Có thể nói, “pressing” chính là đặc điểm xác định phiên bản hiện đại của môn thể thao được ưa chuộng nhất thế giới.
Trong phần lớn lịch sử bóng đá, cầu thủ quan trọng nhất chính là “số 10” – tiền vệ tấn công, người được sắp xếp vị trí thi đấu tại zone 14 (khu vực trung lộ ngay trước vòng cấm), giữa tuyến hậu vệ và tuyến tiền vệ của đối thủ, thường xuyên chuyền bóng vào vòng cấm hoặc tự mình ghi bàn. Chơi ở vị trí này toàn là những thiên tài, những nghệ sĩ, những cầu thủ thường được mô tả như thể họ thi đấu trên sân bằng ma thuật: Pelé, Maradona, Zinedine Zidane và Ronaldinho đều mặc áo số 10.
Tuy nhiên, cuối cùng, khi các CLB trở nên hiện đại hoá, bắt đầu kiếm được hàng trăm triệu đô la doanh thu hàng năm, và nhờ đó có thể phát triển đội ngũ huấn luyện và phân tích, họ đã tìm được cách để phá huỷ ma thuật. Để đối phó với sự nguy hiểm của số 10, các HLV chỉ đơn giản là bắt đầu tăng cường thêm quân số ở những khu vực mà các tiền vệ tấn công từng toả sáng. Từ đó, vị trí này đã rơi vào cảnh tuyệt chủng.
Tiếp theo là một khoảng thời gian ngắn mà hầu hết các đội bóng giỏi nhất trên thế giới đều chẳng màng tới việc chiếm thế chủ động, chiếm thế trận, và chỉ chăm chăm phá lối chơi đối thủ. Jorge Valdano, một người đồng đội của Diego Maradona trong đoàn quân Argentina chinh phục World Cup 1986, đã mô tả một trận đấu giữa 2 đội bóng lớn của Anh là Liverpool và Chelsea như sau: “Đặt một cái que dính c*t vào giữa sân vận động náo nhiệt, điên cuồng này, sẽ có những người nói với bạn rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật. Không phải đâu: Đó chỉ là một cái que dính c*t mà thôi.”
Rất may, “kỷ nguyên” đó đã nhanh chóng bị lật đổ bởi “kỷ nguyên pressing”. Các đội bóng giỏi nhất hiện nay có khuynh hướng đẩy toàn bộ các hậu vệ của họ lên cao trên sân đấu và cố đoạt lại bóng ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ. Mặc dù đã chẳng còn khoảng trống nào ở zone 14, nhưng các đội bóng này đã tạo ra được đủ mọi loại khoảng trống mới cho mình bằng cách pressing quyết liệt đối thủ ngay khi họ vừa để mất bóng, đoạt lại nó, và tấn công vào các khoảng trống lộ ra bởi một hàng thủ chưa kịp tái tổ chức. “Không một cầu thủ kiến thiết nào trên thế giới giỏi bằng một tình huống pressing chống phản công (Gegenpressing) tốt,” HLV Jurgen Klopp của Liverpool từng tuyên bố.
Và rồi pressing đã trở thành một yếu tố then chốt, có thể định đoạt kết cục của một trận đấu: Mức độ quyết liệt của cả 2 đội khi cố đoạt lại bóng, và mức độ thành công khi họ làm điều đó.
Chẳng có gì quá khó hiểu, phải chứ? OK, bây giờ hãy quên hết tất cả những gì được đề cập ở trên đi, bởi vì bước đầu tiên để hiểu những gì bạn sẽ thấy ở Qatar là chấp nhận rằng chúng sẽ rất khác so với thứ bóng đá mà bạn đã xem trong 4 năm qua.
CÓ THỂ CÁC ĐỘI BÓNG SẼ PRESSING CỰC ÍT
Mặc dù Cristiano Ronaldo gần đây đã tuyên bố rằng anh chưa bao giờ nghe nói về ông, nhưng điều đó không thể thay đổi cái sự thật rằng, hoàn toàn có căn cứ để khẳng định không một ai có sức ảnh hưởng lên bóng đá hiện đại lớn hơn Ralf Rangnick.
Vào thời điểm dẫn dắt đội bóng khi ấy đang chơi ở giải hạng ba Đức là Hoffenheim hồi năm 2006, Rangnick đã bắt gặp một nghiên cứu cho thấy các bàn thắng thường được ghi trong vòng 8 giây sau khi bạn đoạt được bóng từ đối thủ của mình. 8 năm trước đó, khi đang huấn luyện một CLB nhỏ có tên là Ulm, Rangnick đã xuất hiện trên một chương trình trò chuyện quốc gia mang tên Das aktuelle Sportstudio. Trong số những điều được đề cập đến, ông đã đưa ra quan điểm rằng các đội bóng có thể trở nên chủ động hơn trong việc cố đoạt lại bóng từ đối thủ của họ. Bởi vì nói ra những lời này trên truyền hình quốc gia ở một đất nước có phong cách bóng đá cực thành công và cực truyền thống, Rangnick đã được đặt cho biệt danh “giáo sư bóng đá”, nhưng là theo hướng chế nhạo.
Tuy nhiên, giữa hai ý tưởng trên thực sự có một mối liên hệ. Rangnick tin rằng các đội bóng của ông nên pressing tại những khu vực trên cao của sân đấu và sau đó thực hiện những đường chuyền nhanh, có khả năng thành công thấp về phía khung thành đối thủ, bởi vì dù cho những đường chuyền đó thất bại, họ chỉ cần bắt đầu lại chu trình này. “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện những đường chuyền mạo hiểm, có nguy cơ thất bại cao, bởi vì điều đó mở ra khả năng tấn công bóng hai,” Rangnick giải thích.
Bằng sự toàn tâm toàn ý với ý tưởng này, Hoffenheim đã nhanh chóng được thăng hạng lên Bundesliga, giải đấu cao nhất của bóng đá Đức.
Ấn tượng mạnh với phong cách của Rangnick, Red Bull đã trao cho ông quyền lãnh đạo dự án bóng đá của họ, và nhà cầm quân người Đức đã giúp xác định phong cách cho mạng lưới bóng đá toàn cầu của tổ chức này: Đầy năng lượng, rất nhiều những đường chuyền về phía trước và quyết liệt đuổi theo các pha bóng vô chủ. Nguyên nhân nó hoạt động tốt chủ yếu là vì Red Bull có thể tuyển mộ trên toàn thế giới và tìm ra những cầu thủ phù hợp với những ý tưởng của họ, sau đó tiếp tục rèn giũa họ cho hoàn toàn ăn khớp với chúng thông qua mạng lưới các đội bóng của mình. Điều tương tự cũng diễn ra với tất cả các CLB lớn trên khắp châu Âu áp dụng phiên bản pressing của riêng mình: Họ có thể ký hợp đồng với bất kỳ ai mà mình muốn và sau đó huấn luyện những cầu thủ đó, ngày này qua ngày khác.
Bạn biết những đội bóng nào chẳng thể ký hợp đồng với bất kỳ ai và tổ chức các buổi tập hàng tuần không? Chính là các ĐTQG. Ngay cả đối với các ĐTQG mạnh nhất, đội ngũ cầu thủ sẽ liên tục thay đổi, và các đội bóng chỉ gặp nhau vài lần mỗi năm để tập luyện.
Để thi triển pressing cường độ cao một cách tốt nhất, các cầu thủ cần phải có thể chất tốt, và tiếp theo là họ cần phải biết cách phối hợp với nhau thông qua các động thái di chuyển, chọn vị trí của mình để việc gây áp lực diễn ra thực sự hiệu quả. Còn nếu không, đối thủ chỉ cần vài đường chuyền đơn giản và BÙM: Khung thành của bạn đang bị đặt vào tình trạng báo động. Thật không may, các ĐTQG không thể định đoạt chuyện các cầu thủ sinh ra ở nước nào, và họ thực sự không có đủ thời gian tập luyện cần thiết để có thể thi triển lối chơi quyết liệt như vậy mà không xảy ra tình trạng liên tục bị đối thủ xé toạc hệ thống phòng ngự.
Theo đánh giá của các thị trường cá cược, nhà đương kim vô địch Pháp chỉ đứng thứ ba trong danh sách ứng cử viên vô địch. Trong khi đó, Brazil là cái tên đứng đầu. Theo một tập hợp các dự đoán được tổng hợp bởi Jan Van Haaren, một nhà khoa học dữ liệu làm việc cho một CLB Bỉ được chơi tại Champions League, Neymar và các đồng đội được dự đoán khả năng vô địch là 20%, và không một đội nào khác được ghi nhận một con số trên 10%. Trong tất cả các trận đấu chính thức đã diễn ra kể từ đầu tháng 8 năm ngoái, Brazil đã để cho các đối thủ của mình đạt tỷ lệ chuyền bóng thành công lên đến 83%. Chỉ có 2 đội bóng khác ở kỳ World Cup lần này để đối thủ dễ chuyền bóng hơn trong khoảng thời gian đó: Costa Rica và… tuyển Pháp.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các đội bóng sẽ từ bỏ pressing. Kể từ tháng 8 năm ngoái, tuyển Đức được ghi nhận đã đoạt được bóng trung bình 7,4 lần mỗi trận ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ - đứng thứ hai trong số 32 đội tham dự World Cup, chỉ sau Nhật Bản. Ngoài 2 đội đó ra, có 2 đội bóng khác đều đã khiến các đối thủ của mình chỉ đạt được tỷ lệ chuyền bóng thành công là từ 75% trở xuống và đoạt được bóng ít nhất 6 lần ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ trung bình mỗi trận: Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.
Tại bóng đá cấp CLB, tỷ lệ thành công của pressing trong toàn bộ một mùa giải khiến nó trở thành một vụ đánh cược rủi ro cao / phần thưởng lớn trên một chặng đường dài. Nhưng tại World Cup, bạn sẽ không chơi quá 7 trận, và mức độ rủi ro của pressing cao hơn rất nhiều. Vậy, khái niệm chiến thuật xác định bóng đá hiện đại mà đầu bài phân tích đã đề cập sẽ ra sao ở Qatar 2022? Khả năng cao nó sẽ xuất hiện cực ít trong sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh lần này.
NHỮNG CẦU THỦ CHƠI Ở TUYẾN GIỮA SẼ CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG LỚN HƠN, TRỰC TIẾP HƠN LÊN CÁC ĐỢT TẤN CÔNG CỦA ĐỘI
Trên cuộc hành trình hướng đến sự khai sáng trong “bộ môn” phân tích của bóng đá, môn thể thao này đã trở nên thực sự giỏi trong việc đo lường những gì đã diễn ra xung quanh khung thành.
Trong xuyên suốt World Cup, chắc chắn bạn sẽ thường xuyên nghe về cụm từ “bàn thắng kỳ vọng”. Được viết tắt là xG, dữ liệu này dùng để ước tính khả năng thành bàn của một cơ hội nhất định dựa trên một số đặc điểm lịch sử. Ví dụ, một cú đệm bóng ngay trên vạch vôi sẽ có giá trị khoảng 0,99 bàn thắng kỳ vọng (tức khả năng thành bàn là 99%), bởi vì trong thế giới bóng đá đã có không ít tình huống bỏ lỡ khó tin với những cơ hội mười mươi thế này. Trong khi đó, một cú sút từ khoảng cách hơn 50 yard (45,72 mét) sẽ có giá trị khoảng 0,01 xG.
Tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến chỉ số này? Bởi vì xG có thể dự đoán hiệu suất trong tương lai của một đội bóng / một cầu thủ tốt hơn bất kỳ thống kê đơn lẻ nào khác. Trong ngắn hạn, bất kỳ ai cũng có thể biến những cú dứt điểm có khả năng thành công thấp thành các bàn thắng, nhưng về lâu dài, những đội bóng giỏi nhất là những đội có thể tạo ra nhiều cơ hội chất lượng cao và không để cho đối thủ làm được điều đó với mình. Quy luật tương tự cũng được áp dụng với cấp độ cá nhân, những tay săn bàn xuất sắc nhất chính là những cầu thủ có được nhiều cơ hội dứt điểm ngon ăn nhất.
Từ dữ liệu bàn thắng kỳ vọng, lùi thêm một bước và bạn có thể suy ra một dữ liệu khác là “kiến tạo kỳ vọng”, dựa trên xG của cơ hội mà đồng đội có được từ đường chuyền do một chân chuyền thực hiện trước đó. Dữ liệu này loại bỏ khả năng của chân sút và thay vào đó ghi nhận khả năng của chân chuyền dựa trên “chất lượng” của những cơ hội mà anh ta tạo ra, thay vì những gì xảy ra sau khi anh ta chuyền bóng.
Từ chỉ số “kiến tạo kỳ vọng”, lùi thêm 1 bước nữa và bạn có thể suy ra ai đang là người cừ nhất trong việc thực hiện những đường chuyền tiền kiến tạo – hoặc các đường chuyền đưa bóng vào vòng cấm đối thủ.
Tuy nhiên, khi lùi lại thêm một bước nữa, mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên thực sự mờ mịt.
Luke Borrn, người từng đảm nhận cương vị đứng đầu bộ phận phân tích của AS Roma trước khi rời đi để trở thành sếp phó của bộ phận Chiến Lược và Phân tích tại Sacramento Kings, và hiện đang là một đồng sở hữu của CLB Pháp Toulouse FC và gã khổng lồ của Italy AC Milan, đã mô tả trạng thái kiến thức của chúng ta về những điều có thể “xác định giá trị” trên sân đấu như sau: “Cứ như thể chúng ta chỉ có dữ liệu về những cú úp rổ vậy.”
Những điều xảy ra ở hàng tiền vệ – từ góc độ xác định giá trị – hầu hết vẫn còn là một bí ẩn. Khi bạn tìm hiểu về các hành động làm tăng hoặc giảm khả năng ghi bàn của một đội, mọi thứ diễn ra ở khu vực giữa sân đều lờ mờ hơn hẳn so với những gì diễn ra gần 2 khung thành.
Tuy nhiên, do khuynh hướng lối chơi mà chúng ta có thể sẽ thường xuyên được thấy ở Qatar, những cầu thủ thi đấu tại trung tuyến sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều lên các đợt tấn công so với một ngày cuối tuần thông thường trên khắp châu Âu.
Tại Euro 2021, tỷ lệ chuyền bóng thành công trung bình của các đội tham dự là 84%. Tại mùa giải Premier League diễn ra sau đó, con số này giảm xuống còn 81%. Ngoài ra, quả bóng đã được di chuyển về phía khung thành đối thủ với vận tốc trung bình là 1,27 mét/giây tại Euro 2021, và sau đó tăng lên 1,39 mét/giây tại Premier League 2021-22. Có thể thấy rằng, tại Euro, các đội bóng để mất quyền kiểm soát bóng ít hơn, và cuộc chơi chỉ đơn giản là diễn ra theo một nhịp điệu hoàn toàn khác.
Với việc tại sân chơi cấp ĐTQG các đội bóng ít pressing hơn và quả bóng được đưa lên phía trên với tốc độ chậm hơn, các cầu thủ ở tuyến giữa sẽ có nhiều thời gian và không gian hơn để thực hiện những pha bóng quyết định. Ví dụ, nếu bạn chỉ xem bóng đá cấp ĐTQG, bạn có thể sẽ nghĩ rằng Paul Pogba của tuyển Pháp chính là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Nếu bạn chỉ xem bóng đá cấp CLB, bạn có thể sẽ nghĩ rằng Paul Pogba là một trong những cầu thủ thiếu ổn định và khó dùng nhất thế giới. Một phần nguyên nhân không nhỏ dẫn tới sự khác biệt đó là do tình trạng rối loạn chức năng ở CLB cũ của anh là Manchester United, nhưng cách thi đấu của anh trong ngữ cảnh bóng đá cấp CLB cũng là một lý do.
Như đã nói, khi chơi cho ĐTQG, các tiền vệ sẽ có nhiều khoảng trống hơn và nhiều cơ hội hơn để tạo ảnh hưởng lên lối chơi của đội ở gần khung thành đối thủ.
CÒN GÌ NỮA?
Trước đây, các HLV thường coi nhẹ chuyện tập luyện những bài tấn công bóng ch.ết: Phạt góc, đá phạt, ném biên v.v… Một số người, bao gồm Luis Enrique của Tây Ban Nha, vẫn đang như vậy.
Luis Enrique
|
Paul Power, hiện là giám đốc bộ phận Trí Tuệ Nhân Tạo của công ty dữ liệu Skill Corner, từng làm việc cho CLB Premier League Everton trong vai trò một cố vấn. Vào thời điểm đó, HLV trưởng của họ chính là vị thuyền trưởng hiện tại của ĐTQG Bỉ, Roberto Martinez.
“Thực sự có tồn tại cái quan điểm rằng việc ghi bàn từ các tình huống cố định chẳng khác nào là gian lận,” Power chia sẻ. “Bạn biết đấy, nó không phải là một phần của bóng đá đẹp. Roberto Martinez chẳng thèm tổ chức tập luyện cho những tình huống cố định. Ông ấy muốn biết mọi thứ về các tình huống bóng sống: Sự đồng bộ giữa các cầu thủ, cách tạo ra khoảng trống thông qua các động thái di chuyển phức tạp. Nhưng nếu bạn nhìn vào một tình huống cố định, sẽ chẳng có gì thú vị trong đó cả. Đây vẫn là một định kiến phổ biến trong bóng đá.”
Ngoài ra, các HLV còn có quan điểm rằng khoảng thời gian dùng để luyện tập những bài vở tấn công bóng ch.ết đồng nghĩa rằng họ sẽ mất đi bấy nhiêu thời gian có thể dành cho việc luyện tập những khía cạnh khác. Nói cách khác, nếu bạn bắt đầu ghi được nhiều bàn thắng hơn từ các tình huống cố định nhờ luyện tập chúng nhiều hơn, cái giá phải trả chính là những bàn thắng được ghi từ các tình huống bóng sống sẽ sụt giảm, bởi vì thời gian tập luyện chúng bị giảm sút.
Đó là một lý thuyết nghe rất có tính thuyết phục; nhưng nó lại hoàn toàn sai, và bằng chứng về sự vô nghĩa của nó đã xuất hiện ở giải hạng nhất của Đan Mạch.
FC Midtjylland, CLB bóng đá có tư duy tiến bộ nhất hành tinh, đã ghi được 25 bàn từ các tình huống cố định trong mùa giải 2014-15 trên cuộc hành trình giành chức vô địch giải hạng nhất đầu tiên của họ. Sau đó, tất cả các đội khác đã bắt đầu học theo những nhà vô địch giải đấu. Và một điều thú vị đã diễn ra: Tất cả các đội khác cũng đã bắt đầu ghi được rất nhiều bàn thắng từ những tình huống cố định, nhưng khả năng ghi bàn từ bóng sống của họ vẫn không thay đổi. Dù đã dành nhiều thời gian hơn cho việc luyện tập các tình huống cố định, nhưng khả năng chọc thủng lưới đối thủ từ các tình huống bóng sống của họ vẫn nguyên vẹn.
“Câu chuyện đó chỉ ra một khía cạnh chiến thuật cực đáng lưu tâm nhưng lại chưa được khai thác đủ sâu trong bóng đá, và nếu biết cách tận dụng nó, các đội bóng sẽ có thể ghi đủ số bàn thắng mà họ cần để đoạt được một chức vô địch,” Ted Knutson, người từng làm việc cho Midtjylland và hiện đang điều hành công ty dữ liệu Statsbomb, phân tích.
Cả Knutson và Power đều ước tính rằng, việc có được bài vở tấn công bóng ch.ết tốt sẽ có thể mang tới thêm khoảng 15 bàn thắng cho một đội bóng trong một mùa giải 38 trận.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Power, các tình huống bóng sống dẫn tới bàn thắng có tỷ lệ trung bình là 1,1%, trong khi con số được ghi nhận ở các tình huống cố định (chưa thực sự được khai thác hết và vẫn còn kém hiệu quả) là 1,8%.
Trên thực tế, cách nhìn của giới túc cầu đối với các tình huống cố định đang thay đổi, và thậm chí là thay đổi rất nhanh chóng. Một số đội, bao gồm Midtjylland và HLV trưởng của đội tuyển Anh là Gareth Southgate, thậm chí đã tham khảo các đội bóng ở NBA và NFL nhằm tìm ra những cách tốt nhất để tạo khoảng trống trong các tình huống bóng ch.ết. Tại World Cup 2018, đã có 70 bàn thắng được ghi từ các tình huống cố định – chiếm 43% tổng số bàn thắng tại giải đấu. Bản thân đội tuyển Anh đã ghi được 9 bàn từ bóng ch.ết, qua đó phá vỡ kỷ lục do Bồ Đào Nha thiết lập vào năm 1966.
Tại Qatar, rất khó có khả năng xảy ra tình trạng sụt giảm các bàn thắng được ghi từ những tình huống cố định, thậm chí chúng có thể sẽ gia tăng. Với sự hạn chế về thời gian tập luyện của các ĐTQG và những khó khăn trong việc tạo ra các mảng miếng tấn công bóng sống thực sự lợi hại, các tình huống cố định thậm chí sẽ còn hiệu quả hơn về mặt thời gian chuẩn bị ở bóng đá cấp ĐTQG. Tại World Cup 2018, trung bình một đội ghi được 1,3 bàn mỗi trận. Trong một giải đấu có tối đa 7 trận dành cho một đội bóng, việc ghi thêm được vài bàn thắng nhờ các tình huống bóng ch.ết có thể trở thành sự khác biệt giữa kết cục bị loại sớm và việc đi được đến trận đấu cuối cùng.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều điều chẳng thể lường trước được xảy ra trong 1 tháng tới, nhưng tôi cảm thấy khá tự tin để đưa ra ít nhất một dự đoán: Ít nhất sẽ có một trận đấu quan trọng được định đoạt bởi những khoảnh khắc diễn ra sau khi trọng tài cất tiếng còi thổi phạt, khi mọi chuyển động hỗn loạn và năng động trên sân đấu dừng lại trong một thời gian ngắn.
Theo Ryan O’Hanlon, ESPN