Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon hay cái kết đẹp của Francesco Totti ở ĐTQG. Nhưng trong ánh hào quang của người Ý 10 năm trước, có một người đã chấp nhận sống trong bóng tối, một đứa con hoang của màu áo Thiên thanh: Marco Materazzi.
Nhắc tới Materazzi và World Cup 2006, người ta sẽ nhớ tới những gì? Phải rồi, phút 110 oan nghiệt trong trận chung kết, khi gã tài tình lừa Zidane vào tròng bằng những lời xúc phạm đầy ghê tởm của mình.
“Tao nghĩ chị mày là một con đ* không hơn”, Materazzi xỉa xói.
“Tôi cố gắng bỏ ngoài tai nhưng hắn cứ nhắc đi nhắc lại. Cho tới lần thứ ba thì tôi quyết định rằng mình phải hành động”, Zidane kể lại.
“Quả là một quyết định khó khăn khi phải đuổi cậu ta (Zidane) ra khỏi sân, nhưng đó là một quyết định hoàn toàn chính xác”, trọng tài Horacio Elizondo hồi tưởng.
Không một ai có thể quên những hình ảnh đó, cũng như cái cách mà người ta trút cơn giận dữ lên đầu Materazzi sau khi trận đấu kết thúc. “Đồ cặn bã”, “thứ phản bóng đá”, “thằng phân biệt chủng tộc”, “đồ quỷ dữ”,… Đó chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều những lời lẽ miệt thị mà dư luận đã nhắm vào trung vệ của đội tuyển Italia sau cú “thiết đầu công” của Zidane. Sự thật quá rõ ràng, Materazzi đã có những lời lẽ khiếm nhã về chị gái của Zidane, đồng thời xúc phạm nguồn gốc Algeria của đội trưởng Les Bleus. Người Pháp nuối tiếc cho cái kết dang dở trong sự nghiệp của Zizou bao nhiêu thì càng căm phẫn với Matrix bấy nhiêu. Khoảnh khắc khi Materazzi dìm Zidane xuống vực sâu, y như cái cách mà Joker biến Harvey Dent trở thành một kẻ phản diện, gã đã thực sự trở thành một tên khốn bậc nhất trong giới túc cầu giáo!
|
Cú húc đầu của Zidane với Materazzi |
Vậy đó là tất cả những gì người ta nhớ về Materazzi ở World Cup 2006 ư? Không hẳn thế. Trước khi phán xét bất cứ điều gì, hãy cứ nghe Raymond Domenech, HLV của ĐT Pháp lúc bấy giờ phát biểu sau trận chung kết: “Chính Materazzi mới là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu này chứ không phải là Pirlo. Anh ta ghi một bàn thắng và khiến Zidane phải rời sân.”
Thế đấy, người ta mải mê chỉ trích Matrix nhiều tới nỗi quên bẵng mất những gì gã đã làm được cho Azzurri. Đêm chung kết ở Berlin là show diễn riêng của Materazzi. Chính gã là nạn nhân trong một quyết định sai lầm của trọng tài Elizondo, khi ông cho tuyển Pháp hưởng một quả phạt đền sau pha ngã vờ của Florent Malouda. Nhưng cũng chính gã là người đã gỡ hòa cho Italia sau một pha bật cao đánh đầu, để rồi sau đó gã cảm ơn Chúa vì đã cho mình cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Materazzi nói những lời khiêu khích với Zinedine Zidane.
Hãy cứ nhớ lại xem chàng hói đã thi đấu thăng hoa như thế nào kể từ khi trở lại ĐTQG. Ở cái tuổi 34, Zidane kiến tạo cho Viera và tự tay kết liễu một Tây Ban Nha hủy diệt ở vòng bảng. Sau đó, anh biến Ronaldo, Ronaldinho hay Kaka trở thành những gã hề trong trận thắng Brazil ở tứ kết. Tới trận bán kết, cũng chính đội trưởng của Les Bleus là người thực hiện thành công cú sút phạt đền để tiễn Bồ Đào Nha về nước. Italia đã từng chế ngự được Zidane trong trận chung kết Euro 2000, nhưng đó là khi họ vẫn còn đầy đủ cả Maldini, Nesta và Iuliano, những người sẵn sàng chơi lăn xả khi cần thiết. Giờ đây bóng ma 6 năm trước lại hiện về rõ nét hơn bao giờ hết khi Zidane lắc đầu lái bóng về phía khung thành của Buffon.
|
Zidane bị đuổi, tuyển Pháp tuột mất cơ hội dứt điểm trận đấu |
Cũng chính vào lúc đó, Materazzi xuất hiện và làm điều mà gã cần phải làm để cứu đội bóng của mình. Người ta bảo những lời nói của Matrix là một chiến thuật đã có tính toán trước của “Cáo già” Marcello Lippi hòng ngăn chặn đầu tàu của tuyển Pháp. Italia đã sức cùng lực kiệt sau 2 trận liên tiếp phải bước vào hiệp phụ, họ cần một bước ngoặt để tránh khỏi vết xe đổ ở Euro 2000. Và còn ai khác ngoài Materazzi, một gã từng sút vào chỗ hiểm của Andriy Shevchenko, triệt hạ cả Zlatan Ibrahimovic và dọa bẻ giò Philippe Coutinho để làm công việc bị cho là “nhơ bẩn” ấy?
Một cái đầu mưu mẹo, Matrix hẳn đã nghiên cứu đủ nhiều về Zidane để biết rằng anh đã từng thẳng tay đấm một người bạn vì dám động tới dòng máu Algeria của mình. Gã nhấn vào nỗi đau đó, Zidane bị đuổi, tuyển Pháp tuột mất cơ hội dứt điểm trận đấu và thậm chí tâm lý còn bị ảnh hưởng trong loạt luân lưu. Sẽ chẳng có tấm mề đay nào cho sự hy sinh của Materazzi, nhưng bù lại người Ý đã có chiếc cúp vàng thứ 4 trong lịch sử.
Italia vẫn thường được biết đến với sự hòa trộn của cái thiện và cái ác. Napoli khiến người ta ngất ngây với vẻ đẹp của biển Địa Trung Hải, nhưng nó cũng là nơi trú ngụ của những tên camorra (thuật ngữ chỉ mafia) khét tiếng; chiếc cầu Than Thở ở Venice từng là đường tới pháp trường của tù nhân, nhưng nếu đôi tình nhân nào hôn nhau khi đi thuyền dưới chiếc cầu ấy sẽ hưởng hạnh phúc trọn đời. Và trong những ngày hè oi ả trên đất Đức, Chúa có lẽ cũng đã phái xuống những đại diện của cái Thiện và Ác để Italia hoàn tất sứ mệnh 12 năm của mình. Fabio Grosso sẽ được nhớ tới như một Thiên thần với quả phạt đền quý như vàng ở trận đấu với Australia, với đường cong tuyệt mỹ trong trận bán kết với người Đức hay cú dứt điểm quyết định đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Còn với Materazzi, gã sẽ là Ác quỷ để gánh vác tất cả những điều xấu xa tội lỗi. Định mệnh đã sắp đặt để gã thay thế Nesta trong giải đấu lớn cuối cùng trong màu áo Thiên thanh, để gã trở thành một tên khốn cần thiết của người Ý.
|
Matrix đã ghi bàn vào lưới CH Séc để giúp Italia đoạt ngôi đầu bảng E |
Người ta sẽ chẳng bao giờ nhớ Matrix đã ghi bàn vào lưới CH Séc để giúp Italia đoạt ngôi đầu bảng E như thế nào, hay gã đã trở lại ấn tượng sau án treo giò để khiến chủ nhà Đức im tiếng ra sao. Họ sẽ chỉ nhớ về một gã đã khiến sự nghiệp vĩ đại của Zidane kết thúc trong dang dở mà thôi. Zizou đã từng bị đồng đội khiển trách và tờ L’equipe thậm chí còn coi anh là một tấm gương xấu sau cú húc đầu lịch sử, nhưng cuối cùng người Pháp vẫn yêu mến anh. 61% người dân nói họ sẵn sàng tha thứ cho Zizou, 51% nói rằng họ cảm thông cho hành động khiếm nhã đó. Người dân đã tha thứ ngay khi Zidane trở về sau cái đêm Berlin đáng quên ấy, khi họ gọi vang tên anh ở quảng trường Concorde.
Còn với Materazzi, gã vẫn cứ mang tiếng xấu muôn thuở sau khi lĩnh trọn cú húc đầu của đối thủ. Chẳng sao cả, bởi rốt cục Italia cũng đã có được niềm vui chiến thắng. Người ta có thể nhắc tới Zidane bất cứ khi nào, có thể tung hô Pirlo, Buffon hay Cannavaro trong cả tá những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp. Nhưng vào cái ngày 9/7, ngày Azzurri giành chức vô địch thế giới khi đang nằm trong tâm bão Calciopoli, người ta sẽ phải nhắc tới Marco Materazzi. Gã không phải là một người hùng, càng không phải là một hình mẫu để những trung vệ trẻ noi theo. Nhưng gã sẽ luôn là một mảnh ghép thầm lặng trong ngôi sao thứ tư mà các cầu thủ Ý gắn lên ngực trái, một đứa con hoang của màu áo Thiên thanh.
FRANK(TTVN)