Ricardo Quaresma: Vũ điệu Bohemian kiêu hãnh trên đất Pháp

Tác giả Frank - Thứ Sáu 10/06/2016 11:22(GMT+7)

Zalo
 Ngày 4/4/2014, các khán giả trên sân Dragao chứng kiến một cảnh tượng hỗn loạn, Ricardo Quaresma đuổi theo cầu thủ Marcel của Nacional sau khi cả hai va chạm bên đường biên. Người ta không hiểu lý do vì sao Quaresma lại có một hành động điên rồ tới nhường ấy khi anh đang có cơ hội lớn được dự World Cup 2014 cùng đội tuyển Bồ Đào Nha.

 Ricardo Quaresma sẽ tỏa sáng trên đất Pháp?
Chỉ khi chủ tịch Pinto da Costa của Porto tiết lộ rằng Marcel đã có những lời lẽ phân biệt chủng tộc với cầu thủ của mình thì tất cả mới vỡ lẽ, nhưng nó cũng chỉ là lời giải thích muộn màng. Chỉ hơn một tháng sau, HLV Paulo Bento loại Quaresma ra khỏi danh sách cuối cùng tới Brazil với lời giải thích ngắn gọn: “Tôi buộc phải chấp nhận sự phản ứng của người hâm mộ với quyết định của mình. Nani có những phẩm chất khác với Quaresma.”


Có lẽ chỉ từng đó thôi cũng là đủ để tóm gọn phần nào những ký ức về Ricardo Quaresma, một con người thi đấu đầy ngẫu hứng, sống đầy bản năng và có một sự nghiệp đầy trắc trở. Số phận của Quaresma cũng giống như câu chuyện về dòng máu Di Gan mà anh mang trong mình, một dân tộc phóng khoáng nhưng luôn bị kỳ thị giữa lòng châu Âu.

BI KỊCH CỦA NGƯỜI DI GAN, BI KỊCH CỦA QUARESMA


Hành trình của người Di Gan tới với lục địa già là cả một câu chuyện dài. Người châu Âu chính gốc gọi họ với cái tên Gypsy nhằm chỉ nguồn gốc Ai Cập (Egyptian), nhưng thực chất người Di Gan có nguồn gốc từ phía Bắc Ấn Độ và di cư qua châu Âu để tránh sự xâm lược của quân Hồi giáo. Người Di Gan sống lạc quan và đặc biệt giỏi trong việc ca hát, chính họ là người đã khởi nguồn cho điệu nhảy Flamenco trứ danh. Lối sống nghệ sĩ theo kiểu du mục của người Di Gan thậm chí còn tạo nên trường phái Bohemian đã trở thành trào lưu rất thịnh hành vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Nhưng chính lối sống phóng túng và chỉ biết hưởng thụ ấy cũng khiến cho người Di Gan trở thành cái gai trong mắt người châu Âu. Những cụm từ như Gypsy moth (đồ ăn bám) hay Gypsy taxi (taxi dù) cũng được phương Tây sử dụng như một sự miệt thị công khai. 


Người Di Gan luôn sống giữa lằn ranh của yêu và ghét như thế. Và có lẽ người hâm mộ trái bóng tròn cũng thấy rõ sự đối lập tới nghiệt ngã ấy trong con người của Ricardo Quaresma, giống như biệt danh O Cigano – người Di Gan của anh vậy. Sớm trở thành một viên ngọc quý của Sporting Lisbon với tố chất kỹ thuật hiếm có, Quaresma được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột của đội bóng thủ đô, và xa hơn nữa là kế thừa chiếc áo số 7 vĩ đại của Luis Figo ở ĐTQG. Ngay cả khi Cristiano Ronaldo nổi lên như một hiện tượng mới của Sporting thì vị trí của Quaresma trong lòng người hâm mộ cũng vẫn không hề thay đổi. 

Người ta say mê ngắm nhìn đôi chân của Quaresma chơi bóng cũng giống như đang thưởng thức những vũ điệu nồng nhiệt của người Di Gan. Những pha đảo bóng nhẹ nhàng, những pha bứt tốc thanh thoát, những cú rabona mềm mại và không thể không kể tới những cú trivela đẹp như tranh vẽ. Từ những danh thủ một thời như Nelinho, Thierry Henry cho tới bậc hậu bối như Angel Di Maria, Mesut Ozil đều có những cú trivela tuyệt đẹp, nhưng không ai có thể thực hiện nó một cách đầy cảm hứng như Quaresma. Anh không vung chân quá cao để tạo lực xoáy mà nghiêng trụ hẳn sang bên phải và vuốt quả bóng giống như người nghệ sĩ đang vẩy lên một vạt màu. Bóng đi mềm mại và siết vào góc hiểm như một cái chết mê đắm dành cho đối thủ.

Tính cách ngỗ ngược khiến sự nghiệp của Quaresma ở Barca sớm lụi tàn
Mùa hè 2003, trái tim của những người con Lisbon chia đôi nửa vui buồn khi niềm hy vọng số một của họ bước ra biển lớn. Viễn cảnh một Barcelona hồi sinh mạnh mẽ với đôi cánh Ronaldinho – Quaresma được HLV Frank Rijkaard vẽ ra thật đẹp, nhưng ông sớm nhận ra điều đó chẳng bao giờ trở thành sự thật. Thói lười biếng và tính dễ thỏa mãn dường như đã ngấm vào dòng máu Di Gan của Quaresma, để rồi khi mùa giải qua đi với “chỉ” 21 lần ra sân, anh vùng vằng tuyên bố sẽ không ra sân thi đấu chừng nào Rijkaard còn tại vị. Câu nói đó đóng sập sự nghiệp mới chớm nở của cầu thủ Bồ Đào Nha, và cũng khép lại luôn cơ hội dự Euro 2004 trên quê nhà của anh.
 
Barca hoan hỉ khi đẩy được Quaresma đi để đổi lấy một Deco toàn diện và “dễ bảo” hơn nhiều. Còn với Porto, họ cũng chẳng phải buồn vì người Bồ Đào Nha vẫn còn yêu Quaresma da diết. Anh trở lại và lập tức tỏa sáng với bàn thắng trong trận tranh Siêu cúp châu Âu với Valencia, để rồi các khán giả tại Dragao lại trầm trồ khi thấy đôi chân Di Gan ấy nhảy múa trên thảm cỏ. O Cigano trở thành trụ cột giúp Porto thống trị giải quốc nội trong 3 năm liên tiếp, thế là đủ để Inter Milan nhen nhóm đưa anh trở lại đỉnh cao. Nhưng lối chơi hoa mỹ đến thừa thãi của Quaresma làm sao có thể tỏa sáng trong lô cốt với toàn những chiến binh của Jose Mourinho? Những cú rabona của anh ở đâu khi Inter khuynh đảo Serie A? Những cú trivela của anh ở đâu khi Nerazzurri giành cú ăn ba lịch sử? Thất vọng, chán chường và bị hắt hủi, Quaresma bỏ lại sau lưng tất cả để trốn chạy, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông cho tới khi quay lại Porto. Nhưng rồi chẳng nơi nào có thể cứu vãn sự nghiệp của chàng trai vàng năm nào, khi anh vẫn như con ngựa bất kham quen lối cũ.
Vũ điệu nồng nhiệt của người Di Gan

Đây là lần đi tiểu ngay trong phòng thay đồ của Inter, kia là lần hục hặc khiến HLV Carlos Carvalhal phải rời Besiktas, và còn đó nỗi ê chề trong 6 tháng thất nghiệp sau khi bị Al Ahli thanh lý hợp đồng. Quaresma khiến người ta yêu cái chất Bohemian trong những cú trivela bao nhiêu thì cũng khiến họ thất vọng vì cái tính Gypsy ngông cuồng bấy nhiêu. Và cho tới khi chứng kiến một Quaresma-31-tuổi rượt theo đối thủ khi World Cup 2014 đã cận kề, những người hâm mộ không khỏi lắc đầu ngao ngán khi anh một lần nữa vụt tắt trước khi kịp tỏa sáng. 

Chỉ khi ấy, Quaresma mới chua chát nhận ra sự thực: “Tôi đã có những quyết định sai lầm trong những khoảnh khắc quyết định của sự nghiệp. Tôi muốn mọi việc phải thật nhanh chóng, và chính điều đó đã làm hại tôi”

Những lời thú nhận của Quaresma dường như làm cho người ta nhớ tới bộ phim Click, khi chàng trai Michael Newman dùng chiếc điều khiển thần kỳ để “tua” cuộc đời mình tới những thời khắc thành công. Để rồi tới một ngày khi đã “tua” qua cả một đời người, chàng mới nhận ra rằng đã quá muộn để lấy lại những gì đã mất…

VŨ ĐIỆU BOHEMIAN TRÊN MẢNH ĐẤT LỤC LĂNG


Quaresma không thể lấy lại những năm tháng vàng son của tuổi trẻ, nhưng có lẽ ít nhất anh cũng xứng đáng có một cái kết có hậu khi nhận ra lỗi lầm của mình. Sau khi vuột mất cơ hội tham dự World Cup 2014, Quaresma đã thay đổi hoàn toàn như để cứu vãn sự nghiệp của mình vậy. Sự xuất hiện của HLV Fernando Santos khiến cho cánh cửa trở lại với ĐTQG rộng mở với Quaresma, và lần này anh đã không phí phạm cơ hội của mình. Những pha kiến tạo cho Ronaldo trong trận thắng tối thiểu trước Na Uy và Albania giúp Quaresma ghi điểm trong mắt các CĐV. Khán giả thích thú, nhưng điều khiến họ ngạc nhiên hơn cả là thái độ khiêm tốn của Quaresma khi tuyên bố: “Chỉ tài năng thôi là chưa đủ để làm nên một sự nghiệp lừng lẫy.”

Quaresma toa sang trong tran gap Na Uy
Quaresma tỏa sáng trong trận gặp Na Uy
Lời nói đó như tiếng lòng của một kẻ đã lầm lỡ quá nhiều trong sự nghiệp của mình. Nó cũng giống như bàn thắng anh ghi vào lưới Na Uy trong chiến thắng 3-0 của Bồ Đào Nha cách đây một tuần: một động tác “giả trivela”, và sau đó là một cú cứa lòng tuyệt đẹp vào góc xa khung thành. Đó là một hình ảnh vừa mới vừa cũ của Quaresma, vẫn là một nghệ sĩ nhưng đã trưởng thành và chín chắn hơn nhiều. Và cho tới hôm qua, có lẽ người hâm mộ đã thực sự thấy được hình ảnh của một Ricardo Quaresma thời đỉnh cao. 2 bàn thắng, 2 kiến tạo và 1 đường chuyền khiến đối phương phản lưới nhà, đã lâu lắm rồi người ta mới thấy một ai đó khác chơi hay hơn Ronaldo trong màu áo Bồ Đào Nha.

Cuộc sống thật trớ trêu khi sắp xếp Ronaldo và Quaresma sinh cùng thời, cùng trưởng thành ở Sporting Lisbon nhưng lại đi theo hai ngã rẽ. Trong khi Ronaldo bước lên đỉnh cao sự nghiệp với Quả bóng vàng 2008 thì Quaresma chìm dưới vực sâu với danh hiệu “Thùng rác vàng” ở Inter Milan. Trong khi Ronaldo ghi cả 4 bàn thắng vào lưới Thụy Điển để giúp Bồ Đào Nha giành vé tới World Cup 2014 thì Quaresma còn đang trong chuỗi ngày thất nghiệp. Trong khi CR7 trở thành chân sút số một của Seleccao thì “truyền nhân” một thời của Luis Figo chẳng có nổi một ký ức đẹp đẽ với ĐTQG ở những giải đấu lớn. Nhưng giờ thì định mệnh đã sắp xếp để hai con người ấy trùng phùng ở Euro 2016 năm nay, để gạt đi những ký ức thất vọng của Quaresma về 3 kỳ Euro trước đó, và để dẹp đi cái gọi là Ronaldo-dependencia (hội chứng phụ thuộc Ronaldo).

 
Fernando Santos chẳng hứa hẹn gì cả khi ông vẫn còn Nani trong tay, các CĐV cũng vẫn còn e dè lắm, bởi cái tên Quaresma đã quá nhiều lần làm con tim họ nhói đau rồi. Nhưng sâu trong tâm khảm những người yêu mến chàng trai Di Gan ấy, họ vẫn muốn anh ra sân và nhảy những điệu nhạc mê đắm lòng người. Ngay sau khi Quaresma ghi bàn đầu tiên vào lưới Estonia, máy quay đã lia tới một cụ bà đang vẫy cờ và khóc nức nở. Thế đấy, người Bồ vẫn còn yêu Quaresma nhiều lắm, và có lẽ vẫn còn rất nhiều người nữa đang mong ngóng anh qua màn ảnh nhỏ.

Tháng 7/2010, chính quyền của tổng thống Nicolas Sakorzy bắt đầu kế hoạch trục xuất hơn 10.000 người Di Gan khỏi lãnh thổ Pháp, đó là mối thâm thù mà những người Di Gan vẫn không thể nào quên. Và giờ đây, có một người mang dòng máu Di Gan đang khao khát được nhảy múa ngay chính trên mảnh đất hình lục lăng này, để cháy hết mình vì quê hương, và để ghi dấu bằng những cú trivela tuyệt mỹ. Lịch sử Euro đã từng chứng kiến những cầu thủ gốc Di Gan tỏa sáng rực rỡ, như Zvonimir Boban ở Euro 1996 hay Milan Baros ở Euro 2004. Và giờ đây, người hâm mộ đã sẵn sàng để chứng kiến vũ điệu Bohemian của một người Di Gan từng bị lãng quên: Ricardo Quaresma.

Frank (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow