World Cup 2018 và Panama: Ánh sáng hy vọng của một quốc gia nhuốm màu bạo lực

Tác giả CG - Thứ Hai 18/06/2018 15:48(GMT+7)

Năm 2017, Amílcar Henríquez bị bắn chết. Đó là vụ việc đau lòng gần đây nhất ở một quốc gia mà bạo lực và bóng đá trở thành hai thứ chẳng thể tách rời.
World Cup 2018 và Panama: Ánh sáng hy vọng của một quốc gia nhuốm màu bạo lực
Vào cái ngày mà Amílcar Henríquez bị sát hại, anh đang chơi domino ở Nuevo Colón, Panama. Những tên sát thủ đã chờ sẵn ở ngôi nhà đối diện. Các nhân chứng đã nghe thấy 23 phát sung và cảnh sát tìm thấy chiếc xe Nissan Versa màu đỏ bị đánh cắp mà chúng sử dụng, một khẩu súng trường AK47, một khẩu súng lục 9mm và hơn một trăm viên đạn. Henríquez sau khi bị găm vào người hơn chục phát đạn đã được đưa tới bệnh viện ngay sau đó nhưng chẳng thể qua khỏi. Người thứ hai là Delano Wilson cũng bị giết. Josimar Gómez thì may mắn hơn khi vẫn sống sót. Đó là ngày 15 tháng 4 năm 2017.
 
Thời điểm qua đời, Amílcar Henríquez 33 tuổi, là cha của ba đứa trẻ và nỗi sợ hãi duy nhất, như anh thừa nhận, là rời xa các con. Henríquez là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thi đấu cho câu lạc bộ Árabe Unido đồng thời cũng đã có 85 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia. Cú sút luân lưu quyết định của anh đã giúp Panama giành danh hiệu đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến lúc này - 2009 Copa Naciones – và trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của cuộc đời (3 tuần trước biến cố), Henríquez đã bày tỏ hy vọng được dự kỳ World Cup đầu tiên sau khi đã bỏ lỡ cơ hội 4 năm trước. 
 
“Chúng tôi đang chiến đấu cho giấc mơ đã từng rời bỏ, một kết thúc vàng cho thế hệ này sau nhiều năm đau khổ,” Henríquez chia sẻ trên trang chủ FIFA. “Nỗi đau đó vẫn bám lấy tất cả chúng tôi và cho đến nay vẫn là nỗi buồn khôn nguôi; nó bị đánh cắp chỉ trong một cái chớp mắt.”
 
Tang lễ của Henríque được tổ chức tại sân vận động Armando Dely Valdés, chiếc áo số 21 của anh được phủ trên quan tài. Gary Stempel, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Panama năm 2009, gọi đó là một sự “tàn phá”. Gabriel Gómez, cầu thủ có số lần khoác áo đội tuyển quốc gia nhiều nhất lịch sử, thì tuyên bố: “Chúng ta phải lọt vào World Cup vì anh ấy.” 6 tháng sau, một bàn thắng muộn đã giúp họ làm được điều đó. 
Henríquez trước trận đấu gặp Mexico tại Panama City năm 2013. Ảnh: Arnulfo Franco/AP
“Những điều đã xảy ra có tác động quá lớn,” Édgar Carvajal, trợ lý đội tuyển Panama nói. “Chúng tôi có 2 ngôi nhà: một là nhà riêng của mỗi người và thứ hai là đội tuyển. Giờ đây khi nhớ lại, bạn sẽ thấy cậu ấy đúng là một thủ lĩnh, một hình mẫu. Chúng tôi vẫn luôn nói chuyện về cậu ấy, về cách chúng tôi phải thắng vì cái tên của Amílcar.”

 
Hernán Darío “Bolillo” Gómez là huấn luyện viên đã đưa Panama tới kỳ World Cup này. Ông cũng từng thấu hiểu nỗi đau khi Andrés Escobar bị giết chết năm 1994 lúc còn làm trợ lý huấn luyện ở đội tuyển Colombia. “Tôi đã đưa Amílcar tới Independiente Medellín. Tôi biết cậu ấy từ lâu và chính cậu ấy là người nói: ‘Profe, hãy đến Panama giúp chúng tôi.’ Đó là người một người tốt, một thủ lĩnh…” Giọng nói của Gómez vang lên. “… và chúng đã giết anh ấy.” Chuyện gì đã xảy ra? “Không, tôi không muốn dính dáng gì hết. Tôi không hỏi. Anh ấy đã ra đi. Và nỗi đau thì ở lại.”
 
Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela, đã tuyên bố sẽ bắt bằng được những tên sát nhân và 4 ngày sau đó, Bộ trưởng bộ an ninh Alexis Bethancourt cho biết một từ để giải thích cho thảm kịch này chính là “rencillas” – mối hận.
 
Vài năm trước đó, Amílcar đã từng kể câu chuyện về một đám cướp có vũ trang đã dí một khẩu súng vào đầu anh, bóp cò nhưng bị kẹt. Mặc dù vậy, điều này không giống hay cũng không dễ giải thích. Và nếu đó là mối hận thì là mối hận nào? Bị bắn hơn chục phát đạn thì chắc chắn đây là một vụ ám sát có chủ đích chứ không phải tai nạn. Các đối tượng sau đó bị bắt nhanh chóng – 7 người bị giam trong đó có 6 người ở độ tuổi thiếu niên – nhưng vụ việc vẫn còn đang điều tra và cảnh sát chưa kết luận. Colón, thành phố nằm trên bờ biển Caribbean, là nơi nổi tiếng với nạn buôn bán ma túy, các băng đảng xã hội đen và bạo lực. Và Henríquez thì chơi bóng ở Medellín. Một người đàn ông trung niên muốn kết nối vụ việc bị ám sát của mình thì nay đã bị bắn chết. “Có quá nhiều câu hỏi và rất nhiều điều đau đớn,” ông Pedro Chaluja, chủ tịch lien đoàn bóng đá Panama nói.
 
Danh sách đội tuyển Panama tham dự World Cup 2018
Thế nhưng trường hợp của Henríquez không phải duy nhất. Kể từ khi Miguel Tello bị bắn chết vào năm 1990, đã có tổng cộng 19 cầu thủ bóng đá bị giết. Nhiều người khác thì phải vào nhà giam. Giống như Henríquez, José Luis Garcés cũng bị bắn. Là một trong những cầu thủ thủ Panama tài năng nhất, Garcés thậm chí đã từng phải ngồi tù.
 
José Calderón, thủ môn đội tuyển Panama, thì từng chứng kiến một người bạn của mình bị sát hại. José Fajardo, người có trong danh sách sơ bộ dự World Cup, gần đây tiết lộ về băng đảng của mình trong quá khứ. Và cựu thành viên một băng đảng từng nói: “Tôi đã thấy rất nhiều cầu thủ dính líu tới buôn bán ma túy, tội phạm, băng nhóm, rửa tiền cho các băng nhóm, tài trợ vũ khí,… và kết cục là chết hoặc vào tù.”
 
“Đây không phải về bóng đá và không chỉ là Amílcar; nó là vấn đề xã hội,” ông Chaluja khẳng định. Mặc dù các con số phần nào đó cho biết một vài điều cụ thể về bóng đá nhưng xã hội mới tạo nên đời sống thực tế của cầu thủ. “Amílcar là một trường hợp khác trong thống kê đó,” ông Juan Ramón Solís, chủ tịch hiệp hội cầu thủ mới được thành lập gần đây bày tỏ. “Các cầu thủ bóng đá sống và xuất thân từ những môi trường khó khăn. 70% trong số họ phải chịu ‘mối đe dọa xã hội’. Gia đình tan vỡ, thiếu sự giáo dục về sự chuyên nghiệp thực sự trong bóng đá, cơ sở hạ tầng và sự phát triển toàn diện ở lứa tuổi thanh niên.”
 
HLV Hernan Dario Gomez của Panama
Trong môi trường mà tội phạm được nuôi dưỡng, thì những hiểm nguy luôn luôn hiện diện. Garcés đã từng thi đấu cùng Luis Suárez và Diego Godín tại câu lạc bộ Nacional (Uruguay). Có những niềm vui và cả nỗi buồn khi chuẩn bị theo dõi một kỳ World Cup mà đáng lẽ ra có thể góp mặt cùng “những người anh em” của mình. “Tôi từng bị trúng một viên đạn. Chúng muốn giết tôi và theo dõi tôi khắp Panama,” anh nói một cách chậm rãi, nghỉ dài để nhấn mạnh vào câu chữ. Anh khẳng định chưa bao giờ ở bất kỳ một băng nhóm nào. Việc anh nổ súng chỉ là vì vấn đề ‘gia đình’ mà thôi. “Panama là một đất nước phức tạp với các băng đảng, ma túy, cướp giật. Hầu hết các cầu thủ biết điều đó; nhiều người lựa chọn con đường sai lầm và kết cục phải vào tù. Tôi không mong điều đó với bất kỳ ai.”
 
Panama có tỷ lệ giết người thấp nhất Trung Mỹ - 424 vụ giết người trong năm 2017 – và dù đất nước ấy còn nghèo nhưng điều đó hay bạo lực lại không phải vấn đề chính với các quốc gia láng giềng. Dù không phải nước có lượng tiêu thụ ma túy đặc biệt nhưng vấn đề nằm ở chỗ Panama chính là trạm trung chuyển cocaine từ Colombia tới Hoa Kỳ. Một cảnh sát thừa nhận 90 tấn cocaine đã bị tịch thu năm ngoái – “và đó mới chỉ là những gì đã bị ngăn chặn”.  Các cartel bắt đầu trả tiền cho những người buôn ma túy để điều phối thị trường trong nước và mua vũ khí từ quân đội. Có hơn 200 băng nhóm hoạt động tại Panama nhưng chủ yếu hợp nhất trong hai tổ chức chính là Bagdad và Calor Calor.
 
Panama lần đầu tiên giành vé dự World Cup
Ở El Chorrillo – nơi sinh của cầu thủ Rommel Fernández và có đội bóng Plaza Amador – mọi người chơi bóng trên đường phố và các thành viên của băng nhóm kiểm soát đứng ở một góc theo dõi. Álvaro Robles, một cầu thủ chuyên nghiệp trong hơn 10 năm cũng xuất thân từ đây.  “Bóng đá là công cụ quyền lực,” anh nói. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng, sức mạnh của nó là không đủ. “Bóng đá phải đến với họ trước khi ‘những thứ khác’ tới,” Robles bày tỏ - và thậm chí nếu bóng đá tới trước thì cũng không có gì đảm bảo nó sẽ  không bị thứ khác hất cẳng ra ngoài.
 
Một người bạn của Henríquez – cựu tù ở Tinjitas bị bắt vì tội giết người và từng làm việc cho một cartel – cho biết: “Các cầu thủ bóng đá hầu hết tới từ tầng lớp thấp nhất xã hội. Ở một nơi có tới 80% tội phạm, họ rất dễ bị tổn thương; các cartel sẽ lôi kéo họ”. Bên ngoài nhà thờ nơi Robles giảng đạo, Alfredo – một anh chàng 20 tuổi – nói: “Có nhiều khu rất nghèo, đám trẻ ở đó dù có tài năng nhưng lại không được hỗ trợ. Những mối nguy hiểm luôn rình rập xung quanh: thất nghiệp, không tiền và nạn ma túy. Hy vọng World Cup có thể giúp cải thiện điều này.”
 
“Nó đã giúp đất nước đoàn kết lại,” Bolillo nói. Và những tác động có thể cảm nhận rõ ở bên ngoài sân cỏ. Trước buổi tập, các cựu binh như Gabriel Gómez, Blas Pérez và Felipe Baloy đã mời những đứa trẻ tham gia. “Chúng không nói chuyện về bóng đá, chúng nói về cuộc sống, về những giá trị.,” Bolillo chia sẻ. “Đó chính là điều căn bản; ở nước chúng tôi giáo dục là điều vẫn còn thiếu.”
 
Gómez nhớ về “những con phố khốn khó” mà “hầu như tất cả chúng tôi đều xuất thân”, đó là khoảng thời gian có thể gọi là “không đủ ăn”. Baloy nói: “Bóng đá đã thay đổi đời tôi và gia đình; tôi đã học nhiều thứ mà tôi không được học ở khu mình sống. Thật may mắn, giờ đây tôi đã là con người khác.”
 
Panama chuẩn bị chơi những trận World Cup đầu tiên trong lịch sử
Trái bóng tròn là lối thoát cho họ. Nhưng với nhiều người khác thì không. Bọn họ đều chọn con đường ra đi – chỉ có 2 cầu thủ trong đội tuyển là thi đấu ở Panama – và với những người ở lại, bóng đá không phải luôn là giải pháp cuộc đời. Các câu lạc bộ thường rất nghèo và không kiếm được quá 1.000 USD/tháng.
 
Đến thời gian gần đây, các cầu thủ thường không được trả lương đúng hạn nữa. Rodrigo Tello, một cựu tuyển thủ U20, đang sống trong nhà tù Joyita, nơi tăm tối nhất Panama. “Hãy nhìn vào trường hợp của tôi mà xem,” anh nói. “Cướp giật! Túng thiếu! Bóng đá chẳng cho tôi được cái gì cả. Không có thức ăn, các câu lạc bộ bóc lột khả năng của bạn, hệ thống nhà nước chẳng giúp được gì. Tôi đã nghĩ: ‘Mình có tài năng mà thậm chí chẳng thể giúp được mẹ.’ Các bạn có suy nghĩ, lý tưởng và chọn con đường khác. Còn tôi thì chọn lựa điều xấu xa.”
 
Mọi thứ ăn sâu vào trong xã hội. Dù World Cup đã tạo ra hy vọng và sự tỉnh thức nhưng vẫn còn một chặng đường rất dài. “Thông thường, cấu trúc quốc gia vững chắc sẽ hỗ trợ tạo ra một đội tuyển quốc gia mạnh; còn chúng tôi thì khác,” Solís nói. “Chúng tôi thiếu cơ sở vật chất, nguồn lực, chúng tôi phải thay đổi con người, chiều hướng xã hội và cần ngăn cho những thống kê này tăng lên.”
 
Một huấn luyện viên hàng đầu từng cho biết rằng “hầu như không có chương trình huấn luyện hay tổ chức nào cho lứa tuổi 17, 18”, và sự khác biệt giữa bóng đá và bóng chày có lẽ chính là bài học: một vai trò nền tảng, bao gồm cả giáo dục, sự tham gia của bậc phụ huynh và phát triển cá nhân. Và hầu như nó không phải đối mặt với những vấn đề như của bóng đá. Bạn có thể rời khỏi khu mình sống nhưng nơi đó sẽ không rời bỏ bạn; các mối quan hệ vẫn còn đó và ràng buộc bạn. Một số người cho rằng các lực lượng an ninh đã cảnh báo Henríquez rời đi.
HLV tuyển quốc gia Hernan Dario Gomez đang nói chuyện với các học sinh trước một buổi tập cho World Cup tại TP Panama. Ảnh: Ramon Lepage for the Guardian
Solís nói: Nhiều người có bạn bè và gia đình trong các băng đảng hay quá khứ từng liên quan đến họ. Amílcar là một cầu thủ đã khẳng định được bản thân, một tuyển thủ quốc gia thi đấu ở nước ngoài và do đó rất khó để giải thích. Chúng tôi không biết rõ về trường hợp của cậu ấy nhưng với nhiều cầu thủ sống trong cuộc sống, môi trường như thế thì rất khó để bỏ lại tất cả phía sau – và đó là nơi mà ‘kẻ thù’ xuất hiện, cướp đi mạng sống của họ.”
 
Robles vẫn tin rằng sức mạnh của bóng đá là rất tuyệt vời, nó tạo ra hy vọng về một sự thay đổi. Từng là một người phải ngồi tù vì buôn bán ma túy, anh đã nảy ra sáng kiến đưa các cầu thủ vào trong nhà giam để chơi bóng với các phạm nhân. Thủ môn Óscar Macfarlane vắng mặt – câu lạc bộ của anh, Tauro, đang chuẩn bị cho trận chung kết cúp quốc gia – nhưng đội hình vẫn rất mạnh. Điểm dừng chân đầu tiên là Tinijitas, nơi Robles đã thi đấu trong 5 năm. Ở lối vào, các nhân viên bảo vệ có vũ trang ngồi trong một cái lán nhỏ; quanh đó là những xưởng bê tông với mái thiếc, những tòa nhà đổ nát. Giữa đó là một cái sân bê tông với những khung thành bé được trang trí bằng những cuộn dây thép gai mà tù nhân treo quần áo ở trên đó. Cách xa một chút, một bảo vệ ngồi trong tháp canh với súng máy trên tay.
Một trận đấu giữa các cầu thủ chuyên nghiệp và các tù nhân tại nha. Ảnh: Sistema Penitenciario/Ministerio de Gobierno
Đội tù nhân sau đó xuất hiện; một vài người nhìn từ phía sau khung thành. Bobby Brown, người từng thi đấu ở Áo, Uruguay và Mỹ, chia sẻ một vài lời cho các cầu thủ đang chờ xét xử vì tội bắt cóc. “Không phải lúc nào họ cũng giống như được miêu tả, một vài người là nạn nhân của hệ thống này: chúng ta hãy đến, ôm lấy họ và chơi bóng,” Robles nói. Sau đó trận đấu bắt đầu. Cuộc đối đầu diễn ra với tốc độ cao, quyết liệt và các tù nhân giành chiến thắng. Sau trận, họ tập hợp lại, giành những tràng vỗ tay, lời cầu nguyện và lời cảm ơn. Robles chia sẻ: “Dù cho các anh đã phạm phải bất cứ sai lầm gì, chúng tôi vẫn tin các anh. Trái bóng có thể là một sự hỗ trợ. Các anh không phải sâu mọt, các anh là con người.”
 
Các cầu thủ cũng thế. Ở La Joyita, một nhà tù lớn và đông người nằm cách 1 giờ di chuyển về phía Đông, qua các lối đi và trạm kiểm soát, các tù nhân mới ngồi trên những tấm nệm xốp, tay cầm bút, những túi nilon nhỏ. Một tấm biểu ngữ FIFA được treo trên sân bóng màu đỏ đầy bụi bẩn mang thông điệp rất lạc quan: “Vamos Panama!” Một “bảng quảng cáo” thì ghi dòng chữ “Chúa luôn thành thật”. 
 
Trên sân, Rodrigo Tello và các đồng đội của anh đang chuẩn bị. Đó là một tiền đạo nhỏ con và khéo léo như Garcés. Đáng lẽ, anh đã có thể góp mặt ở kỳ World Cup này nhưng sự nghiệp của Tello đã kết thúc vào cái ngày mà anh tới đây 10 năm trước. Hiện tại, anh chỉ muốn giúp đỡ những người khác: “Tôi đã khóc khi mình ‘sa ngã’. Tôi là một số 10, tôi đã từng có thể làm tất cả. Bây giờ tôi đã 34 tuổi và không còn giống như thế nữa,” anh nói. “Tôi đã phạm sai lầm. tôi muốn chuộc lỗi. Với những tài năng ở đây, 5 hay 6 người chắc chắn có thể làm được. Một vài còn 6 năm tù, một số khác lâu hơn. Giám đốc nhà tù nói rằng ông sẽ mời các câu lạc bộ đến để có thể xem họ thi đấu.”
 
“Chúng tôi là đội bóng sẽ tới Qatar đấy,” một người nói và cười lớn. Cách đó 32km về phía Tây, đội tuyển Panama đang chuẩn bị tới Nga dự kỳ World Cup đầu tiên – điều mà Henríquez từng mơ. “Bạn nghĩ về nó và thấy thật khó và buồn,” trợ lý Carvajal chia sẻ vào sáng hôm sau, thời điểm bình minh của một ngày mới. Ông ngồi trên khán đài vài phút trước khi buổi tập bắt đầu. “Dù ở bất cứ đâu, cậu ấy sẽ luôn dõi theo chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm năng lượng mà cậu ấy luôn mang theo bên mình.”
 
Lược dịch từ bài viết “Violence, tragedy and the murder of a cherished Panama player” của tác giả Sid Lowe trên The Guardian.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi?

Tại World Cup này, những CĐV châu Phi đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Nếu bạn lạc giữa Doha và được yêu cầu đoán danh tính của quốc gia chủ nhà dựa trên những người hâm mộ trên đường, hẳn bạn sẽ đoán đó một nơi nào đó tại Bắc Phi. Những người Tunisia và Morocco sống và làm việc ở Qatar đang nhận được sự chú ý đặc biệt.

World Cup 2022: Lần cuối cho thế hệ cầu thủ vĩ đại nhất thế giới bóng đá

Họ đã rời sân khấu World Cup vốn thuộc về họ bấy lâu nay, từng người một. Một vài cái tên như Luis Suarez tỏ ra bồn chồn và bất lực trên ghế dự bị, trước khi không cầm được những giọt nước mắt. Những người khác như Romelu Lukaku và Edinson Cavani thì tấn công bất cứ vật thể nào họ đi ngang qua, do không thể kiềm chế được cơn thịnh nộ và gần đây nhất là Ronaldo - một trong những cái tên xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Croatia 1-1 Brazil: Luka Modric và những trái tim quả cảm

Dominik Livaković – thủ thành mới xuất sắc cản phá ba quả 11m trước Nhật Bản chỉ bốn ngày trước – một lần nữa là người hùng khi Croatia đánh bại ứng cử viên được yêu thích nhất giải đấu  Brazil trong loạt đấu súng luân lưu ở trận tứ kết 1 World Cup 2022.

Bồ Đào Nha 6-1 Thụy Sĩ: Show diễn để đời của Goncalo Ramos

Goncalo Ramos! Các bạn hãy ghi nhớ thật kỹ cái tên này. Không chỉ bởi anh là nhân vật chính trong trận Bồ Đào Nha hủy diệt Thụy Sĩ 6-1 ở trận đấu cuối cùng thuộc vòng 1/8 World Cup 2022 sáng nay, mà vì Ramos, đang đặt những bước chân đầu tiên không-thể-tin-nổi trên hành trình trở thành một ngôi sao thế hệ mới.