ đỏ phải nhận cao nhất giải đấu của Arsenal (18 thẻ) kể từ khi Arteta nhận chức tại đây tháng 12 năm 2019. Trên thực tế, họ còn xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng các đội bóng chơi fair-play nhất của mùa giải 2023/24 (chỉ xếp hạng sau Manchester City).
Những đội bóng tại Ngoại hạng Anh phải nhận thẻ đỏ nhiều nhất kể từ khi Mikel Arteta làm HLV trưởng của Arsenal |
Nhu cầu về mặt thể lực của các cầu thủ ngày một tăng trong xu thế bóng đá hiện giờ. Lịch thi đấu dày đặc, nhiều giải đấu khác nhau và áp lực cạnh tranh trong các pha bóng 1vs1 đòi hỏi các cầu thủ phải di chuyển nhanh nhẹn hơn và thực hiện tranh chấp liên tục. Điều này phần nào đó sẽ có xu hướng phù hợp hơn với các cầu thủ có thể hình cao lớn hoặc những cầu thủ nhỏ con nhưng có tốc độ vượt trội, khả năng định hướng vị trí tốt và đưa ra được quyết định phù hợp.
Nghiên cứu từ Đại học Wolverhampton cũng xác định một xu hướng “dạng chữ J” trong chỉ số RPI (Reciprocal Ponderal Index) của các cầu thủ bóng đá Anh từ mùa giải 2003/04 đến 2013/14. Chỉ số RPI là cách đo lường loại cơ thể chính xác hơn BMI. Chỉ số này vận hành bằng cách chia chiều cao cho căn bậc ba của trọng lượng cơ thể. Nhìn chung trong vòng một thập kỷ vừa qua, các cầu thủ bóng đá Anh đã trở nên cao hơn một chút nhưng lại có phần gọn gàng và góc cạnh hơn.
Bóng đá - giống như tất cả các môn thể thao đang dần tạo ra một chuẩn mực về hình thể lý tưởng cho một cầu thủ. Trong năm 2024, bóng đá đang dần trở thành môn thể thao ưu tiên các cầu thủ cao lớn, đặc biệt là do tầm quan trọng ngày càng tăng của các pha bóng cố định. Tuy nhiên, các đội bóng hàng đầu vẫn sẽ hưởng lợi từ những cầu thủ nhỏ con nhưng có kỹ thuật tốt và một nền tảng thể lực dồi dào bất chấp kích thước cơ thể của họ có nhỏ bé tới đâu.
Theo Liam Tharme (NY Times)