Vì sao ĐT Đức thảm bại trước ĐT Nhật Bản?

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 24/11/2022 12:39(GMT+7)

Zalo

Khi vòng đấu đầu tiên tại World Cup 2022 còn chưa kết thúc, đã có những cú sốc lớn xảy ra. Một ngày sau khi Argentina thất thủ trước Saudi Arabia, đến lượt ĐT Đức cũng gục ngã trước những chiến binh Samurai Nhật Bản. Vậy điều gì đã khiến thầy trò Hansi Flick có màn ra mắt muối mặt tại World Cup?

 

1.    Tử huyệt hàng thủ

Hàng thủ của ĐT Đức đã chơi một trận đấu dưới sức, nếu không muốn nói là quá tệ so với trình độ của họ. Điểm đen lớn nhất trong hệ thống phòng ngự đó chính là Niklas Sule – người mắc lỗi trực tiếp trong cả 2 bàn thua, dẫn đến thất bại ê chề của Die Mannschaft. 

Trong tình huống đầu tiên diễn ra ở phút 75, cầu thủ thuộc biên chế của Dortmund để Kaoru Mitoma vượt qua quá dễ dàng và gần như không có bất cứ tác động phòng ngự nào. Để rồi bóng được đưa đến chân Takumi Minamino. Tiền đạo mang áo số 10 ngay lập tức thực hiện đường căng ngang khó chịu vào trong khiến thủ thành Manuel Neuer phải băng ra cản phá, trước khi Ritsu Doan băng vào đá bồi cận thành ghi bàn cho ĐT Nhật Bản.

d1
Niklas Sule là điểm đen của hàng phòng ngự trong ngày ĐT Đức thảm bại.

 

Thực chất sự thiếu kín kẽ của hàng thủ Đức đã bị khai thác từ trước đó. Hai phút trước khi có bàn thắng gỡ hòa 1-1, pha treo bóng từ ngoài vòng cấm của các cầu thủ áo xanh suýt chút nữa đã khiến biến thành 1 bàn thắng đẹp mắt, nếu không có sự xuất sắc của Neuer. Trong tình huống ấy, cả Niklas Sule lẫn Antonio Rudiger đều mắc lỗi vị trí khi bỏ lọt Junya Ito.

Còn trong bàn thua thứ 2, mọi thứ đã quá rõ ràng. Niklas Sule đã không dâng lên để bẫy việt vị đối thủ. Ngoại trừ David Raum, hàng phòng ngự của Đức trong ngày hôm qua đã thi đấu quá tệ. Điểm nhấn mà Antonio Rudiger để lại trên sân không phải là hình ảnh một trung vệ bản lĩnh và kinh nghiệm, mà là pha tăng tốc hài hước như để trêu ngươi đối thủ. Nico Schlotterbeck cũng tỏ ra lúng túng trong lần đầu được nếm trải cảm giác chơi bóng tại World Cup.

Đã có nhiều nghi ngờ về việc HLV Hansi Flick bố trí một cầu thủ nổi tiếng chậm chạp như Niklas Sule đá vị trí hậu vệ cánh phải, bởi trong tay ông vẫn còn đó những hậu vệ cánh đích thực như Lukas Klostermann hay Jonas Hofmann. Nhưng rõ ràng ĐT đang thiếu đi một hậu vệ cánh phải chất lượng sau thời của Philipp Lahm. Ba trận đấu ở giai đoạn tiền World Cup, HLV Hansi Flick sử dụng đến 3 người khác nhau ở vị trí này, và trong đó không có Sule.

2.    Sự thiếu quyết đoán của hàng công 

Thành thực mà nói, hàng công của ĐT Đức đã thi đấu không quá tệ. Họ đã có những cơ hội cần thiết để giành chiến thắng. Các chân sút của Đức đã tạo ra tới 26 pha dứt điểm, 9 trong số đó đi trúng đích, còn nhiều hơn những gì Tây Ban Nha đã làm trước Costa Rica. Ngoài ra các cầu thủ áo trắng cũng kiểm soát bóng đến 74%. Tuy nhiên việc tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng, để rồi nhận lại “hồi mã thương” cũng là câu chuyện rất bình thường trong bóng đá. 

Trong tay HLV Hansi Flick sở hữu không ít những ngôi sao tấn công đẳng cấp, tuy nhiên vấn đề lớn nhất của họ là thiếu đi một ngòi nổ cần thiết – một người có thể kết thúc gọn gàng những cơ hội mà các vệ tinh xung quanh tạo ra. Đó chính xác là điều mà Miroslav Klose từng làm rất tốt trong quá khứ. 

Đức đang thiếu một trung phong cắm đích thật và điều này khiến họ gặp vô vàn rắc rối. Họ không phải là Tây Ban Nha – đội bóng vừa chứng minh cho cả thế giới thấy rằng tập thể của Luis Enrique vẫn sống ổn với những “số 9 ảo”. Đó đơn giản là sự kế thừa. Họ đã chơi như vậy cả thập kỷ qua, còn người Đức thì không.

Vì sao ĐT Đức thảm bại trước ĐT Nhật Bản 1
Thomas Muller và Kai Havertz chỉ mang đến sự thất vọng trên hàng tấn công.

 

Ở trận đấu với Nhật, người đá cao nhất trên hàng công của Đức là Kai Havertz đã không tung ra được bất cứ pha dứt điểm nào suốt 78 phút có mặt trên sân, ngoại trừ tình huống sút bóng cận thành ghi bàn trong tư thế việt vị ở hiệp 1. Điều tương tự cũng xảy ra với Thomas Muller. Những người dứt điểm nhiều nhất trên sân hóa ra lại là các tiền vệ. Bộ đôi Ilkay Gundogan và Joshua Kimmich có đến 10 pha dứt điểm. Ngay cả đến một trung vệ như Rudiger cũng thực hiện 3 pha dứt điểm. Đó là dấu hiệu của sự bất lực trong việc tiếp cận khung thành của Shuichi Gonda. Sự chắc chắn của hàng phòng ngự Nhật Bản, dẫn đến các cầu thủ Đức phải sử dụng nhiều hơn các phương án dứt điểm từ ngoài vòng cấm.

3.    Sự rệu rã tinh thần 

Cũng giống như Argentina, ĐT Đức đã thi đấu có phần dưới sức trong hiệp 2. Một phần vì chủ quan, một phần vì họ quá bất ngờ trước sự vùng dậy mạnh mẽ của người Nhật. Sau khi bị dẫn bàn ở 45 phút đầu tiên, HLV Moriyasu Hajime đã có những điều chỉnh táo bạo ngay sau giờ nghỉ. Chiến lược gia 54 tuổi chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ, đẩy các hậu vệ cánh lên cao để áp đảo tuyến giữa bằng số lượng. Đó là khi các đường lên bóng của ĐT Đức bị bóp nghẹt trước lối chơi áp sát cực nhanh. Để rồi sau khi xuất hiện càng nhiều sai số, những hậu vệ cánh Nhật Bản được thay thế bằng những chân chạy cánh đích thực. 

Chúng ta thấy rõ sự bối rối trong các phương án chuyền bóng của Đức sau khi Gundogan và Muller rời sân. Ngoài ra yếu tố tinh thần, thứ được coi là điểm mạnh nhất của Die Mannschaft đã hoàn toàn bị đối thủ lấn áp. Rõ ràng Nhật Bản đã chơi một trận đấu trên cả xuất sắc. Tuy nhiên chính sự hời hợt trong phòng ngự của người Đức đã cho họ cơ hội đó.

Vì sao ĐT Đức thảm bại trước ĐT Nhật Bản 2
Kể từ World Cup 2018 cho đến nay, người Đức vẫn chưa cải thiện được yếu tố tinh thần.

 

Hansi Flick từng mang đến luồng sinh khí cho binh đoàn Đức ở giai đoạn đầu tiên lên cầm quân thay thế Joachim Loew, với chuỗi 6 chiến thắng liên tiếp tại vòng loại World Cup. Trong đó đa phần là những đại thắng với tỉ số hủy diệt. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 cho đến nay, Đức đã sa sút thảm hại. Trong tổng cộng 9 trận đấu trước thềm World Cup, họ chỉ 3 lần được hưởng trọn niềm vui thắng trận. Đó giống như một bước chạy đà tệ hại trước ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Họ vẫn mang thứ tinh thần rệu rã từ kỳ World Cup 2018 để đến với Qatar. Cách đây 4 năm là thất bại trước Hàn Quốc và bây giờ là một đối thủ khác đến từ Châu Á. Trước mắt thầy trò Hansi Flick sẽ là trận cầu sinh tử với Tây Ban Nha mà họ buộc lòng phải thắng nếu muốn nắm quyền tự quyết trong việc tiến vào vòng knout-out. Với tương quan sức mạnh và tinh thần của hai đội, rõ ràng không có nhiều hy vọng dành cho đội bóng từng 4 lần vô địch World Cup. Trách ai bây giờ, hãy tự trách mình thôi!

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi?

Tại World Cup này, những CĐV châu Phi đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Nếu bạn lạc giữa Doha và được yêu cầu đoán danh tính của quốc gia chủ nhà dựa trên những người hâm mộ trên đường, hẳn bạn sẽ đoán đó một nơi nào đó tại Bắc Phi. Những người Tunisia và Morocco sống và làm việc ở Qatar đang nhận được sự chú ý đặc biệt.

X
top-arrow