Màu áo bã trầu có vơi bớt nỗi buồn của Figo?

Tác giả Frank - Thứ Hai 11/07/2016 10:50(GMT+7)

Zalo
Phút bù giờ đầu tiên của hiệp một trận bán kết Euro 2016 giữa Đức và Pháp, khi mà tất cả đã nghĩ về một kết quả hòa thì Bastian Schweinsteiger khiến tất cả phải sững sờ. Một pha chạm bóng bằng tay quá nghiệp dư, và lần thứ hai liên tiếp ĐT Đức phải chịu một quả penalty oan nghiệt. Đó là bước ngoặt của trận đấu, và cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất sau thất bại cay đắng của Die Mannschaft. Những ký ức đó khiến người ta nhớ về một câu chuyện khác cách đây 16 năm.
 
Vẫn là bán kết Euro, vẫn là Pháp, và vẫn là một quả phạt đền xoay chuyển thế cục. Bồ Đào Nha đã có một trận đấu tuyệt vời trước các nhà ĐKVĐ Thế giới. Họ chơi hay hơn, mở tỷ số trận đấu nhưng cuối cùng bị gỡ hòa và đành bước vào hiệp phụ. Phút 117, khi các CĐV đã chuẩn bị sẵn sàng cho loạt sút luân lưu thì Abel Xavier lại để bóng chạm tay trong vòng cấm sau đường căng ngang của Sylvain Wiltord. Tranh cãi nổ ra dữ dội, người Pháp đòi phạt đền, còn người Bồ cho rằng Xavier đã chạm tay khi bóng ở ngoài đường biên ngang. Nhưng cuối cùng trọng tài Gunter Benko vẫn cho Les Bleus được hưởng một quả phạt đền, Zidane bước lên và ghi Bàn thắng vàng chấm dứt hành trình của Bồ Đào Nha.
Đã 16 năm trôi qua, nhưng thất bại trên đất Hà Lan có lẽ vẫn ám ảnh người Bồ Đào Nha. Và đối với Luis Figo, đó mới là thất bại cay đắng nhất trong màu áo tuyển chứ không phải trận thua Hy Lạp trên sân nhà 4 năm sau đó. Euro 2000 chứng kiến một ĐT Bồ Đào Nha cực mạnh khi Thế hệ vàng của họ đạt độ chín trong sự nghiệp. Rui Costa là nhạc trưởng của Fiorentina, Sergio Conceicao và Fernando Couto vừa giành Scudetto với Lazio, Pauleta là thành viên trong đội hình Deportivo La Coruna huyền thoại vô địch La Liga, và trên tất cả, Luis Figo chính là thủ lĩnh của tập thể ấy.
 
Cú nã đại bác mở đầu cho cuộc lội ngược dòng trước người Anh, những pha qua người theo kiểu step-over làm lu mờ huyền thoại Georghe Hagi của Romania, và hai pha kiến tạo như đặt để Nuno Gomes kết liễu Thổ Nhĩ Kỳ. Chừng đó là quá đủ để nói lên tầm ảnh hưởng của Luis Figo với Bồ Đào Nha. Ở thời đại mà một tiền vệ cánh đơn thuần chỉ biết chạy và tạt, Figo còn làm được nhiều hơn thế, anh trở thành biểu tượng của một “Brazil châu Âu’ đầy phóng túng. Có lẽ cũng bởi thế mà khi giấc mơ vàng của Bồ Đào Nha tắt lịm, Figo chính là người đau đớn nhất. Sau quyết định đầy tranh cãi của trọng tài Benko, Abel Xavier, Nuno Gomes và Paulo Bento bị cấm thi đấu cho ĐTQG ít nhất nửa năm. Nhưng có lẽ hình ảnh ấn tượng nhất là lúc Figo cởi áo đòi bỏ thi đấu ngay trước khi Zidane thực hiện cú phạt đền quyết định. Nhiều người hẳn đã quên sự thất vọng cùng cực đó, bởi chỉ ngay sau Euro 2000, Figo đã trở thành tâm điểm trong vụ chuyển nhượng thế kỷ từ Nou Camp sang Bernabeu. Nhưng những người yêu mến lối đá quyến rũ của Bồ Đào Nha hẳn sẽ không quên hình ảnh ấy, để rồi những kỷ niệm lại ùa về tại Stade de France.
Bo Dao Nha the he vang cua Euro 2000
Bồ Đào Nha thế hệ vàng của Euro 2000
Đêm nay, Bồ Đào Nha sẽ lại chạm trán Pháp trong trận đấu quyết định ngôi vương tại Euro 2016. Cristiano Ronaldo cùng các đồng đội đang trên đường thực hiện giấc mơ dang dở của Figo, nhưng trớ trêu thay họ lại chẳng nhận được những lời ủng hộ như bậc tiền bối. Bồ Đào Nha của năm 2000 toàn thắng ở bảng tử thần với Anh, Romania và Đức; Bồ Đào Nha của năm 2016 chỉ có được 3 trận hòa và may mắn tránh được nhánh đấu khó khăn. Seleccao của năm 2000 là một hiện thân của “Brazil châu Âu” thực sự, còn Seleccao 16 năm sau đó chỉ là một đội bóng khiến người ta phải buồn ngủ vì những trận đấu kéo dài 120 phút.
 
Cho tới khi đã bước tới trận chung kết một cách thần kỳ, Ronaldo và các đồng đội cũng chẳng thể khiến người ta thôi nhớ về một Thế hệ vàng rực rỡ thuở nào. Người ta nói rằng thế hệ Bồ Đào Nha này sẽ khiến Luis Figo cảm thấy xấu hổ, nhưng hãy xem số 7 huyền thoại nói gì trước giờ bóng lăn: “Các CĐV hẳn đã không đem lòng yêu mến đội bóng này ngay từ giây phút đầu tiên. Không gì có thể che giấu được sự thật đó, nhưng sự nỗ lực, nghiêm túc và lối chơi khoa học đã giúp HLV và các cầu thủ dần gây được thiện cảm.”
Bo Dao Nha cua thoi hien tai
Bồ Đào Nha của thời hiện tại
Thế đấy, thi đấu hoa mỹ nào có nghĩa lý gì khi đội bóng thua cuộc? Dưới “triều đại” của Luis Figo, Bồ Đào Nha trở thành một ngôi sao mới ở Euro 1996, rực sáng ở Euro 2000, vào tới chung kết Euro 2004 và lọt vào bán kết World Cup 2006. Đó là một bảng thành tích không tồi, nhưng những gì để lại sau cùng cũng chỉ là sự nuối tiếc cho một sự nghiệp vĩ đại, và cơn khát danh hiệu của Bồ Đào Nha vẫn cứ thế kéo dài. Niềm vui nào có thể trọn vẹn nếu thiếu vinh quang? Và niềm tự hào nào có thể đong đầy nếu thiếu đi những danh hiệu? Bồ Đào Nha đang có cơ hội để khỏa lấp những khoảng trống đó, và họ làm điều đó từ những điều bình thường nhất.
 
Ronaldo đã vượt qua Figo để trở thành người khoác áo ĐT Bồ Đào Nha nhiều nhất. Người ta có lẽ đã quên đi điều đó khi anh bỏ lỡ quả penalty trong trận gặp Áo. Nhưng nếu như CR7 vượt qua được Figo trong bảng thành tích ở ĐTQG, sẽ chẳng ai có thể quên được nữa. Màu áo bã trầu đã in đậm quá nhiều nỗi buồn của hai cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha, và giờ là cơ hội để họ quên đi những nỗi buồn ấy. Trước trận chung kết đêm nay, người ta lại nhắc về Luis Figo và quá khứ đau buồn của Euro 2000, nhưng anh không bận tâm và hẳn Ronaldo cũng vậy.
 
18 thất bại trước người Pháp sau 24 lần đối đầu, con số đó sẽ chẳng thể làm đoàn quân của Fernando Santos chùn bước, bởi lẽ họ đã phải chịu quá nhiều những lời dị nghị từ đầu giải rồi. Trong một giải đấu mà Italia vượt qua Tây Ban Nha sau 22 năm, Đức đả bại Azzurri sau 50 năm chờ đợi còn Pháp vượt qua chính Die Mannschaft sau đằng đẵng 58 năm, chẳng có lý gì để người Bồ không hy vọng vào một chiến thắng trước người Pháp sau 41 năm. Đêm nay ở Stade de France, liệu màu áo bã trầu có vơi bớt nỗi buồn của Figo?
 
FRANK(TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow