Họ đã rời sân khấu World Cup vốn thuộc về họ bấy lâu nay, từng người một. Một vài cái tên như Luis Suarez tỏ ra bồn chồn và bất lực trên ghế dự bị, trước khi không cầm được những giọt nước mắt. Những người khác như Romelu Lukaku và Edinson Cavani thì tấn công bất cứ vật thể nào họ đi ngang qua, do không thể kiềm chế được cơn thịnh nộ và gần đây nhất là Ronaldo - một trong những cái tên xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới.
Cũng có những người kết thúc giải đấu một cách duyên dáng nhất có thể. Nụ cười đã nở trên môi Robert Lewandowski, bởi ít nhất anh cũng có bàn tại đấu trường danh giá này. Một cái lắc đầu nhẹ nhàng nhưng buồn bã từ Sergio Busquets, khi quả phạt đền hỏng của anh hạ màn chiến dịch World Cup của Tây Ban Nha.
Tất nhiên, một số người vẫn đang trụ lại với giải đấu (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại): Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Angel Di María, Luka Modric và Pepe. Vài người sẽ rời khỏi Qatar trong những ngày tới. Vài người sẽ ở lại một tuần nữa hoặc lâu hơn. Chỉ một hoặc hai người sẽ có cái kết mà họ khao khát, với một chiếc cúp trên tay và những miếng băng dính trên người bên trong sự lấp lánh của sân vận động Lusail. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đối với tất cả bọn họ, đây sẽ là lời tạm biệt.
Trong hai tuần qua, có cảm giác World Cup này là sân khấu dành riêng cho Messi và Ronaldo, hai cầu thủ nổi bật nhất trong thời đại của họ.
Trong hơn hai thập kỷ, họ đã trở thành nhân vật trung tâm của môn thể thao này. Thực chất, mọi câu chuyện liên quan đến trái bóng tròn đều nói về họ; giải đấu này cũng cũng không phải ngoại lệ. Suy cho cùng, đó là cơ hội cuối cùng để họ giành danh hiệu duy nhất còn thiếu, để củng cố không chỉ vị thế huyền thoại mà cả sự tôn thờ của người hâm mộ dành cho họ.
Messi và Ronaldo luôn là một điều gì đó khác biệt. Chính họ dẫn đường cho cả một thế hệ cầu thủ thống trị làng túc cầu trong hơn một thập kỷ. Đó cũng là dàn ngôi sao tài năng nhất mà bóng đá từng sản sinh.
Rốt cuộc, phía sau Messi và Ronaldo là một nhóm cầu thủ không chỉ có Lewandowski, Suarez, Modric và Busquets, mà còn có cả Thomas Muller, Manuel Neuer, Jordi Alba, Sergio Ramos, Karim Benzema, Paul Pogba, Eden Hazard, Kevin De Bruyne, Daniel Alves và vài chục người khác nữa.
Đây là những cái tên đã vùng vẫy trong thế giới bóng đá trong khoảng thời gian cứ ngỡ như như cả đời. Đã 10 năm kể từ ngày Hazard ký hợp đồng với Chelsea. 12 năm trôi qua kể từ khi Busquets và Alba vô địch World Cup cùng Tây Ban Nha. 13 năm kể từ ngày Benzema ra mắt sân Bernabeu và 14 năm kể từ khi Alves gia nhập Barcelona.
Họ vẫn ở đây và trở thành tâm điểm của cả thế giới. Nhờ sự chuyên nghiệp hóa nhanh chóng của bóng đá, nhờ những bước nhảy vọt về khoa học thể thao trong hai thập kỷ qua, họ đã tồn tại trên đỉnh cao của môn thể thao này lâu hơn nhiều so với những gì những người đi trước có thể tưởng tượng.
Pelé, ngôi sao toàn cầu đầu tiên của bóng đá là một điều gì đó khác biệt. Ông tỏa sáng rực rỡ tại World Cup 1958 và duy trì sự siêu việt đó đến tận năm 1970. Nhưng rất ít người có thể tồn tại trên đỉnh cao được một thập kỷ.
8 năm là khoảng thời gian kể từ thời điểm Zinedine Zidane đạt đến đỉnh cao danh vọng tại World Cup 1998, cho đến khi ông giải nghệ sau giải đấu năm 2006. Diego Maradona được coi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới vào năm 1984. Nhưng do bị ma xui quỷ khiến (dù nguyên nhân thực tế đến từ một loại ma khác, ma túy), ông bị Napoli giải phóng hợp đồng vào năm 1991 ở tuổi 31.
Trong khi đó, Cristiano Ronaldo đã ký hợp đồng với Manchester United trước khi Facebook tồn tại. Anh sa sút với tốc độ chậm đáng kể so với những người khác.
Tất nhiên, tuổi thọ với nghề đã lí giải phần nào cho sự nổi danh của nhóm các ngôi sao hiện tại, nhưng đó chưa phải là lời giải thích hoàn chỉnh. Đây là thế hệ cầu thủ đầu tiên dành toàn bộ sự nghiệp của họ ở thời kỳ vàng son nhất của bóng đá, thời kỳ được thúc đẩy bởi sự nổi tiếng của Premier League và Champions League, bởi nhu cầu bản quyền truyền hình ngày càng tăng, bởi sự khao khát được xem trực tiếp ở mọi lãnh thổ. Một môn thể thao mà nhà sử học David Goldblatt gọi là “hiện tượng văn hóa lớn nhất mà thế giới từng biết.”
Các đội bóng trở thành biểu tượng của chính trị và quyền lực, được tranh giành bởi các nhà tài phiệt và các quốc gia. Những cầu thủ từng là động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc đó đã trở thành những người nổi tiếng nhất hành tinh.
Dù là môn thể thao vua, bóng đá thường bị đánh giá thấp về quy mô, tác động cũng như sự hấp dẫn. Những dẫn chứng sau đây chưa hẳn là thước đo hoàn hảo, nhưng Ronaldo có nhiều người theo dõi trên Instagram hơn bất kỳ ai trên thế giới: gần gấp đôi so với Justin Bieber và gấp ba so với LeBron James và Rihanna. Lionel Messi đứng thứ hai, với lượng theo dõi bằng cả Katy Perry và Kourtney Kardashian cộng lại.
Thước đo tốt nhất về tầm quan trọng của thế hệ này có lẽ nằm ở lứa tài năng tiếp theo. World Cup 2022, giống như mọi kỳ World Cup khác là bệ đỡ cho những mầm non bóng đá: Jude Bellingham của Anh, Gavi và Pedri của Tây Ban Nha và Enzo Fernandez của Argentina đã sử dụng giải đấu này để cho cả thế giới thấy tài năng của họ, bên cạnh Kylian Mbappe và những cầu thủ vắng mặt như Erling Haaland.
Tuy nhiên, độ tuổi của họ là điều đáng chú ý: Tất cả đều dưới 23 tuổi. Nghĩa là bóng đá đã bỏ qua một thế hệ. Chỉ có một vài người có thể chiếm lấy ngai vàng của họ ngay khi họ giải nghệ: Neymar, Harry Kane và Mohamed Salah. Như vậy là quá ít. Thế hệ này đã tỏa sáng quá rực rỡ để thế hệ nối tiếp họ có thể phát triển.
World Cup tại Qatar kết thúc không có nghĩa là sứ mệnh của thế hệ này đã khép lại. Premier League sẽ chính thức trở lại vào ngày 26/12, 8 ngày sau trận chung kết World Cup. Các giải VĐQG khác của châu Âu sẽ sớm diễn ra sau đó. Champions League trở lại vào tháng Hai. Các nhân vật bài viết đang đề cập sẽ tiếp tục chiến đấu. Vẫn còn nhiều danh hiệu, vinh quang đang chờ họ đến thu thập.
Tuy nhiên, World Cup này sẽ đánh dấu khởi đầu của sự kết thúc. Ở thời điểm World Cup tiếp theo diễn ra, rất ít người trong số họ sẽ có mặt. Nếu xuất hiện tại ở Mỹ, Canada và Mexico sau đó 4 năm, nhiều khả năng họ chỉ tồn tại giống như vai trò của Ronaldo ở Bồ Đào Nha hiện tại: Một lá bùa hộ mệnh của đội, hoặc tệ hơn là nguồn cơn của những rắc rối.
Qatar 2022 là lời tạm biệt, là niềm vui cuối cùng của những người mang chuẩn mực cho bóng đá thời đại quá độ. Thật phù hợp khi mọi chuyện diễn ra theo cách này: Rằng lần cuối cùng họ xuất hiện trên sân khấu lớn là tại giải đấu đắt đỏ nhất thế giới từ trước đến nay. Nó được xây dựng bằng mồ hôi, máu và cuộc sống của những người quá nghèo để trở thành một phần của thứ họ gây dựng, ở một đất nước vốn chỉ có sa mạc, nay đã vươn lên để trở thành trung tâm của sự chú ý.
Qatar cũng sẽ là sân khấu mà tại một thời điểm nào đó, tất cả bọn họ sẽ nói lời tạm biệt. Thế hệ nổi tiếng nhất của thế giới bóng đá sẽ cúi đầu chào khán giả lần cuối, khi sự nghiệp trôi qua trong trong tâm trí họ như một thước phim quay chậm.
Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “The Last Stand of Soccer’s Greatest Generation” của Rory Smith (The New York Times)