Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 14/12/2022 16:16(GMT+7)

Zalo

Tại World Cup này, những CĐV châu Phi đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Nếu bạn lạc giữa Doha và được yêu cầu đoán danh tính của quốc gia chủ nhà dựa trên những người hâm mộ trên đường, hẳn bạn sẽ đoán đó một nơi nào đó tại Bắc Phi. Những người Tunisia và Morocco sống và làm việc ở Qatar đang nhận được sự chú ý đặc biệt.

Trước sự ủng hộ nhiệt thành đó, các đội bóng châu Phi cũng thực hiện tốt công việc của mình trên sân. Lần đầu tiên, cả năm đội bóng châu Phi - Morocco, Tunisia, Cameroon, Ghana và Senegal - đều thắng ít nhất một trận. Ngay cả khi những chiến thắng duy nhất của Tunisia và Cameroon đến trước đội hình hai của Pháp và Brazil, đây vẫn là kỳ World Cup thành công nhất đối với các đội bóng châu Phi.

Cameroon

Trong số năm đội đến từ CAF, Cameroon có lẽ là đội gây thất vọng nhất xét về mặt chiến thuật. Xung đột giữa HLV Rigobert Song và thủ môn Andre Onana có thể liên quan tới những vấn đề lớn hơn, nhưng nó bắt nguồn từ một cuộc tranh luận về việc triển khai bóng từ tuyến dưới. Onana cho rằng các hậu vệ trước mặt anh quá thận trọng trong việc triển khai bóng. Quả thật, trong ba trận vòng bảng, các hậu vệ cánh Cameroon đã lộ rõ những hạn chế này.

Cameroon bắt đầu giải đấu với sơ đồ 4-3-3. Họ cố gắng dồn bóng vào chân tiền đạo cắm Eric Maxim Choupo-Moting, người sau đó sẽ tìm cách đưa bóng ra phía sau hàng thủ cho các cầu thủ chạy cánh (thường là Karl Toko Ekambi). Tuy nhiên, họ chơi hiệu quả hơn nhiều khi sử dụng cặp tiền đạo Vincent Aboubakar và Choupo-Moting. Màn ra mắt của Aboubakar đã châm ngòi cho cuộc lội ngược dòng, từ việc để Serbia dẫn trước 1-3 trước khi gỡ hòa 3-3. Cũng chính anh là người ghi bàn duy nhất, giúp Cameroon trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên giành chiến thắng tại World Cup trước Brazil.

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi 1
 

Cameroon thường chơi hay hơn trong các pha phản công, với sự cơ động của hai tiền vệ Pierre Kunde và Andre-Frank Anguissa. Nhưng họ phòng ngự rất tệ. Tỉ lệ bàn thua kỳ vọng (xGA) của họ lên tới 5,8 sau ba trận - nói cách khác, họ đã để đối thủ tạo ra những cơ hội có giá trị khoảng hai bàn một trận. Người thế chỗ Onana, Devis Epassy tỏ ra chậm chạp trong việc cản phá các pha dứt điểm trong trận hòa 3-3 với Serbia.

Tunisia

Tunisia thì ngược lại. Thành tích phòng thủ của họ khá tốt, nhưng cách họ tấn công trông khá vô vọng. Chỉ có Qatar và Costa Rica có tỉ lệ bàn thắng kỳ vọng (xG) thấp hơn đội bóng này. Đặc biệt, trong thất bại trước Australia, Tunisia không đưa ra bất cứ mối đe dọa nào trong vòng cấm trước đội bóng đến từ châu Đại Dương. Tiền đạo Issam Jebali bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại.

Bàn thắng duy nhất của họ đến từ pha lừa bóng xuất sắc của Wahbi Khazri trong trận gặp Pháp. Khazri chơi cao nhất trận đó, nhưng không đá chính trong hai trận đầu tiên. Bởi sự thiếu cơ động của anh là một vấn đề lớn khi Tunisia không có bóng.

Tuy nhiên, HLV Jalel Kadri về cơ bản đã có ý tưởng đúng: Phòng ngự chặt, trước khi hy vọng vào các cơ hội phản công và các tình huống cố định. Với đội hình yếu nhất trong năm đại diện châu Phi, Tunisia khó có thể kiểm soát các trận đấu. Khi buộc phải cầm bóng trước Australia, họ tỏ ra không thoải mái.

Ghana

Ghana là đội châu Phi thú vị nhất tại giải đấu này. Họ khởi đầu bằng thất bại 3-2 trước Bồ Đào Nha, khi lối chơi tấn công của họ hoàn toàn dựa vào các pha bứt tốc ra phía sau hàng thủ đối phương của Inaki Williams. 

Sinh ra ở Tây Ban Nha nhưng đã chuyển sang khoác áo Ghana vài tháng trước, Williams là sự bổ sung quan trọng cho đội tuyển nước này. Mặc dù vậy, anh vẫn chưa hiểu rõ các đồng đội mới của mình. Sự ăn ý trên hàng công đến từ anh em nhà Ayew, Jordan và Andre dù tốc độ của họ là một điểm trừ. 

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi 2
 

Tuy nhiên, điểm nhấn chiến thuật của Ghana thuộc về Mohammed Kudus. Kudus khởi đầu ở vị trí tiền vệ trung tâm trong trận gặp Bồ Đào Nha, trước khi dạt sang phải trong trận gặp Hàn Quốc, nơi anh ghi hai bàn. Đến trận cuối gặp Uruguay, Kudus bất ngờ được bố trí đá cao nhất (chính anh là người kiếm về cho Ghana quả phạt đền). Sự đa năng của Kudus là cực kỳ ấn tượng, nhưng có cảm giác HLV Otto Addo chưa biết sử dụng các tiền đạo của mình sao cho phù hợp. 

Senegal

Ban đầu, Senegal được cho là đội bóng châu Phi có nhiều khả năng lọt vào vòng knock-out nhất, ngay cả khi mất Sadio Mane vì chấn thương. HLV Aliou Cisse đã thể hiện tài năng về chiến thuật trong giải đấu này. Đội bóng của ông được tổ chức tốt khi không có bóng. Ngoài ra, những lựa chọn trên hàng công của ông tỏ ra vô cùng hiệu quả. Cisse xứng đáng được ghi nhận vì đã từ bỏ cách tấn công thông thường của mình cho trận gặp Qatar, khi bố trí Boulaye Dia và Famara Diedhiou chơi cạnh nhau. Hàng thủ của Qatar không thể đối phó, và cả hai đều đã ghi bàn.

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi 3
 

Ở hai cánh, Ismaila Sarr và Krepin Diatta rất nguy hiểm trong các pha phản công, đồng thời liên tục đảo cánh trong trận. Đôi lúc, Senegal cũng tỏ ra đáng sợ trong các tình huống phản đòn - họ có hai cơ hội ngon ăn đầu tiên trong trận gặp Anh bằng cách pressing ngay từ phần sân đối phương (dù sau đó hàng tiền vệ của Senegal để lộ khoảng trống phía dưới và bị Jude Bellingham và Jordan Henderson khai thác). 

Tuy bộ tứ vệ của họ đã chơi tốt, thủ thành Edouard Mendy lại gặp khó khăn - thật lạ khi anh mới được FIFA vinh danh là Thủ môn xuất sắc nhất thế giới cách đây một năm.

Morocco

Cuối cùng là Morocco, những người lấy phòng ngự làm tôn chỉ. Giữ sạch lưới bốn trong năm trận, với bàn thua duy nhất là phản lưới nhà là bí quyết giúp họ lọt vào bán kết. Đáng chú ý, cách phòng ngự của Morocco là một nỗ lực thực sự của toàn đội.

Vị trí của tiền đạo Youssef En-Nesyri khi Morocco phòng ngự rất thú vị: Trong trận hòa không bàn thắng với Tây Ban Nha ở vòng 1/8, anh thường chỉ đứng cách các trung vệ của đội vỏn vẹn 10 mét. Tuy nhiên, anh đã đứng cao hơn một chút trong trận tứ kết với Bồ Đào Nha; thậm chí anh còn ghi bàn. 

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi 4
 

Hakim Ziyech và Sofiane Boufal thực hiện nhiệm vụ phòng ngự của mình một cách nhuần nhuyễn, khi thường xuyên lùi sâu để bảo vệ hai cánh trong sơ đồ 6 hậu vệ. Các tiền vệ trung tâm Azzedine Ounahi và Selim Amallah thường được bố trí dâng cao hơn so với các tiền vệ cánh để dồn ép đối thủ. Với việc Sofyan Amrabat có phong độ rất cao trước bộ tứ vệ, Morocco đơn giản là không để đối thủ đi bóng ở trung lộ, cũng như nhanh chóng áp sát nếu đối phương tấn công dọc hai bên cánh.

Ở mặt trận tấn công, Morocco tỏ ra khá trực diện. Hai tiền vệ trung tâm có thể kéo bóng ở tốc độ cao, còn các hậu vệ cánh thực hiện tốt các pha chạy chỗ không bóng, Ziyech và Boufal đều nguy hiểm trong các pha phản công và rất giàu kỹ thuật ở 1/3 cuối sân. Và cho dù Morocco buộc phải chơi phòng ngự phản công ở vòng loại trực tiếp, họ đã kiểm soát bóng tốt trước Bỉ, cũng như tỏ ra vượt trội trong hiệp một trước Canada.

Một châu Phi dựa vào nguồn lực bên ngoài

Nhìn chung, các đại diện châu Phi phòng ngự tương đối chắc chắn, được tổ chức tốt với cự li hẹp. Tuy nhiên, họ phụ thuộc quá nhiều vào các pha phản công. Ngoài ra, những lời chỉ trích cũ kĩ, rằng châu Phi không sản sinh ra những cầu thủ làm bóng thực sự có lẽ vẫn đúng.

Tuy nhiên, ngoài những cái tên ưu tú như Lionel Messi, Neymar, Antoine Griezmann…, bạn sẽ không tìm thấy nhiều cầu thủ làm bóng hay tại giải đấu này. World Cup 2022 cho thấy sự thiếu sáng tạo giữa các tuyến, cũng như thiếu các pha đột phá ở biên ở các đội. Nếu cho rằng năm đội bóng châu Phi thiếu ý tưởng khi kiểm soát bóng, điều đó chứng tỏ rằng không còn nhiều khác biệt về mặt chiến thuật giữa họ và hầu hết các quốc gia khác.

Điều quan trọng nhất về màn trình diễn của lục địa đen tại giải đấu này liên quan đến sự thay đổi về bản sắc. Đây là lần đầu tiên cả đội bóng châu Phi đều sử dụng HLV nội. Điều thú vị là, bất chấp niềm đam mê trước đó với các chiến lược gia nước ngoài, chưa từng có đội bóng châu Phi nào được dẫn dắt bởi một HLV đến từ một quốc gia châu Phi khác. Họ đã luôn cố gắng nhập khẩu sự khôn ngoan từ châu Âu hoặc Nam Mỹ, dù không thật sự thành công.

Nghịch lý ở chỗ, các đại diện châu Phi lại có nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài hơn bao giờ hết. 14 trên 26 cầu thủ của Morocco được sinh ra ở nước ngoài; từ Ý, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada và nhất là đến từ đối thủ của họ trong trận bán kết, Pháp. Tunisia và Senegal có 12 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài, Cameroon có 9 còn Ghana có 8, chủ yếu đến từ Pháp.

Cách tiếp cận này rõ ràng đã tỏ ra hiệu quả, dù điều đó cũng chỉ ra rằng các quốc gia châu Phi không còn sản xuất ra những ngôi sao như trước. Màn trình diễn của các cầu thủ “cây nhà lá vườn” như Kudus của Ghana, Anguissa của Cameroon, Ounahi và En-Nesyri của Morocco cho thấy châu lục này vẫn có những cầu thủ giỏi. Về cơ bản, nó đi ngược lại với những gì chúng ta từng quen thuộc: Những cầu thủ vĩ đại của châu Phi quay lưng lại với đất nước sinh ra họ. Nhiều người biết rằng Eusebio sinh ra ở Mozambique, nhưng ít người biết rằng huyền thoại Just Fontaine là người Morocco.

Vĩ thanh

Vẫn còn phải xem liệu năm 2022 có thực sự đại diện cho sự thay đổi cán cân quyền lực hay không. Tuy nhiên, việc Morocco vào đến bán kết – và có thể là xa hơn nữa - sẽ được ghi nhớ mãi mãi.

“Thường thì trình độ bóng đá châu Phi được mô tả ở dưới mức trung bình. Nhưng tại World Cup này, chúng tôi đã cho thấy chúng tôi có thể chơi hay như bất kì ai,” HLV Walid Regragui của Morocco cho biết. “Chúng ta đã nói về các đội bóng châu Âu, Nam Mỹ và tôi hy vọng sau này chúng ta sẽ nói về nhiều đội châu Phi hơn. Tại sao không phải là một nhà vô địch World Cup châu Phi trong tương lai?”

Giấc mơ đó đang gần hơn bao giờ hết. 

Lược dịch bài viết “Why this World Cup is Africa’s most successful ever” của Michael Cox (The Athletic)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow