Ngày tái ngộ giữa Viking và người Ý

Tác giả Sói Bạc - Thứ Sáu 17/06/2016 16:10(GMT+7)

 “Lại là anh!” tờ báo thể thao La Gazzetta của Ý đã giật tít ngay trang bìa như thế trước khi trận cầu đinh Thụy Điển – Italia diễn ra, khắp các mặt báo đang gán trận đấu này với những cái tít “Đội bóng đối đầu với một cá nhân”, “Italia vs Ibra”, … có lẽ vì sức ảnh hưởng của “Người khổng lồ” trong đội hình của đội bóng đến từ dãy Scandinavia như cách anh gây sức ép lên hàng thủ Ireland khiến hậu vệ của họ phải đốt lưới nhà ở trận đấu trước đó.


 

Chưa biết được cầu thủ 34 tuổi sẽ làm gì trước một Italia bậc thầy về chiến thuật nhưng ít nhất thì Ibra cũng có một lí do để mong đợi trận đấu này. Cuộc gặp gỡ ở Toulouse không phải là lần đầu tiên của họ, trong quá khứ, đã hiện hữu nhiều ký ức giữa Ibra và nước Ý, họ đã quá hiểu về nhau và hôm nay ký ức lại dội về.

ĐỊNH MỆNH Ở PORTO

Đó là một ngày hè ở Porto, chính xác hơn là mùa Euro năm 2004, một mùa hè mà Trappattoni có lẽ muốn quên đi trong sự nghiệp cầm quân của mình. Đó là ký ức buồn của người Ý, và Ibra chính là một trong những người làm nên ký ức ấy. Bàn thắng “như một cú đá kungfu” làm bó tay thủ môn Buffon chính là lời chào đầu tiên của Ibra đến với giới túc cầu. Trong bối cảnh Italia dồn ép đối phương với tất cả sức lực để tìm kiếm một trận thắng cách biệt, Ibra nhảy lên và thực hiện một cú ta-lông ngược. Ngẫu hứng, ngạo nghễ, ngang tàng. Bàn thắng “điên rồ” đó mang về 1 điểm cho Thụy Điển và từ chối chiến thắng của đội quân áo thiên thanh.

Pha ghi bàn như cú đá kung-fu vào lưới tuyển Ý của Ibra

Định mệnh đã không còn nằm trong tay Azzurri nữa, một trận hòa 2-2 là đủ để Thụy Điển và Đan Mạch chào tạm biệt những người, còn họ dắt tay nhau vào vòng sau. Nhưng đó không phải là điều mà cầu thủ trẻ mới 23 tuổi quan tâm vào thời điểm ấy. Serie A mới là giấc mơ cháy bỏng của anh.

CÓ NHỮNG THÁNG NGÀY HỌ BÊN NHAU

Lớn lên ở Rosengard, Ibra vẫn hay bắt chước những pha lừa bóng tài tình từ thần tượng của mình – Ro béo khi Người ngoài hành tinh còn đang ở Inter Milan. Khi ấy, Zlatan vẫn còn đang khoác áo Ajax, anh đã bày tỏ với người thầy của mình là Marco van Basten rằng anh muốn chơi ở Serie A, mặc dù vậy, huyền thoại người Hà Lan đã nói gì? “Ở đây cậu còn có 5 đến 6 cơ hội để thành bàn trong một trận đấu nhưng ở Ý thì mơ đi, chỉ 1 đến 2 cơ hội là cùng.” Gã trai trẻ tỏ ra thất vọng, tất nhiên vào thời điểm đó, không có CLB nào ở Serie A liên lạc với anh. Ngay cả người quản lí của anh- Raiola cũng đã từng phân tích: “Này nhé, Vieri: 27 trận - 24 bàn thắng; Inzaghi: 25 trận -  20 bàn thắng, Trezeguet: 24 trận - 20 bàn thắng còn cậu, 25 trận với 5 bàn thắng, cậu có nghĩ là tôi sẽ bán cậu với cái số liệu thống kê này không?”

Và từ đấy trở đi, đã có một Zlatan rất khác. Bàn thắng vào lưới đội tuyển Ý chính là bước ngoặt trong cuộc đời anh. Anh chuyển sang Juventus mùa hè năm đó và 2 năm gắn bó với Lão Bà là quãng thời gian có tầm ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của mình. Ở đó, anh được cộng tác với những người Ý trung thành và bản lĩnh, trong cuốn tự truyện “I am Zlatan” anh đã từng nói về họ với tất cả sự trân trọng nhưng cũng không kém phần hài hước “Trong mỗi buổi tập, mỗi khi có ý định ghi bàn, tôi không chỉ lo ngại Cannavaro và Thuram mà còn lo vì khung thành phía trước có Buffon nữa.” Ở đó, anh thấm nhuần triết lí của bóng đá Ý, cụ thể ở đây là triết lí của ngài Capello – nhà cầm quân duy nhất khiến anh e sợ và nể phục: “Tôi không cần lối chơi đẹp mắt của người Hà Lan, tôi cần những bàn thắng, còn cậu cần có bản năng sát thủ kiểu Italia”. Sau ngày hôm đó, một Zlatan theo lối đá Hà Lan hoa mĩ với những cú qua bóng ảo diệu đã dần dần bị thay thế bởi một Zlatan của cỗ máy ghi bàn. Có những lúc tưởng chừng như Ibra chỉ có ăn và tập sút, 60 cú sút đều đặn vào mỗi buổi tập là một con số không tưởng. Cứ thế, cơn mưa bàn thắng đến với Zlatan. ở Ý, anh là chủ đề cho những lời miệt thị, cay cú của các hậu vệ đối phương, nhưng càng giận anh lại đá càng hay và càng có nhiều bàn thắng tuyệt vời. Các khán đài trên thánh địa Delle Alpi khi ấy cứ hô vang “Ibra! Ibra!” không ngớt. Chẳng thế mà chàng Viking ấy đã từng nói rằng nhờ Capello và Lão Bà, “Tôi đã trở thành Zlatan như ngày hôm nay”.

Ibra trở thành sát thủ dưới tay nhào nặn của Fabio Capello

Nhưng có lẽ quãng thời gian anh gắn bó với Internazionale – CLB ước mơ từ thuở nhỏ khi chứng kiến thần tượng Ronaldo thi đấu, mới là quãng thời gian là tươi đẹp nhất của Zlatan ở Serie A. 3 chức vô địch liên tiếp và những danh hiệu cá nhân là những gì người ta có thể nói về anh thời điểm đó. Khả năng làm bàn tinh tế kiểu như pha đánh gót vào lưới Bologna mùa giải 2008-2009, những đường di chuyển có bóng và không bóng cực kỳ thông minh hay những đường chuyền điêu luyện, tất cả đã làm nên thương hiệu Ibrahimovic. Mùa giải cuối cùng ở Inter, anh đã có cho mình danh hiệu vua phá lưới với 25 bàn thắng, vượt trên cả Diego Milito.  Những kỉ niệm đẹp ở Inter không chỉ dừng lại ở đó, điều làm Ibra nhớ nhất còn là cạ cứng của anh trên hàng công – Hernan Crespo, và cả điều bất ngờ mà nhóm cổ động viên Ultras vốn thô lỗ như thú dữ chào đón sự ra đời của con gái anh bằng biểu ngữ cực lớn "Benvenuto Maximilian - Xin chào mừng Maximilian" “căng ra như một cánh buồm no gió” ngay trước mắt anh. Ngày hôm đó Ibra đã muốn khóc, với anh đó là điều tuyệt vời nhất Italia mà anh từng gặp.

Ibra và cạ cứng ở Inter - Hernan Crespo

Chàng tiền đạo thân hình hộ pháp với những kĩ năng săn bàn hiếm có đã gặt hái được những thành công ở xứ sở mì ống và rượu vang. Những lần chuyển nhượng đình đám giữa những các CLB lớn và bản tính tếu táo, vui nhộn đã làm nên một hình tượng thống trị kỉ nguyên một thời ở Serie A. Người khổng lồ ghi bàn ở tất cả những trận derby, 6 lần vô địch Serie A trong ba màu áo khác nhau trong 7 mùa bóng – anh có được biệt danh Ngài Scudetto cũng vì lẽ đó. Có lẽ ngoài Thụy Điển, Italia là nơi Ibra được tiếp đón và trân trọng nhiều hơn cả. Chính anh là một trong 10 cầu thủ có vinh dự được khoác áo ba ông lớn tại Serie A: Juventus, Inter và Milan và đương nhiên không ai hiểu những người Ý trong lần tái ngộ này ngoài Ibra.

NGÀY TÁI NGỘ KHÔNG CÒN XA

Không phải ngẫu nhiên khi Antonio Conte gọi Zlatan là “Gulliver” – chàng khổng lồ phi thường trong  xứ sở tí hon Lilliput. Nhưng nếu trong câu chuyện Gulliver du ký ấy, gã khổng lồ tha hồ chém gió về những phát minh vĩ đại, những thành tích hoành tráng mà anh ta làm nên ở thế giới của mình thì Ibra trong mắt Conte lại là một người khổng lồ nhưng không hề to xác, anh tỏa sáng trong mắt ông với những phẩm chất thực thụ và những danh hiệu cùng những chức vô địch đáng gờm để rồi sau đó, ông đã từng chia sẻ “Cậu ấy quả thật rất phi thường. Sẽ là một điều thú vị nếu như có dịp huấn luyện cậu ấy”.

Ngày hôm nay không phải là lần đầu tiên Conte phải lên kế hoạch kĩ lưỡng để ngăn chặn gã Gulliver ngoài đời thực này. Lão Bà của ông đã từng chống chọi lại Ibra khi anh còn khoác áo Milan. Chỉ có điều, lần này anh khoác áo đội tuyển Thụy Điển, còn Conte là chiến thuật gia mẫu mực của đội bóng áo thiên thanh. Một điều đáng lo ngại cho đội bóng đến từ Bắc Âu rằng Zlatan đã không thể ghi một bàn thắng nào vào lưới Buffon kể từ đêm Porto năm 2004 ấy.

Sân vận động Stade Municipal ở Toulouse sẽ còn là nơi Ibra gặp lại “Con thú” Giorgio Chiellini, người đã từng là thử thách khó khăn của anh trong vòng cấm địa của những năm về trước, họ đã từng “đá nhau, thúc cùi chỏ vào nhau, đe dọa nhau” trong mỗi lần đụng độ. Với Chiellini, Zlatan là kẻ thù số một còn với người Thụy Điển, cảnh anh “nắm lấy đầu của Chiellini và lôi anh ta như lôi một con cún không biết nghe lời” là ký ức rõ rệt nhất mà anh có thể nhớ về hậu vệ xuất sắc nhất Italia.

Ibra và Chiellini đã từng là kẻ thù của nhau

Trước lần tái ngộ này, cả hai đều đã có cho mình một dấu ấn ở lượt trận đầu tiên. Nếu như với Ibra, bàn thắng trước Ireland là một điều khá may mắn khi hậu vệ đối phương đốt lưới nhà trong khi cả bốn cú sút của anh trong trận đấu đó đều không trúng đích, thì với đội tuyển Ý, chiến thắng đậm đà và thuyết phục trước dàn siêu sao người Bỉ lại đẹp như một khúc tình ca. Thế nhưng, sau những chiến thắng ấy, người hâm mộ sẽ hi vọng gì ở lần tái ngộ này? Một Ibra dũng mãnh và bản lĩnh khiến những đối thủ yếu thế hơn phải run sợ sẽ là mối nguy hiểm với bất cứ đội bóng nào, tất nhiên là cả hàng thủ của Azzurri ngày hôm nay. Một Azzurri đang tận hưởng niềm vui khi vượt lên dư luận để chứng tỏ sức mạnh trước tuyển Bỉ nhưng sẽ đáng lo nếu các cầu thủ của Conte không sớm trở lại mặt đất, họ cần tập trung cao độ để đối phó với những đối thủ đáng gờm khác và Ibra là một đối thủ như thế.

Đôi chân của Zlatan đã đi qua biết bao mảnh đất, nhưng có lẽ nước Ý vẫn sẽ là nơi mà trái tim Viking của gã dành nhiều tình cảm nhất. Ở đó có Ro béo, có vinh quang, có nước mắt và có cả những hoài niệm. Nhưng định mệnh một lần nữa khiến Zlatan đối mặt với đất nước hình chiếc ủng ấy, hệt như 12 năm về trước. Đêm Porto lịch sử vẫn còn ám ảnh người Ý, và trong lần tái ngộ tại Toulouse đêm nay, liệu Azzurri có khuất phục được gã khổng lồ phương Bắc?

► Xem thêm thông tin KQ bóng đá Anh và thứ tự trên bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh.

 VIC (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Barcelona vs Atletico Madrid: Khó cản quân đoàn Simeone

Từ chỗ dẫn trước Atletico Madrid với khoảng cách rất xa trên bảng xếp hạng, Barcelona của Hansi Flick giờ đây chỉ còn hơn đối thủ về mặt hiệu số khi cả hai cùng có 38 điểm ( Atletico Madrid thi đấu ít hơn 1 trận). Đội chủ nhà có cơ hội ngăn được cơn khủng hoàng đang có dấu hiệu lan nhanh của mình nếu hạ được đội bóng của Diego Simeone trong trận so găng trực tiếp ở Montjuic

Tottenham vs Man United: Kết cục khó đoán

Chiến thắng trong trận derby Manchester trước những người hàng xóm Man City đã mở ra rất nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những người yêu mến Manchester United. Một kỷ nguyên mới là thứ được nhiều người nhắc đến sau khi chứng kiến những dấu hiệu tích cực mà Ruben Amorim đã và đang mang lại cho đội bóng chủ sân Old Trafford. Đêm nay tiếp đà hưng phấn, liệu Bruno Fernandes và các đồng đội có tiếp tục tiến lên trong chuyến làm khách trước Tottenham?

Việt Nam vs Indonesia: Độc chiêu đấu độc chiêu

Duyên nợ chất chồng. Cùng là xứ sở yêu bóng đá cuồng nhiệt. Cùng sở hữu những tập thể cá tính và cả những cá nhân đặc biệt với những “vũ khí” phá vỡ bế tắc. Việt Nam - Indonesia xứng danh cuộc thư hùng được cả Đông Nam Á trông chờ.

Borussia Dortmund vs Barcelona: Đánh bại Die Borussen

Có cùng 12 điểm sau 5 lượt đấu, cả Borussia Dortmund và Barcelona đều nằm trong top 8 đội dẫn đầu trước khi cuộc so tài giữa họ xảy ra ở Westfalenstation. Liệu ai sẽ là người bứt hẳn lên để nắm lấy lợi thế sau trận giáp lá cà trực tiếp?

Juventus vs Manchester City: Hạ đẹp Bà đầm?

Trận hoà khó tin sau khi dẫn trước đối thủ 3 bàn đến tận phút 75 trước Feyenoord vòng trước cộng với trận thua tan nát 1-4 trước đó trên sân Jose Alvalade của Sporting Lisbon đã khiến cho Manchester City của Pep Guardiola phải lâm vào cảnh khó khăn để giành một suất trực tiếp đi tiếp ở vòng phân hạng Champions League theo thể thức mới.

Atalanta vs Real Madrid: Bản lĩnh nhà vua

Hành quân đến Bergamo Stadium trong bối cảnh đã bị dồn vào chân tường, liệu các nhà đương kim vô địch Real Madrid có thể đánh bại đội chủ nhà  đang chơi vô cùng ấn tượng để leo lên phía trên bảng xếp hạng? Vòng loại đầu tiên chỉ còn 3 lượt đấu, không còn chỗ cho những sai lầm nào nữa, Real vốn dĩ sẽ không còn đường lùi.

Tottenham Hotspur vs Chelsea: 3 điểm cho The Blues?

Super Sunday vòng 15 giải ngoại hạng Anh tuần này sẽ là trận derby London giữa những người chủ nhà Tottenham Hotspur và các vị khách Chelsea. Trong khi đội khách đang bay cao với chuỗi trận thăng hoa kèm theo đó là vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng thì những người chủ nhà Tottenham như thường lệ vẫn đang duy trì sự thất thường của mình.

Everton vs Liverpool: Cản bước kẻ thù?

Tiếp đón đối thủ cùng thành phố trong trận derby lâu đời nhất ở nước Anh, liệu Everton có thể cản bước được người hàng xóm hùng mạnh chỉ cách họ chừng 2km. Khoảng cách địa lý sau bao nhiêu năm vẫn vậy, nhưng mối thâm thù thì ngày càng tăng, nhất là khi khoảng cách về trình độ và trên bảng xếp hạng giữa cả hai trong những năm gần đây ngày càng xa cách.