Ricardo Rodríguez: Người chiến binh chiến đấu giữa lằn ranh sống chết

Tác giả CG - Thứ Hai 11/06/2018 16:44(GMT+7)

Zalo

Ricardo Rodriguez: Nguoi chien binh chien dau giua lan ranh song chet1
Ricardo Rodríguez: Người chiến binh chiến đấu giữa lằn ranh sống chết
Ricardo Rodríguez là một trong những nhân tố chính đưa Thụy Sĩ góp mặt tại World Cup năm nay. Dù thắng 9 trên 10 trận nhưng đội bóng này vẫn phải tham dự trận play-off trước Bắc Ireland. Ở lượt đi, Rodríguez là người ghi bàn thắng duy nhất và trong trận lượt về ở Basel (Thụy Sĩ), anh có pha phá bóng ngay trên vạch vôi từ cú đánh đầu của Jonny Evans phút 91 để bảo toàn tỷ số 1-0 sau hai lượt trận. Tất cả mọi người đều nhất trí rằng đoàn quân của huấn luyện viên Vladimir Petković sẽ chẳng thể nào góp mặt ở vòng chung kết World Cup 2018 nếu không có hậu vệ đang khoác áo AC Milan.
 
Tuy nhiên, nếu biết đến những gì anh đã phải trải qua trong quá khứ sẽ thấy việc anh có thể chơi bóng đến ngày hôm nay thực sự là một kỳ tích. Mẹ của Rodríguez chia sẻ vào năm 2011 rằng chẳng ai nghĩ con trai bà sẽ trở thành một vận động viên thể thao đỉnh cao.
 
Lý do tại sao ư? Khi bà Marcela, mẹ của Rodríguez, một người Chile gốc, đang mang thai tháng thứ tám, các bác sĩ đã phát hiện ra thai nhi trong bụng bị thoát vị cơ hoành. Vì khiếm khuyết hay khe hở trong cơ hoành như thế mà các nội tạng ở ổ bụng có thể đi lên khoang ngực.
Ricardo Rodriguez: Nguoi chien binh chien dau giua lan ranh song chet3
Ricardo Rodríguez là một trong những nhân tố chính đưa Thụy Sĩ góp mặt tại World Cup năm nay
Với trường hợp của Rodríguez, dạ dày, lá lách, gan và ruột của anh đã đi lên lồng ngực – và ngay sau khi vừa lọt lòng anh đã phải phẫu thuật cấp cứu. Tỷ lệ phần trăm cơ hội sống của anh khi đó chỉ là 50%. Sự lo lắng của bác sĩ trong cuộc chiến với tử thần này càng được thể hiện rõ khi họ nói với gia đình rằng nên để Rodríguez gặp một linh mục. Ông Nelson, ông ngoại của hậu vệ người Thụy Sĩ, ngay lập tức mời một linh mục tới.
“Cháu tôi rất mạnh mẽ. Nó sẽ sống, đừng lo lắng,” ông Nelson quả quyết.
 
Và rồi sau khi chú của Ricardo đặt một bức ảnh của Đức mẹ trên giường cháu mình, chiến binh nhỏ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với tử thần ấy. “Đức mẹ đã phù hộ cho con tôi,” bà Marcela chia sẻ với tờ Blick năm 2011.
 
Cậu bé Ricardo vẫn phải đến bệnh viện kiểm tra 6 tháng/lần trong 3 năm đầu đời. “Nó thậm chí không được phép cảm lạnh,” mẹ Rodriguez nhớ lại. “Vì nếu như thế ngay lập tức sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.”
 
Sợi dây tình cảm giữa hai mẹ con cực kỳ mạnh mẽ và không bao giờ bị đứt lìa. Năm 2015, bà Marcela qua đời vì căn bệnh ung thư và từ đó, Rodríguez đã quyết định lựa chọn số áo 68 – năm sinh của bà Marcela - cũng như xăm hình ảnh mẹ trên lưng. Anh cũng xăm hai chữ “J” và “M” trên cổ. Chữ “J” dành cho người cha José, một người Tây Ban Nha nhập cư đến Thụy Sĩ và chữ “M” dành cho mẹ.
 
Giờ đây Rodríguez mặc chiếc áo số 68, giống như hai người anh em ruột Roberto (27 tuổi, đang đá cho FC Zürich) và Francisco (22 tuổi, khoác áo Luzern). “Tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng mẹ,” Ricardo nói. “Giọng của mẹ vang lên trong đầu. Hình ảnh mẹ sẽ mãi luôn trong trái tim tôi. Giờ đây tôi vẫn khỏe mạnh, cảm ơn Chúa.” Ở tuổi 18, Ricardo đã quyết định xăm hình ảnh Đức mẹ lên tay phải. “Bây giờ tôi luôn cảm thấy mình được bảo vệ.”
 
Ricardo Rodriguez: Nguoi chien binh chien dau giua lan ranh song chet2
Ricardo Rodríguez trong màu áo Worlsburg
Rodríguez lớn lên ở Schwamendingen, một quận nằm giữa hai nhà máy nhiệt điện và kế bên cạnh cao tốc Đông Zürich. Tờ báo Neue Zürcher Zeitung từng gọi khu này là “Bronx của Zürich”.
 
Anh bắt đầu sự nghiệp năm 6 tuổi tại đội bóng Schwamendingen và sau đó chuyển tới FC Zürich dù anh trai Roberto lại tập cùng đại kình địch của đội bóng này là Grasshopper Club Zürich. Và đó là quyết định mà Ricardo Rodríguez không bao giờ hối tiếc. Năm 2009, anh trở thành nhà vô địch thế giới lứa tuổi U17 khi Thụy Sĩ đánh bại Nigeria trong trận chung kết. Anh có màn ra mắt đội một FC Zürich khi mới 17 tuổi 8 tháng. 2 năm sau, anh có trận đấu đầu tiên cho đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Ottmar Hitzfeld. Ngày hôm đó, anh vào sân thay thế Reto Ziegler.
 
Tại cấp câu lạc bộ, sự nghiệp của anh cũng ngày một thăng tiến. Năm 2012, anh gia nhập VfL Wolfsburg khi mới 19 tuổi. Mùa giải 2013/2014, Rodríguez ra sân trọn vẹn cả 34 trận tại Bundesliga ở vị trí hậu vệ cánh trái, ghi 5 bàn thắng và có 9 pha kiến tạo. Sau 4 mùa rưỡi tại sân Volkswagen Arena, cầu thủ người Thụy Sĩ thi đấu tổng cộng 184 trận đấu và có cho mình 22 lần xé lưới đối phương – thành tích không tệ với một hậu vệ. 
 
Mùa hè năm 2017, anh gia nhập AC Milan và sống với bạn gái ở CityLife trong một căn hộ sang trọng nhưng trầm lặng giữa lòng thành phố. Đó là một trong những địa điểm độc nhất ở Ý và hàng xóm của Rodríguez là ngôi sao ca nhạc Tiziano Ferro.
 
Có thể giờ đây Schwamendingen khác xa so với cuộc sống hiện tại của Ricardo Rodríguez nhưng anh không bao giờ cảm thấy như vậy. Giống như mỗi lần ghi bàn anh luôn ngước nhìn lên bầu trờ để dành bàn thắng đó cho mẹ, Rodríguez sẽ không bao giờ quên nơi mà anh đã được nuôi nấng. Là một người đã phải chiến đấu để giành giật sự sống, anh chính là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người nói chung cũng như các đồng đội nói riêng trong hành trình của đội tuyển Thụy Sĩ tại nước Nga sắp tới.
 
Lược dịch từ bài viết “Ricardo Rodriguez: Swiss defender who was given a 50% chance of living” của tác giả Max Kern trên The Guardian.

CG (TTVN)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Vì sao đây là kỳ World Cup thành công nhất với châu Phi?

Tại World Cup này, những CĐV châu Phi đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Nếu bạn lạc giữa Doha và được yêu cầu đoán danh tính của quốc gia chủ nhà dựa trên những người hâm mộ trên đường, hẳn bạn sẽ đoán đó một nơi nào đó tại Bắc Phi. Những người Tunisia và Morocco sống và làm việc ở Qatar đang nhận được sự chú ý đặc biệt.

X
top-arrow