Quyết định của Platini: Niềm vui châu Âu - Nỗi đau người Pháp

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 13/07/2016 16:39(GMT+7)

Zalo
Ngày Platini lên nắm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá UEFA, người Pháp chắc hẳn rất vui. Trong khi đang chạy đua cho một suất chủ nhà Euro 2016, thì việc có một công dân nắm giữ chức vụ cao nhất Liên đoàn bóng đá châu Âu quả là một lợi thế không nhỏ. Và dĩ nhiên họ đã thành công. Nhưng có lẽ người dân đất nước hình lục lăng hẳn không nghĩ rằng, một trong những quyết định đầu tiên của vị Tân Chủ tịch, sau này sẽ làm con tim của mình tan nát như thế nào.
Quyet dinh cua Platini Niem vui chau Au - Noi dau nguoi Phap hinh anh
 
Kể từ khi huyền thoại bóng đá Pháp lên nắm quyền lãnh đạo, ông đã bị lôi cuốn bởi ý tưởng mà Liên đoàn bóng đá Scotland và Ireland đã đưa ra, đó là gia tăng số đội tham dự trong những kỳ Euro lên thành 24 đội. Bất chấp những ý kiến trái chiều, hai năm sau, 2009, quyết định đã được đưa ra: kể từ kỳ Euro 2016 trên đất Pháp, sẽ có thêm 8 chiếc vé nữa được đến với ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Trong khi những chuyên gia bóng đá vẫn còn tranh cãi kịch liệt về tác động của quyết định này, nền bóng đá lớn thì cho rằng đây là một sự lố bịch, nền bóng đá nhỏ thì vui như trẩy hội vì cơ may tham dự một sân chơi lớn đã mở ra rộng hơn bao giờ hết. Còn đối với người dân Pháp, họ bàng quan đối với sự đổi mới của UEFA.
 
Không biết nguyên nhân thật sự đằng sau quyết định của Platini là gì? Đặc biệt là sau những bê bối liên quan đến bộ máy thượng tầng của bóng đá thế giới thời gian qua. Những bí mật về lợi ích mập mờ, càng làm câu chuyện thêm phần bí ẩn. Có lẽ không nên đào sâu về khía cạnh ấy, nếu xét riêng ở giải đấu năm nay, rõ ràng đó là một quyết định đem lại nhiều lợi ích.
 
Đầu tiên là về mặt tài chính. Theo số liệu của tạp chí Forbes, doanh thu từ kỳ Euro trên đất Pháp tăng 34% so với kỳ Euro 2012, lên đến 2,13 tỉ đô. Và các chuyên gia đã phân tích là số tiền tăng lên có đóng góp không nhỏ từ 20 trận đấu tăng thêm. Từ đó kéo theo một lợi nhuận kỷ lục là 917 triệu đô, cao nhất trong lịch sử. Trong số đó, 55 thành viên của UEFA sẽ được nhận 663 triệu đô cho việc đầu tư làm bóng đá trong giai đoạn từ 2016-2020. Một số tiền rất lớn mà một kỳ đại hội thể thao có thể đem lại.
 
Về mặt bóng đá, nó tạo nên một cú hích rất lớn cho mặt bằng chung ở châu Âu. Hai mươi bốn đội tham gia, tạo nên một sân chơi mở rộng hơn cho những nền bóng đá yếu. Chúng ta đã chào đón màn ra mắt ấn tượng của rất nhiều tân binh. Ở đó có đội tuyển Albania, một nền bóng đá nhỏ bé ở Đông Âu đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ ở vòng bảng. Chúng ta biết đến bóng đá Iceland với sự cuồng nhiệt trên các khán đài, cũng như bầu nhiệt huyết trong tinh thần chiến đấu của các chiến binh Viking. Và đặc biệt nhất và ấn tượng nhất, rõ ràng là Xứ Wales với thành tích vào đến vòng bán kết, và chỉ chịu thua nhà vô địch sau này.
Quyet dinh cua Platini Niem vui chau Au - Noi dau nguoi Phap hinh anh 2
Bầu nhiệt huyết trong tinh thần chiến đấu của các chiến binh Viking
Về phía người hâm mộ, thì sau giai đoạn vòng bảng được nhận định là “nhạt như nước ốc”, với thử thách mà đa số những đội tuyển tham dự đều có thể vượt qua. Thì kể từ vòng loại trực tiếp, người xem đã được chứng kiến những trận đấu nảy lửa, khi những chiếc vé vô tình sắp xếp những ông lớn đụng độ nhau, tạo thành những trận cầu có tính truyền thống cao. Nhắc đến truyền thống, thì đây cũng là kỳ mà những ông lớn cùng nhau giải quyết những ân oán đã có từ lâu đời. Italia hạ gục Tây Ban Nha sau 22 năm chờ đợi. Đức khuất phục Italia sau 50 năm. Pháp đánh bại Đức sau 58 năm không biết mùi chiến thắng. Hẳn những người yêu bóng đá hiếm có khi nào theo dõi nhiều cuộc ân oán “cựu thù” giải quyết với nhau đến thế. Nói không ngoa khi cho rằng, nếu không nhờ tăng số lượng đội tham dự, phá bỏ đi quy tắc phân nhánh khi xưa, thì có lẽ còn lâu các hạt giống hàng đầu mới có thể gặp nhau tạo ra nhiều trận đấu kinh điển đến như vậy.
 
Nhưng kinh điển nhất là có lẽ là màn phục thù của người Bồ Đào Nha. Sau 41 năm chờ đợi, cuối cùng họ đã có thể hạ gục người Pháp. Và còn gì tuyệt vời hơn, khi màn phục thù đó giúp họ giành chiếc cúp bạc Euro lần đầu tiên ngay chính trên sân nhà của đối thủ. Còn đối với người Pháp, còn gì đắng cay hơn việc họ thất bại trước một đội bóng, mà lẽ ra đã phải về nước từ vòng bảng nếu không có bàn tay cứu vớt của chính huyền thoại của bóng đá nước nhà.
Quyet dinh cua Platini Niem vui chau Au - Noi dau nguoi Phap hinh anh 3
Bồ Đào Nha hạ gục người Pháp sau 41 năm chờ đợi
Cũng chuyện tăng hay không tăng. Nhưng thái độ người Pháp kể từ khi trọng tài Mark Clattenburg thổi hồi còi mãn cuộc ngày hội bóng đá Châu Âu, có thể đã có sự chuyển biến rõ rệt. Giờ đây có lẽ ông Platini mỗi lần đi ra đường phải cẩn thận hơn, khi nhiều thanh niên Pháp sẽ đổ lỗi cho ông về trận thua ngày hôm qua. Nếu như không có việc gia tăng số đội tham dự, thì với vị trí thứ ba ở vòng bảng có lẽ Bồ Đào Nha đã bị loại từ lâu. Nếu ông không quyết định đổi mới, thì có lẽ Bồ Đào Nha khó vượt qua cái nhánh đấu có đủ mặt anh tài ở hai bảng tử thần. Và biết đâu được, đối thủ của đội chủ nhà sẽ là một đội tuyển nào đó có lối đá phóng khoáng hơn, để hàng công cực mạnh và hiệu quả nhất giải đấu năm nay không phải bất lực phá vỡ hàng rào phòng ngự “lì lợm” của đối thủ.
 
Nhưng đó cũng chỉ là giả thiết, rõ ràng với thực tại người Pháp chỉ có thể tự trách mình. Họ vào nhánh đấu khó, nhưng vô tình được hưởng lợi khi chính các đối thủ tự làm hại mình. Đội tuyển Anh vô duyên bị gã tí hon Iceland loại bỏ. Đội tuyển Đức, Tây Ban Nha, Italia phải đấu đá nhau đến nỗi sức tàn lực kiệt khi gặp đội chủ nhà. Và ngay ở trận chung kết thì lợi thế cũng đến từ rất sớm khi ngôi sao sáng nhất của đối phương đã phải rời sân vì chấn thương.
Quyet dinh cua Platini Niem vui chau Au - Noi dau nguoi Phap hinh anh 4
Ý và Đức phải gặp nhau ngay từ tứ kết
Một quyết định lịch sử đã mang đến bao nhiêu trang sử mới trong làng bóng đá châu Âu. Niềm hạnh phúc của những tân binh lần đầu tham dự. Sự hân hoan của những cựu binh trả được món nợ đã nửa thế kỷ. Ban tổ chức hoan hỷ với túi tiền rủng rỉnh, người xem được đồng hành một tháng dày đặc những trận cầu hay. Và cảm giác sung sướng của một nền bóng đá lần đầu tiên bước lên ngai vàng. Niềm vui đến với mọi ngõ ngách châu Âu. Nhưng bóng đá lại cho thấy nó là một cái gương phản chiếu cuộc đời, ở đó luôn có hai mặt của sự đối lập, và hãy nhớ rằng ở hai mặt ấy luôn có sự cân bằng. Niềm vui lớn bao nhiêu thì nỗi buồn lại càng tê tái bấy nhiêu. Và có sự đau khổ nào lớn hơn đối với người Pháp, họ thất bại ở trận đấu cuối cùng, ở ngay trên sân nhà, trước một nhà vô địch lẽ ra họ đã không phải gặp mặt. Tuy có nhiều lý do thuyết phục hơn để nói về thất bại của người Pháp, nhưng câu chuyện về Platini, một người Pháp, đã góp một mũi dao đâm vào tim những ai yêu mến Les Bleus, sẽ luôn là một sự kiện khắc sâu vào ký ức những ai yêu bóng đá.

PHƯƠNG GP(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow