Daniel Nivel là một cựu cảnh sát Pháp 61 tuổi và sống tại Lens. Sự nghiệp của ông lẽ ra đã trôi qua một cách bình thường nếu như không xảy ra vụ tấn công ngay trước trận Đức – Nam Tư ở vòng chung kết World Cup 1998. Trong lúc làm nhiệm vụ, ông bị 4 hooligans tấn công và hậu quả là Nivel bị hôn mê nhiều tuần lễ, khi trở lại hoàn toàn không còn khả năng hồi phục như trước.
Những kẻ tấn công đã bị pháp luật trừng trị bằng những mức án từ 3 năm rưỡi đến 10 năm tù, nhưng Nivel vĩnh viễn không thể quay lại với công việc cảnh sát yêu thích. 2 năm sau vụ tấn công, liên đoàn bóng đá Đức DFB thành lập quĩ Daniel Nivel để điều tra và ngăn chặn bạo lực trong bóng đá, tất nhiên là còn để hỗ trợ những nạn nhân giống như Nivel.
|
Daniel Nivel bị Hooligans đánh trọng thương năm 1998 |
18 năm sau vụ tấn công Nivel rúng động thế giới bóng đá, Pháp lại đứng ra đăng cai một giải đấu tầm châu lục. Sau sự kiện khủng bố tấn công Paris năm ngoái tưởng như đó sẽ là mối lo lớn nhất của BTC, hoá ra chính những cổ động viên quá khích mới là tai hoạ thật sự cho bóng đá!
HOOLIGANS - HỌ LÀ AI?
Xung đột giữa những cổ động viên có từ bao giờ thì không ai biết rõ, nhưng vua Edward II của Anh từng ra lệnh cấm bóng đá vì e ngại những bạo lực diễn ra trước và sau trận đấu sẽ là mồi lửa cho những kẻ mưu phản lợi dụng. Đó là năm 1314, tức 700 năm trước bóng đá đã phải sống chung với bạo lực. Nhưng đó là thời đại mà chúng ta khó thể kiểm chứng được.Trước khi luật bóng đá đầu tiên chính thức ra đời năm 1848, hooligans được coi là chưa xuất hiện vì các trận bóng thời đó chỉ diễn ra giữa các sinh viên của trường đại học. Đến năm 1880 khi bóng đá có những bước phát triển đầu tiên thì bạo lực sân cỏ cũng xuất hiện. Hơn thế đối tượng của bạo lực không chỉ còn là các cổ động viên đối địch mà có cả trọng tài và cầu thủ. Trong hai cuộc thế chiến, vấn nạn này tạm lắng xuống, mãi đến những năm 1950-1960, nạn hooligans bắt đầu bùng phát trở lại thu hút rất nhiều thanh niên trẻ tham gia. Việc này được lí giải thế hệ sau chiến tranh đứng trước thời kinh tế mở cửa, cuộc sống ổn định nhưng không có nền tảng tư tưởng vững chắc tham gia vào các hội nhóm đặc biệt là các băng đảng hooligans.
Đến những năm 1980, nạn hooligans lên đến đỉnh điểm và là thời kì đen tối nhất của bóng đá hiện đại. Bạo lực tràn lan trên khắp thế giới với mọi cấp độ thi đấu. Sau giai đoạn này, hooligans có những thay đổi nhất định do sự phát triển của công nghệ cao và bóng đá ngày càng bị thương mại hoá. Các cổ động viên ngày càng cảm thấy bị đối xử như những khách hàng và liên kết tự phát với nhau thành những hội nhóm hoạt động độc lập xa rời tinh thần thể thao.Hooligans dù xuất phát từ sự cuồng nhiệt bóng đá nhưng nay trở thành mối hoạ lớn nhất của môn thể thao vua. Những cổ động viên bình thường cần phải được cảm thấy an toàn khi đến sân thưởng thức một trận đấu, thay vì nơm nớp lo sợ trở thành nạn nhân của những nhóm hooligans đối địch.
HOOLIGANS NGA NGUY HIỂM NHẤT THẾ GIỚI?
Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, nước Nga đứng trước rất nhiều vấn đề chính trị xã hội, một trong số đó việc vùng lãnh thổ đấu tranh đòi quyền tự trị, trong số đó vùng Bắc Caucasia với cộng hoà Chechnya, Dagestan và Bắc Osetia trở thành điểm nóng nhất ở đất nước Bạch Dương. Chính phủ Nga một mặt bác bỏ quyền ly khai, mặt khác cố gắng kéo người dân về gần hơn với Moscow. Một trong những hoạt động được Nga chú trọng là thể thao, nhất là bóng đá.
Dù vậy việc những đội bóng Terek Grozny, Anzhi Makhachkala và Spartak Nalchik tranh tài tại Russia Premier League trở thành cái gai trong mắt những cổ động viên cực đoan chủ nghĩa dân tộc. Họ cảm thấy đây là những đội bóng ngoại bang vốn không hề thuộc về nước Nga, còn có lịch sử dài đấu tranh chống lại người Nga để đòi quyền ly khai. Những trận đấu giữa các đội vùng Bắc Caucasia với phần còn lại nước Nga được đánh giá có mức độ nguy hiểm rất cao với cả cầu thủ lẫn cổ động viên.
Năm 2010, một sự kiện khủng hoảng diễn ra làm rúng động nước Nga. Cổ động viên Spartak Moscow Egor Sviridov bị bắn chết khi ẩu đả với những người Chechnya nhập cư ở trạm xe lửa thuộc Moscow. Đáng nói là nguyên nhân cuộc ẩu đả chỉ vì nhóm Sviridov nghĩ rằng những người Chechnya đi ngang qua đang cười trêu chọc mình.
|
Làn sóng Hooligans ở Nga năm 2010 |
Mọi việc tưởng như không có gì liên quan đến bóng đá nhưng sau khi cho rằng cảnh sát cố tình bao che cho hung thủ, hơn 10.000 thanh niên thuộc các nhóm cổ động viên xuống đường ở gần Quảng Trường Đỏ để biểu tình phản đối cảnh sát điều tra. Đó là lần đầu tiên người Nga thấy những cổ động viên của ba câu lạc bộ thủ đô là Lokomotiv, CSKA và Spartak đồng lòng với nhau. Họ hô vang những khẩu hiệu “nước Nga là của người Nga”, “Moscow là của Moscow”, đòi tống khứ những người đến từ Bắc Caucasia ra khỏi đất nước.
Kết quả của sự kiện ầm ĩ này chính phủ Nga phải xuống nước hứa điều tra lại vụ án. Nhưng các đội còn lại vẫn kiên quyết tẩy chay những trận đấu có mặt của những đội bóng “ngoại”. Đã 6 năm trôi qua và các cổ động viên quá khích rằng chính phủ hoàn toàn phải e ngại trước sức mạnh quá lớn của họ. Có thể nói hooligans Nga không hề giống bất kì nhóm hooligans nào trên thế giới từng có, mang xu hướng chính trị cực đoạn và cũng manh động bậc nhất!
VỤ ĐỤNG ĐỘ Ở MARSEILLE
Trên thực tế Marseille là địa điểm quen thuộc với những hooligans Anh khi cách đây 18 năm họ đã đụng độ với dân địa phương trong khuôn khổ World Cup 1998. Trận Anh – Nga vì thế được các cơ quan an ninh Marseille đặc biệt chú ý, bao gồm cả sự mới nổi lên của hooligans Nga gần đây. Nhưng trong khi các hooligans máu mặt nhất của Anh bị cấm sang Pháp dịp này thì việc đi lại của những hooligans Nga không hề bị cấm cản.
Sáng 10-06, vụ đụng độ đầu tiên xảy ra giữa các cổ động viên Anh với dân địa phương và cảnh sát Marseille. Họ khiêu khích những thanh niên địa phương có nguồn gốc Bắc Phi, hô vang những bài hát chế nhạo khủng bố IS và còn chọc tức người Nga bằng các bài hát về tay vợt nữ Maria Sharapova và tổng thống Vladimir Putin. Cảnh sát đã phải giải tán đám đông bằng vòi rồng và hơi cay, có một số cổ động viên bị bắt và đó chỉ như màn khởi động cho sự kiện ngày hôm sau.
Ngày 11-06, hooligans Anh và Nga liên tiếp đụng độ nhiều lần tại các địa điểm thuộc Cours Estienne-D’Orves gần Old Port. Đáng nói khi cảnh sát đến nơi tất cả hooligans Nga đều đã biến mất, chỉ còn lại người Anh. Nhân chứng kể lại các hooligan Nga ăn mặc như dân địa phương, một số mặc áo khoác đen và đeo mặt nạ, đến tấn công chớp nhoáng bằng tay không rồi biến mất ngay.
|
Cảnh tượng kinh hoàng do nhóm Hooligans Anh và Nga gây nên |
Cuối ngày sau trận Anh – Nga tại sân Stade Vélodrome kết thúc, các hooligans Nga leo qua hàng rào trên khán đài để tấn công những cổ động viên Anh. Họ nhắm vào cả những cổ động viên người Anh bình thường chứ không chỉ là nhóm hooligans đối địch.
Theo những điều tra ban đầu, phía Marseille cho rằng ngoài một nhóm hooligan Anh, đứng đằng sau tất cả vụ lộn xộn là khoảng 150 hooligans Nga “có tổ chức”, ít trang bị nhưng rất bạo lực và thực tế là muốn dằn mặt các nhóm hooligans Anh để nổi tiếng.“Người Anh luôn nói họ mới là hooligans của bóng đá. Chúng tôi đến đây để cho họ thấy họ chỉ là những cô gái ẻo lả. Đối với chúng tôi chiến đấu giống như chơi thể thao vậy. Dùng vũ khí hay vật dụng rất dễ gây tai hoạ. Chúng tôi không có nhu cầu giết chóc hay làm tổn thương ai. Chúng tôi đánh nhau để thể hiện sức mạnh.” – Vladimir, một người đàn ông có 2 con, vừa trở Nga sau khi đánh nhau ở Pháp nói với kênh thông tấn AFP.
Vụ đụng độ ở ở Marseilles là mở đầu cho chuỗi những ngày bạo lực nổ ra trên khắp đất Pháp trong những ngày này. Dù vẫn có ý kiến cho rằng các phương tiện truyền thông đang làm quá lên sự thật, nhưng rõ ràng công tác an ninh của nước chủ nhà hiện đang bị phân tán rất nhiều vì những vụ việc này. Ai cũng biết mối lo chính của Pháp và cả châu Âu lúc này là khủng bố, lúc này khủng bố và Euro cũng phải dẹp sang một bên để nhường mặt báo lại cho những vụ đụng độ…
|
Hooligans vẫn luôn là một nỗi đau ám ảnh |
Bạo lực ở Pháp vẫn còn có thể kiểm soát, nhưng chỉ hai năm nữa thôi Nga sẽ là nước chủ nhà World Cup 2018. Các cổ động viên bóng đá chân chính liệu có cảm thấy an toàn trên đất Nga để thưởng thức World Cup trọn vẹn. Dễ nhìn thấy nước Nga giống như một tử địa khổng lồ với cổ động viên sau hai năm nữa nếu tình trạng này không thay đổi.Rạng sáng hôm sau khi Nga thúc thủ trước Slovakia, hẹp dần cơ hội vào vòng sau thì các cổ động viên Anh đổ ra đường và hô vang các khẩu hiệu thách thức: “F*** nước Nga, thành phố này là của chúng tao!”. Cảnh sát Anh cũng đã có mặt tại Pháp để bảo vệ các cổ động viên. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong những ngày tới, trả thù bằng bạo lực leo thang?
Trước khi hooligans Nga nổi lên vài năm gần đây, hooligans của Slovakia cũng nổi tiếng vì hành vi bạo lực của mình. Họ vẫn chưa lộ diện trong khi Anh còn phải gặp Slovakia ở trận đấu cuối cùng của bảng C…
***
Viên cựu cảnh sát Pháp Daniel Nivel được DFB đã mời dự khán trận đấu giữa Đức và Ukraine như một lời xin lỗi dành cho những gì đã xảy ra với ông tại World Cup 1998. Nhưng ngay trước khi trận đấu diễn ra, các hooligans Đức lại tấn công cổ động viên Ukraine tại khu vui chơi Grand Place.
Sau 18 năm, hooligans – nỗi đau của bóng đá vẫn tiếp diễn!
LUKASZ (TTVN)