Pháp - Romania: Và mây đã tan trên bầu trời nước Pháp

Tác giả Teddy - Thứ Sáu 10/06/2016 17:15(GMT+7)

 “Ngay lúc này đây, tôi thực sự cảm thấy ngây ngất với ý nghĩ Pháp sẽ chào đón các đội tuyển trên khắp châu Âu. Chúng tôi đã có niềm tin đến từ phía UEFA, và chắc chắn rằng sự tin tưởng ấy sẽ không bị phụ bạc.”

Trận đấu giữa Pháp và Romania sẽ khai màn Euro 2016
1.Chủ tịch LĐBĐ Pháp Jean-Pierre Escalettes đã hào hứng phát biểu như thế vào một ngày hè năm 2010, sau khi Chủ tịch UEFA Michel Platini hãnh diện công bố Pháp là nước đăng cai EURO 2016. Thế nhưng trước khi giải đấu diễn ra khoảng hơn 1 năm, người ta lại phải thấy một nước Pháp lãng mạn và hoa lệ chìm trong không ít scandal lùm xùm hoặc những thảm hoạ thương đau. Đã có lúc câu hỏi về sự an toàn và sự hấp dẫn của EURO 2016 được đặt ra, và nhiều người còn đặt cược vào sự thất bại của nó.
 
Những nỗi lo ngại về an ninh bắt đầu được dấy lên vào ngày 7 tháng 1 năm 2015, vụ xả súng Charlie Hebdo bao trùm lên toàn nước Pháp một không khí tang tóc. Mọi nẻo đường Paris nói riêng và toàn thế giới nói chung vừa tiếc thương, vừa sợ hãi vì rõ ràng Charlie Hebdo cùng với vụ đánh bom liều chết hồi tháng 11 năm 2015 đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về khả năng chống khủng bố chưa tốt ở nước Pháp hoa lệ. Để rồi chỉ vài tháng sau, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã lo ngại đến mức tính đóng cửa fanzone tại Paris, nằm ngay dưới chân tháp Eiffel, được hứa hẹn là một trong những nơi có bầu không khí bóng đá sôi động nhất trên toàn nước Pháp hè này với 120.000 CĐV sẵn sàng ăn bóng đá, ngủ bóng đá…
 
Bầu trời nước Pháp từng bị phủ bởi một màu đen u ám
Năm 2016 chứng kiến một Roland Garros thảm hoạ về mặt tổ chức. Lí do cho điều này không đến từ các yếu tố con người hay công tác quản lý, mà lại đến từ… thời tiết. 3 ngày nghỉ liên tiếp, trận đấu của tay vợt số 1 thế giới Novak Djovovic tại vòng 4 phải tổ chức đi tổ chức lại tới 3 lần. Ban tổ chức giải phải hoàn toàn bộ tiền vé trị giá gần 2,5 triệu USD. Đã 16 năm trôi qua kể từ lần cuối Roland Garros phải hoãn nhiều đến thế vì trời mưa; và chắc chắn chẳng có ai thích xem các trận đấu EURO trên mặt sân cỏ sũng nước cả. Biết đâu đấy, ngày hội bóng đá châu Âu cũng hứng chịu những trận mưa như thế?
 
Ấy là chưa kể vụ lùm xùm giữa Karim Benzema và Mathieu Valbuena, khiến cho tuyển Pháp mất đi 2 hảo thủ tại giải đấu lớn nhất lục địa già…
 
2.Thế nhưng mây đen đã thực sự tan trên bầu trời nước Pháp.
 
Một tháng đổ về đây, bất chấp thời tiết ảm đạm, mực nước sông hồ dâng cao và phong trào đình công rộng rãi, không khí bóng đá đã bao trùm khắp các con phố. Các khách sạn kín người book chỗ, khu nhà trọ Christopher’s Inn treo đủ cờ của 24 ĐTQG tham dự VCK EURO. Trong các quán ăn, quán cafe và các ga tàu điện ngầm, chủ đề được phần lớn người ta nói đến là bóng đá. Thế đấy, bất chấp một chặng khởi động có phần chông gai về mặt công tác chuẩn bị, người Pháp vẫn sẽ yên tâm thưởng thức ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Đến ngày bóng lăn, thời tiết sẽ ổn. Lực lượng an ninh đã được tăng cường đến mức tối đa. ĐTQG Pháp thì đang sẵn sàng cho trận đấu mở màn với Romania hơn bao giờ hết.
 
Thắng lợi 3-0 trước Scotland ngay trước thềm EURO 2016 cho thấy nhiều nét tích cực nơi đội quân trong tay Didier Deschamps. Có Benzema để mà làm gì khi Giroud có thể thay thế tốt nhiệm vụ ghi bàn? Tiền đạo của Arsenal có thể vô duyên với màu áo CLB, nhưng khi được triệu tập lên tuyển, anh như cá gặp nước. Người ta buộc phải hết thắc mắc lí do gì khiến cho Deschamps chọn “chân gỗ” Andre-Pierre Gignac (người được cho là đang dưỡng già ở Tigres UANL) cho đến khi biết đến hiệu suất gần 1 bàn/ trận của anh cho đội bóng chủ quản. Còn những N’Kolo Kante, Dimitri Payet, Paul Pogba hay Anthony Martial xuất sắc như thế nào thì chắc chẳng cần phải nói nữa. Đã bao lâu rồi, kể từ sau thời Zidane, tuyển Pháp mới lại mạnh và tràn trề cơ hội nâng cúp ngay trên sân nhà như thế?
 
Chiến thắng 3-0 trước Scotland là bước chạy đà hoàn hảo của Les Bleus cho Euro 2016
Chuẩn bị cho một giải đấu lớn chưa bao giờ là một công tác dễ dàng. Lẽ đời là thế, khi người ta vắt công vắt sức ra để làm điều gì đó, lao vào xử lý triệt để những nguy hiểm, thì những gì họ nhận lại thường là những ngày hửng nắng. Những chiến quả. Những thành công. Nhìn một sự vật, ta chỉ thấy những gì ta muốn thấy. Trong tâm trí người Pháp lúc này, những u buồn của ngày cũ sẽ phải qua đi để nhường chỗ cho 1 tháng lễ hội. Bây giờ, họ muốn thấy công sức 6 năm qua được đánh đổi bằng những chiến thắng. Cũng như một chiếc lò xo, lún xuống rồi thì ắt sẽ phải bật lên.
 
3.Trong khi ấy, sẽ thật khó để tìm thấy một thông tin nào nói về cảm hứng mà lúc này người Romania đang dành cho EURO 2016.
 
Nhạt nhoà lắm cái cách mà Romania xuất hiện trên những mặt báo. Cách họ đến với Pháp năm nay cũng không có gì quá bất ngờ, quá rạo rực hay quá quả cảm để mà những người không đến từ Romania lưu tâm. Thế mới thấy cái thời của bộ tứ huyền thoại Hagi – Popescu – Munteanu – Petrescu, cái thời mà HLV Anghel Iordanescu đích thân đưa thế hệ vàng ấy đến vòng 1/8 World Cup 1998 giờ chẳng hơn nổi một miền quá vãng. Hoặc ít nhất khán giả trung lập đã và đang nghĩ thế.
 
Bóng đá Romania, theo nhiều người lúc này, thật hiền lành, hiếm nhân tài và cạn khô cá tính, chẳng giống với cái cách mà một số người gọi họ là đất nước của Ma cà rồng. Dracula là hình tượng mà một nhà văn người Ireland dựng nên, nhưng dưới ngòi bút của Bram Stocker, Dracula cứ như thể đang sống trong lâu đài Bran, vùng Carpates, Transylvania. Người xưa đồn rằng vua Vlad III Dracula, với sở thích hành hạ man rợ, chính là cảm hứng để Stocker viết lên những dòng văn về ma cà rồng nổi tiếng nhất mọi thời đại.
 
Hình ảnh ấn tượng của Romania tại World Cup 1998
Đương nhiên bây giờ chẳng ai cho phép con người tra tấn người khác hay sống độc tài cực đoan man rợ, nhưng ở chừng mực nào đó, ta lại muốn thấy một cái lửa, một chất quyết tâm rực cháy như người Romania đã từng. Ai xem World Cup 1998 đều nhớ cái cảm giác giật mình khi thấy các cầu thủ Romania ra sân trong trận kết thúc vòng bảng gặp Tunisia. Bộ quần áo đỏ viền vàng, với 10 bộ tóc được nhuộm vàng choé được trưng ra. Người duy nhất không nhuộm tóc lúc ấy là thủ môn Bogdan Stelea, bởi anh để đầu trọc. 10 người ra sân chính thức của Romania, trừ thủ môn, trông hao hao giống nhau lạ. HLV Anghel Iordanescu cũng cạo trắng tóc cho giống Stelea.
 
Chính Iordanescu đã chỉ đạo các học trò làm thế. Ông không muốn thể hiện sự lập dị hay muốn gây sốc cho khán giả. Cái mà Iordanescu nhắm tới là ý tưởng rõ ràng về tinh thần đồng đội, ai cũng như một, ai cũng phải vì lợi ích tập thể. Dù Romania khi đó không đi được sâu, nhưng họ rất cá tính và đáng nhớ. Iordanescu thì vẫn ở đó, nhưng sự cá tính nay đâu chưa thấy?
 
4. Romania không phải một đội tuyển mạnh. Cửa thắng của họ trước Pháp là rất ít. Chỉ với Vlad Chiriches hay Bogdan Stancu làm trụ cột là chưa đủ. Họ thiếu đi một chất nổi bật khi nói đến chiến thuật và chất lượng nhân sự. Bản thân HLV Iordanescu mới chỉ làm HLV trở lại trong 2 năm trở lại đây.
 
Nếu có bất kì kết quả nào khác ngoài 3 điểm dành cho Didier Deschamps và các học trò, đó sẽ là một cú sốc rất, rất, rất lớn. Trừ người Romania, chẳng ai muốn Pháp chạy đà kém cỏi, vì họ và lực lượng trẻ, tinh tuý của mình có trách nhiệm phải tiến sâu và tạo thêm sức hấp dẫn cho một EURO 2016 có phần kiếm ứng cử viên sáng giá. Người Pháp biết điều đó, Deschamps và các cầu thủ của ông biết điều đó. Chắc chắn họ sẽ không để các CĐV nhà phải thất vọng bằng cách mất điểm trước Romania.
 
TEDDY (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Napoli vs AS Roma: Người tìm đỉnh cao, người về vực sâu

Trận cầu tâm điểm vòng 13 Serie A tuần này sẽ diễn ra trên sân Stadio Diego Armando Maradona, nơi mà những người chủ nhà Napoli tiếp đón AS Roma trong trận Derby Mặt Trời ( Derby del Sole). Tình cảnh trái ngược của cả hai trên bảng xếp hạng khiến cho trận derby lần này càng trở nên thù địch, mặc dù họ đã từng có mối quan hệ nồng ấm trong lịch sử trước đó.

Inter Milan vs Napoli: Ngày trở về của Antonio Conte

Vòng đấu thứ 11 giải vô địch quốc gia Italia sẽ khép lại bằng trận thư hùng đỉnh cao trên sân Giuseppe Meazza giữa hai đội đang nắm hai vị trí dẫn đầu bảng Seria hiện nay. Hai nhà vô địch trong hai mùa gần nhất sẽ đá trận giáp lá cà trực tiếp để phân định ngôi thứ đồng thời khẳng định tư cách ứng cử viên hàng đầu của mình. Trong trận quyết đấu, sẽ có những tình cảm dành riêng cho Antonio Conte, người đã từng rất được yêu mến ở Inter Milan.

Inter Milan vs Arsenal: Chuyến đi giông bão

Mang quân đến Giuseppe Meazza với biết bao bộn bề lo toan đang gặp phải, liệu Mikel Arteta có thể đưa con tàu Arsenal lành lặn trở về sau chuyến viếng thăm hứa hẹn đầy bất trắc đến thủ đô Italia.

Liverpool vs Bayer Leverkusen: Ngày về của Xabi Alonso

Loạt trận thứ 4 Champions League mùa giải năm nay sẽ chứng kiến trận cầu tâm điểm của vòng đấu khi Liverpool sẽ là những người chủ nhà tiếp đón các nhà đương kim vô địch Bundesliga Bayer Leverkusen trên sân Anfield.

Man Utd vs Chelsea: Quỷ Đỏ vùng lên?

Manchester United cùng với HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy đã có chiến thắng tưng bừng hồi giữa tuần trước Leicester City sau khi chia tay Erik ten Hag. Có vẻ như chiếc lò xo hơn hai năm qua bị nén đã bật tung lên sau sự ra đi của chiến lược gia 54 tuổi người Hà Lan.

Arsenal vs Liverpool: Chờ bản lĩnh Pháo Thủ

Manchester City đã có chiến thắng nhẹ nhàng trước Southampton vào đêm thứ bảy để vượt lên dẫn đầu Premier League, giờ là lúc họ khoanh tay ngồi tận hưởng hai kẻ thách thức Arsenal và Liverpool sống mái một trận ở Emirates trong trận cầu tâm điểm vòng 9 ngoại hạng Anh.

Real Madrid vs Barcelona: Khi El Clasico lại hấp dẫn như xưa

El Clásico luôn là trận cầu kinh điển, lớn nhất và tuyệt vời nhất trên toàn thế giới. Ai ai cũng dõi theo và mọi thứ đều phụ thuộc vào nó. Diễn biến trận đấu luôn được đẩy lên cao trào và chưa bao giờ khiến người hâm mộ thất vọng.