Bồ Đào Nha 3-2 Ghana: Chiến thắng chật vật và nhạt nhoà

Tác giả Hoàng Bách - Thứ Sáu 25/11/2022 09:53(GMT+7)

Lần đầu tiên kể từ FIFA World Cup 2006 tới nay, Bồ Đào Nha mới có thể giành được thắng lợi trong ngày ra quân. Tuy nhiên, đoàn quân của Fernando Santos chỉ có thể giành trọn 3 điểm trước Ghana một cách chật vật và nhạt nhoà.

Kiểm soát bóng nhưng không thể kiểm soát thế trận

Hai cú shock lớn nhất của FIFA World Cup 2022 tới nay đều chia sẻ những đặc điểm tương đồng đến kì lạ. Trước những đối thủ dưới cơ là Saudi Arabia và Nhật Bản, hai ông lớn Argentina và Đức gần như áp đảo toàn diện về thời lượng kiểm soát bóng, đồng thời đẩy lùi được đối phương về sân nhà trong phần lớn thời gian trận đấu. Tuy nhiên, sự thiếu sắc sảo trong chất lượng xử lí tình huống cuối cùng lẫn tính đa dạng trong mảng miếng phối hợp là nguyên nhân lớn dẫn tới thất bại đầy bất ngờ của hai đội bóng này.

Kịch bản ấy suýt chút nữa đã tái hiện tại Sân vận động 974 trong cuộc đối đầu giữa Bồ Đào Nha và Ghana, ít nhất là cho tới phút 65 của trận đấu. Xuất phát với đội hình đậm đặc những cá nhân sở hữu khả năng tấn công hàng đầu, Bồ Đào Nha được kì vọng sẽ ít nhiều có 90 phút dễ thở trước đối thủ đến từ châu Phi. Tuy nhiên, thêm một lần nữa tại đấu trường lớn, Bồ Đào Nha của Fernando Santos cho thấy sự bế tắc khi bị đặt vào hoàn cảnh chiếu trên.

Khu vực hoạt động của Bernardo (10), Otavio (25), Bruno (8) và Felix (11) gần như dẫm chân nhau

 

Với 4 tiền vệ tấn công trong đội hình xuất phát gồm Bruno Fernandes, Bernardo Silva, Joao Felix và Otavio, Santos cho phép những cá nhân sở hữu kĩ năng cá nhân thượng thừa này sự tự do trong định hướng vị trí. Dù trên lí thuyết, với bộ khung 4-3-3 được sử dụng, Bernardo và Otavio đóng vai trò hai số 8, trong khi Felix (trái) và Bruno (phải) có trách nhiệm nhô cao hơn, nhưng bản đồ vị trí trung bình của Bồ Đào Nha trong hiệp 1 đã cho thấy sự “hỗn loạn” nhất định trong khâu hoán đổi của nhóm cầu thủ này. 

Có thể hiểu được ý đồ của Fernando Santos khi chủ động định hướng các tiền vệ tấn công chơi gần nhau nhằm tận dụng tối đa khả năng xoay sở không gian hẹp. Qua đó, họ thu hút đối phương và phá vỡ kết cấu phòng ngự lùi sâu số đông của Ghana bằng các tình huống thoát bóng ra không gian trống hai cánh cho biên thủ dâng cao (Joao Cancelo và Raphael Guerreiro), hoặc phối hợp ngắn nhỏ đưa bóng đến mũi nhọn Cristiano Ronaldo chực chờ trong vòng cấm.

Dẫu vậy, ý đồ của Santos đã không được thực hiện trơn tru, đến phần nào từ định hướng mảng miếng chi tiết không rõ nét của vị huấn luyện viên 68 tuổi, dẫn tới việc nhịp độ chơi bóng và độ nhịp nhàng trong phối hợp 1/3 cuối sân của Bồ Đào Nha là điều không được chứng kiến một cách liên tục. Không quá khó hiểu bởi, kiểm soát áp đặt thế trận vốn dĩ chưa bao giờ là thế mạnh của Fernando Santos, khi chiến thuật phòng ngự phản công ông sử dụng tại Euro 2016 mới là bí quyết giúp Bồ Đào Nha lên ngôi thành công. 

Chỉ 2/14 tình huống tạt bóng vào vòng cấm được Bồ Đào Nha thực hiện thành công tới phút 65

 

Những nếp nhăn trên trán Santos càng sâu hơn khi một số ít ỏi tình huống đưa bóng thành công vào vòng cấm Ghana lại bị kết thúc quá vội vàng bởi các chân sút đội nhà, hoặc chất lượng tạt bóng hướng tới mũi nhọn Ronaldo lại thiếu nhiều sự chuẩn xác.

Hưởng lợi từ những diễn biến khó lường

Sau 65 phút đầu tiên bế tắc, Bồ Đào Nha bất ngờ ghi bàn từ chấm penalty sau tình huống Cristiano Ronaldo bị phạm lỗi trong vòng cấm. Bàn thắng không chỉ khai thông thế bế tắc của Bồ Đào Nha, mà còn thay đổi hoàn toàn thế cục trận đấu, bởi Ghana buộc phải vùng lên đẩy cao đội hình tìm kiếm bàn thắng nếu không muốn nhận về thất bại, qua đó giúp Seleccao có nhiều khoảng trống hơn để khai thác.

Dù hàng phòng ngự chơi hớ hênh giúp Ghana sớm có bàn thắng gỡ hoà, Bồ Đào Nha lập tức có câu trả lời, nhờ vào những khoảng trống lớn mà hệ thống mở rộng của đối phương để lại. Hai bàn thắng chóng vánh đến trong vòng chỉ 3 phút đều là thành quả của những tình huống chuyển đổi sắc bén, vốn là thứ vũ khí sở trường của Bồ Đào Nha dưới triều đại Fernando Santos.

 
Bàn thắng thứ 3 của Bồ Đào Nha khởi nguồn từ pha cắt bóng thành công của Joao Felix. 

 

Với cự li mở rộng, hàng thủ Ghana bị đặt vào thế báo động với bất lợi quân số 3 đấu 4 trong tình huống bị phản công.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng, Bồ Đào Nha cũng đã hưởng lợi một cách gián tiếp từ loạt quyết định có phần khó hiểu của BHL Ghana. Andre Ayew và Mohammed Kudus, hai hạt nhân cho sự khởi sắc và bàn thắng gỡ hoà của đội khách, bị rút ra ngoài ngay trước thời điểm Bồ Đào Nha nhân đôi cách biệt, khi các nhân sự thay thế chưa kịp hoà nhập lẫn sở hữu trình độ không tương xứng. Sự hung phấn thái quá và mất kiểm soát thế trận đã khiến Ghana trả giá.

Nỗi lo hàng phòng ngự

Trước khi có bàn thắng mở tỉ số, khung thành Diogo Costa gần như không bị đe doạ khi Ghana duy trì khối đội hình lùi sâu. Tuy nhiên, ngay sau khi đẩy cao, Ghana đã liên tục đặt Bồ Đào Nha vào tình trạng báo động. Riêng trong khoảng thời gian 25 phút cuối trận, dù hai bên đều ghi thêm 2 bàn thắng, số lần uy hiếp cầu môn mà Ghana tạo ra là gấp đôi so với Seleccao.

Chịu áp lực lớn hơn, sai số của hàng thủ Bồ Đào Nha lập tức lộ ra với tần suất báo động, nhất là bên hành lang cánh phải nơi Joao Cancelo trấn giữ. Rời bỏ môi trường tại cấp độ CLB, nơi hệ thống bóng đá của Manchester City được dàn xếp hoàn hảo để hạn chế tối đa nhiệm vụ phòng ngự, Cancelo gặp phải muôn vàn khó khăn khi định hướng chơi bóng tại cấp độ ĐTQG là hoàn toàn khác biệt.

Yếu điểm cố hữu trong các tình huống theo người 1v1 và tư duy phòng ngự theo tuyến của Cancelo lập tức bị khai thác, nhất là trong thời điểm Bồ Đào Nha chủ động kéo lùi đội hình trước Ghana sau khi nắm lợi thế. Với phong độ cao của Diogo Dalot thời gian gần đây, sẽ không có gì đảm bảo Cancelo sẽ tiếp tục được ưu ái, khi sự phù hợp chiến thuật vẫn là một dấu hỏi.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bậc thầy chiến thuật Eddie Howe đã đè bẹp Tottenham như thế nào?

Trên lý thuyết, tất cả các kế hoạch và ý tưởng đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để thực hiện những kế hoạch ấy khi đối đầu với một đối thủ mang đẳng cấp cao thì nó lại là câu chuyện và nhiệm vụ hoàn toàn khác biệt... Đó chính là lý do vì sao HLV Eddie Howe đã dành lời khen và ca ngợi các cầu thủ của mình sau khi hồi còi mãn cuộc của trọng tài chính vang lên.

Man City 3-1 MU: Bước ngoặt Alvarez, sự linh hoạt của Foden và đòn ‘overload’ nách trái của Pep!

Cú rocket của Marcus Rashford, pha hỏng ăn khó tin của Erling Haaland, phong độ siêu hạng của Phil Foden. Sự vượt trội của đội chủ nhà ở tỷ lệ kiểm soát bóng, số lần dứt điểm cầu môn, và tất nhiên cả số cơ hội ngon ăn. Đó là những điểm nổi bật trong trận derby Manchester 192 mà Man City ngược dòng đánh bại Man United 3-1 mà bất kỳ ai xem trực tiếp trận đấu này cũng có thể chỉ ra.

Porto đã đánh sập Arsenal tại Hang rồng như thế nào?

Trước chuyến làm khách đến Estadio do Dragao, hàng công của Arsenal đã nổ súng 21 lần với 9 cái tên khác nhau trong 5 trận gần nhất tại Premier League, tức trung bình 4,2 bàn/trận. Thế nhưng cũng vẫn hàng công đó, đã “tắt điện” toàn tập sau 90 phút bóng lăn trên đất Bồ Đào Nha. Thậm chí, các Pháo thủ không có lấy bất cứ cú sút trúng đích nào sau 7 pha dứt điểm cả trận.

Chelsea đã phong toả tốt nhưng Man City đã hoá giải như thế nào?

Cả Man City và Chelsea ở trận đấu vào thứ Bảy vừa rồi đều tìm ra được những phương pháp để phong toả hoặc hoá giải đối phương nên trận hoà này khó có thể đánh giá đội nào kém hơn đội nào vì họ đều có những khoảng thời gian chơi tốt riêng biệt.