Iker Casillas: Khung thành nào cho anh?

Tác giả Frank - Thứ Tư 29/06/2016 15:37(GMT+7)

“Không nên trách De Gea. Tôi nghĩ chúng ta không nên đổ lỗi cho một cá nhân nào cả. Toàn đội phải chịu trách nhiệm chung cho thất bại này”.
 
HLV Del Bosque lên tiếng bảo vệ cậu học trò sau trận thua 1-2 trước Croatia, nhưng điều đó không che giấu được sự thật rằng De Gea đã có một trận đấu quá tệ. Một tình huống giữ bóng bất cẩn để Rakitic dứt điểm chạm xà ngang, và một pha khép góc không kín để Perisic ghi bàn thắng quyết định của trận đấu, thủ thành của Man United dường như bắt đầu bộc lộ điểm yếu về tâm lý. Các CĐV Tây Ban Nha bắt đầu lo cho sự ổn định của chốt chặn cuối cùng, và bất giác họ nhớ tới cảm giác an toàn khi có Iker Casillas trong khung gỗ.

4 năm trước, Tây Ban Nha cũng gặp Croatia trong lượt trận cuối cùng để giành ngôi nhất bảng C. Dưới sự chỉ huy của HLV Slaven Bilic, đội bóng xứ Balkan ào lên tấn công để tìm kiếm một chiến thắng. Luka Modric có pha vẩy má ngoài cực đẹp để Ivan Rakitic đánh đầu, nhưng Thánh Iker đã phản xạ cực nhanh. Mario Mandzukic kiến tạo rất thoáng cho Ivan Perisic dứt điểm, nhưng một lần nữa thủ môn của La Roja là người giành chiến thắng. Và cứ thế, Casillas khiến cho những chân sút của Croatia phải nản lòng, còn Tây Ban Nha giành chiến thắng 1-0 và giành ngôi nhất bảng.

Đó chỉ là một trong những khoảnh khắc mà Casillas in dấu trong suốt hơn một thập kỷ anh gắn bó với màu áo vàng đỏ. Kể từ trận đấu ở vòng 1/8 World Cup với Ireland, trận đấu mà Casillas tỏa sáng trên loạt đấu súng với 2 pha cản phá, các CĐV của La Furia Roja biết họ có thể đặt niềm tin tuyệt đối ở anh. Người ta phong “Thánh” cho Iker sau trận đấu đó như một đức tin không thể chuyển dời, và đáp lại, anh cũng đã bao lần cứu thua cho Tây Ban Nha. 
Một thánh Iker xuất sắc trước Croatia
Euro 2004, Casillas thi đấu tuyệt hay ở vòng loại khi chỉ để thủng lưới 4 bàn. World Cup 2006, anh cũng chỉ phải vào lưới nhặt bóng đúng 1 lần duy nhất sau 3 trận vòng bảng. Đó đều là những giải đấu mà Tây Ban Nha phải về nước sớm với nỗi thất vọng cùng cực của người hâm mộ, nhưng họ chưa bao giờ phải thất vọng vì người gác đền của mình. Florentino Perez có thể ra rả mỗi mùa hè về việc mang Gianluigi Buffon về Santiago Bernabeu, nhưng với các CĐV Tây Ban Nha, họ chưa bao giờ mất niềm tin vào Iker. Niềm tin son sắt ấy được cụ thể hóa bằng chiếc băng đội trưởng mà anh tiếp quản từ Raul Gonzalez, mở ra một kỷ nguyên huy hoàng của Tây Ban Nha. Fernando Torres có thể là người hùng ở Euro 2008, Andres Iniesta có thể là ngôi sao ở World Cup 2010, nhưng Iker Casillas mới đích thực là người không thể thay thế trong đội hình của những nhà vô địch.

Nhưng rồi thời gian cũng bào mòn và đánh gục tất cả, kể cả là người giỏi nhất. Màn trình diễn tệ hại của Casillas ở World Cup 2014 nhắc cho người ta nhớ rằng anh không còn dẻo dai ở cái tuổi 33 nữa, và rồi cuộc chia tay đẫm nước mắt với Real Madrid giống như lời kết cho kỷ nguyên của Thánh Iker. Vicente Del Bosque có lý khi chọn David De Gea cho vị trí người gác đền của Tây Ban Nha. Thủ thành của Man United vừa trải qua một mùa giải chói sáng để giúp Quỷ đỏ có danh hiệu đầu tiên thời hậu Sir Alex Ferguson, còn Casillas, anh có gì khác ngoài việc trở thành thủ môn để thủng lưới nhiều bàn nhất trong một mùa của Porto? Nhưng nếu như Del Bosque quyết định bằng lý trí thì người hâm mộ lựa chọn bằng con tim. Họ vẫn còn nhớ sự chắc chắn khi có Casillas trong khung thành, khi De Gea đột nhiên trở nên lóng ngóng, và khi Tây Ban Nha gặp lại đối thủ nhiều duyên nợ: Italia.
Casillas đã có một mùa giải không mấy thành công tại Porto
Cú nước rút thần sầu và pha chích mũi giày của Torres ở trận chung kết Euro 2008 đã chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài 44 năm của Tây Ban Nha. Nhưng khoảnh khắc đó có lẽ sẽ không bao giờ đến nếu như Iker Casillas không tỏa sáng trong trận tứ kết với Italia. Trước kỳ Euro trên đất Áo và Thụy Sỹ, người Tây Ban Nha chưa bao giờ vượt qua được đối thủ ở bên kia bờ Địa Trung Hải trong các giải đấu lớn. Nhưng lần này mọi chuyện đã khác khi đội bóng xứ Flamenco có một nhân vật kiệt xuất trong khung gỗ. Camoranesi sút cận thành, Iker dùng chân cản phá, Di Natale đánh đầu, anh bay người không tưởng. Người Tây Ban Nha như chết đi sống lại sau những pha cản phá của Casillas, để rồi anh lại tỏa sáng trong loạt luân lưu với 2 pha cản phá thành công. Khi De Rossi và Di Natale lần lượt phải cúi đầu trước Iker, người ta tưởng như hình ảnh tại sân Suwon trước đó 6 năm đang được tái hiện lại, khi anh khuất phục Ireland và trở thành Thánh trong mắt người hâm mộ.

Bốn năm sau, khi định mệnh đưa Bò Tót và Thiên thanh chạm trán không những một mà hai lần nữa, Iker Casillas vẫn đứng vững như bàn thạch để giúp đội nhà bảo vệ thành công ngôi vô địch. Nhưng vai trò của anh thậm chí còn vượt ra ngoài khung gỗ và len lỏi cả vào trong phòng thay đồ. Người ta đã từng phát sốt lên khi Casillas dám cả gan chống lệnh HLV Mourinho và nhắn tin hòa giải với Xavi sau trận El Clasico năm 2011. Đó là thời điểm mà nội bộ ĐT Tây Ban Nha đang rạn nứt nghiêm trọng vì những hiềm khích giữa Real và Barca, và chỉ có sự dũng cảm của Casillas mới khiến đội quân của Vicente Del Bosque trở lại thành một khối. Lòng dũng cảm đó khiến anh mất suất đá chính ở Real, nhưng bù lại nó giúp Tây Ban Nha băng băng trên con đường bảo vệ ngôi vương trên đất Ba Lan và Ukraine. Người ta có thể nhớ tới Iniesta, Silva hay Torres sau trận chung kết Euro 2012, nhưng họ phải thầm cảm ơn Casillas vì một tập thể gắn kết tới nhường ấy.

Đất nước Tây Ban Nha nhớ Casillas, nhưng có lẽ họ không phải là những người duy nhất. Đối thủ của La Roja ở bên kia chiến tuyến hẳn cũng có chút luyến tiếc khi không còn thấy hình bóng ấy trong khung thành trong trận chiến đêm nay. Lạ kỳ, người Ý muốn gặp lại kẻ đã khiến họ phải ôm hận trong hai kỳ Euro liên tiếp? Không hẳn thế, nhưng họ trân trọng những gì Casillas đã làm được cho Tây Ban Nha, và phần nào đó là cả Italia nữa. Phút 90 trận chung kết Euro 2012, trong khi tất cả các khán giả còn đang sung sướng với bàn thắng thứ tư của Juan Mata, Casillas bước tới đường biên và nói với trọng tài biên: “Này ông trọng tài. Nên tôn trọng đối thủ một chút chứ nhỉ, tôn trọng Italia ấy. Tỷ số đã là 4-0 rồi mà.”
Chiếc cup vinh quang đã từng được Casillas và các đồng đội nâng trên tay
Đúng thế, Casillas đang xin các trọng tài kết thúc trận đấu sớm, để không làm trái tim những người Italia rỉ máu hơn nữa. Nếu như không có một máy quay ở góc sân khấu ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện đó, sẽ chẳng ai biết tới những gì mà Casillas đã làm. Số phận của những thủ môn là như vậy, họ luôn thầm lặng cống hiến sau những chiến thắng của đội nhà mà hiếm khi được nhớ tới như những người đồng đội phía trên. 

Tại sao thủ môn mang áo số 1? 

Vì họ khác biệt với phần còn lại, từ trang phục cho tới nhiệm vụ. Các tiền đạo mang lại niềm vui cho người xem bằng những bàn thắng, còn nhiệm vụ của thủ môn là ngăn niềm sung sướng đó diễn ra. 

Và vì họ là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi đội nhà gặp thất bại. Casillas đã phải chịu rất nhiều chỉ trích sau màn trình diễn tệ hại của Tây Ban Nha ở World Cup, để rồi giờ đây anh trở thành một kép phụ ở đội tuyển. 
David De Gea - sự thay thể hoàn hảo cho Casillas?
Sau 14 năm, lần đầu tiên khung thành của La Roja vắng đi hình bóng quen thuộc. David De Gea là tương lai của Tây Ban Nha, và có lẽ tất cả nên rộng lượng để cho thủ thành trẻ tuổi có thời gian để hoàn thiện mình. Nhưng với những người trót yêu mến Casillas, họ sẽ vẫn cảm thấy xót xa khi nhìn anh ngồi trên băng ghế dự bị. 

Đêm nay, Tây Ban Nha sẽ gặp lại Italia như một mối duyên trời định, và trong những kỷ niệm mà người ta nhắc về cuộc đối đầu này, chắc chắn Casillas vẫn sẽ được nhắc tới như một chứng nhân lịch sử. Anh vẫn ở đây, vẫn có mặt trên đất Pháp để chứng kiến một cuộc tái ngộ nữa, chỉ tiếc rằng anh đã không còn là nhân vật chính nữa rồi. Khoảng cách giữa băng ghế dự bị và khung thành thật ngắn mà cũng thật dài. 

Hôm nay, Casillas sẽ lại ngồi ở băng ghế dự bị đó, hướng về nơi De Gea đang bay nhảy và tự nhủ: Giờ thì khung thành nào cho anh?

► Xem thêm tin tức bóng đá Tây Ban Nha và lịch thi đấu Tây Ban Nha mới nhất.

FRANK (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại sao World Cup chỉ nên diễn ra theo chu kỳ 4 năm/lần?

Ý tưởng rút ngắn chu kỳ tổ chức World Cup xuống còn 2 năm/lần đang được FIFA đề xuất và kêu gọi ủng hộ mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng vấp phải rất nhiều tranh cãi và phản đối vì nhiều lý do khác nhau. Video sau đây sẽ giải thích tại sao giải đấu bóng đá danh giá nhất thế giới này vẫn chỉ nên giữ nguyên tần suất như trong lịch sử từ trước tới giờ.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Từ Fatima đến Paris: Cuối cùng thì Đức Mẹ đã mỉm cười với người Bồ

Trải qua 120 phút so tài nghẹt thở trên sân Stade de France, cuối cùng thì chặng hành trình kỳ diệu và hoang đường nhất của thầy trò HLV Fernando Santos tại VCK EURO 2016 mùa Hè năm nay đã khép lại một cách mỹ mãn. Ngay trên mảnh đất Pháp đầy mộng mơ và lãng mạn, một tập thể bao gồm những con người Bồ Đào Nha bình dị đã viết nên câu chuyện lịch sử cho riêng mình.

Paul Pogba: Khi Bạch tuộc Paul thỏa sức tung hoành

Trong một cuộc phỏng vấn với ESPN, Paul Pogba chia sẻ “Ronaldo, Ronaldinho, Messi và những người khác nữa, tôi không nói quá. Nhưng tôi muốn hội tụ những gì hay nhất của họ ở trong tôi.” Câu nói đầy ngạo nghễ của chàng trai này có đáng nhận gạch từ dư luận không?

Ronaldo: Mười hai năm cho trái ngọt tại Stade de France?

12 năm là quãng thời gian không hề ngắn trong cuộc đời một con người. 12 năm đủ để làm người ta quên cả tên của một người bạn cũ, ngần ấy thời gian cũng có thể biến một gã trai trẻ thành một người đàn ông trưởng thành đầy bản lĩnh. Nhưng 12 năm thật khó để khiến người ta quên đi được vị đắng của những giọt nước mắt sau lần thất bại đầu đời…

Hugo Lloris - Đôi tay của huyền thoại

Cuối cùng thì người Pháp chỉ còn cách một bước chân nữa để đến với thiên đường. Thiên đường tuyệt đẹp mà đã 16 năm qua họ mòn mỏi đợi chờ. Nấc thang lên ấy thật huy hoàng với những trận chiến cam go và đầy khó khăn. Từng nấc đi lên là một lần những cái tên khác nhau được tôn vinh. Nào Payet, nào Kante, nào Pogba, nào Griezmann, và kể cả huấn luyện viên Deschamps cũng đã được nhắc đến. Thế nhưng thật thiếu sót khi lại bỏ sót đi một người, người đã giữ cho những bậc thang đó không bị tổn thương từ

Antoine Griezmann – Ác mộng của người Đức

Trước khi bước vào Euro, người Pháp đã hy vọng rất nhiều vào sự toả sáng của Paul Pogba sẽ giúp họ hiện thực hoá giấc mơ vàng trên sân nhà. Nhưng khi Euro chỉ còn một trận đấu cuối cùng quyết định ngôi vương, Antoine Griezmann mới chính là ngôi sao mà họ tìm kiếm.

Die Mannschaft - Cỗ xe tăng đang rộng đường tiến bước?

Đêm nay, Euro 2016 sẽ diễn ra trận đấu được giới mộ điệu rất mong chờ, trận bán kết giữa chủ nhà Pháp và đội bóng được đánh giá là manh nhất giải đấu năm nay, đội tuyển Đức. Trong khi Pháp có trận thắng tưng bừng và có thể nói là tốn không quá nhiều sức lực thì Đức lại phải trải qua một cuộc chiến căng thẳng và kịch tính tới hơn 120 phút với đội tuyển Italia tại vòng Tứ kết. Trận đấu đã cho thấy sức mạnh của đội tuyển Đức từ huấn luyện viên cho tới các cầu thủ trên sân. Tuy nhiên, việc đối đầu m