Nào Deschamps, ngồi xuống và thưởng thức cafe đi!

Tác giả Frank - Thứ Sáu 17/06/2016 14:59(GMT+7)

Phút 90 trận Pháp và Albania, Antoine Griezmann lắc đầu lái bóng vào góc xa sau đường chuyền như đặt của Adli Rami, cả sân Velodrome vỡ òa như một quả bóng hơi đã bị dồn nén quá lâu. 6 phút sau, Dimitri Payet tung cú đấm quyết định như một thói quen để đem về 3 điểm cho tuyển Pháp. Các khán đài lại tràn ngập ba màu đỏ-trắng-xanh, Les Bleus chính thức giành vé vào vòng 1/8, nhưng đáng tiếc không có lời khen ngợi nào cho Didier Deschamps hết.

Một ly café chứ Deschamps?
Các CĐV đội bóng áo Lam hẳn đã nhảy dựng lên khi Deschamps cất cả Paul Pogba và Antoine Griezmann trên băng ghế dự bị trước khi trận gặp Albania bắt đầu. Gì chứ? Trong tình cảnh chỉ phải gặp một đối thủ yếu nhất bảng và thiếu vắng thủ lĩnh Lorik Cana vì án treo giò, thế mà Deschamps lại để Kingsley Coman và Anthony Martial đá chính thay vì hai ngôi sao sáng nhất trong đội hình của mình? Bất chấp những lời giải thích về việc Pogba và Griezmann cần những quãng nghỉ sau khi phải cày ải cả một mùa giải, Deschamps có lẽ vẫn nhận đủ gạch để xây nên một tòa lâu đài đồ sộ bậc nhất nước Pháp.

Trong vô số những sức ép đang bủa vây lấy mình, vị chiến lược gia 48 tuổi có lẽ cần rất nhiều giờ để nghiên cứu băng ghi hình trận gặp Albania. Trên lý thuyết là thế, và báo chí cũng ra rả về việc Les Bleus nên thay đổi như thế nào tới nỗi những người không chuyên về bóng đá cũng có thể thuộc lòng. Này nhé, sơ đồ 4-2-3-1 có quá nhiều bất cập, Martial và Coman quá ham rê dắt khiến Giroud lạc lõng, Kante và Matuidi đơn thuần chỉ hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn, còn Payet bị hạn chế khả năng sáng tạo nếu bị đóng khung ở vị trí tiền vệ kiến thiết. Đây nữa, Pogba và Griezmann vào sân là thế trận lập tức đảo chiều, Pháp đá thoáng hơn hẳn và 4-3-3 đúng là sơ đồ dành cho tuyển Pháp rồi.

Nhưng có lẽ ngoài việc cải thiện những sai sót hai năm rõ mười về mặt chiến thuật, điều Deschamps cần nhất vào lúc này là một tách café. Không phải cái kiểu café uống liền đánh ực một phát như Starbucks, mà là café truyền thống trên một vỉa hè nào đó ở Paris. Không phải uống café để cho tỉnh táo, mà là uống để tận hưởng, để cảm nhận vị đắng nồng của những giọt espresso nơi cuống họng. Uống để sống chậm lại…

Pháp giành chiến thắng nhọc nhằn trước Albania
Trong cái guồng quay khủng khiếp của Euro, người ta dễ bị cuốn theo những gì đã có sẵn trên lịch thi đấu. Với tần suất ba ngày một trận, các cầu thủ phải chạy đua với thời gian để kịp hồi phục thể lực, còn những HLV phải căng não để suy nghĩ về bài toán cân bằng giữa kết quả thi đấu và bảo toàn lực lượng. Những áp lực ấy với Deschamps dường như còn lớn hơn gấp bội, khi đội tuyển Pháp đang là chủ nhà, khi mà Gà trống Gaulois đang sở hữu một đội hình cực kỳ tài năng, và khi mà mảnh đất hình lục lăng đang trải qua những ngày tháng hỗn loạn. Từ bóng ma khủng bố trước thềm giải đấu cho tới những vụ ẩu đả của hooligan, nước Pháp đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề. Họ chỉ còn duy nhất màu áo xanh để bấu víu, và chính vì thế họ gấp gáp hơn, đòi hỏi nhiều hơn và cũng dễ nổi nóng hơn khi mọi thứ chệch hướng chút xíu.

Và cách tốt nhất để thoát khỏi cái máy nghiền khổng lồ của dư luận chẳng gì khác ngoài một tách café. Pháp không phải là nơi sản xuất ra những loại café thượng hạng, nhưng là cái nôi sản sinh ra văn hóa uống café đã được nâng lên thành chuẩn mực. Trong ánh hoàng hôn, những đôi tình nhân hàn huyên trong một quán café dưới chân tháp Eiffel, cùng với tiếng nhạc arcodeon réo rắt và những cánh chim bồ câu bay rợp trời. Đó gần như đã trở thành hình ảnh kinh điển trong những thước phim của Hollywood, từ “La Vie en Rose”, “Paris, Je T’aime” cho tới “Midnight in Paris”.

Café dưới chân tháp Eiffel, hình ảnh tiêu biểu của nước Pháp
Ngay đến cả những tiểu tiết trong văn hóa uống café, người ta cũng thấy được một cái hồn đậm chất Pháp. Bồi bàn sẽ cho bạn đợi dài cổ nếu bạn gọi café hay đồ dùng bằng một ngôn ngữ không phải tiếng Pháp, những người xung quanh sẽ nhìn bạn khinh khỉnh nếu bạn thản nhiên hút thuốc trong quán, và đừng ngạc nhiên nếu lời yêu cầu “Cho một tách café” của bạn được đáp lại bằng một ly espresso đen đặc. Cũng giống như văn hóa ẩm thực, văn hóa uống café cô đọng những gì tinh tế nhất của người Pháp, lãng mạn trong cách thưởng thức và tinh tế trong cách cư xử.

Có lẽ Deschamps cần một thứ không khí như thế trong khung cảnh ngột ngạt hiện tại. Sau khi nhấp một ngụm Serré, loại espresso đắng nhất, và nhấm nháp một miếng bánh croissant (bánh sừng bò) thì có lẽ đội trưởng của tuyển Pháp ngày nào sẽ có thể giãi bày chút tâm sự chăng? Rằng ông đang cố gắng đa dạng hóa miếng tấn công của Les Bleus thay vì phụ thuộc vào những đường bóng bổng cho Giroud? Hay nỗi lo khi chính đội hình 4-3-3 đã khiến Pháp thất thủ 0-1 trước Albania 367 ngày trước đó?

Hãy cứ nghe người đàn ông ấy nói về sự thay đổi của mình đi: “Việc để Paul Pogba trên ghế dự bị là một thay đổi mang tính chiến thuật khi chúng ta nhìn vào đội hình xuất phát. Với hệ thống của Albania, chúng tôi cần hai cầu thủ đánh chặn ở giữa sân. Pogba rõ ràng đóng góp cho đội bóng theo kiểu khác”. Deschamps có cái lý của mình, chỉ tiếc rằng ông đã thay đổi quá vội vàng, vội vàng như chính những người ủng hộ đội tuyển Pháp để rồi suýt chuốc lấy thảm họa. Nhưng khi đội chủ nhà đã giành quyền vào vòng 1/8, giờ hẳn là lúc thích hợp để Deschamps nghĩ chậm lại.

Tuyển Pháp rồi cũng sẽ ổn với Deschamps?
Dư luận vẫn đang mải mê chỉ trích Deschamps, nhưng họ quên rằng chính ông là người đã từng thẳng tay loại những nhân tố có nguy cơ gây rối như Samir Nasri, Karim Benzema hay Mathieu Valbuena ra khỏi đội tuyển. Để rồi Pháp rũ bỏ hình ảnh tủi hổ với scandal nội bộ năm 2010 để trở thành một đội bóng đoàn kết và giàu sức mạnh. Có lẽ tất cả sẽ nhớ ra khi thưởng thức một ly café và tĩnh tâm lại chăng?

Sau những màn trình diễn của tuyển Pháp, những người thực tế (hay tiêu cực?) sẽ nói rằng cơ hội để Les Bleus vô địch Euro năm nay cũng nhỏ như cơ may để Deschamps có thể thong dong tận hưởng một ly café thơm ngậy. Nhưng biết đâu đấy, mọi chuyện có thể thay đổi trong một buổi sáng đẹp trời dưới chân tháp Eiffel thì sao? Cũng giống như một câu thoại rất ấn tượng trong bộ phim hoạt hình “Ratatouille”, khi đôi tình nhân thủ thỉ: “Nhưng tại sao lại ở đây? Tại sao lại vào lúc này? – Tại sao không phải ở đây? Tại sao không phải lúc này? Còn nơi nào đẹp hơn để mơ ngoài Paris nữa?”

► Xem thêm thông tin lịch thi đấu Ngoại hạng Anh và kết quả bóng đá Anh.

FRANK (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Quyết định của Platini: Niềm vui châu Âu - Nỗi đau người Pháp

Ngày Platini lên nắm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá UEFA, người Pháp chắc hẳn rất vui. Trong khi đang chạy đua cho một suất chủ nhà Euro 2016, thì việc có một công dân nắm giữ chức vụ cao nhất Liên đoàn bóng đá châu Âu quả là một lợi thế không nhỏ. Và dĩ nhiên họ đã thành công. Nhưng có lẽ người dân đất nước hình lục lăng hẳn không nghĩ rằng, một trong những quyết định đầu tiên của vị Tân Chủ tịch, sau này sẽ làm con tim của mình tan nát như thế nào.

Patrice Evra: Hành trình của người truyền lửa từ Knysna về St Denis

Kynsna, quả đồi ở Nam Phi và câu chuyện đen tối diễn ra nơi đó có lẽ giờ cũng không còn ám ảnh nhiều người, trong đó có Patrice Evra. Trận chung kết Euro 2016 tại Stade de France cũng vừa kết thúc, cúp bạc đã không thuộc về những chú gà trống Gaulois, người ta có lẽ bị thu hút nhiều hơn bởi câu chuyện thần kỳ mà thầy trò HLV Fernando Santos viết nên, bởi hình ảnh xúc động khi cha già Ferguson ôm chầm lấy Ronaldo chúc mừng vinh quang của cậu học trò nhỏ. Khi ấy, Evra đang ở đâu trong đám đông ồn

Tấm gương EURO 2016: Bóng đá là không từ bỏ

(Bongda24h.vn) – Bóng đá là một trò chơi của tập thể mà mỗi cá nhân đều phải thi đấu vì lợi ích chung của cả đội. Ở một góc độ nào đó, mỗi cầu thủ cần hiểu rõ đúng thực lực của mình để có nên tiếp tục cống hiến cho đội bóng hay nhường chỗ cho những cái tên khác xứng đáng hơn. Những nhà vô địch EURO 2016 đã cho chúng ta thấy được bài học đó.

Từ Fatima đến Paris: Cuối cùng thì Đức Mẹ đã mỉm cười với người Bồ

Trải qua 120 phút so tài nghẹt thở trên sân Stade de France, cuối cùng thì chặng hành trình kỳ diệu và hoang đường nhất của thầy trò HLV Fernando Santos tại VCK EURO 2016 mùa Hè năm nay đã khép lại một cách mỹ mãn. Ngay trên mảnh đất Pháp đầy mộng mơ và lãng mạn, một tập thể bao gồm những con người Bồ Đào Nha bình dị đã viết nên câu chuyện lịch sử cho riêng mình.

Màu áo bã trầu có vơi bớt nỗi buồn của Figo?

Phút bù giờ đầu tiên của hiệp một trận bán kết Euro 2016 giữa Đức và Pháp, khi mà tất cả đã nghĩ về một kết quả hòa thì Bastian Schweinsteiger khiến tất cả phải sững sờ. Một pha chạm bóng bằng tay quá nghiệp dư, và lần thứ hai liên tiếp ĐT Đức phải chịu một quả penalty oan nghiệt. Đó là bước ngoặt của trận đấu, và cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất sau thất bại cay đắng của Die Mannschaft. Những ký ức đó khiến người ta nhớ về một câu chuyện khác cách đây 16 năm.