Xem World Cup 2018, nhớ Lampard và cái vạch vôi năm nào

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 20/06/2018 16:10(GMT+7)

Zalo
World Cup 2014, Công nghệ Goal-line (thiết bị nhận diện & phân tích dữ liệu đường đi, vị trí trái bóng so với vạch vôi khung thành) lần đầu được áp dụng. World Cup 2018, ngoài Goal-line, VAR - công nghệ video hỗ trợ trọng tài - cũng chính thức trở thành một trợ lý đắc lực cho “Vua áo đen” trên sân.
DT Phap duoc huong phat den nho cong nghe VAR moi duoc ap dung tai World Cup 2018.
ĐT Pháp được hưởng phạt đền nhờ công nghệ VAR mới được áp dụng tại World Cup 2018.
Nhưng 8 năm trước, trong những ngày Hè Nam Phi 2010, khi Goal-line chưa đi vào đời sống bóng đá - đặc biệt là các giải đấu lớn còn VAR thậm chí còn chưa thai nghén, có 1 tình huống trong cặp đấu đầy duyên nợ ở vòng knock-out, khiến những ai có cơ hội theo dõi trận đấu ấy, cho tới tận những ngày này vẫn còn nhớ như in.
 
Thành phố Bloemfontein, chiều 27/6. Sân Free State. Vòng 1/8 World Cup 2010. Và đại chiến Anh – Đức. Phút 38, thời điểm Anh vừa có bàn gỡ 1-2 sau cú đánh đầu của trung vệ Mathew Upson. Trong 1 tình huống phản công nhanh, tiền vệ Frank Lampard tung ra cú sút sát rìa vòng 16m50 của Đức. Bóng từ chân Lampard có lực đi căng và hiểm đủ để vượt qua tầm với của thủ thành Manuel Neuer, vốn đã lên hơi cao. Trái bóng găm thẳng vào xà ngang khung thành tuyển Đức trước khi dội thẳng xuống sau lưng Neuer và sau cả vạch ngang cầu môn. Nhưng thay vì nằm gọn trọng lưới, trái bóng bật xoáy ngược trở lại vị trí của Neuer. Thủ thành tuyển Đức ôm bóng và nhanh tay triển khai một pha tấn công mới của đội nhà.
 
Trong khoảnh khắc nhanh như một ánh chớp ấy, những tuyển thủ Anh đừng gần nhất so với vị trí của trái bóng đều giơ tay thông báo với tổ trọng tài điều khiển trận đấu rằng bóng đã đi vào lưới. Nhưng không có tiếng còi nào được cất lên, từ trọng tài chính người Uruguay – Jorge Larrionda để công nhận cú dứt điểm của Lampard là một bàn thắng hợp lệ. “Số 8” tuyển Anh ôm đầu tiếc nuối. Vẻ mặt thảng thốt và ánh mắt rất khó diễn tả bằng lời của Lampard thời điểm ấy, cho tới tận những ngày này vẫn gây ám ảnh đối với không chỉ người Anh mà còn cả những ai từng ít nhất 1 lần xem trực tiếp hoặc xem lại pha bóng đáng-ra-đã-là một bàn thắng kể trên.
Xem World Cup 2018, nho Lampard va cai vach voi nam nao1
Xem World Cup 2018, nhớ Lampard và cái vạch vôi năm nào
Số phận của Anh và Đức ở kì World Cup 2010, hoàn toàn có thể đi về những hướng hoàn toàn khác nhau nếu trọng tài Larrionda công nhận pha dứt điểm của Lampard đã tạo ra một bàn thắng hợp lệ như nó đích xác là thế. Bởi khi đó, tỉ số sẽ là 2-2 trong bối cảnh người Đức đang mất phương hướng sau thời điểm Anh có bàn gỡ 1-2. Nhưng cú sút đưa bóng ra sau vạch ngang khung thành Neuer gần 40cm của Lampard đã không phải và không bao giờ được coi là 1 bàn thắng. Và hành trình của Anh tại World Cup 2010 kết thúc với tỉ số thua 1-4 trước người Đức. Đúng 1 tuần sau khi Lampard đón sinh nhật tuổi 32 vào ngày 20/6.
 
4 năm sau cột mốc đáng nhớ nêu trên, Lampard, trong 1 bài trả lời phỏng vấn với SkySports trong thời điểm World Cup 2014 đang diễn ra vòng đấu bảng, nói rằng: “Đúng là lúc ấy tôi hận lắm. Đó rõ ràng là một bàn thắng cơ mà. Tại sao lại không công nhận khi nó là 1 pha ghi bàn hợp lệ. Nhưng cái cảm giác thất vọng ấy không tồn tại trong tôi quá lâu. Đời cầu thủ chuyên nghiệp đâu phải lúc nào bạn cũng có thời gian mà hối tiếc. Và lúc này, tôi có thể khẳng định rằng tôi không nghĩ quá nhiều về pha bóng ấy. Tiếc nuối lại càng không. Bởi  chính nhờ nó, mà dòng chảy bóng đá đã thực sự thay đổi, theo hướng tích cực và công bằng hơn. Đặc biệt là khi FIFA nỗ lực đưa Công nghệ Goal-line vào kì World Cup (2014) này. Điều đó khiến tôi cảm thấy hãnh diện, bởi rốt cuộc sự thiệt thòi của tôi và tuyển Anh cũng đem lại giá trị to lớn khác cho bóng đá”.
Frank Lampard
Frank Lampard và chia sẻ về VAR
Nhưng cũng chính Lampard, trước thềm World Cup 2018, lại là người tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ nhất việc áp dụng công nghệ VAR trong các trận đấu thuộc VCK diễn ra tại Nga. “Khác với Goal-line, công nghệ luôn đưa ra kết quả chính xác tuyệt đối và buộc trọng tài phải tuân thủ, VAR rắc rối và gây tranh cãi hơn nhiều. Trong 1 trận đấu thậm chí cả giải đấu, Goal-line chỉ thỉnh thoảng được sử dụng để tránh việc bỏ sót những pha dứt điểm thành bàn nhưng không được trọng tài công nhận. Goal-line giúp bóng đá tốt hơn, công bằng hơn nhưng VAR thì khác, bởi ảnh hưởng xuyên suốt và khó lường của nó đối với diễn biến trận đấu. VAR là công nghệ tương lai nhưng để áp dụng nó một cách chuẩn mức nhất, cần phải qua nhiều cuộc thảo luận và thử nghiệm. Với tôi, việc sử dụng VAR ngay ở kì World Cup này là quá vội vàng”.
 
Tính đến thời điểm này của World Cup 2018, đã có 4 tình huống trọng tài quyết định thổi phạt đền sau khi có sự trợ giúp của các chuyên viên công nghệ VAR trên sân (trận Pháp – Australia, Peru – Đan Mạch, Thụy Điển – Hàn Quốc, Nga – Ai Cập) nhưng ít nhất cũng có từng ấy pha bóng tương tự song VAR đã không lên tiếng, hoặc các trọng tài đã chọn giải pháp không cần tới sự hỗ trợ của VAR. Nổi bật nhất là pha “diving” kiếm phạt đền của Cristiano Ronaldo trong trận Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha, cú đánh cùi chỏ của Diego Costa với trung vệ Pepe trước khi tiền đạo này có pha solo ghi bàn, tình huống Aguero ngã trong vòng cấm địa Iceland giúp Argentina có phạt đền (nhưng Messi đá hỏng)…
Noi that vong cua Lionel Messi khi tran dau ket thuc.
Nỗi thất vọng của Lionel Messi khi trận đấu kết thúc.
Sự khác biệt lớn nhất giữa VAR và Goal-line, như Lampard phân tích, nằm ở mức độ tác động tới quyết định của trọng tài. Goal-line không cho phép trọng tài lựa chọn. Đúng là Đúng, Sai là Sai. Bên được ghi nhận bàn thắng và bên bị thủng lưới đều phải tâm phục khẩu phục. Nhưng VAR, đúng với tên gọi và chức năng của nó chỉ là “công cụ hỗ trợ”. Trọng tài được quyền chọn hay không chọn việc tham khảo VAR cho dù cầu thủ của phe cảm thấy bị oan ức có yêu cầu khẩn thiết đến mức nào, thậm chí được quyền đưa ra quyết định trái ngược hoàn toàn với thực tế chuẩn xác mà VAR chỉ ra. Tức VAR, với cách đã và đang áp dụng tại World Cup 2018, thực ra chỉ đem lại công bằng… một cách tương đối bên cạnh những tác động tiêu cực khác như dồn áp lực nhiều hơn tới tổ trọng tài chính hay khiến 90 phút của trận đấu nhiều phen bị xé nhỏ.
 
Với Lampard, người hôm nay chính thức bước sang tuổi 38, người đã ghi gần 300 bàn thắng trong sự nghiệp cầu thủ, người đã góp phần đưa Goal-line vào đời sống bóng đá, người xứng đáng được coi là biểu tượng của sự chuyên nghiệp và lòng tận hiến, VAR tại World Cup 2018 là không-cần-thiết: “Là cầu thủ chuyên nghiệp, bạn phải học đương đầu với nghịch cảnh, thậm chí phải chấp nhận những chuyện bất ưng, như cách để hoàn thiện mình thay vì vây quanh trọng tài van vỉ và coi VAR là một địa chỉ để ăn vạ như những đứa trẻ”.
 
Bóng đá chuyên nghiệp, với VAR song hành, liệu có còn chỗ cho những cầu thủ chuẩn mực đàn ông như Lampard?

ELFLACO (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe vs Barcelona: Thuốc đắng dã tật

Kylian Mbappe nuốt trọn những lời chỉ trích vì màn trình diễn ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2023/24 gặp Barcelona, biến chúng thành động lực, rồi làm tất cả im lặng ở trận lượt về.

Khi Foden đã luyện cú sút của mình đạt tới cảnh giới hoàn hảo

Những pha chạm bóng nhẹ nhàng trước khi tung ra cú sút đều là những phong cách của cá nhân Foden. Anh luôn có một khả năng xử lý quả bóng rất nhẹ nhàng và linh hoạt kể cả khi dẫn bóng hay nhận bóng từ đồng đội. Kỹ năng ấy giúp Foden luôn đảm bảo trái bóng trong tầm kiểm soát của bản thân trước khi anh thực hiện một cú sút.

X
top-arrow