Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 09/09/2023 11:01(GMT+7)

Zalo

Câu chuyện của Pirlo, Xavi hay Xabi Alonso đang là chủ đề được người hâm mộ bàn luận về khuynh hướng gia tăng giá trị mạnh mẽ của các tiền vệ phòng ngự trong những mùa giải gần đây Những nhà cầm quân có xuất thân là tiền vệ trung tâm thường xây dựng đội bóng của họ xoay quanh vị trí mà họ đã đảm nhận thuở còn thi đấu.

375763488_1034920274608726_6600370316706113000_n
 

Tháng 6 năm sau sẽ đánh dấu 2 thập kỷ kể từ ngày “người đặc biệt” Jose Mourinho đưa ra một tuyên bố bất hủ trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách HLV trưởng của Chelsea. 

“Đừng gọi tôi là một tên kiêu ngạo, bởi vì tôi chỉ đang nói sự thật mà thôi,” ông khẳng định, sau đó đề cập đến chức vô địch Champions League đã giành được cùng Porto: “Tôi là một nhà vô địch châu Âu… Tôi là một con người đặc biệt.”

Tuy nhiên, không chỉ có bản thân Mourinho là đặc biệt. Đối với không ít người, những đoàn quân do chiến lược gia người Bồ Đào Nha dẫn dắt luôn thi đấu một cách độc đáo, dị thường.

“Mourinho là một vị HLV cực chuộng phòng ngự,” Xavi nhận định vào năm 2019. “Còn tôi thì thích một kiểu bóng đá khác. Tôi không có ý chê bai gì đâu, nhưng tôi chẳng có chút hứng thú nào với thứ bóng đá đó cả, và các đội bóng của tôi sẽ không đời nào chơi như vậy.”

Xavi không hề nói suông. Mùa giải trước, ông đã đưa Barcelona đến với chức vô địch La Liga đầu tiên sau 4 năm với tỷ lệ kiểm soát bóng (64,3%) cao nhất giải và, trớ trêu thay, họ cũng tạo lập được một thành tích phòng ngự mà có lẽ ngay cả Mourinho cũng sẽ ghen tỵ, với 12 trận thắng 1-0 và chỉ để thủng lưới 20 trận trong 38 trận đã chơi.

“Thứ bóng đá khác” mà Xavi nói đến – chú trọng kiểm soát bóng, sử dụng các đường chuyền ngắn để kiểm soát trận đấu và áp đảo đối thủ – đã ngày càng được ưa chuộng hơn ở các giải VĐQG lớn của châu Âu. 

Một phần nguyên nhân là vì, giống như Xavi, đang có rất nhiều cựu tiền vệ trung tâm bước chân vào nghiệp HLV trưởng, trong khi đó các triết lý chiến thuật của họ thường được định hình bởi sự kết hợp giữa sự nghiệp “quần đùi áo số” trong quá khứ, phong cách thi đấu và các chiến thuật của những đội bóng mà họ đã khoác áo. Sampdoria của Andrea Pirlo, Bayer Leverkusen của Xabi Alonso, Fiorentina của Vincenzo Italiano, Bologna của Thiago Motta, Middlesbrough của Michael Carrick, Barcelona, ĐTQG Tây Ban Nha và giờ là Paris Saint-Germain của Luis Enrique, và Sporting Lisbon của Ruben Amorim đều thể hiện điều đó.

***

Theo một báo cáo vào tháng 3 năm 2022 từ CIES Football Observatory – một tổ chức nghiên cứu chuyên phân tích các số liệu thống kê của bóng đá có trụ sở tại Thụy Sĩ – sau khi phân tích 1866 đội bóng từ 126 giải đấu ở 89 quốc gia, có đến 42,4% HLV trưởng là những cựu tiền vệ chuyên nghiệp.

Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 1
 

Vào năm 2019, Pep Guardiola đã đưa ra lời giải thích vì sao các tiền vệ trung tâm thường trở thành những nhà cầm quân. “Thông thường, các tiền vệ trụ sẽ có tầm nhìn bao quát toàn bộ những gì diễn ra trên sân,” ông nhận định. “Khi bạn là tiền đạo, bạn chỉ nghĩ về những bàn thắng, còn thủ môn thì chủ yếu tập trung vào chuyện cứu thua. Theo tôi, việc thi đấu trong vai trò tiền vệ trụ là một bài học tuyệt vời.”

Đó là lý do mà chiến lược gia người Catalan đưa ra cho lời dự đoán rằng cựu trợ lý của ông là Mikel Arteta sẽ trở thành một vị HLV trưởng tài giỏi. Giờ đây, Arteta đang thực sự làm được điều đó ở Arsenal.

Tại Premier League hiện nay không chỉ có Arteta và Guardiola là những cựu tiền vệ. HLV trưởng Gary O’Neil của Wolverhampton Wanderers từng là một tiền vệ, còn Roberto De Zerbi của Brighton & Hove Albion thì từng chinh chiến trong vai trò số 10.

Sau khi cùng Brighton giành chiến thắng 4-1 trước Wolves vào tháng trước, De Zerbi đã có một phát biểu có lẽ cũng là tiếng lòng của nhiều nhà cầm quân kiêm cựu tiền vệ khác. “Tôi không thể thay đổi, bởi vì thứ bóng đá mà tôi thi triển đã thấm sâu vào nhân cách, lịch sử và DNA của tôi. Tôi không thể nào chuyển sang lối đá khác được,” ông khẳng định.

Ngay cả trong những trận đấu lớn nhất – chẳng hạn như cuộc đối đầu với Manchester United ở bán kết FA Cup, hay với Manchester City tại Premier League trên sân nhà – De Zerbi vẫn chỉ đạo các cầu thủ triển khai bóng với 2 tiền vệ phòng ngự hiện diện ở rìa vòng cấm. 

Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 2
 
Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 3
 

Vào tháng 12 năm 2020, trên cương vị HLV trưởng của Arsenal, Arteta đã chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn chuyển sang dùng 4-3-3, nhưng để làm được điều đó thì sẽ có rất nhiều yêu cầu cụ thể cần được đáp ứng ở mọi vị trí, nhưng hiện nay chúng tôi có khoảng 5 vị trí không thể đáp ứng được những yêu cầu này.” Arteta đã khởi đầu cuộc hành trình dẫn dắt The Gunners với 4-2-3-1, na ná đội hình mà ông từng góp mặt khi chơi cho CLB này thuở còn thi đấu, nhưng cuối cùng lại kết thúc mùa giải 2019-20  với 3-4-3 khi Arsenal giành chức vô địch FA Cup, đánh bại Manchester City ở bán kết và sau đó là Manchester United ở chung kết.

Ông đã sử dụng Pierre-Emerick Aubameyang, người đã ghi cả 2 bàn thắng trong trận chung kết, ở vị trí tiền đạo cánh trái, trong khi cầu thủ thuận chân trái Ainsley Maitland-Niles đảm nhận vai trò wing-back trái.

Thật trớ trêu, sau những màn trình diễn đầy ấn tượng với hệ thống 4-3-3 trên tận ¾ chặng đường của mùa giải trước, rốt cuộc Arsenal vẫn phải chịu thua trước Man City trong cuộc đua vô địch vì các vấn đề chiến thuật vượt ra ngoài chuyện thi triển “trận pháp” 3-2-5 khi kiểm soát bóng (hậu vệ trái sẽ bó vào trong) và những ca chấn thương của các cầu thủ chủ chốt.   

Không phải tất cả HLV trưởng đều nhìn nhận cuộc chơi theo hướng đó – Graham Potter  từng thẳng thắn nói rằng ông chẳng hề đặt nặng chuyện đội hình thi đấu – tuy nhiên, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, đúng thật là hiện nay gần như mọi CLB đều muốn kiểm soát bóng. 

“Thuở tôi mới tới giải đấu này, trong số 20 đội bóng Premier League, rất khó để tìm ra 2 hoặc 3 đội có cùng lối chơi,” Mauricio Pochettino chia sẻ với Alan Shearer trong một cuộc phỏng vấn cho The Athletic. 

“Tất cả các đội đều khác biệt nhau, bối cảnh ấy thực sự rất cuốn hút và thú vị. Từ trước khi Jurgen Klopp hoặc Guardiola đến, phong cách và nguyên tắc mà tôi áp dụng cho đội của mình vốn đã là pressing tầm cao và triển khai bóng từ hàng thủ, ngoài ra chỉ có một đội khác chơi trò phát triển bóng từ hàng thủ là Liverpool của Brendan Rodgers. Còn giờ đây, người người nhà nhà đều muốn triển khai bóng từ hàng thủ và pressing tầm cao. Cứ như thể một cơn đại dịch vậy.”

Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 4
Những đường chuyền thành công đã không ngừng gia tăng

Quan điểm của Pochettino được hậu thuẫn bởi các số liệu thống kê. Trong mùa giải 2017-18 của Premier League, chỉ có Tottenham Hotspur của ông (45,5%) và Liverpool (46,6%) là không có khuynh hướng phát bóng dài (được định nghĩa là những cú phát bóng trên 36 mét) trong hầu hết những tình huống phát bóng của họ. Họ và Liverpool cũng là 2 trong số 7 đội sở hữu những thủ môn không chăm chăm phất bóng dài trong hầu hết các tình huống mở.

Sự ra đời của luật phát bóng mới vào mùa giải 2019-20 – trong đó loại bỏ yêu cầu quả bóng phải rời khỏi vòng cấm thì các đồng đội mới được chạm vào nó, nhưng đối thủ thì vẫn phải ở ngoài vòng cấm cho đến khi pha phát bóng được thực hiện như luật cũ – đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai bóng từ hàng thủ. 

Đến mùa giải 2022-23, tỷ lệ phát bóng dài tại Premier League đã giảm 28% và tỷ lệ phất dài của các thủ môn trong những tình huống mở thì giảm 18,2% so với mùa giải 2017-18. Cả hai chỉ số này đều có xu hướng giảm dần qua từng mùa giải và điều đó đã làm tăng số lượng các đội bóng sở hữu những thủ môn chủ yếu chuyền ngắn từ 7 lên 16. 

Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 5
Tỷ lệ phất bóng dài của các thủ môn trong những tình huống mở (màu hồng) và tỷ lệ phất dài của họ trong các tình huống phát bóng (màu tím) từ mùa giải 2017-18

Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay những tình huống phát bóng đang hơi quay về thiên hướng cũ một chút. Các đội bóng thường sử dụng một đội hình “mồi nhử” – được thiết kế để triển khai bóng và dụ dỗ đối thủ pressing – trước khi tung ra những cú phát bóng dài để khai thác các khoảng trống mở ra ở phía trên sân đấu. Có 12 đội bóng Premier League đã phất dài trong hầu hết những tình huống phát bóng của họ vào mùa giải trước, tức là hơn một nửa giải đấu, nhưng vẫn ít hơn 4 đội so với mùa giải 2017-18.

***

Các HLV và chuyên gia phân tích đang hoạt động trong môn thể thao vua đã đưa ra những cách giải thích khác nhau về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện. 

Oren Rozanski, một nhà phân tích hiệu suất ở học viện của Charlton Athletic, đã nhận định như sau: “Căn nguyên là vì họ đã tham gia vào mọi khía cạnh của trận đấu. Họ tham gia vào giai đoạn triển khai bóng, tiến lên cao hơn ở trung tuyến hoặc lùi xuống giữa hai trung vệ. Trước các khối phòng ngự tầm thấp, họ phải dâng cao để tăng cường khả năng “phá bê tông” của đội. Họ phải theo dõi các chân chạy của đối thủ và che chắn cho hàng thủ.” 

Callum Ellis, một nhà phân tích thuộc bộ phận tuyển dụng tại một CLB Premier League, cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo anh, các tiền vệ trung tâm là “chất xúc tác cho cả khâu phòng ngự lẫn tấn công, cũng như các tình huống chuyển trạng thái”, và là những người “có tầm nhìn tốt nhất trên sân đấu”.

“Tiền vệ là vị trí khó chơi nhất trên sân đấu, bởi vì có rất nhiều trách nhiệm phải cáng đáng,” anh nói thêm. “Những nhà cầm quân có xuất thân tiền vệ đã huấn luyện y như cách họ thi đấu thuở còn xỏ giày chinh chiến – thường xuyên liên lạc với các đồng đội và duy trì sự điềm tĩnh khi làm điều đó, đây chính là những phẩm chất tạo nên một vị HLV hàng đầu.”

Câu chuyện này cũng giúp giải thích về khuynh hướng gia tăng giá trị mạnh mẽ của các tiền vệ phòng ngự trong những mùa giải gần đây. Những nhà cầm quân có xuất thân là tiền vệ trung tâm thường xây dựng đội bóng của họ xoay quanh vị trí mà họ đã đảm nhận thuở còn thi đấu. Tại Barcelona, Guardiola đã làm điều này với Sergio Busquets, và giờ là Rodri tại Man City. Xavi đã làm vậy với Frenkie De Jong. Italiano đã làm vậy với Sofyan Amrabat, người vừa gia nhập Man United. 

Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 6
 

Casemiro, Toni Kroos và Luka Modric từng là những nhân tố quan trọng nhất của Carlo Ancelotti tại Real Madrid. Giờ thì ông có Jude Bellingham, Aurelien Tchouameni, và Eduardo Camavinga (khi nhà cầm quân người Italy không sử dụng anh ở vị trí hậu vệ cánh trái). Arteta đã nỗ lực chiêu mộ Declan Rice từ West Ham trong kỳ chuyển nhượng vừa qua. Nền tảng của những thành công mà De Zerbi đạt được ở mùa giải trước là “trục kép” Alexis Mac Allister và Moises Caicedo, 2 ngôi sao hiện đã gia nhập Liverpool và Chelsea.

Dominic Haynes, một huấn luyện viên học viện được UEFA cấp chứng chỉ A, nhận định rằng “các tiền vệ trung tâm thường là những cầu thủ thực sự toàn diện về mặt kỹ thuật và luôn phải thi đấu với áp lực đến từ mọi hướng. Thường thì các tiền vệ trung tâm cũng đảm nhận luôn vai trò đội trưởng nên rõ ràng trách nhiệm lãnh đạo mà họ gánh vác cao hơn những vị trí khác.”

Tuy nhiên Haynes cũng nhấn mạnh rằng “thứ bóng đá đứng đầu xu hướng” được đề cập ngay từ đầu bài phân tích này qua lời Xavi hiện đang được “thể chế hoá” trên khắp thế giới. “Trong công tác đào tạo huấn luyện viên, các hiệp hội bóng đá trên toàn cầu hiện đang rất chú trọng vào việc truyền dạy những nguyên tắc tấn công dựa trên kiểm soát bóng, những nguyên tắc của lối chơi định hướng vị trí và những nguyên tắc của phòng ngự khu vực.” 

“Căn nguyên của chuyện này thường là những suy luận logic về sự phát triển. Được chạm bóng nhiều hơn, các cầu thủ trẻ sẽ thích thú hơn, từ đó tạo ra một thế hệ cầu thủ yêu thích hoặc hiểu lối chơi này.” 

Theo FA (liên đoàn bóng đá Anh), thì mục tiêu mà “DNA nước Anh” – một “dự án” quốc gia được phổ biến cho mọi đội bóng Anh vào năm 2014 – hướng tới là “tạo ra khả năng kiểm soát bóng áp đảo mọi đối thủ”. 

Trên bình diện đội tuyển quốc gia, lối chơi của Tam Sư đã tiến hóa một cách đáng kể theo phương hướng mà họ muốn trong 2 thập kỷ qua. Chắc chắn đây chính là một phần nguyên nhân của việc nhiều HLV người Anh mới nổi – O’Neil, Steven Gerrard, Frank Lampard, Scott Parker, Carrick, Wayne Rooney (một số 10) – là các cựu tiền vệ trung tâm. 

Câu chuyện về sự thống trị của các cựu tiền vệ trong giới huấn luyện 7
 

Trục tung: Tốc độ lên bóng trung bình (mét/giây); Trục hoành: Số đường chuyền trung bình trong mỗi chuỗi kiểm soát bóng không đứt đoạn.

***

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là trong khi các CLB và người hâm mộ đang đòi hỏi nhiều hơn bao giờ hết về phong cách thi đấu, thì nhiệm kỳ nắm quyền trung bình của các HLV trưởng lại đang ngắn hơn bao giờ hết. 

“So với bây giờ, tôi thích cái thời mà các huấn luyện viên, các phong cách thi đấu khác biệt nhau thấy rõ như hồi trước hơn,” Pochettino chia sẻ với Shearer. 

Với tính chất mang tính chu kỳ của bóng đá, chắc chắn sẽ tới lúc các phong cách phòng ngự được cải tiến và đưa bóng đá phòng ngự vươn lên thành một xu hướng mạnh mẽ. Việc West Ham giành chức vô địch Europa Conference League và Inter lọt vào trận chung kết Champions League mùa trước với lối chơi phòng ngự phản công đã cho thấy các đội bóng chẳng nhất thiết phải cầm bóng nhiều thì mới đạt được thành công, mới có thể chơi hiệu quả hơn những đối thủ muốn kiểm soát bóng. 

Tuy nhiên, hiện tại thì họ vẫn chỉ là những trường hợp cá biệt. 

Theo Liam Tharme, The Athletic

  

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bậc thầy chiến thuật Eddie Howe đã đè bẹp Tottenham như thế nào?

Trên lý thuyết, tất cả các kế hoạch và ý tưởng đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để thực hiện những kế hoạch ấy khi đối đầu với một đối thủ mang đẳng cấp cao thì nó lại là câu chuyện và nhiệm vụ hoàn toàn khác biệt... Đó chính là lý do vì sao HLV Eddie Howe đã dành lời khen và ca ngợi các cầu thủ của mình sau khi hồi còi mãn cuộc của trọng tài chính vang lên.

X
top-arrow